Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Nguồn lực CNTT của Việt Nam chỉ thiếu...một người



Đó là tiêu đề của một mẫu tin đăng trên Vietnamnet sáng nay (9/01/2012)
Tin cho hay tại cuộc Hội thảo Quốc gia về Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt Nam 2011 diễn ra ngày 7/1 tại Hà Nội, Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định, nguồn nhân lực CNTT chỉ thiếu… “một người”.Tuy nhiên, đó lại là người quan trọng nhất: thủ trưởng, người đứng đầu, nhà lãnh đạo. Còn nhân lực số đông để thực hiện và triển khai, theo ông Ngọc, thì Việt Nam không hề thiếu.

Trước đây, một số báo có đưa tin về việc doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn về chất lượng nhân lực Việt Nam. Trên thực tế, sau đó chính doanh nghiệp này phải gửi đi văn bản khẳng định lại là sinh viên VN sang Mỹ học rất giỏi, giành nhiều giải thưởng và có thành tích nghiên cứu xuất sắc. Như vậy rõ ràng là người VN không yếu về tố chất. Cái chúng ta yếu là phương pháp đào tạo, cách thức đào tạo, ông Ngọc chia sẻ

Hiện tại, theo thống kê, VN hiện có khoảng 10 triệu học sinh trung học, 2 triệu sinh viên và hơn một triệu sinh viên học nghề. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây chính là lực lượng nòng cốt để hình thành nên 16-20 triệu công dân điện tử trong giai đoạn 2015-2020, với các kỹ năng công nghệ thành thạo và nền tảng tri thức mạnh để kéo xã hội đi theo.

Phát triển nguồn nhân lực CNTT cũng chính là một trong bốn trụ cột chính của đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT”. Bên cạnh đó, một đề án lớn, độc lập là “Chương trình Máy tính nối mạng tri thức” cũng đang được Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo, với mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao trình độ sử dụng và nghiên cứu CNTT trong sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, giáo viên và cộng đồng nói chung.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết để phát triển nguồn nhân lực thì Nhà nước cần ưu tiên đầu tư và có cơ chế đặc thù để phát huy quyền tự chủ cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về CNTT, tạo điều kiện cho những cơ sở này đạt đến trình độ quốc tế.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình từ phía các chuyên gia tham dự hội thảo. Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam khuyến nghị rằng đầu tư cho nguồn nhân lực nên tiến hành một cách có trọng điểm. Các chương trình phát triển giáo dục nên được đẩy mạnh đầu tư và đội ngũ Giáo viên thành thạo, có chất lượng cao về CNTT cần được hình thành trước tiên. “Bộ TT&TT có thể xem xét quỹ Viễn thông công ích để đầu tư, xây dựng lực lượng giáo viên và các cơ sở đào tạo đẳng cấp, từ đó mới lan tỏa, phát triển được đội ngũ nhân lực số lượng lớn là các sinh viên, học sinh”, ông Cang phân tích.

Bình luận về vấn đề này, ông Đường cho biết Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Chính vì vậy, sau một năm triển khai, một nhiệm vụ trọng tâm của Đề án “Sớm đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT” trong giai đoạn tiếp theo sẽ là xây dựng các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNTT và có những chương trình đào tạo “Kỹ năng thế kỷ 21” cụ thể, với kỹ năng sử dụng CNTT là yêu cầu bắt buộc.
Phóng viên:Y Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này