(*) Đó là tiêu đề của bài phỏng vấn đăng trên Tuổi trẻ sáng nay. Tôi vốn không mấy thiện cảm với từ "vàng" vì lâu nay nghe và chứng kiến quá nhiều về chuyện người Việt ta ưa chuộng vàng như thế nào!. Nhưng tôi vẫn đọc nó và thấy điều thú vị là người trả lời phỏng vấn -Đại sứ Đoàn Xuân Hưng không dùng từ "vàng"... . Dù sao, thiết nghĩ đây là những thông tin có giá trị phát ra từ một "người trong cuộc" rất đáng để giới lãnh đạo và giới doanh nhân Việt Nam tiếp thu nên xin mạn phép đăng lại trên blog cá nhân để có thêm người đọc (Xin lỗi tác giả tôi đã thêm dấu ? sau tiêu đề)-(Chủ Blog Bách Viêt).
- Nhiều người đánh giá đầu tư từ Nhật Bản vào VN đang
bùng nổ nhưng theo tôi, so với tiềm năng của hai nước thì con số thời
gian qua chưa phải là “bùng nổ”. Thật sự trong khoảng hai năm gần đây,
con số này có tăng nhưng chỉ mới bắt đầu và sẽ còn nhiều nhà đầu tư,
doanh nghiệp Nhật đến VN hơn. Giữa Nhật Bản và VN đã xây dựng được niềm
tin, đây là một nền tảng vững chắc để các nhà đầu tư Nhật Bản chọn VN
trong kế hoạch - đầu tư ra bên ngoài.
Ước tính Nhật Bản có đến 1,3 triệu doanh nghiệp vừa và
nhỏ, đây là một lực lượng rất hùng hậu và là xương sống trong chính sách
phát triển kinh tế Nhật Bản. Hiện nay chỉ mới có khoảng 33% trong số đó
làm ăn ở nước ngoài, nghĩa là việc thu hút đầu tư từ số doanh nghiệp
còn lại rất tiềm năng.
* Vậy theo ông, VN cần lưu ý gì để nắm bắt được dòng vốn này?
"Nếu chỉ vì chạy theo con số đầu tư thì rất
nguy hiểm. Với FDI từ Nhật Bản, chúng ta cần tận dụng cơ hội công nghệ
cao, kinh nghiệm của người Nhật, thuận lợi là Nhật Bản lại rất sẵn sàng
chia sẻ và chuyển giao công nghệ cao với VN"
Đại sứ ĐOÀN XUÂN HƯNG
|
- Trong chính sách phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế
mà Chính phủ Nhật đang thực hiện hay còn gọi là Abenomics rất khuyến
khích doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư ra nước
ngoài. Nguồn vốn từ Nhật hiện nay đang rất dồi dào, nếu biết cung cấp
thông tin, tạo sự tin cậy, thuyết phục được nhà đầu tư Nhật thì sẽ rất
lợi thế cho VN.
Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta đã tạo được mối quan hệ
thật sự đáng trân trọng với Nhật Bản, thời gian của cơ hội này không
dài, nhất là về đầu tư. Đây là thời điểm chín muồi để VN thu hút đầu tư
từ Nhật Bản. Trước VN, Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc, Thái
Lan, Singapore... Hiện nay, trong thu hút FDI từ Nhật Bản, chúng ta vẫn
phải cạnh tranh với một số nước mới nổi khác nhưng VN đang có phần trội
hơn về dân số đông, thể chế ổn định, môi trường đầu tư đang cải thiện...
Vấn đề của VN hiện nay là các chính sách thu hút đầu tư
của chúng ta còn hơi chung chung. Ví dụ trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ
dù đã kêu gọi đầu tư hơn 10 năm nay nhưng khi nước bạn hỏi chúng ta cần
gì thì không trả lời được. Thiếu thông tin cụ thể cho nhà đầu tư đang
làm chậm sự háo hức của họ. Thu hút đầu tư và định hướng như thế nào rất
quan trọng, VN hiện nay vẫn chưa nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, chưa
có những sản phẩm ghi dấu ấn trên bản đồ hàng hóa thế giới.
* Vậy theo ông, thu hút đầu tư của VN từ Nhật Bản cần có sự chuyển hướng?
- Sau khi VN gia nhập WTO, thu hút FDI tăng vọt, chúng
ta đón nhận quá hồ hởi, nhiệt tình mà thiếu sự chuẩn bị dẫn đến không
hấp thu, tận dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Theo tôi, trước hết chúng ta
phải cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư, phân chia mảng, lĩnh
vực cụ thể. Rõ ràng họ có nhu cầu bỏ tiền nhưng lại không biết phải bỏ
vào đâu, lĩnh vực nào, khu vực nào.
Những đoàn khảo sát của Nhật Bản từ trước đến nay vào
VN thường ghé Hà Nội và TP.HCM. Lần này khi biết đến khu vực ĐBSCL họ
mới té ngửa về một khu vực rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là đầu tư vào
nông nghiệp. Nhật Bản và VN cùng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP), cơ hội hợp tác đầu tư nông nghiệp rất lớn. Một trái
xoài trồng ở Nhật được bán với giá 15 USD, trong khi với số tiền ấy
chúng ta có thể mua cả ký xoài ngon nhất VN. Trái cây VN lại đang rất
vất vả vượt qua các hàng rào kỹ thuật để vào Nhật Bản, nhưng đến nay
cũng chỉ có thanh long mà phải mất đến 13 năm. Nếu hợp tác, tận dụng
được lợi thế kỹ thuật, tiêu chuẩn, vốn đầu tư của người Nhật, tôi tin
nông sản VN sẽ có cơ hội xuất sang thị trường này nhiều hơn.
Chương trình hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản mà Chính
phủ Nhật vừa thông qua sẵn sàng dành 600 tỉ yen cho các nước khu vực
Mekong. Nếu chúng ta biết khai thác, cung cấp thông tin tốt sẽ nhanh
chóng thu hút được dòng vốn này. Việc kêu gọi vốn đầu tư cần phải vì mục
đích hỗ trợ cho sự phát triển của mình, giúp nhà đầu tư có thể làm ăn
lâu dài. Các nhà đầu tư Nhật Bản thường khởi động chậm, chắc họ tìm hiểu
kỹ nhưng khi đã có niềm tin thì sẵn sàng gắn bó.
* Bên cạnh nguồn vốn FDI, ông đánh giá sự đóng góp của dòng vốn trực tiếp thông qua hình thức M&A như thế nào?
- M&A là một xu thế trong thời buổi hiện nay.
M&A là con đường ngắn để doanh nghiệp Nhật Bản thâm nhập thị trường
nội địa VN, tận dụng những thứ có sẵn như thị trường, mạng lưới phân
phối, nhân sự... mà không phải gặp quá nhiều thủ tục rườm rà. Trong thời
điểm này, VN cũng đang tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào nhiều doanh
nghiệp làm ăn không thành công, cho nên việc mua bán này sẽ có mức giá
hấp dẫn. Vì vậy các thương vụ M&A, theo tôi, sẽ diễn ra sôi động và
là nhu cầu đúng.
|
Cung cấp thông tin và kết nối doanh nghiệp
Hội thảo “M&A tại VN - sức hút từ thị trường Nhật” do báo Tuổi Trẻ
và báo Mainichi (Nhật) phối hợp tổ chức ngày 12-11-2013, tại Tokyo,
Nhật. Hai đơn vị hỗ trợ thực hiện là Quỹ đầu tư Iwakaze và Công ty
BWLaws. Mục đích lớn nhất của hội thảo lần này là cung cấp thông tin cho
các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật về thị trường M&A tại VN, đồng
thời kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước gặp gỡ, trao đổi thông
tin.
|
NHƯ BÌNH thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.