(*) Đây là bài viết trên blog Lê Mai ngày 27/01/ 2013 Bách Việt mạn phép đăng lại để tham khảo, không nhất thiết phản ánh quan điểm của ai cả.
Thăng yên hạ mã bách thiên nan
Quốc thế như kim thực vị an
Nùng mạt, đạm trang, nhân tính cựu
Nguyên nhung bát thập bất tri nhàn
(Lên yên xuống ngựa khó muôn vàn
Thế nước hôm nay thực chửa an
Đậm, nhạt, mau, thưa người nếp cũ
Tám mươi lão tướng chẳng mong nhàn)
Tôi mở đầu vài cảm nghĩ về cuốn sách “Quyền Bính” (Tập 2 – Bên Thắng Cuộc, Huy Đức) bằng bài thơ của Tào Mạt: “Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ ứng khẩu làm ngay”. Năm
1991 ấy, tướng Giáp tròn 80 tuổi. Sau Đại hội VII ĐCSVN, ông Võ Nguyên
Giáp – một đại công thần của chế độ, chính thức rời khỏi chính trường.
Rồi những cuốn hồi ký nổi tiếng, rất có giá trị sử học của ông liên tiếp
ra đời: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…Nhưng, trong những cuốn hồi ký ấy, ông chỉ nói rất ít về bản thân mình.
Thì đây, “Quyền Bính” có một chương riêng
về tướng Giáp. Tác giả đã cho chúng ta biết một câu nói rợn người đầy
kinh hãi của Lê Đức Thọ qua lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể Lê
Duẩn: “Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may
lắm”. Than ôi! Một ông Đại tướng Tổng tư lệnh, người Anh Cả đầu tiên và
duy nhất của quân đội, đã làm nên biết bao công tích, được thế giới ca
ngợi, đã phạm “tội” gì mà Lê Đức Thọ dám đưa ra một lời kết án tai ác
đến cỡ đó?
Trong Quân ủy Trung ương, ông Thọ chỉ là
Phó Bí thư, cấp dưới của ông Giáp. Ông ta dĩ nhiên không phải là nhà
quân sự chuyên nghiệp. Chiến lược, chiến thuật quân sự, điều quân đánh
đông dẹp bắc là nhờ tài năng của các tướng lĩnh. Thế mà trong chiến dịch
Quảng Trị (không chỉ chiến dịch Quảng Trị), “Lê Đức Thọ không hiểu bằng
con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua
điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc
đánh. Kỳ quặc!”.
Lê Đức Thọ thường gọi ông Trần Bạch Đằng,
một người cộng sản cấp tiến cực kỳ tài hoa, tiếng tăm lẫy lừng là
“thằng trời đánh” – điều cay đắng là ông Đằng không bao giờ được vào
Trung ương, dù có ông Lê Duẩn đỡ đầu. Chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đã
một phen hoảng hốt sau khi bố vợ mất, ông hỏi Đoàn Duy Thành, “Ba cháu
mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không?” (Làm người là khó – Đoàn Duy Thành). Quả thật, quyền bính – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại.
Người làm chính trị, nắm quyền bính, điều
quan trọng nhất là để lại tiếng thơm trong sử sách. Tôi xin lưu ý, một
Giáo sư người Mỹ sau khi nghiên cứu về Mao Trạch Đông đã kết luận, cuộc
đời ông ta làm được 31 việc nhưng có tới 20 việc liên quan đến việc hủy
hoại tinh thần và đạo đức con người!
Quan sát sự vận hành quyền bính tại VN
cho thấy, dường như không ít nhà lãnh đạo cao cấp ghen tỵ với tài năng
và vinh quang của tướng Giáp, họ muốn hạ bệ uy tín cực lớn của ông trong
đảng và dân chúng. Đến như ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thay vì bác
bỏ bản báo cáo sai sự thật của Nguyễn Đức Tâm về vụ Sáu Sứ, ông lại chỉ
đạo điều tra hai ông Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà; thay vì minh oan
cho ông Giáp và ông Trà sau khi biết kết quả điều tra, ông và Bộ Chính
trị lại im lặng “đáng sợ”.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, ông Võ Nguyên
Giáp là điển hình của một tài năng không được phát huy hết trong một xã
hội mà sự vận hành quyền lực tập trung vào tay một số người, lại thiếu
công cụ để khống chế, kiểm soát quyền lực ấy. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn
đến tham nhũng tuyệt đối và quyền lực tuyệt đối cũng sẽ dẫn đến tha hóa
tuyệt đối.
Đúng như tác giả Huy Đức nhận xét, ông
“mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như
Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị
Fontainebleau, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng
đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh
Đảng, Tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành
với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của
ông”.
Thêm một điểm cần lưu ý, đó là ông Võ
Nguyên Giáp đã xử lý mẫu thuẫn “địch – ta” khác hẳn việc xử lý mẫu thuẫn
trong nội bộ nhân dân. Xử lý mẫu thuẫn “địch – ta” là xử lý mâu thuẫn
đối kháng, một mất một còn – chiến tranh là như thế. Song, xử lý mâu
thuẫn trong nội bộ nhân dân thì phải khác. Ông Trần Bạch Đằng từng nói:
“Đành rằng làm chính trị là phải thủ đoạn. Nhưng làm chính trị thì cũng
phải có tình nghĩa, bạn bè chứ”. Chỉ có điều, đối thủ chính trị của các
ông không nghĩ và làm như vậy.
Quyền bính (quyền hành) và quyền lực đều
có điểm chung là quyền định đoạt mọi công việc và sức mạnh để đảm bảo
thực hiện quyền ấy. Quyền lực đồng nghĩa với sức mạnh và như vậy, kẻ
mạnh nắm quyền lực sẽ thống trị và chi phối kẻ yếu. “Quyền Bính” đã làm
nổi bật tư duy và quyền lực của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp VN, của tập
thể, của cả chế độ, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, con người và
tư tưởng; sự vận hành và chi phối của quyền lực, kết quả của việc thực
thi quyền lực. Có thể nói, “Quyền Bính” đã cho chúng ta thấy sự vận hành
quyền lực ảnh hưởng như thế nào đến tương lai đất nước và dân tộc trong
suốt chiều dài lịch sử VN hiện đại.
Anh Doan Tran, một người bạn thân của tôi
ở Hoa Kỳ, rất am hiểu văn hóa và lịch sử VN – người đã gửi tặng tôi ấn
bản điện tử “Quyền Bính” ngay sau khi phát hành, bằng một sự liên tưởng
và tinh tế hiếm có, nhận xét: “Hãy lưu ý hình bìa cuốn sách với chiếc xe
hơi Lada, dây điện, đèn tín hiệu giao thông rồi đọc chi tiết này trong
cuốn sách để thấy sự thú vị:
“Khi nhậm chức, Nguyễn Văn Linh vẫn sử
dụng một chiếc xe hơi hiệu Lada của Liên Xô đã cũ thay vì tiêu chuẩn của
Tổng bí thư phải là “Volga đen” hoặc Toyota. Theo ông Bùi Văn Giao, trợ
lý của Nguyễn Văn Linh: “Ông không biết rằng, để Lada có thể chở Tổng
bí thư, Văn phòng phải gắn thêm máy lạnh. Vì tải thêm máy lạnh mà tuổi
thọ của những chiếc Lada này bị giảm đi rất nhanh, cứ sau một hai năm là
phá luôn giàn máy. Một lần ông Linh đi công tác về tỉnh, chiếc máy lạnh
tự chế phát nổ. May mà khi đó, ông Linh đang ngồi trong phòng họp còn
chiếc xe thì đậu ngoài sân”.
Phải chăng, đưa “cái lạnh” của tư bản vào
“cái nóng” của xã hội chủ nghĩa, nó sẽ “trung hòa” và “bộ máy” sẽ vận
hành tốt hơn? Không phải! Trên thực tế, làm như vậy “bộ máy” bị hỏng
nhanh hơn và tệ hơn nữa – nó phát “nổ” rất nguy hiểm. Không thể “lắp
ghép” một cách tùy tiện, bởi nó không thể tạo ra một sản phẩm hoàn
chỉnh, dù gắn cho nó cái “đầu” hay cái “đuôi” gì đi nữa (“đuôi” định
hướng XHCN chăng – một gợi ý!). Tri thức nhân loại đã kết tinh hàng ngàn
năm, sao người ta không tiến cùng văn minh thời đại, mà lại “sáng tạo”
ra con đường đi mới chưa có tiền lệ trong lịch sử và than ôi, sự “sáng
tạo” đó đã cho kết quả nhãn tiền rồi!
Cũng như “Giải Phóng”, “Quyền Bính” – dù
khách quan đến đâu, chúng ta vẫn nhận thấy tác giả tiếp tục dành cho ông
Võ Văn Kiệt nhiều thiện cảm. Anh Doan Tran cho rằng tác giả dường như
“thần tượng hóa” ông Kiệt – tôi nghĩ nhận xét đó hơi quá. Dù sao, cách
sử dụng quyền lực và việc nắm quyền bính của ông Kiệt được nhiều người
ủng hộ, dù ông Tố Hữu bóng gió: “Sáu Dân muốn làm vua Saigon”.
Ông Võ Văn Kiệt có cách giải quyết mâu
thuẫn về chính trị khá hay. Đã một lần ông nói với người lãnh đạo văn
nghệ: “Ở Sài Gòn nếu đòi hỏi người xứng đáng theo tiêu chuẩn chính trị
để đóng Hai Bà Trưng thì chỉ có Bà Định; đóng Lênin thì chỉ có Bác Tôn
thôi. Các anh cứ mời các vị ấy đóng xem thử có ai đi coi không?”. Lại
một lần khác, khi họp Bộ Chính trị để thông qua việc chọn BHP làm đối
tác thăm dò dầu ở mỏ Đại Hùng, Nguyễn Hà Phan phản đối: “Đồng bào miền
Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu
khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta”. Ông Võ Văn Kiệt
liền đứng dậy: “Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên
chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến
cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có
nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào
đó”.
Đọc “Quyền Bính” và “Giải Phóng”, chúng
ta nhận thấy có một điểm nổi bật nữa là tính tự trọng của nhiều nhà lãnh
đạo cao cấp thời ấy. Họ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Các ông Trường
Chinh từ chức Tổng bí thư, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết
Thắng bị kỷ luật do sai lầm của cải cách ruộng đất. Ông Linh cũng đã
phải một lần ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Kiệt xé rào, đổi mới. Ông Trần
Phương quyết định từ chức sau vụ “giá – lương – tiền” cho dù ông không
phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông Lê Duẩn thấy rằng, sau vụ “giá
– lương – tiền”, Tố Hữu không còn khả năng làm Tổng bí thư, dù đã được
chọn vào hàng ngũ kế cận. Và thực tế, tại Đại hội VI, Tố Hữu thậm chí
không được bầu vào Trung ương.
Phải thừa nhận, thời ấy đa số các nhà
lãnh đạo cao cấp không được đào tạo bài bản, song họ rất có trình độ,
chỉ bằng tự học. Còn gần đây và hiện nay thì sao? Không ít người gần như
“mất trí” vì ham mê quyền bính: dấu bệnh để mong làm Chủ tịch nước, dấu
bệnh để làm Thường trực Ban bí thư, sợ ra khỏi Bộ Chính trị thì chết
không nhắm được mắt…Rồi một Tổng bí thư hai nhiệm kỳ mà Phó Ban Tổ chức
Trung ương nhận xét trình độ chỉ tầm cỡ cán bộ cấp huyện, một Thủ tướng
mà chỉ mới nghe tên thôi, người dân đã lắc đầu ngán ngẩm. Liệu đất nước
có thể phát triển sánh vai với thế giới nếu vấn đề quyền bính được vận
hành như thế?
Rốt cuộc, ai là người có quyền lực nhất? Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler, trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực,
đã phân tích rất sâu sắc về quyền lực. Bạo lực, của cải và tri thức là
ba đỉnh của một tam giác quyền lực. Bạo lực chủ yếu dùng để trừng phạt,
làm người ta khiếp sợ nhưng là nguồn quyền lực ít linh hoạt nhất. Đọc
Bên Thắng Cuộc (“Giải Phóng” và “Quyền Bính”), chúng ta đã rõ nhân vật
nào, thời nào ưa sử dụng nguồn quyền lực bạo lực nhất.
Của cải được dùng vừa trừng phạt lại vừa
ban thưởng và có thể được chuyển thành nhiều nguồn khác, là một công cụ
quyền lực rất uyển chuyển. Đọc Bên Thắng Cuộc cũng như quan sát tình
hình hiện nay, chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng và sử
dụng hết sức “thành công” nguồn quyền lực của cải nhất.
Tuy vậy, tri thức mới là nguồn quyền lực
cơ bản và linh hoạt nhất, vì một người có tri thức có thể tránh được
những thử thách đòi hỏi sử dụng bạo lực hay của cải và có thể thuyết
phục được những người khác để hoàn tất những ý định mình mong ước. Tri
thức tạo ra quyền lực có phẩm chất cao nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng
ta đã rõ nhân vật nào thường sử dụng nguồn quyền lực tri thức nhất. Nếu
nhân vật ấy sử dụng nguồn quyền lực bạo lực, chắc chắn lịch sử VN hiện
đại đã khác rồi.
Và một khi quyền lực được tạo ra từ quyền
mưu hay từ những yếu tố khác thay vì tri thức thì quyền lực đó không
thể bền vững, khiến cho những người nắm quyền lực kiểu đó trở nên đáng
sợ – ngay cả với bạn bè, đồng chí, người thân của họ. Lịch sử hiện đại
VN không thiếu thí dụ minh họa điều này.
“Quyền Bính” – vấn đề muôn thuở trong
lịch sử VN hiện đại. Một xã hội chỉ có thể phát triển tốt khi “quyền
bính” được cân bằng, không bị lũng đoạn hoặc tập trung vào trong tay một
số người – cũng tức là phải tạo ra một tam giác đều quyền lực trong đó
ba đỉnh của nó chính là bạo lực, của cải và tri thức.
Để kết thúc, tôi xin nhìn đôi nét tổng
quát về Bên Thắng Cuộc. Điểm mạnh của “Quyền Bính” cũng như “Giải Phóng”
là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một
nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác
giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư
liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số
báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi
ký và phỏng vấn nhân chứng. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều
sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác
chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc
rằng còn phải thảo luận nhiều. Các Phụ lục cuối mỗi tập sách không có gì
đặc biệt, chưa tương xứng với nội dung phong phú và những vấn đề rất
lớn mà bộ sách đặt ra. Và, tác giả chỉ nêu các sự kiện lịch sử nhưng
không phân tích, không bình luận làm cho bộ sách thiếu hẳn tính “hàn
lâm” – đó không hẳn là một phương pháp tốt nhất?
Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một
công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất
cả ý nghĩa đầy đủ của nó. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta càng hiểu thêm
nhận xét “có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học
viết ra”. Thử hỏi, đến nay, đã có công trình nào phản ánh đầy đủ, trung
thực và hấp dẫn lịch sử VN hiện đại do các nhà sử học VN “nổi tiếng” thể
hiện? Cho nên, chúng ta không đòi hỏi tác giả Bên Thắng Cuộc, song
chúng ta có quyền hy vọng…
Nguồn: BlogLe Mai
--------------
Đọc thì đọc, nhưng mà đọc theo "định hướng" hay "điểm..." lấy được như trên cuả Lê Mai, thì...thôi đi!
Trả lờiXóaChỉ cần đọc phần "luận"về các cụ xưa, có trách nhiệm, có tính "tự trọng...cao", sai thì...từ chức(?). Ai muốn về hay bị bắt phải về? Chứ không phải là lúc đó "cái đầu" còn ngọ ngoậy được, còn chút uy tín, chứ bây giờ cá mè một lứa , trên bảo dưới không nghe. Đúng không?
Mà sao "ca tụng" cái triệt để cuả Võ Đại Tướng trong việc tiêu diệt ĐỐI LẬP như rứa? Chứ không phải vì thiếu đối lập,đa nguyên, rồi "một mình một cỗ", dùng nhân dân làm bung xung...mà đất nước như ngày nay?
Mãi mãi tuổi...Ô Mai !!!