Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Bệnh nhân cần gì ở thầy thuốc?

Câu hỏi đơn giản này xem ra vẫn rất khó để trả lời một cách thỏa đáng ở Việt Nam nơi mà người xưa đúc kết "Lương y như từ mẫu", nhưng người thời nay lại khuyên "Bệnh nhân phải thông minh!". Nhưng liệu bệnh nhân có thể thông minh được sao?


Người viết bài này là một bênh nhân mắc bệnh hiểm nghèo do may rủi mà sống sót đến ngày hôm nay. Nói may rủi là đúng với nghĩa của từ này trong bối cảnh bất cập của hê thống y tế tại đây khi nhiều trường hợp bệnh nhân không chết vì bệnh tật mà lại chết vì nhầm lẫn trong điều trị hoặc vì không thể tìm được đúng thầy đúng thuốc và rất nhiều kiểu chết oan khác như ta thấy gần đây. Phải chăng vì thực tế này mà có lời khuyên bệnh nhân "phải thông minh"? Điều này tôi không được rõ lắm. Nhưng có một điều tôi biết rõ là, hơn ai hết bệnh nhân rất thấm thía với lời khuyên của người xưa "Có bệnh thì phải váy tứ phương" và do đó luôn hàm ơn đối với bất cứ ai cứu sống mình. Khi đã lâm bệnh họ cũng không mấy bận tâm về các hành vi bị xã hội lên án là "hối lộ", "móc ngoặc"... miễn sao chữa được bệnh. Điều tối thiểu người bệnh cần là sự minh bạch và một chút thân thiện từ phía thầy thuốc. Nhưng tiếc thay, điều này ngày càng hiếm hoi. Dưới đây là một số trải nghiệm của bản thân. 
 
Cảnh tại một bệnh viên ở Hà Nội 

 Cấp cứu
Tôi thuộc diện hay đi "khám bác sĩ", nhưng không phát hiện được bệnh để phải nhập viện cấp cứu với một khối u vỡ ra trong gan.  Đó là một buổi sáng đẹp trời giữa năm 2011 khi tôi vừa về nhà thì chợt cảm thấy một cơn đau nhói bên sườn phải. Lặng lẽ lên gác thay quần áo định bụng nằm nghỉ và chờ xem sao…nhưng vừa đặt lưng xuống gường lại thấy đau chỗ cũ, tôi bèn mặc lại quần áo và xuống nhà bảo vợ gọi xe cấp cứu. It phút sau tôi được đưa đến bệnh viên gần nhất, đó là Bệnh viên E cách nhà không đầy một cây số. Tại đó tôi được các bác sĩ  đo huyết áp và khám kỷ hơn nhưng không xác định được bệnh gì thì phải (?), vì tôi nằm đó nghe rõ lời ông bác sĩ trưởng ca trực nói như quát với vợ tôi đang cố trình bày rằng tôi "đau ở vùng bụng": “Thế bà bảo tim quan trọng hơn hay bụng quan trọng hơn?...Bà không biết nhịp tim của ông nhà xuống rất thấp hay sao mà bảo là đau bụng...!? 

Giữa lúc đó, một cơn buồn đi ngoài dữ dội ập đến (May mà tôi vẫn biết nín để chờ... cái bô). Và một trận đi ngoài bất đắc dĩ với mọi thứ cứ trôi ra tuồn tuột...Nó khiến tôi nhớ ai đó đã nói rằng "người ta trước lúc chết hay đi ngoài..." Và tôi bắt đầu sợ nổi sợ của người sắp chết! Sau đó, tôi chỉ nghe lơ mơ tiếng người và âm thanh lọc cọc của chiếc cán thương và xe chạy… Sau này vợ tôi kể lại trước lúc vào phòng mỗ tôi đã không quên nhắc bà  ấy về chuyện "phong bì" .... Thế mới lạ chứ!   
  
Đó là ca phẫu thuật thứ hai trong đời (lần đầu là cắt a-bi-đan). Ca mổ được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và tôi đã may mắn qua được. Sau này được biết, do lần đó mổ cấp cứu không biết bệnh gì nên các bác sĩ chỉ kịp tiến hành biện pháp cầm máu cứu người, chứ không cắt bỏ khối u nghe nói đã to bằng quả trứng vịt. 

Ca mổ diễn ra thế nào tôi không rõ. Chỉ biết hôm sau tỉnh lại nhận ra mình đang nằm trong phòng hậu phẫu cùng nhiều bệnh nhân khác. Lúc đó tôi thấy mình hoàn toàn tỉnh táo mặc dù không thể nào nhấc người ngồi dậy, thậm chí không thể xoay người hoặc làm một động tác nào. Nhìn thấy vợ và các con đứng bên cạnh là tôi yên tâm. Có lẽ đó là những giây phút kỳ diệu nhất của  một người vừa từ cõi chết sống lại.

Những ngày tiếp sau là những cơn đau nhẹ, đôi khi khó thở. Nhưng điều cơ bản là tôi đã sống! Nhưng hình như sự sống bao giờ cũng đi kèm với nỗi lo sợ thì phải (?). Nỗi sợ giờ đây là không biết bệnh của mình là gì. 

Nằm nghĩ mung lung và bắt đầu thấy chán với cái cảnh nằm viện không có gì để đọc hoặc nghe nhìn... Đặc biệt “nhớ” cái máy tính; trong giấc ngủ đêm luôn hiện rõ những bài viết trên blog mà tôi đã lập từ khi nghỉ hưu. Hiện tượng này có lẽ là do vỏ não tái hiện những gì nó đã thu nhập trước ca mổ. Và tôi thấy muốn viết gì đó, nhưng bị cả nhà phản đối khuyên nghỉ  ngơi, đừng suy nghĩ ...!  Chẳng biết mọi người lấy cơ sở nào mà khuyên như thế, trong khi người bệnh nằm mãi buồn chán sinh ra lo nghĩ về bệnh tật… 

Người nhà bệnh nhân
Một tuần sau thì được cho làm thủ tục chuyển sang phòng bệnh nhân thường. Dù sao được di chuyển ra ngoài cũng là một cơ hội tự do. Vừa ra cửa đã thấy cảnh người nhà bệnh nhân đứng ngồi la liệt khắp hành lang, có lẽ đông gấp nhiều lần bệnh nhân. Sau này mới biết, họ là đội quân thực thụ của bệnh viện với trách nhiệm vừa chăm sóc người nhà đồng thời "chăm sóc" cả các y bác sĩ. Suốt ngày đêm họ tự nguyện túc trực, ngủ vạ vật đâu đó… để sẵn sàng tiếp ứng khi được gọi :”Người nhà bênh nhân….đâu?”. Nếu chẳng may vắng mặt, họ sẽ bị trách móc nặng nề hơn cả người trong biên chế bệnh viện, đơn giản chỉ vì họ là "người nhà bệnh nhân". Cái  khó của họ là ngoài việc lo chăm sóc người bệnh còn  phải biết cách tiếp cận các y bác sĩ để nắm tình hình và biết ai và lúc nào cần bỏ vào phong bì bao nhiêu…Đó là một “đặc nhiệm”mà nếu làm không tốt sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến người bệnh, chứ chẳng chơi!
 
Phòng bệnh tôi mới dọn đến thuộc khu “nhà Nhật” (người ta gọi thế vì nhà này do Nhật viện trợ từ nhiều năm trước). Nhà Nhật xây quả có hơn nhà ta: bố cục hợp lý, tường ốp gạch men cho sạch...,  nhưng thiết bị đều đã xuống cấp do không được sửa chữa kịp thời, nhiều trang thiết bị không được phục hồi hoặc bị tháo bỏ để tiết kiệm chi phí.

Cuộc sống tại đây nói chung tương đối êm ả, ngủ yên giấc, không đau đớn, ít sự cố…Có những trường hợp cả gia đình bênh nhân, kể cả trẻ nhỏ cùng ngủ chung bên cạnh hoặc dưới gầm gường bệnh nhân. Có lẽ với người vùng sâu vùng xa, đây là nơi ở khá lý tưởng vì có điều hòa và điện nước cả ngày đêm!  Nhưng có điều nghịch lý là, Ngành y lúc nào cũng kêu thiếu diện tích, thiếu gường bệnh, thiếu nhân lực... (và do đó phải để người nhà vào chăm sóc bệnh nhân!). Nhưng làm thế có khác nào cắt bớt không gian sống của người bệnh đồng thời tạo môi trường lây lan bệnh tật ra ngoài cộng đồng?  Đó là chưa tính đến những thiệt hại kinh tế do người nhà phải nghỉ việc, mật độ giao thông, v.v…là những bài toán mà các nhà quản lý đất nước hình như không cần biết, trái lại còn coi là "sáng tạo" theo kiểu “con kiến leo cành đa..." trong cuộc săn tìm hình mẫu XHCN tốt đẹp.
 
Bác sĩ thăm bệnh
Mọi sự sẽ êm đềm trôi qua nếu không có sự kiện sau đây. Khoảng  9h sáng hôm đó một đoàn bác sĩ đến "thăm bệnh". Người dẫn đầu  chỉ vào một bà lão đang nằm co ro hỏi: “Tên gì”…Không xem sổ theo dõi bệnh nhân (kẹp ở đầu gường) cũng không chờ bà lão trả lời, vị này bảo: “Chuẩn bị hôm nay ra viện!”.  Nói rồi vị rảo bước quay đi. Cả nhóm quay theo lướt qua mấy gường bệnh kế tiếp, loáng cái đã đến gường tôi, vị bác sĩ chỉ vào phía tôi và hỏi lửng lơ một câu nghe không rõ, hình như “Đây là ai...?". Giá mà ông ấy với tay xem cái sổ theo dõi ở đầu gường thì  tôi đã có thêm chút thời  gian. Nhưng ông ấy đã không làm thế. Nghe hỏi,  một bác sĩ đứng bên khẽ trả lời nắn gọn: “Đây là bệnh nhân u gan vỡ". Không hỏi han gì thêm, vị bác sĩ dẫn đầu buông câu: “Ngày mai ra viện. Hai tuần sau trở lại cắt chỉ”.

Lâu nay tôi chỉ mong có dịp được gặp người bác sĩ đã mổ và cứu sống mình để nói lời cảm ơn.  Nhưng không ngờ mọi việc đã diễn ra quá nhanh, riêng với tôi có lẽ chỉ được 5 giây, vừa đủ để đọc cái tên trên ngực áo là “bác sĩ H.” Vài câu nói lấp lững của  bác sĩ H. khiến tôi bất ngờ và thêm lo lắng...vì đó cũng là những thông tin chính thức đầu tiên được nói ra từ ông ấy. Trong tâm trạng ngỡ ngàng và lo lắng tôi chỉ kịp nói với theo: “Cảm ơn bác sĩ đã cứu mạng...”  và hỏi với theo: “Thưa...tôi bị u gan...?” Nhưng bác sĩ H. có vẽ không nghe thấy gì, vẫn cứ bước đi như người xa lạ.

Tù mù bệnh án
Tôi thuật lại cuộc thăm bệnh nhân hiếm hoi đó nhằm cùng vợ tìm câu trả lời cho cái cảm giác lẫn lộn về tình trạng bệnh tật của mình. Lúc đó vợ tôi cho biết: Bác sĩ H. sau ca mổ đã bảo “Về nhà chuẩn bị hậu sự đi là vừa”…, tức bệnh rất nặng và khó bề qua khỏi - u gan giai đoạn cuối mà!. Ông ấy còn dặn thêm: “Đừng nói gì cho bệnh nhân!”. 

Thì ra là thế. Với quan điểm "sống để bụng, chết mang đi" như vậy, thì cách hành xử như vừa rồi của bác sĩ H. là có thể hiểu được phần nào. Tuy nhiên cũng có thể có sự uẩn khúc nào đó? Nói chung, đó là một cảm giác bất an do không được thông báo chính thức rõ ràng hay do phía bệnh nhân có gì sơ xuất...? Nếu không, đáng lẽ bác sĩ là người biết rõ bệnh nhân hơn ai hết thì nên trực tiếp phổ biến và động viên bệnh nhân để đối phó với bệnh tật thì lại chủ động giữ khoảng cách tạo ra những mối hoài nghi lo lắng không cần thiết cho bệnh nhân. Hay đó là nguyên tắc "bí mật nghề nghiệp" đối với người sắp chết ? Lẽ nào đó là cách tư duy khoa học? Nếu không, thì làm thế để làm gì?  

Hôm sau tôi buộc phải xuất viện trong tình trạng chưa cắt băng, sức khỏe chưa ổn định. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, trong hồ sơ không thấy Giấy xét nghiệm sinh thiết u gan vỡ. Khi vợ tôi hỏi, Bác sĩ H. giải thích là " bị thất lạc..." và hứa "sẽ cho làm xét nghiệm lại từ mẫu lưu trong tủ lạnh", nghe thật khó tin! Lúc đó tôi cảm thấy sự bất an của người bị bỏ mặc và hoang mang không biết sau này sẽ tiếp tục điều trị như thế nào. Cảm giác này luôn gặp lại về sau mỗi lần tôi ra khỏi cửa một bệnh viện nào đó.

Đang hoang mang thì một sự tình cờ đến từ một mối quan hệ "giây mơ rể má" đã giúp tôi chuyển tiếp sang Trung tâm Ung bướu ngay bên cạnh, và cũng nhờ đó tôi có cơ hội để kiểm tra lại bệnh trạng trước khi về nhà.  

Bơ vơ bệnh nhân
Là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhưng không thuộc bệnh viên chuyên khoa nào, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tìm nơi điều trị.  Sau ca cấp cứu, tôi cùng vợ chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm nơi chữa bệnh. Một lần được bạn bè mách cho một vị bác sĩ có học vị Tiến sĩ đã từng du học Đức, Mỹ về Việt Nam mở phòng khám. Chúng tôi liền tìm gặp và lấy làm tâm đắc nghe ông rao giảng về "Đông Tây y kết hợp" và "chữa bệnh không đau đớn".... Chỉ tiếc chính ông ta lại "đọc nhầm" tờ film X quang tôi mới chụp tại Trung tâm Ung bướu và phán rằng "Đây nầy, phổi của ông bị di căn hết cả rồi...". Nghe vậy tôi đành "bỏ của chạy lấy người" đến giờ chưa dám quay đầu lại. 

Sau đó ít lâu tôi xin vào Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Quân Y viện 108  hy vọng được chữa bằng phương pháp tô-xi, tiêm cồn hoặc sóng cao tần đang được tuyên truyền là "hiện đại nhất...". Khó khăn lắm tôi mới chuyển được sổ Bảo hiềm y tế về đây. Nhưng chỉ mấy ngày sau, chính vị bác sĩ nhận tôi vào viện mới phát hiện động mạch dẫn vào khối u của tôi đã bị thắt khi cấp cứu ở Bạch Mai- điều này đã được ghi rõ trong hồ sơ bệnh án. Phát hiện này cũng có nghĩa là hết đường để áp dụng phương pháp của ông ấy! Và do đó ông đề nghị chuyển tôi sang Khoa ngoại để cắt bỏ khối u. Rất đơn giản giản vậy thôi, nhưng quá đột ngột đối với tôi. Cuối cùng tôi đã phải làm tờ cam đoan "không mổ". May sao tôi đã tồn tại được   cho đến giờ là 2 năm

Tuy nhiên theo kết quả khám định kỳ mới đây cho thấy có biểu hiện tái phát. Và một lần nữa các Bác sĩ lại khuyên tôi cắt bỏ khối u... Lần ngày tôi xin chuyển sang Bệnh viên Việt-Đức. Tại đây tôi được nghi vấn và cho khám "u túi mật", rồi thử "sán lá gan"... khiến tôi thật sự cảm kích vì trước nay chưa ai đặt vấn đề nghi vấn như vây. Nhưng sự phức tạp hình như cũng bắt đầu từ đó. Vị các sĩ ở Việt Đức giới thiệu tôi đến một phòng khám tư để xét nghiệm sán lá gan và cho kết quả "dương tính". Dựa vào kết quả đó, cả bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 108 đều thản nhiên khuyên tôi hãy tự tìm mua thuốc sán lá gan để uống (?!). Cũng đơn giản thôi mà! Nhưng may mà trong khi loay hoay chưa mua được thuốc, thì có người quen mách bảo tôi đến Viện Sốt rét Kí sinh trùng Trung ương và được biết: Để biết có sán lá gan hay không phải làm một loạt xét nghiệm, sau đó sẽ quyết định dùng thuốc điều trị như thế nào... Vậy là, một lần nữa lại gặp may.  Nếu tôi đã mua được thuốc và tự điều trị sán lá gan thì có lẽ không biết điều gì đã xảy ra(?) (Còn tiếp)

Hà Nội ngày 12/7/2013        


   

7 nhận xét:

  1. Khi gan vỡ bác mới biết bác bị bệnh, thì bác là người kém thông minh rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế bạn nghĩ sao về những người găp tai nạn? Tôi nghĩ bệnh tật là một dang tai nạn khó tránh. Nếu thông minh mà tránh được bạo bệnh thì các nhà bác học phải là người sống lâu nhất thế giới .

      Xóa
    2. Có lẽ Nặc danh hiểu sai ý tác giả? Tác giả cho rằng mình "may rủi", chứ đâu dám "thông minh"...

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Cảm Nhà văn NQL quan tâm. Có lẽ phải chờ xem may rủi thế nào rồi viết tiếp...

      Xóa
  3. Nguyện cầu ơn trên cho thầy và gia đình chạy đúng thầy đúng thuốc, bệnh lui người khỏe. Bài viết hay, dí dõm pha chút xót xa. Thế mới biết sự bệ rạt của ngành y tế là đã quá đáng, nhưng những người có trách nhiệm được cho là lực lượng ưu tú nhất của xã hội vẫn cứ làm ngơ.

    Trả lờiXóa
  4. Mang ma ban het chung no di

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này