Tác giả: Lê Mai
Một nền hòa bình phi nghĩa có hơn
một cuộc chiến tranh chính nghĩa?
Bêdinxki, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, tác giả cuốn Bàn cờ lớn khá nổi tiếng, có hỏi Võ Nguyên Giáp trong một lần tình cờ gặp gỡ nhân ngày Lễ Độc lập ở Angiêri: Nếu được phép, xin được hỏi Đại tướng một câu, chiến lược của ngài là gì? Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình, nhưng là hòa bình trong độc lập, tự do! Võ Nguyên Giáp trả lời. Khi đó, Bêdinxki đã nói: Cảm ơn Đại tướng, chúc Đại tướng lòng dũng cảm. Lần khác, nhân cuộc hội thảo “Những cơ hội bị bỏ lỡ”, một tướng lĩnh Mỹ trong phái đoàn của Mc Namara hỏi ông Giáp, thời điểm nào trong cuộc chiến làm ngài lo sợ nhất? Trong tư duy quân sự của chúng tôi, không có từ “lo sợ”. Ông Giáp trả lời.
Một cách tự nhiên, tôi lại nhớ cuộc gặp của Hồ Chí Minh với Pôn Muýt, cố vấn chính trị của tướng Lơcle vào tháng 5.1947, trong một ngôi nhà duy nhất còn sót lại giữa thị xã Thái Nguyên.
Pôn Muýt:
- Để thực hiện cuộc ngừng bắn, Cao ủy Pháp ở Đông Dương xin nêu với Chủ tịch bốn điều kiện: Thứ nhất, quân đội VN phải nộp vũ khí cho Pháp. Thứ hai, quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam. Thứ ba, Chính phủ VN phải trả lại cho Pháp tất cả những người bị bắt. Thứ tư, Chính phủ VN phải trao trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang phía VN.
Hồ Chí Minh:
- Những điều kiện ông Bôlae đưa ra là đòi chúng tôi phải đầu hàng! Ông Pôn Muýt, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận những điều kiện như vậy.
- Thưa Chủ tịch, như vậy là chiến tranh vẫn tiếp diễn?
- Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do.
- Thưa Chủ tịch, chúc Người lòng dũng cảm.
- Tất nhiên, bao giờ cũng như vậy.
Hai câu chuyện trong hai không gian và thời gian khác nhau nhưng là một sự trùng hợp: hòa bình trong độc lập, tự do và lòng dũng cảm. Tư tưởng hòa bình của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp – hai nhân vật chói sáng nhất trên bầu trời chính trị VN, cũng chính là tư tưởng hòa bình của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nhìn vào chiều sâu của lịch sử dân tộc, có một câu hỏi, vậy cuộc chủ động tấn công vào quân Tống – ngay trên đất Tống, từ tháng 10.1075 đến tháng 3.1076 của Lý Thường Kiệt liệu có phải là chiến lược hòa bình của VN? Thưa rằng, phải. Xét đến cùng, chiến lược “tiên phát chế nhân” (đánh trước để chế ngự người) của Lý Thường Kiệt là chiến lược hòa bình. Vì sao? Ta biết, bị nhiều thất bại trên chiến trường Đại Việt, nhà Tống vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm thôn tính VN, âm mưu biến VN thành một quận huyện của TQ. Bấy giờ, triều đình Tống chính trị rối ren, trong nước chồng chất khó khăn, vua Tống bèn tìm lối thoát bằng cách xâm lược Đại Việt, hòng giành lấy một chiến thắng quân sự bên ngoài để củng cố uy thế trong nước. Đây là chiến thuật quen thuộc của TQ, nó từng được phát triển dưới một dạng khác ở thời Đặng trong cuộc xâm lược VN năm 1979.
Nhà Tống ráo riết xây dựng các căn cứ vững chắc, tập trung 10 vạn quân với hậu cần hùng hậu, biến Ung Châu thành một căn cứ xuất phát tiến đánh Đại Việt. Để giữ bí mật cho cuộc xâm lược, nhà Tống đóng cửa biên giới, cấm nhân dân qua lại buôn bán; đồng thời mua chuộc, lôi kéo một số tù trưởng VN để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xúi vua Champa quấy rối từ phía Nam. Như vậy, ý đồ xâm lược Đại Việt của nhà Tống đã hết sức rõ ràng, kế hoạch xâm lược đã được chuẩn bị rất công phu. Trong tình hình đó, Đại Việt chọn phương án ngồi yên đợi giặc hay ra tay trước?
Chiến lược “tiên phát chế nhân” là một sự chủ động cao độ, sáng suốt của Lý Thường Kiệt và Đại Việt. Đòn đánh phủ đầu vào các căn cứ xuất phát tiến công sẽ làm tê liệt ý chí của kẻ xâm lược, phá tan sự chuẩn bị của chúng ngay từ trong trứng, kéo dài thời gian chuẩn bị cuộc kháng chiến của dân tộc. Cho nên, suy cho cùng, chiến lược ấy là chiến lược hòa bình của VN, vì nó nhanh chóng dẫn đến hòa bình và nền hòa bình đó sẽ còn được giữ vững.
Chiến lược hòa bình của ông cha ta càng được thể hiện một cách rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Khi 10 vạn quân Vương Thông bị quân ta vây hãm ở thành Đông Quan, nếu Lê Lợi và Nguyễn Trãi hạ lệnh tấn công, chắc chắn quân giặc sẽ bị tiêu diệt sạch không còn một mống. Nhưng tư tưởng hòa bình, chiến lược hòa bình của Lê Lợi và Nguyễn Trãi muốn “Dập tắt muôn đời chiến tranh – Mở nền thái bình muôn thuở” đã mở đường cho quân Minh rút về nước với Hội thề Đông Quan lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Đó là một cách kết thúc chiến tranh độc đáo, sáng tạo, sáng ngời nhân nghĩa gắn liền với chiến lược hòa bình của ông cha ta.
Tư tưởng ấy, chiến lược ấy, nhân nghĩa ấy được thể hiện thật sâu sắc trong Bình Ngô Đại cáo:
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Gần đây hơn, ngày 19.12.1946, cuộc chiến tranh Pháp – Việt, tức là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ. Nhiều nhà sử học thế giới đã nhận định rất đúng rằng, Chính phủ Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể làm nhằm trách cuộc chiến ấy. Nhưng họ có vẻ băn khoăn, hình như phía VN lại là bên nổ súng trước? Thế thì chiến lược hòa bình của VN đã thể hiện như thế nào?
Trả lời câu hỏi này không khó. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ tình thế ngặt nghèo, giờ phút bàng hoàng của người Pháp đã qua và nước VN non trẻ sẽ phải đối mặt với một cuộc tái xâm lược có sức mạnh ghê gớm. Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách cứu vãn nền hòa bình – ít nhất cũng trì hoãn thời điểm nổ ra chiến tranh, liên tiếp viết thư cho các nhân vật Pháp nổi tiếng, đồng thời yêu cầu bộ đội, tự vệ bình tĩnh, nín nhịn, không mắc vào âm mưu khiêu khích của chúng.
Người Pháp không tìm được cái cớ mong đợi, thế là ngày 16.12.1946, họ gửi tối hậu thư cho Chính phủ VN, tuyên bố “Quân Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm trị an tại Hà Nội chậm nhất là vào sáng 20.12.1946”. Thật mỉa mai, Pháp tự cho mình cái quyền đó! Tất nhiên, Chính phủ VN bác bỏ tối hậu thư của Pháp và sự kiện tất yếu phải xảy ra: ngày 19.12.1946, cuộc chiến Việt – Pháp bùng nổ. Người VN không thể khoanh tay chờ chết. Trách nhiệm gây chiến là ở người Pháp. Chín năm sau đó, người Pháp phải chịu thất bại cay đắng và họ phải hối tiếc vì không hiểu chiến lược hòa bình của VN – rộng hơn, không hiểu văn hóa VN, con người VN.
Vậy chiến lược của VN trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là chiến lược gì? Có thể trả lời, đó là chiến lược hòa bình, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào, mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do! Tư tưởng hòa bình, chiến lược hòa bình của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp luôn luôn soi sáng con đường đi của chúng ta.
--------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.