Bình luận của Bách Việt: Đó là nhận xét ngắn gọn "chuẩn không cần chỉnh"của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi trả lời phỏng vấn của Tuần Vietnan.net mới đây về chủ đề phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Đúng vậy, "lãnh đạo phải có sức hấp dẫn"..., nếu không thì khi thấy họ xuất hiện trên TV người xem sẽ chuyển sang kênh khác (như vẫn thường xảy ra những năm gần đây).
- Ông đánh giá như thế nào về kỹ năng lãnh đạo của các cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay?
- Liên quan đến chủ đề anh hỏi thì hiện nay, tôi đang lên lớp giảng bài ở
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kỹ năng lãnh đạo, quản
lý.
Phải nói rằng, trong quá khứ xã hội chúng ta chưa coi trọng kỹ
năng lãnh đạo. Tôi không tìm đâu ra cuốn sách nào của Việt Nam
nói về kỹ năng quản lý, lãnh đạo một cách chuyên nghiệp, khoa học
và bài bản, chắc do vì cơ chế quản lý quan liêu bao cấp không chú
ý chuyện này.
Chẳng hạn khi nói về kỹ năng lãnh đạo thì một chính
khách phát biểu phải khác với dân thường. Tôi thấy thỉnh thoảng
một vài vị cán bộ quản lý của mình phát ngôn dễ dãi quá. Điều này một
phần do bản thân lãnh đạo ít trau dồi kỹ năng, một phần do thiếu môi
trường đào tạo cung cấp phương pháp học tập và rèn luyện kiến thức và kỹ
năng tổng hợp từ lịch sử, địa lý, văn hóa tới nghệ thuật, sức khỏe,
v.v...song hành với các kỹ năng mềm như viết diễn văn, hùng biện hay
thương lượng, đàm phán, v.v...
Thế hệ lập quốc, thế hệ Bác Hồ phải đối đầu với những
thử thách cam go. Tuy lý thuyết ít, nhưng trải nghiệm cuộc sống
rất khủng khiếp, trải qua thực tế tù đày, chiến tranh, đối
đầu với những kẻ thù rất hùng mạnh.
Vì vậy, dù không được đào
tạo cơ bản nhưng họ được đào tạo bởi trường đời, bởi quá trình tự học và
tự trải nghiệm. Thế hệ cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay nhiều
người không trải qua thử thách ấy, lại không được học về kỹ
năng quản lý, lãnh đạo. Đấy là cái khó của người cán bộ quản lý,
lãnh đạo.
- Vậy, tố chất nào quan trọng nhất với một người cán bộ quản lý, lãnh đạo, thưa ông?
- Một người cán bộ quản lý, lãnh đạo đòi hỏi nhiều tố chất.
Theo tôi, cái quan trọng nhất là phải hấp dẫn được người khác
bằng trí tuệ và nhân cách của mình. Người quản lý, lãnh đạo mà
không có sức hấp dẫn thì không phải lãnh đạo đích thực.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Lãnh đạo là gì? Lãnh đạo là người đề ra mục tiêu và dẫn
dắt mọi người đi theo mục tiêu đó, muốn dẫn dắt được thì
người ta phải nghe anh.
Nếu anh dùng quyền lực để áp chế người
ta nghe mình thì họ chỉ nghe giả vờ thôi. Muốn người ta tự
nguyện đi theo thì anh phải có sức hấp dẫn về trí tuệ và
nhân cách.
Có thể khái quát lãnh đạo, quản lý có 3 loại quyền lực: Địa
vị, kiến thức và nhân cách, trong đó hai quyền lực sau có sức hấp dẫn
đích thực hơn loại quyền lực thứ nhất.
Để có sức hấp dẫn thì những tố chất khác của một nhà quản lý, lãnh
đạo, dù là lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hay lãnh đạo tổ chức
tư nhân thành công cần phải có.
Đó là: không những phải hiểu về bản thân
mình mà cần hiểu được đất nước mình, dân tộc mình hình thành và phát
triển ra sao để xây dựng cho mình một tinh thần công dân có trách nhiệm
cao cả hơn nữa. Muốn trở thành lãnh đạo thì cần phải biết cách học hỏi
các vị tiền bối, những nhà lãnh đạo đương thời và quá khứ, cả trong nước
lẫn ngoài nước để biết cách phân tích những tố chất, hành vi, hiểu được
tầm nhìn và vai trò ảnh hưởng của nhà lãnh đạo, để rồi từ đó tìm ra
phương pháp rèn luyện và tạo động lực phấn đấu cho riêng mình. Phải có
một tâm hồn nghệ thuật, biết thưởng thức âm nhạc và cảm thụ cái đẹp. Đặc
biệt là yếu tố về sức khỏe và những kỹ năng vượt khó.
Những yếu tố quan trọng trên đều không phải tự nhiên mà có mà phải
được học, rèn luyện và trải nghiệm từ rất sớm may ra có thành công, và
nghiên cứu cho thấy lứa tuổi để bắt đầu tập trung rèn luyện những tố
chất trên thường đạt hiệu quả tối ưu khi ở lứa tuổi 20 đến 25 tuổi.
- Muốn trở thành lãnh đạo "hấp dẫn" như ông nói thì có khó không?
- Điều đầu tiên, tôi cho rằng cán bộ quản lý, lãnh đạo cũng phải
có tố chất, nhiều khi là trời cho. Có những người được đào
tạo rất tốt nhưng không lãnh đạo được vì không có tố chất và
sức hấp dẫn. Thậm chí có những người đầy kiến thức nhưng khi
làm lãnh đạo thì chẳng ra gì, vì họ không có "duyên" làm lãnh đạo.
Còn đối với những người đã có tố chất lãnh đạo rồi thì tố chất đó
phải được rèn luyện qua hai môi trường. Một là trường học chính
thống, hai là lăn lộn trong thực tiễn trường đời trên cơ sở cái
trời cho của mình. Trường học chính thống không đồng nghĩa hoàn toàn
với bằng cấp như thực tế hiện nay.
Thế hệ chúng tôi rụt rè lắm
- Ông có nhắc đến môi trường đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo, ở Việt Nam ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo ở nước ta đang có lỗ hổng, kể cả lãnh đạo khối Nhà nước lẫn khối tư nhân, doanh nghiệp.
Điều này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là trong công tác cán bộ,
các chức danh chưa có tiêu chuẩn. Ví như tiêu chuẩn vụ trưởng gồm
có những tiêu chuẩn gì? Ai đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy thì mới bổ
nhiệm. Hiện tại, ở nước mình không có tiêu chuẩn và có thể xếp
một người vào bất kỳ chỗ nào cũng được. Ở các nước tiên tiến họ
có tính chuyên nghiệp cao là vì mỗi chức danh đáp ứng bấy
nhiêu tiêu chuẩn.
Tôi thấy môi trường đào tạo cán bộ quản lý, lãnh đạo hiện nay phần
lớn thiên về lĩnh vực kinh doanh, quản trị chung, chủ yếu liên quan tới
kỹ năng mềm mà chưa cung cấp kiến thức và kỹ năng chính trị - xã hội.
Cũng như kỹ năng hùng biện, kỹ năng viết diễn văn, kỹ năng sinh tồn, kỹ
năng ứng phó với tình huống, chưa đưa được mục tiêu về ý chí, sức khỏe,
đạo đức... vào chương trình đào tạo.
Cán bộ quản lý, lãnh đạo phải rành lịch sử, văn hóa dân tộc Việt,
phải đặt câu hỏi để yêu quê hương, đất nước thì mình cần làm gì và làm
thế nào để gây dựng và nuôi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc một
cách không khô khan, sáo rỗng.
So sách các yếu tố trên với các nhà lãnh đạo nổi bật trong nước và
trên thế giới, ta hãy đặt câu hỏi: vì sao họ đều có sức khỏe đáng nể và
có những kỹ năng vượt qua thử thách một cách kỳ diệu đến như vậy?
Nhiều lần tham gia đối thoại, gặp gỡ với các bạn trẻ, ông có nhận xét gì? Nhất là với đội ngũ quản lý, lãnh đạo trẻ?
- Thế hệ trẻ hiện nay hơn thế hệ chúng tôi hai điều: Kiến
thức của họ rộng hơn, họ tiếp cận được nhiều thông tin của
Việt Nam và thế giới. Thế hệ chúng tôi không được đào tạo cơ
bản, không được tiếp xúc thông tin, nhất là thông tin về thế
giới, do đó hiểu biết của mình về thế giới hạn hẹp.
Các
bạn trẻ hơn chúng tôi về sự năng động, mạnh dạn. Thế hệ chúng
tôi rụt rè lắm, không dám nói, không dám tranh luận.
Tất cả do tổ chức sắp xếp, phát biểu nào cũng có bài viết
sẵn, đeo khăn quàng đỏ mà đọc thôi. Tôi có tham gia nhiều cuộc
đối thoại với các bạn trẻ, các bạn hỏi tới tấp từ 8 giờ
sáng tới 12 giờ trưa vẫn chưa hết. Các bạn hỏi những vấn đề
rất lớn chứ không phải nhỏ nhặt đâu.
Vậy đâu là điểm còn hạn chế?
- Mặt yếu của giới trẻ, trong đó có lãnh đạo trẻ, đó là do đào
tạo của nền giáo dục chúng ta nên kỹ năng của các bạn chưa
được tốt lắm, kiến thức thì có nhưng biến kiến thúc thành hành
động thì còn yếu.
Các trường của ta ít dạy kỹ năng, chỉ nhồi
nhét kiến thức. Ví dụ như học đối ngoại nhưng không có kỹ năng
đàm phán, kỹ năng viết văn kiện, kỹ năng hùng biện, kỹ năng đối
đáp.... Bên cạnh kỹ năng làm việc, kỹ năng sống cũng có điểm hạn
chế.
Giáo dục ở các nước phát triển cho điểm vì sự sáng tạo chứ
không phải vì thuộc bài. Còn ta cứ dạy những chuyện đâu đâu,
trừu tượng không đi vào cuộc sống, trong khi đó những kỹ năng
bình thường lại không có, tính sáng tạo kém vì chỉ nhồi nhét
kiến thức, biến chúng ta thành con vẹt.
Các bạn được đi du học, được tiếp thu văn hóa phương Tây có một
nhược điểm là không thích nghi được với thực tế Việt Nam, sinh ra
chán nản, đưa ra những ý tưởng không hợp thực tế. Mỗi dân tộc có
một văn hóa riêng, muốn làm cán bộ quản lý, lãnh đạo tốt thì phải hiểu
được văn hóa của dân tộc, không thể áp dụng văn hóa nước khác với Việt
Nam được. Mỗi dân tộc có một đặc điểm phát triển riêng, không thể
bê cái nguyên xi mô hình của người ta về nhà mình được.
Vì thế, theo tôi các bạn trẻ nên biết cách tự đào tạo mình trở thành
những nhà cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi. Đồng thời nghiên cứu các mô
hình đào tạo lãnh đạo trên thế giới như trường đào tạo chính khách Matsushita của Nhật
để rút ra bài học cho Việt Nam.
Các bạn trẻ cũng nên tìm cho mình
những
chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo phù hợp với mục tiêu. Đó phải là
chương trình có sự khác biệt rõ rệt và thực tế, có thể giúp các bạn tự
mình trau dồi và rèn luyện để ngày
càng trở thành một nhà lãnh đạo "hấp dẫn".Trần Đông (thực hiện)
Những vấn đề ông Vũ Khoan nói thì Cũ như lò sũ.
Trả lờiXóa