Lời giới thiệu của chủ blog: Đó là tiêu đề của một entry mới được đưa lên blog cá nhân của một kỹ sư vật liệu xây dựng người TQ tên là Lý Thần Huy, được dịch giả Quốc Trung chuyển sang tiếng Việt và được đăng tải trên một số blog như Basam, tranhung...
Nhận thấy sự khách quan trong cách trình bày vấn đề và động cơ tốt của tác giả, và cho rằng đây là một hiện tượng mới xuất hiện có thể do kết quả của quá trình diễn biến tình hình "đủ độ chín" để dư luận TQ thoát dần khỏi tâm lý cố hửu do bị ảnh hưởng nặng nề của công tác tuyên truyền của chính họ, nên tôi đưa lại bài này lên blog của mình để có thêm bạn đọc.
Hy vọng đây là sự bắt đầu của cách nhận thức cần có từ phía nhân dân và chính phủ TQ để vấn đề tranh chấp Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình và công bằng. Đây cũng là một tài liệu đáng tham khảo đối với người dân và chính phủ Việt Nam (không phải vì nội dung khách quan của nó mà còn cho thấy vài sự "giống nhau" khá lý thú giữa hai nước).
Hôm nay đọc được một bài viết có tên là “Âm thanh về dụng binh ở Nam Hải (tức Biển Đông – ND) đang được khuếch đại trong dân chúng Trung Quốc”, nói dân chúng Trung Quốc bao gồm cả một số vị được gọi là chuyên gia (không hiểu do vô tình hay cố ý, ở đây tác giả đã dùng từ 砖家- “chuyên gia về gạch ngói” thay cho từ 专家- “chuyên gia” vì cùng đồng âm trong tiếng Hán – ND) học giả, đang đua nhau chủ trương dụng binh ở Nam Hải. Nguyên nhân dẫn đến chủ trương dụng binh ở Nam Hải là do trong dân chúng phổ biến quan niệm cho rằng, về vấn đề Nam Hải, chúng ta đã bị xúc phạm tàn tệ (về rất nhiều vấn đề, dân chúng đều cho là chúng ta đang bị xúc phạm). Họ cho rằng, Nam Hải là thiên kinh địa nghĩa của chúng ta, lý lẽ này không chỉ được kiên trì nắm giữ vì người Trung Quốc, mà còn được sự công nhận rộng rãi cả ở trong cộng đồng quốc tế. Thậm chí, ngay cả Việt Nam, Philippines và những nước đang có sự tranh giành, cướp giật Nam Hải với chúng ta cũng đều có chung nhận thức. Vậy thì vì sao hôm nay những quốc gia ấy lại tranh giành Nam Hải với chúng ta?
Thứ nhất là vì nơi này đã xuất hiện dầu mỏ, vì đã có tài nguyên, vì đây là một mảnh đất màu mỡ, tất cả bọn họ đều có mưu đồ lợi ích, cho nên mới chạy lại tranh giành với chúng ta. Thứ hai là họ cho rằng chính phủ Trung Quốc ươn hèn, nên mới dám liều lĩnh tranh giành địa bàn, tranh giành tài nguyên với chúng ta. Thứ ba, có thể là do cả hai nguyên nhân trên mà họ cảm thấy nếu giải thích thì trái ngược với lẽ thường, nên để tự bao biện cho mình, họ đã ngụy tạo, phỏng đoán ra nguyên nhân thứ ba, đó là Việt Nam và Philippines ngang nhiên tranh giành địa bàn với chúng ta là bởi có sự ủng hộ, thậm chí xúi giục của các cường quốc phương Tây như Mỹ… để làm rối loạn Trung Quốc, luôn cố ý tạo ra kẻ địch ở bên cạnh chúng ta. Kiểu nhận thức này hiện đang rất phổ biến ở Trung Quốc, còn chính phủ ta, không hiểu vì lẽ gì mà về phương diện này lại thường thể hiện bộ dạng rất nhẫn nhịn, không làm rõ nhận thức sai lầm, để mặc bạn muốn nói gì thì nói, để mặc cho sự phẫn nộ lan tràn khắp nơi thành tai họa.
Thực tế, nếu để mặc cho thứ tình cảm này lan tràn mà không chịu làm rõ và giải thích là điều hết sức nguy hại. Thứ nhất, rất có thể nó sẽ giúp cho sự nảy nở tinh thần dân tộc sai lầm, khiến cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc chỉ luôn kêu gào sự chém giết trên thế giới. Điều này ngày càng khác hẳn hình ảnh sứ giả hòa bình mà chúng ta bao giờ cũng thích thú và cố sức đóng vai. Thứ hai, nếu để mặc cho nhận thức sai lầm, tình cảm sai lầm này lan tràn, sẽ khiến cho dân tộc ta chuyển sự phẫn nộ tới chính phủ Trung Quốc, họ đã sai lầm khi cho rằng chính phủ Trung Quốc để mặc cho người nước ngoài bắt nạt, như vậy là ươn hèn. Họ thậm chí còn phát huy thêm trí tưởng tượng của mình mà cho rằng chính phủ Trung Quốc, vốn có sức mạnh quân sự rất hùng mạnh, nhưng lại tỏ ra vô dụng như vậy là do chính phủ Trung Quốc vì sợ bị sụp đổ, hoặc chỉ vì muốn nắm chắc quyền lực trong tay, nên đã không đoái hoài gì đến lợi ích của dân tộc Trung Hoa, thậm chí là bán đi cả lợi ích của dân tộc Trung Hoa, vân vân, từ đó đi đến hình dung hoặc giải thích chính phủ hiện thời của Trung Quốc là một chính phủ bán nước, bất tài, thậm chí còn kém cỏi hơn cả thời Lý Hồng Chương, vân vân. Thứ ba, bởi cho rằng Việt Nam và Philippines tranh giành Nam Hải với chúng ta là hoàn toàn theo sự khiêu khích và xúi giục của các nước phương Tây như Mỹ…, thế nên lại không thể tránh khỏi chuyển sự giận dữ lên nước Mỹ, lại không thể tránh khỏi căm hận dân Mỹ. Do vậy, nên không thể tránh khỏi số người, số quốc gia thù hận chúng ta trên thế giới này ngày càng đông hơn. Điều này càng gây bất lợi cho hình ảnh của chúng ta trên trường quốc tế của. Vì thế tôi cho rằng, chúng ta dứt khoát phải làm rõ một vài nhận thức về vấn đề Nam Hải. Chính phủ đã không làm việc này, thì hôm nay tôi sẽ làm, đương nhiên trong dân chúng mỗi người một ý, phần nhiều đây chỉ là một vài phân tích và suy đoán, chưa chắc đã là chuẩn.
Tôi cho rằng, Việt Nam và Philippines tranh giành Nam Hải với chúng ta về căn bản không phải là vì chịu sự xúi giục và được sự ủng hộ của các cường quốc phương Tây như Mỹ…, mà tôi cho rằng điều này không hề liên quan gì đến Mỹ. Cũng giống như một chú cừu, do sự kích động của một vài con vật nào đó, hoặc cho là có được sự trợ giúp của một vài con vật nào đó ở sau mình, nên đã cả gan giành giật miếng mồi trong miệng con hổ, ngang nhiên làm giặc cướp, nếu thế thì coi chú cừu là kẻ ngu ngốc mất rồi.
Thực ra, bất cứ một quốc gia nào cũng đều được hợp thành từ đông đảo dân chúng, trong số đó dứt khoát có nhiều người đầy trí tuệ. Dĩ nhiên là không tính đến những nhà nước quá độc tài, tuyệt đối chỉ do một vài người nói là xong. Sự ra đời của các chính sách ở phần lớn các nước thường đều phải trải qua bao lần suy đi tính lại rất kỹ lưỡng. Vì thế, nếu cho rằng Việt Nam và Philippines chỉ vì chịu sự kích động của một vài nước mà đã hoàn toàn đặt sinh mệnh vào việc đùa giỡn với các nguyên tắc đạo lý quốc tế và với Trung Quốc bất chấp hòa bình, thì cách nghĩ này là quá ngây thơ, thậm chí bản thân những người giữ cách nghĩ này còn quá ngớ ngẩn. Bất cứ một quốc gia nào, nếu như ký thác sự an toàn của mình vào người dân nước khác, thì thật là hết sức nông nổi. Huống hồ là Mỹ với Việt Nam còn từng là kẻ thù không đội trời chung, cho đến giờ vẫn chưa có được mối quan hệ lợi ích nào không thể chia cắt!
Cứ cho là Philippines có được sự ủng hộ vững chắc hơn từ người Mỹ đi nữa (hình như là đồng minh quân sự), song một đất nước nhỏ bé như vậy, lại ở gần Trung Quốc như vậy (và ở xa nước Mỹ như vậy), thì quả đã chọc tức người Trung Quốc, làm sao mà xơi nổi vài cú ném bom giận dữ của người Trung Quốc. Vì thế, tôi không cho rằng, Philippines chỉ vì bị xúi giục mà đã dám cả gan tranh giành nguồn tài nguyên mà đến ngay cả họ cũng cho rằng vốn nên thuộc về Trung Quốc. Vậy thì, rốt cuộc là xuất phát từ động cơ gì đã khiến cho Việt Nam, Philippines và cả một số nước ở Nam Hải khác nữa, tới để tranh giành đất đai tài nguyên với chúng ta, liệu có phải ngay cả họ cũng cho những đất đai ấy vốn là của Trung Quốc, nhưng chỉ vì ở đây có báu vật nên họ đã tới tranh giành hay không?
Tôi cho rằng, thực sự không hoàn toàn như vậy. Sự thực là, chúng ta cứ luôn cho rằng đất đai ấy là của mình, mà họ cũng cho rằng đất đai ấy là của họ. Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều tư liệu, chứng cứ để chứng minh đất đai ấy ngay từ xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc, họ cũng có thể tìm ra được tư liệu để chứng minh đất đai ấy từ xưa đã là của họ. Chúng ta cho rằng lý lẽ của mình là hết sức đầy đủ, chính nghĩa trong tay, họ cũng cho rằng lý lẽ của họ hết sức đầy đủ, chính nghĩa trong tay. Chúng ta giận dữ cho rằng họ đang tranh giành đất đai của chúng ta, nhất là khi chúng ta tự cho mình là một nước lớn, lại còn có không ít chút hợm mình một cách có ý thức hoặc vô ý thức, trong bối cảnh này, nhìn cảnh người ta tranh giành, tự nhiên lại càng thấy cái này đã dung thứ được thì cả những cái khác cũng dung thứ được à. Vấn đề là ở chỗ, người ta cũng cho rằng, chúng ta cho mình là một nước lớn, rồi nhìn thấy trên đất đai ấy có tài nguyên nên đến chiếm, vì thế mà người ta cho rằng không phải họ đang bắt nạt chúng ta, mà chúng ta đang bắt nạt họ. Trước tình huống ấy, ngay cả khi không có được sự ủng hộ của nước Mỹ, ngay cả khi đất nước họ có nhỏ mấy đi nữa, thì họ cũng sẽ không thu quân về một cách dễ dàng. Nhất là trong thế giới hiện tại, giữa nước lớn với nước nhỏ, nắm đấm có cứng hay không cứng cũng chẳng hề là một nhân tố duy nhất quyết định sự thắng thua.
Khi chúng ta đã rõ được tâm thế như vậy rồi, hoặc nói cách khác, khi chúng ta đã lý giải được sự tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines với chúng ta như vậy rồi, thì chúng ta sẽ không dễ bề để tái diễn lại cái tâm thế bị bắt nạt ấy nữa, và cũng sẽ không tái xuất hiện cảm giác bị làm nhục nữa. Chúng ta cần nhận rõ rằng, sự tranh chấp này chẳng qua chỉ là tâm lý, một thái độ tự nhiên nảy sinh của các nước, nước nào giữ lấy lập trường của nước ấy, mà thôi. Chúng ta cảm thấy người ta đang bắt nạt mình, thực ra người ta cũng cảm thấy chúng ta đang bắt nạt người ta. Cho nên, về vấn đề này, chính phủ ta nên bình tĩnh một chút, chứ đừng có động một tí là đòi khai chiến, đó không phải vì chính phủ ta ươn hèn cam tâm chịu đựng sự bắt nạt, mà là bên trong nó thực sự có quá nhiều điều không thể nói rõ ra một lúc được. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Tất nhiên, sự thật vẫn là sự thật, chẳng hạn người ta bảo đất đai này là của người ta, chúng ta bảo đất đai này là của chúng ta, thế rút cuộc là của ai đây? Tôi nghĩ, không biết nên dựa vào sự thuyết minh của từng bên hay là không giải quyết nổi vấn đề đây, bởi vì sẽ chẳng có ai bảo rằng đất đai ấy là của đối phương. Dựa vào lời nói không được, liệu dựa vào hành động có được không? Tôi thấy lại càng không được, nhã nhặn không được thì dùng vũ lực sao? Cộng đồng quốc tế hiện giờ, rút dây thì sẽ động rừng, không bao giờ còn là cái thời nói đánh một cái là đánh được nữa đâu. Vậy thì, rốt cuộc nên giải quyết thế nào đây?
Tôi thấy tốt nhất vẫn là thông qua trọng tài cộng đồng quốc tế. Chúng ta là một trong 5 nước thường trực của Liên Hiệp quốc, hơn nữa lại là nước lớn đứng hàng nhất nhì thế giới, đừng nói gì đến uy quyền, ít ra, về vị trí trên trường quốc tế không biết so với Việt Nam và Philippines là cao hơn được bao nhiêu. Trước tình hình như vậy, nếu thông qua cộng đồng quốc tế để làm trọng tài và giải quyết một vài tranh chấp giữa chúng ta với các nước khác, thì có không chịu được sự phiền hà đến mấy, ít ra chúng ta cũng sẽ không bị thiệt (về lý thuyết). Cũng giống như kiểu giữa hai người nào đó nảy sinh tranh chấp trong cuộc sống thường ngày, chẳng ai chịu ai, làm thế nào đây? Biện pháp tốt nhất là tìm đến quan tòa.
Tất nhiên là chúng ta nói những lời gan ruột trong nhà, nếu như chúng ta cho rằng chuyện đất đai này rốt cuộc là của ai, hoặc trước cộng đồng quốc tế cũng chưa chắc đã nói ra được cho rành mạch, hoặc chúng ta ngầm cho rằng lý do của người ta cũng chưa chắc không đầy đủ, hoặc chúng ta có ra tòa án cũng chưa chắc đã thuận lợi được bao nhiêu, vậy thì để khỏi đánh mất mất quyền lợi của mình, đương nhiên có thể khỏi phải cần đến tòa án. Nhưng dân chúng của chúng ta nhất định muốn được rõ, về vấn đề này, chính phủ chúng ta thực sự không phải là ươn hèn. Rất nhiều khi, cũng có thể lại còn có chút ý nghĩa ngược lại!
Về tác giả: Theo李晨辉, Lý Thần Huy là Phó Giáo sư ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là bài viết trên blog cá nhân của tác giả, có thể coi là đại diện cho tiếng nói của một trí thức Trung Quốc, “trái chiều”với tiếng nói của giới quân sự Bắc Kinh về vấn đề Nam Hải.
Nguồn: Blog Li Chen Hui
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.