Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Tin liên quan Hội nghị Đông Á -Bali

Dưới tiêu đề "Philippines chỉ trích ASEAN thiếu đoàn kết để đối phó với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông" RFI ngày 15/11/2011 đưa tin :
Vào lúc Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN nhóm họp thượng đỉnh tại Bali, Indonesia, chính quyền Manila đã lên tiếng phê phán một số nước trong Hiệp hội chỉ chú ý đến các tính toán chính trị, kinh tế quốc gia, không tạo được một khối thống nhất đối phó với Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo Reuters, Philippines có những lo ngại là Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với một vài nước ASEAN ngăn chặn khả năng giải quyết các tranh chấp qua con đường đàm phán đa phương. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ muốn thương lượng trong khuôn khổ song phương, giữa Trung Quốc với từng nước có liên quan.
Vừa qua, Manila đã đề nghị thành lập một Khu vực Hòa bình, Tự do và Hợp tác trên biển - ZoPFFC, cho phép tiến hành hợp tác, cùng thăm dò, khai thác những vùng đang có tranh chấp chủ quyền. Dự án này đương nhiên không liên quan đến những vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia.
Trong thông cáo công bố ngày hôm nay, 15/11/2011, tại Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói thẳng : « Chúng tôi có cảm giác rằng những tính toán kinh tế, chính trị đã ngăn cản việc đạt được một kết quả hữu hiệu và có thể chấp nhận được bởi các bên trong cuộc thảo luận về dự án lập Khu vực Hòa bình, Tự do và Hợp tác».
Một đại diện của bộ Ngoại giao Philippines đã đọc bản thông cáo trong cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN, ngày hôm nay, tại Bali, Indonesia. Theo quan chức này, thì « đã không có sự tham gia đầy đủ của tất cả các thành viên ASEAN trong cuộc gặp giữa các chuyên gia luật biển của ASEAN, do vậy, khó đạt được một đồng thuận ».
Trong tháng Chín vừa qua, Philippines đã tổ chức một cuộc gặp giữa các chuyên gia luật pháp, thế nhưng Lào và Cam Bốt đã không cử đại diện tham dự, cho dù trước đó, hai nước này tuyên bố sẽ có mặt. Điều này ngăn cản việc đạt được một lập trường chung trong hồ sơ Biển Đông.
Trong bản thông cáo, Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh là ASEAN cần phải đóng vai trò tích cực và quan trọng, góp phần giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Mặt khác, Manila mong muốn là ASEAN có đủ khả năng hỗ trợ giải quyết những hồ sơ tế nhị mà không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương và đa phương.

Trong một bản tin khác cùng ngày của đài BBC với tiêu đề"TQ không bàn về Biển Đông tại Bali" với những nội dung dưới đây:
  
Sau khi một số quốc gia kêu gọi thảo luận chủ đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp tới, Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ đề nghị này.
Sau khi Trung Quốc thêm yêu sách chủ quyền đối với vùng biển đảo mà Philippines cũng nói là của họ, Manila yêu cầu mang các tranh chấp ra bàn hội nghị, sẽ được tổ chức tại Bali ngày 17/11-19/11, đồng thời muốn Liên Hiệp Quốc tham gia phân xử.
Tuy nhiên hôm thứ Ba 15/11, Trung Quốc chính thức lặp lại quan điểm chỉ 'thảo luận song phương với các bên liên quan'.
Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân nói với các nhà báo tại Bắc Kinh: "Vấn đề Biển Đông không có liên quan gì tới hội nghị thượng đỉnh Đông Á vì đây là diễn đàn để thảo luận các chủ đề hợp tác kinh tế và phát triển".
Ông Lưu nhắc lại rằng chủ trương của Trung Quốc về Nam Hải (Biển Đông) luôn 'rõ ràng và nhất quán: Trung Quốc tin rằng tranh chấp cần được giải quyết thông qua hiệp thương hòa bình giữa các nước trực tiếp liên quan'.
Hội nghị Bali lần này cũng có mặt Hoa Kỳ, nước từng tuyên bố có quan tâm quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và tự do lưu thông trong vùng Biển Đông.
Thứ trưởng Lưu nói, dường như ám chỉ Mỹ: "Việc tham gia của các thế lực bên ngoài không có ích lợi gì cho việc giải quyết vấn đề [Biển Đông] mà ngược lại chỉ làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực".
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Manila hôm thứ Ba này và có kế hoạch đề cập chủ đề Biển Đông với người đồng nhiệm nước chủ nhà.
Thái độ cứng rắn của Trung Quốc liệu có làm các nước tham gia hội nghị Đông Á ngại ngần khi nhắc tới chủ đề Biển Đông hay không?
Malaysia đã ra chỉ dấu sẽ không ủng hộ yêu cầu thảo luận của Philippines.

Các nước ngại ngần

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman được hãng thông tấn AFP dẫn lời nói: "Trung Quốc đang khá tích cực trong việc tổ chức các cuộc họp và hội thảo, đây là điều rất tốt. Asean cần đáp lại các cử chỉ đó".
"Thêm một diễn đàn nữa chắc sẽ làm phức tạp thêm chủ đề này."
Ông Anifah Aman cũng nói thêm rằng thay vào đó, các nước Asean có thể tập trung vào xây dựng Tuyên bố chung về Cách ứng xử ở Biển Đông mà khối này đã ký với Trung Quốc hồi năm 2002.
Asean chủ trương đồng thuận, bởi vậy sự thoái lui của quốc gia thành viên chắc sẽ gây khó khăn cho việc đưa chủ đề Biển Đông lên bàn thảo luận.
Campuchia cũng đã từng nói ủng hộ quan điểm song phương của Trung Quốc.
Trung Quốc vừa mới 'đòi' thêm hơn 80 cây số lãnh thổ từ một tỉnh của Philippines, hãng thông tấn Associated Press cho biết.
Được biết vùng lãnh thổ này nằm trong Biển Đông, gần một quần đảo của Philippines nhưng không thuộc Trường Sa.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, đòi hỏi của Trung Quốc là vô lý vì vùng đó hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines, chỉ cách Palawan về tây bắc có 79 km, trong khi cách bờ biển của Trung Quốc tới 800 km nơi gần nhất.

--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này