Chàng trai Việt lau dọn vệ sinh trở thành nhà khoa học vệ tinh không gian của Mỹ
Tinh thần hiếu học và phấn đấu vượt khó đã giúp một chàng trai lau
dọn vệ sinh ở khách sạn, rửa bát, dọn bàn ở nhà hàng trở thành một nhà
khoa học về vệ tinh và không gian tại Mỹ với 2 bằng Tiến sĩ, 4 bằng Thạc
sĩ cùng nhiều giải thưởng vinh dự và hơn chục văn bằng sáng chế trong
lĩnh vực vệ tinh, truyền thông di động, và các hệ thống radar.
Trà Mi-VOA | Washington DCore Sharing Services
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến nhận 'Giải thưởng Người Mỹ gốc Á của năm'
vào năm 2000 từ tay Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Pete
Alridge
Tiến
sĩ Nguyễn Mạnh Tiến từng làm việc cho phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực
của NASA, một trong những phòng thí nghiệm quan trọng nhất của cơ quan
không gian Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ông là đại biểu của NASA trong
Ủy ban Tiêu chuẩn Quốc tế chuyên Tư vấn về Hệ thống Dữ kiện, đóng góp
rất nhiều trong lĩnh vực hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, với rất nhiều công
trình nghiên cứu trở thành tiêu chuẩn quốc tế. Ông cũng phát minh ra
phương pháp tính toán tối ưu hóa đường dây tín hiệu từ quả đất lên tới
phi thuyền và từng được Cơ quan Không gian Châu Âu mời cộng tác để ứng
dụng phương pháp đó cho các vệ tinh phóng sâu vào trong không gian. Ông
thuộc nhóm khoa học gia đầu tiên
tham gia vào chương trình dùng máy bay và trực thăng liên lạc truyền
thông với vệ tinh trong không gian tại Mỹ. Rời NASA, ông về cộng tác với
tập đoàn hàng không vũ trụ danh tiếng Aerospace Cooperation, làm ra một
số chương trình vệ tinh tiên tiến. Hiện ông là kỹ sư trưởng, quản lý
một số chương trình của hãng Raytheon, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế
giới chuyên cung cấp các thiết bị điện tử tiên tiến phục vụ công tác
điều khiển và giám sát trong quốc phòng.
Đến
với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến từ tiểu bang
California, Hoa Kỳ, sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện thành công đáng
nể của ông .
Tiến sĩ Tiến:
Tôi qua đây năm 1975 lúc đang học trường Chu Văn An. Tôi vừa xong lớp
12, sắp thi tú tài thì 30/4, tôi chạy qua Mỹ. Thời gian đầu mới tới Mỹ,
tôi cũng giống như mọi người phải bắt đầu cuộc sống mới, học tiếng Anh,
làm những công việc như rửa chén, rửa bát. Tôi làm những việc này được
vài năm thì bắt đầu đi học lại.
Trà Mi: Hồi ở Việt Nam, thành tích học tập của tiến sĩ thế nào?
Tiến sĩ Tiến:
Tôi thường đứng từ hạng 1 tới hạng 10, chứ không phải nhất trường. Tôi
chơi thể thao môn bóng bàn, là vô địch bóng bàn tỉnh Gia Định và vô địch
bóng bàn Hướng đạo sinh toàn quốc.
Trà Mi: Qua Mỹ bắt đầu đi học lại ông bắt đầu từ lớp nào và những khó khăn ban đầu ra sao?
Tiến sĩ Tiến:
Năm đầu tiên tôi vào thẳng đại học luôn. Cũng như các học sinh ngoại
quốc khác tới Mỹ, mình thường giỏi toán nhưng các môn học khác mình nghe
hiểu lờ vờ. Những khó khăn tôi gặp những năm đầu là về ngôn ngữ, phong
tục tạp quán, và những khó khăn về đời sống vừa đi học vừa đi làm. Tôi
học 3 năm thì xong cử nhân. Năm thứ tư tôi lấy bằng cao học rồi học lên
tiến sĩ, lấy bằng tiến sĩ đầu tiên. Tới khi làm việc cho NASA, tôi trở
lại trường, vừa đi học vừa đi làm.
Trà Mi: Đã có bằng tiến sĩ rồi cộng thêm rất nhiều văn bằng khác, động cơ nào thúc đẩy ông tiếp tục đam mê theo đuổi con đường học vấn?
Tiến sĩ Tiến: Đó là vì công việc làm của tôi làm về nghiên cứu.
Trà Mi:Nhìn lại chặng đường đã qua, tiến sĩ có thể hồi tưởng lại một vài khó khăn tiêu biểu nhất trong đời của ông là gì?
Tiến sĩ Tiến:
Chẳng hạn như lúc tôi mới qua Mỹ. Lúc đó chú tôi làm việc trong một
khách sạn ở San Diego. Chú tôi giới thiệu tôi vào làm dọn dẹp vệ sinh
khách sạn. Công việc này bên đây không phân biệt là dọn phòng vệ sinh
nam hay nữ. Lúc đó tôi bảo là đàn ông ai lại vào lau phòng vệ sinh nữ.
Tôi nhất định không vào. Một kỷ niệm khác tôi nhớ mãi là mười mấy năm về
sau này khi làm việc cho NASA, tôi có quay lại khách sạn này trong một
buổi họp quốc tế.
Trà Mi: Mười
mấy năm sau khi trở lại nơi từng làm việc thuở hàn vi trong một vị trí
hoàn toàn khác biệt, một người thành công, cảm giác của tiến sĩ lúc đó
thế nào?
Tiến sĩ Tiến:
Tôi bồi hồi khi quay lại đó, nhìn khung cảnh những căn phòng mình từng
lau chùi. Tôi nhớ hồi xưa làm việc ở khách sạn này, mỗi lần khách cần
mình mang đồ lên cho họ, mình xung phong lắm, với hy vọng kiếm thêm tiền
tip (tiền thưởng công), mà người khách nào chỉ cho mình 5-10 xu, mình
thất vọng lắm. Khi tôi trở lại khách sạn đó, tôi cho tiền những người
làm việc ở đó rất rộng rãi khi nhờ họ giúp mang đồ cho mình. Vì mình đã
trải qua thời gian như họ, mình mới hiểu đời sống của họ thế nào.
Trà Mi: Khi trở lại, có ai ở đó nhận ra tiến sĩ không?
Tiến sĩ Tiến:
Tôi nhận ra họ, chứ họ không nhận ra tôi. Sau thời gian làm dọn dẹp ở
khách sạn, tôi còn làm rửa chén ở nhà hàng, dọn bàn, rồi lên tới bồi
bàn. Tới khi tôi đi học lại, tôi làm công việc trong trường, cùng với sự
phụ giúp của người anh và người chú, tôi cũng đủ sống qua ngày. Lên tới
cao học, tôi được học bổng hoàn toàn trong thời gian lấy các bằng cao
học. Học phí lúc học bằng tiến sĩ thứ nhì do sở làm tôi chi trả. Những
khó khăn trong đời sống hằng ngày đa số là về vấn đề trả tiền nhà. Còn
ăn uống thì chẳng dám đi ăn ngoài.
Trà Mi: Những bước đầu khó khăn đó, tiến sĩ có cảm giác mặc cảm, cảm giác bị người ta nhìn với ánh mắt kỳ thị hay phân biệt không?
Tiến sĩ Tiến: Tôi
đi rất nhiều nước và thấy rằng nước Mỹ này là ít kỳ thị nhất. Họ cho
mình cơ hội để làm. Trong cơ hội đó, mình phải làm đúng tiêu chuẩn họ
nghĩ.
Trà Mi: Một
câu chuyện thành công luôn có giá phải trả. Với những cái giá mà tiến
sĩ đã trả để có được vị trí thành công hôm nay, nhìn lại, ông nghiệm ra
cho mình điều gì?
Tiến sĩ Tiến:
Đối với tôi, ngay từ các công việc nhỏ nhặt nhất như lau chùi cho tới
công việc tôi đang làm hiện thời, lúc nào tôi cũng chú tâm vào làm việc
hết sức mình, không lãng phí. Kinh nghiệm trong đời sống thăng trầm cho
tôi thấy bao giờ cũng vậy, khi mình làm hết khả năng của mình, sự thành
công dần dần cũng sẽ tới. Tùy theo số mệnh mỗi người, có người thành
công đến nhanh, có người chậm. Nhưng khi mình bỏ hết sức ra làm, tôi
chắc chắn sự thành công sẽ tới, không sớm thì muộn. Ông trời không bao
giờ bỏ quên những người làm hết sức mình.
Trà Mi: Để
thành công, ngoài yếu tố nỗ lực cũng nhờ tới yếu tố may mắn cộng hưởng
với tư chất ham học. Ba tố chất chính đó chiếm tỷ lệ thế nào trong sự
thành công của tiến sĩ?
Tiến sĩ Tiến:
Khi còn nhỏ, ba tôi thường bảo tôi lớn lên phải làm kỹ sư điện, nhưng
lúc đó tôi không thích học, tôi chỉ thích đi đánh bóng bàn. Khi rời Việt
Nam, tôi vẫn nghĩ qua Mỹ sẽ sống nhờ vào nghề đánh bóng bàn và sẽ thành
công trong phương diện đó, chứ tôi không nghĩ đến chuyện học hành gì
cả. Khi qua Mỹ, có anh bạn giới thiệu tôi đánh bóng bàn đọ sức với một
nữ vô địch của tiểu bang California. Là vô địch bóng bàn toàn tỉnh Gia
Định, toàn trường, và vô địch của Hướng đạo sinh toàn quốc, tôi nghĩ sẽ
thắng cô ta. Nhưng khi ra đánh, tôi thua cô ấy cả 3 trận. Lúc đó tôi mới
vỡ lẽ vì đánh với vô địch của tiểu bang thôi mà tôi còn thua, thì làm
sao mơ
đến vô địch nước Mỹ và làm sao có thể sống bằng nghề bóng bàn. Tôi thấy
không xong, quyết định phải đi học lại. Chuyện này tôi kể để thấy rằng
những dự tính của mình chưa chắc được ông trời chiều lòng. Mình định
thế, nhưng thời cuộc và hoàn cảnh xung quanh cho thấy mình làm không
xong, và mình phải đổi hướng.
Trà Mi: Giữa tư chất hiếu học và nỗ lực phải bỏ ra để thành công, yếu tố nào vượt trội hơn trong thành công của tiến sĩ?
Tiến sĩ Tiến:
Bản chất ít nhất phải chiếm 60%, bản chất của tôi là làm việc hết mình
dù việc nhỏ hay việc lớn. Phải làm tới nơi tới chốn, tôi nghĩ đó là quan
trọng nhất, phải chăm chỉ. Tôi thấy nhiều người có thể là thông minh
vượt bậc, nhưng lại làm qua loa. Còn một người chăm chỉ dần dần sẽ vượt
qua mặt họ.
Trà Mi: Ước mơ thành công đã thành hiện thực, giờ đây nhìn ra tương lai, tiến sĩ có ước mơ gì cho bản thân mình nữa không?
Tiến sĩ Tiến: Ước mơ sâu xa nhất của tôi là sau này có cơ hội về Việt Nam đóng góp trong lĩnh vực khoa học.
Trà Mi: Vì sao ước mơ này hiện giờ tiến sĩ chưa hoàn thành được hoặc bắt đầu được?
Tiến sĩ Tiến:
Vì đời sống hằng ngày vì những việc mình phải làm để ‘trả nợ đời’. Xong
hết rồi mình mới có cơ hội làm những chuyện mình thật sự muốn làm.
Trà Mi: Nếu có người nhận xét rằng nhân tài người Việt ở nước ngoài ít người hướng về phục vụ quê cha đất tổ, ý kiến của ông ra sao?
Tiến sĩ Tiến:
Tôi không đồng ý. Tôi có nhiều bạn bè thành công khá nổi tiếng và rất
giỏi. Họ có lòng và có suy nghĩ giống tôi, nghĩa là có dịp nào họ có thể
đóng góp được thì họ cũng sẽ sẵn sàng.
Trà Mi: Đó là về những khó khăn chủ quan. Thế có yếu tố khó khăn khách quan nào ngăn cản việc này không?
Tiến sĩ Tiến:
Về mặt khách quan, hiện giờ Việt Nam cũng mở rộng. Tôi không thấy đây
là vấn đề. Quan trọng nhất là bản thân mình có thể bỏ thời gian và công
việc để làm những việc đó hay không. Đa số các anh em bạn tôi đều gặp
vấn đề như con còn nhỏ, họ phải nuôi con lớn ăn học. Sau đó họ mới có
thời gian làm những việc họ muốn.
Trà Mi: Người
Việt Nam ra nước ngoài có vị trí thành công tỏa sáng hơn ở trong nước.
Những người thành công ở nước ngoài cũng nghĩ rằng nếu họ còn trong nước
thì chưa chắc họ thành công tới được vị trí như vậy. Câu hỏi mọi người
đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có được những nhân vật tài giỏi có
những phát minh khoa học được tôn vinh? Vai trò của người trẻ và của xã
hội trong nước thế nào trong việc đào tạo nhân tài, ý kiến tiến sĩ ra
sao?
Tiến sĩ Tiến:
Vấn đề này vừa tế nhị vừa phức tạp. Tế nhị ở chỗ những người ra khỏi
nước Việt Nam thành công hơn là khi họ ở trong Việt Nam. Ở Việt Nam có
những người rất giỏi, thông minh vượt bậc, nhưng cách học trong nước
theo kiểu từ chương. Còn cách học bên này không bắt mình phải nhớ mà
ngược lại bắt mình phải hiểu. Ví dụ như học từ chương thì không thể nào
lấy được bằng tiến sĩ bên này. Anh phải nghĩ ra được cái gì mới thì mới
lấy được bằng tiến sĩ bên này. Người lấy tiến sĩ bên này không phải là
thành công hơn người ở Việt Nam. Ở Việt Nam cách học như vậy sẽ đào tạo
ra con người như vậy. Làm thế nào để những người trong nước
được phát triển giống những người ở ngoài nước, việc này phải trở lại
nguồn gốc của nó. Cũng cần một thời gian để Việt Nam thay đổi cách học.
Tôi nghĩ 10, 20 năm nữa cách học từ chương tại Việt Nam sẽ bị thoái hóa.
Họ đang cải thiện đường lối giáo dục. Hiện giờ hệ thống internet và sự
giao lưu giữa hai nước Mỹ-Việt rất mở rộng cho nên họ có nhiều thông tin
và cũng cập nhật những dữ kiện bên này.
Trà Mi: Đối
với những người bạn trẻ trong nước đang nghe câu chuyện thành công của
tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, ông có thông điệp nào muốn nhắn gửi tới họ?
Tiến sĩ Tiến:
Đừng nên câu nệ chuyện mình làm phải tương đương với bằng cấp của mình.
Công việc nào mình cũng nên làm và khi làm thì nên làm hết sức mình. Đó
cũng là lời khuyên của tôi muốn chuyển tới anh em trong nước.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Tiến đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Qúy
vị và các bạn vừa nghe câu chuyện thành công của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh
Tiến, chàng trai Việt tới Mỹ lập nghiệp đã phấn đấu vươn lên từ vị trí
một người lau dọn vệ sinh ở khách sạn trở thành nhà khoa học có nhiều
thành tích trong lĩnh vực vệ tinh-không gian tại Mỹ.
Tạp
chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn gặp lại quý vị
trên làn sóng phát thanh của đài VOA trong chương trình 10 giờ tối thứ
sáu và chủ nhật hằng tuần cũng như trên trang web voatiengviet.com, trong phần Chuyên mục-Tường trình đặc biệt ngay trang chính.
Nha Trang
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả đã đưa bài phỏng vấn lên đây, bài phỏng vấn này có giá trị rất cao không chỉ cho các bạn thanh niên, mà còn giúp các bậc cha mẹ trong giáo dục con cái.
góp ý: "những comment nặc danh hoặc chửu tục có thể bị từ chối." , theo tôi được biết thì chữ chửu viết đúng là chửi.
một người, chứ 100 người; có là GS,TS, Viện sỹ thì XH VN cũng không sử dụng nếu các vị không biết vâng, dạ. ( trí thức thường không dạ)
Trả lờiXóa