Đó là tiêu đề của bài báo dưới đây của người Pháp viết về quan hệ TQ-Campuchia. Nhưng đó cũng là một sự đúc kết súc tích về kết quả mà Bắc Kinh đạt được cho đến nay trong chiến lược "chia để chiếm" đối với Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Có thể nói Bắc Kinh mặc dù đã thất bại trong rất nhiều âm mưu khuynh đảo Maoist tại Indonesia, Malaysia và nhiều nước trong khu vực, nhưng giờ đây đã rất thành công trong trường hợp Cămpuchia dù đã từng được Việt Nam hết lòng cưu mang giúp đỡ và tranh thủ. Âu đây cũng là một bài học cho chính Việt Nam(?) -Bách Việt.
Tập Cận Bình chia buồn Hoàng hậu Monineath, (Ảnh REUTERS) |
Nhân tang lễ của cố quốc vương Sihanouk, hai tờ La Croix và
Le Figaro quan tâm đến tình hình Cam Bốt. Đáng chú ý nhất là nhận định
của Le Figaro về sự kiện : "Cam Bốt, đầu cầu của Trung Quốc tại châu Á
», tựa bài báo của đặc phái viên Arnaud de la Grange tại Phnom Penh.
Nhận xét đầu tiên của Le Figaro là Cam Bốt ngày nay, cũng như
cố quốc vương Sihanouk của đất nước này, đã trở nên người bạn tốt nhất
của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á. Việc xích lại gần nhau này đã thúc đẩy
kinh tế Cam Bốt, nhưng không mấy được các nước láng giềng ưa thích.
Tác giả bài viết trở lại thời điểm lúc tin quốc vương Sihanouk qua
đời vào tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, Bắc Kinh đã treo cờ rũ ở quãng
trường Thiên An Môn, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã thay
đổi chương trình, phát trực tiếp cảnh đoàn xe tang đi qua các đuờng phố
với ghi nhận : « Một người bạn lớn » của Trung Quốc đã ra đi.
Ông Đới Bỉnh Quốc, người thiết kế chủ chốt chính sách ngoại giao của
Bắc Kinh đã tiễn đưa thi hài vị "vua cha" đến tận Phnom Penh. Sau đó
không lâu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thông báo tặng 500.000 đô
la cho việc tổ chức tang lễ.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn cho thấy rằng Cam Bốt và Trung Quốc là
hai người bạn chí cốt, vương quốc bé nhỏ này là người bạn thân thiết
nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một khu vực nơi mà Bắc Kinh không còn
bao nhiêu bạn bè.
Về phiá Cam Bốt, tình bạn này được thấy rõ từ thành thị cho đến nông
thôn, tại những xưởng vải sợi với hàng ngàn công nhân ở ngoại ô Phnom
Penh, với các hàng chữ tiếng Hoa đập mắt trên các tấm vách bằng tôn, hay
là qua những con đường tráng nhựa mà Trung Quốc xây dựng, đi vào tận
các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Bài báo nhắc lại khối lượng đầu tư to lớn chưa từng thấy mà cường
quốc phương Bắc đổ vào Cam Bốt - 11 tỷ đô la - để xây dựng một tuyến
đường sắt, một bến cảng và một nhà máy luyện thép. Theo giới chuyên gia,
Trung Quốc có một chiến lược rất rõ ràng.
Cam Bốt : « Sân sau » của Trung Quốc
Theo ông Chheang Vannarith, giám đốc viện Cam Bốt vì Hợp tác và Hoà
bình (Cambodian Institute for Cooperation and Peace), đây là một quan hệ
song phương độc nhất vô nhị, nhắm vào một đất nước được Trung Quốc xem
là sân sau của họ : « Ảnh hưởng Trung Quốc tại đây lớn lên một cách đáng
kể, đối với Trung Quốc đây là vấn đề chiến lược, vì ở đằng sau là các
vấn đề Biển Đông và cả Ấn Độ Dương.
Le Figaro ghi nhận : Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Cam Bốt không chỉ
được thấy trên mặt kinh tế, mà cả trên mặt văn hóa. Tiếng Hoa hiện là
ngoại ngữ chiếm vị trí thứ hai ở Cam Bốt sau tiếng Anh, còn các chương
trình truyền hình, trên 70 kênh mà người Cam Bốt có thể xem, có đến 50
kênh nói tiếng Hoa.
Theo bài báo, tại Cam Bốt Trung Quốc có lợi thế là cộng đồng người
Hoa rất quan trọng - khoảng 700.000 người Cam Bốt gốc Hoa, tức là khoảng
5% dân số - và họ nắm giữ 80% hoạt động kinh tế xứ chùa Tháp.
Tác giả bài báo nhìn thấy là Bắc Kinh – dựa vào Cam Bốt - đã giành
được những thắng lợi ngoại giao rất quan trọng mà người ta không ngờ nếu
chỉ căn cứ vào trọng lượng của Cam Bốt. Đó là đã phá vỡ được sự đồng
thuận của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Đây là một thắng lợi lớn của
Trung Quốc vốn có lôgíc có thể gọi là « chia để chiếm ». Nhiều nhà quan
sát, theo bài báo, đã lo ngại là sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN tác hại
đến an ninh khu vực.
Nhưng không phải chỉ mới bây giờ, Le Figaro nhắc lại quan hệ Cam Bốt
-Trung Quốc thiết lập vào năm 1958. Ngay từ lúc ấy, Bắc Kinh đã luôn
luôn bảo vệ được ảnh hưởng của mình tại Cam Bốt bằng cách ủng hộ các tác
nhân trên chính trường Cam Bốt : ông Sihanouk vào thập niên 1960, Khờ
Me Đỏ trong thập niên 1970, rồi đến Hun Sen sau đó, nhất là vào năm
1997, khi tình bạn Bắc Kinh -Hun Sen chuyển qua một khúc quanh mới.
Vào năm đó, theo bài báo, Bắc Kinh không một chút do dự, đã ủng hộ
Hun Sen lên nắm toàn quyền tại Cam Bốt sau một cuộc ‘đảo chính’ nhỏ.
Các năm tháng trăng mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ còn tiếp diễn.
Le Figaro ghi nhận : Để đánh dấu 55 năm bang giao, chủ tịch Trung Quốc
Hồ Cẩm Đào đã quyết định chọn năm 2013 này là năm hữu nghị Cam Bốt-Trung
Quốc.
Ngoài Le Figaro, tình hình Cam Bốt cũng được nhật báo Công giáo La
Croix chú ý với bài phân tích về thể chế chính trị mà theo tờ báo, chỉ
là một chế độ « quân chủ bề ngoài », tựa bài báo trang quốc tế. La Croix
giải thích : Quốc vương Cam Bốt hoàn toàn không có bất kỳ quyền hạn gì.
Phóng viên Mai Vân
Theo RFI ngày 4/2/2013/ Anh Basamngày 5/2/2013
Theo RFI ngày 4/2/2013/ Anh Basamngày 5/2/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.