Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

New7Wonders và vịnh Hạ Long:Cái gì đến đã đến

Bất chấp những lời phê phán, cảnh báo và sự hoài nghi của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, kể cả của một số giới chức Việt Nam và của tổ chức UNESCO, cuộc bình chọn danh hiệu “New7Wonders” đối với vịnh Hạ Long đã bước sang giai đoạn cao trào với buổi lễ hoành tráng tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội tối 27/4/2012. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thắng lợi của trường phái háo danh sính hình thức, nhưng có lẽ cũng là một sự kiện gây phân tâm đáng kể nữa đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Đây có thể chưa phải là kết thúc mà chỉ là sự bắt đầu của hàng loạt vấn đề đặt ra đối với ngành văn hóa-du lịch Việt Nam.

Thực ra buổi lễ là một sự kiện quan trọng nhất của cả quá trình rất "hao người tốn của" kéo dài từ năm 2007 đến nay và còn tiếp tục dài dài đối với người dân Quảng Ninh nói riêng và đối với cả nước nói chung. Dù  chưa có con số tổng kết chính thức về toàn bộ chi phí cho đến nay, chỉ biết rằng từ ngày bắt đầu phía nước chủ nhà phải đóng cho ban tổ chức New7Wonder không dưới 5000 USD mỗi tháng (theo VNnet ngày 23/11/2011). Đó là chưa kể rất nhiều loại chi phí “lặt vặt” về nhân sự, vé máy bay, khách sạn, quảng cáo, tổ chức sự kiện,v.v…, đặc biệt chưa kể khoản đóng góp cuối cùng trị giá hàng trăm triệu USD do bên tổ chức yêu cầu theo từng giai đoạn. Đây có thể là một cái bẩy khiến bên tham gia ngày càng dấn sâu vào những khoản chi phí không lường trước được.
Phí tổn từng ấy đối với một nước nghèo như Việt Nam là không nhỏ, nhưng chỉ là một lý do để phản đối; lý do chính và quan trọng hơn là ở sự thiếu tính “chính danh”và  sự mờ ám của quá trình bình chọn cũng như tính hiệu quả của danh hiệu trước mắt và lâu dài. Chỉ có kẻ điên mới bỏ tiền ra để mua một món hàng không thực chất như vậy!. Thế giới làm sao có thể tôn trọng kết quả từ một kiểu bình bầu mà trong đó một người có thể  thể bỏ nhiều phiếu (thông những số điện thoại di động và địa chỉ e-mail). Nhiều dư luận quốc tế cho đó chỉ là một trò chơi kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi! Quả vậy, nếu để ý sẽ thấy sự ồn ào náo nhiệt chủ yếu chỉ diễn ra trên “mạng ảo “ và bên trong lãnh thổ Việt Nam và một số nước có đăng ký địa danh bình chọn, và thường thì người nước nào đều chỉ bầu cho nước ấy. Nhưng đó lại là cách tốt nhất mà một website tư nhân có thể lợi dụng để  lừa gạt không chỉ những cá nhân mà cả một dân tộc. Đây không phải là ý kiến suy luận của người viết bài này mà là ý kiến của nhiều người và tổ chức đã dày công nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt về cái website và chủ nhân của nó.

Ta hãy bình tâm cùng điểm lại một số thông tin khách quan như vậy để khỏi mang tiếng “chụp mũ”cho nhau nhé! .

Bernard Weber - chủ nhân của New7Wonders.com
New7Wonders.com là ai? 
Những thông tin khác nhau trên mạng cho thấy trang web New7Wonders là của một người leo núi tên là Bernard Weber- gốc Thụy Sĩ, quốc tịch Canada . Thực chất đó chỉ là một website tư nhân, hoàn toàn không phải một dự án của chính phủ hay tổ chức nào trên thế giới. Bằng cách quảng bá, marketing khôn khéo và láu cá, cụ thể ở đây là việc chọn tên dự án "New 7 Wonders of Nature"- (7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới), Bernard Weber đã kích thích vào tâm lý tự hào dân tộc, lôi kéo và đánh lừa được rất nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí cả các ban ngành về tài nguyên thiên nhiên & du lịch ở nhiều nước khác nhau, đặc biệt các nước nghèo có hiểu biết và dân trí thấp. 
Weber tuyên bố dự án của mình là “phi lợi nhuận”, nhưng thực chất đó là cách kiếm tiền chủ yếu của y, biểu hiện rõ nhất là việc quy định mỗi quốc gia có địa danh tham gia bình chọn phải kí hợp đồng và đóng cho tổ chức một khoảng lệ phí theo thời giá do bên tổ chức đặt ra, nếu ai không đóng sẽ lập tức bị truất quyền tham gia. (Việt nam đã từng bị dọa truất quyền hồi năm 2008 vì không kịp đóng lệ phí hàng tháng). Ngoài ra các website khác nếu muốn sử dụng những nội dung về thắng cảnh bình chọn cũng phải trả một số phí thường không ngừng tăng lên tùy theo thời giá và do phía tổ chức quy định. Đó là chưa kể các nguồn thu từ tiền tài trợ, tiền chia từ các công ty dich vụ viễn thông cho phí SMS và vote call, tiền bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm với giá rất đắt, v.v…Việc quy định mỗi người có thể nhắn bao nhiêu tin tùy thích để bầu chọn thực chất là để "mở rộng cửa" cho các con mồi vào mua càng nhiều phiếu bầu càng tốt...để làm giàu cho các SMS.
Về lợi nhuận, tờ báo Sachsen (Đức) cách đây 3 năm đã trích một tuyên bố của chính N7W : "Chúng tôi cam kết sẽ dùng 50% tiền lãi thu được để đầu tư vào việc tu bổ 7 kỳ quan thế giới mới và một số công trình khác". Nhưng khi được hỏi 50% số lãi còn lại sẽ được dùng vào việc gì, thì N7W không đã trả lời được. Trên thực tế chưa ai chứng kiến N7W đã chi một khoản nào cho ai cả.
Đã có nhiều ý kiến gọi đích danh ông chủ  website New7Wonders là "tên lừa đảo".

Về tư cách và uy tín của New7Wonders
Theo một số nguồn tin cá nhân người Việt tìm hiểu qua các nguồn internet thấy thông tin cụ thể về new7wonders.com như sau: Được xếp hạng 22,607 trên thế giới và hạng 31,656 tại Mỹ (trong khi trang vnexpress được xếp hạng 386 trên thế giới và hạng 1,167 tại Mỹ, ngay cả diễn đàn vn-zoom.com còn được xếp hạng 3,357 trên thế giới và 18,285 tại Mỹ), có nghĩa là, cả 2 trang tiếng Tiếng Việt này đều có “tầm ảnh hưởng” vượt xa N7W trên thế giới. Một sự thật hết sức bất ngờ là, trong các nước sở hữu địa danh lọt vào “chung kết”, new7wonders được xếp hạng 1,061 tại Việt Nam, chỉ thua 2 nước có IQ thấp là Lebanon (240) và Tanzania (265). Tại một số nước IQ cao như Đức, Pháp, Hàn Quốc, xếp hạng của N7W là thấp (50,446 ở Đức, 77,133 ở Pháp, Hàn Quốc không thấy xếp hạng).

Tổ chức UNESCO đã từng tuyên bố:“Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber. Mục tiêu của UNESCO là giúp các nước xác định, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới. Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Điều này có nghĩa UNESCO cho rằng kết quả bầu chọn của N7W không chính xác và không có khoa học.

Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập-Farouq Hosni gọi cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và mô tả Weber - nhà sáng lập NOWC - chỉ có mục đích duy nhất là “tự quảng cáo”.

Chính phủ Maldives đã sớm tỉnh ngộ, nhận ra trò lừa đảo của N7W và đã rút lui từ tháng 5/2011.

Ông Wacik-Bộ trưởng Văn hóa-Du lịch Indonesia (nước cũng đã rút lui khỏi cuộc thi) nói: “Thật không công bằng và bất hợp lý.Tôi không bao giờ để bị tống tiền bởi bất cứ ai, bao gồm cả tổ chức phi chính phủ này. Tôi cứ tưởng rằng trở thành kì quan thế giới hay không là do mọi người bình chọn, chứ thế này thì tổ chức sự kiện trên làm gì?”

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội UNESCO VN và nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới, cho rằng việc "mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền" này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W "không khác gì một cuộc thi Manhunt (Người đàn ông quyến rũ) quốc tế, khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu".

Những loại thông tin như trên rất sẵn trên mạng internet. Chẳng lẽ các vị quan chức chuyên trách và lãnh đạo của ta quá bận đến mức không còn thời gian để tham khảo, hay chỉ đơn giản là họ coi thường dư luận. Chẳng hay đó thuộc loại tội danh gì nếu đem ra kiểm điểm theo tinh thần NQ TW4?. /.

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Đến Phú Quốc nghĩ về biên cương phía Bắc

Mới đây tôi có dịp đến thăm Phú Quốc-hòn đảo địa đầu phía tây-nam của tổ quốc. Đó là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến nơi đây với mục đích thuần túy là du lịch . Nhưng với những gì tai nghe mắt thấy trong chuyến đi tôi không thể không liên hệ đến vùng biên giới phía Bắc nơi tôi đã đến không ít hơn chục lần trước đây.
Đảo Phú Quốc có diện tích xấp xỉ Singapore nhưng  giàu đẹp hơn nhiều về cảnh quang và tài nguyên thiên nhiên....Có chung biên giới trên biển với cả Campuchgia và Thái Lan, và cũng rất gần Singapore và Malaysia,đảo Phú Quốc có vị trí chiến lược quan trọng như một tiền đồn phía tây-nam của tổ quốc.

Ấn tượng trước hết đối với tôi là sự thanh bình và sức sống đang lên của hòn đảo này. Tôi đã dành trọn thời gian  của chuyến đi để đến hầu hết mọi địa điểm cần đến của hòn đảo. Điều ngạc nhiên đầu tiên là không thấy bóng một người lính nào (trừ một vài cảnh sát đang giải quyết một vụ tai nạn giao thông  trên một đoạn đường  ven biển phía nam đảo). Khi đến bờ biển  tây-bắc của đảo (giáp với Campuchia) nơi có một đồn biên phòng nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy người lính nào đi ngoài đường hay trên biển. Tuy vậy, cảm nhận chung là tình hình trật tự trị an trên đảo thuộc loại tốt nhất so với cả nước Việt Nam thì phải (?) Cảm nhận này có thể chưa hoàn toàn chính xác vì tôi  chỉ ở đây trong 4 ngày, nhưng có lẽ cũng đủ để so sánh với Hà Nội hoặc thành phố HCM nơi mà chỉ cần ở lại một ngày cũng có thể chứng kiến hoặc nghe kể về một vụ cướp giật nào đó!

Nhưng điều đáng nói hơn là sự yên bình về mặt chủ quyền lãnh thổ tại hòn đảo tiền tiêu bốn bề giáp biển này. Có rất nhiều du khách và doanh nhân đến đây từ các nước khác nhau, đông nhất có lẽ là người Campuchia, sau đến  người Úc, châu Âu, người Trung Quốc,v.v.... Song, qua phong cách ứng xử giữa  những người chủ nhà và khách toát lên sự khác biệt khá rõ rệt so với những gì ta thường nhận thấy tại các vùng biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc. Đó là tâm thế ung dung tự tại của con người Phú Quốc trước mọi đối tượng khách, đúng là "chủ ra chủ khách ra khách"! Những người khách dù đến từ đâu đều tỏ ra thân thiện trước sự ứng xử đàng hoàng, đĩnh đạc của người dân và đối tác sở tại. Hầu như cũng không  thấy cảnh mời chào chèo kéo đối với du khách, dù họ là ai. Cũng không thấy hiện tượng coi thường hay miệt thị từ phía khách nước ngoài đối với người dân của đảo, dù chỉ là ánh mắt hay cử chỉ. Nghĩa là không thấy sự phân biệt giữa khách và chủ, đúng theo cung cách "việc ai người ấy làm". Tôi mừng thầm nhận ra, vẫn còn những vùng đất để người Việt thể hiện nhân cách  trong sự nhộn nhạo của cái gọi là kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, để qua đó khối kẻ  tự cho phép mình đánh mất cả nhân cách không chỉ của bản thân mà của cả dân tộc!

Cột mốc biên giới phía VN tại Hữu nghị quan
Dân cửu vạn Việt Nam tụ tập tại cửa khẩu Lào Cai
Những cảm nhận trên đã khiến tôi không thể không so sánh với những gì đã từng trãi qua khi tham quan du lịch tại vùng biên giới phía Bắc. Xin đơn cử trường hợp năm ngoái khi đi du lịch mấy tỉnh phía nam Trung Quốc. Đó là khi qua cửa khẩu Lạng Sơn, không chỉ bản thân tôi mà nhiều người cùng đi đều có cảm giác vừa buồn vừa giận... Buồn vì thấy bên phía ta dân cư thưa thớt, đường xá, nhà cửa tiêu điều; đến ngay cả trạm Hải quan đã bé nhỏ, cũ kĩ với một số ít trang thiết bị nghèo nàn mà cũng không được sử dụng hết công suất, để hư hỏng, bụi bậm ...Khi vừa bước chân sang phía "bạn" đã thấy trên đầu có mái che, dưới chân lát gạch đá phẳng phiêu suốt cả dãy hành lang dài nối với trụ sở Hải quan rất hoàng tráng của họ. Trạm Hải quan của ta nằm trên địa thế thấp hơn đã đành, quy mô xây dựng nhỏ bé lại được quy hoạch bất hợp lý khiến nó càng "lép vế" so với bên kia. Đã vậy,  toàn bộ diện tích hàng ngàn ha đất từ trạm Hải quan của ta đến cổng Hữu nghị quan nay đã được phía "bạn" bố trí thành một quảng trường rộng với vườn hoa cây cảnh làm tôn vẽ đẹp và sự uy nghi cho cả vùng cửa khẩu bên họ. Trước cảnh đó, nỗi buồn bổng nhanh chóng biến thành nỗi đau xót đối với bất cứ người Việt Nam nào khi qua đây. Chưa  hết, điều tệ hại hơn là thái độ và cách đối xử trong giao tiếp đầy vẽ trịch thượng và lạnh nhạt, thậm chí có thể nói là khinh miệt, của các nhân viên hải quan "nước bạn". Khách Việt Nam đi ra thường nhiều hơn khách Trung Quốc đi vào, đặc biệt lượng xe vận tải của Trung Quốc đi qua Việt Nam thì bao giờ cũng nhiều hơn. Chẳng hay đã có sự thỏa thuận nào đó giữa hai bên cửa khẩu (?) Nhưng qua quan sát, tôi thấy xe cộ và người  của phía bên kia qua lại khá dễ dàng, chóng vánh, trong khi chúng tôi có hộ chiếu đầy đủ và đi theo đoàn tour du lịch hẳn hoi, mặc dù đã được trạm Hải quan Việt Nam đóng dấu xuất cảnh, nhưng vẫn bị Hải quan Trung Quốc chặn lại hỏi mấy bận... và cuối cùng đã không hề đóng một con dấu hay chữ ký nào vào hộ khẩu trong suốt chuyến hành trình (?) Tình hình cũng không khác gì tại các cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái...nơi mà ngày nào cũng diễn ra cảnh hàng đoàn người Việt chen chúc sang các chợ Trung Quốc mua hàng "giá rẻ", và rất nhiều tệ nạn xuyên biên giới diễn ra tại đây. Khác chẵn với Phú Quốc, nơi ngày càng có nhiều người đến sống và đầu tư, dân cư các tỉnh biên giới phía Bắc ngày càng thưa thớt  trước những thủ đoạn xâm canh xâm cư của ông "bạn láng giềng" bên kia biên giới.

Dĩ nhiên còn nhiều điều hay/dỡ khác cần nói về hòn đảo có cái tên đầy ý nghĩa Phú Quốc. Song bài viết này xin chỉ đề cập đến  sự khác nhau liên quan đến "thế trận biên cương" giữa Phú Quốc và  vùng biên giới phía Bắc của đất nước. Đó chính là  TÂM THẾ của hai nơi này. Đó là sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố tinh thần và vật chất, cụ thể là lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ kết hợp với lòng tự tôn, tự cường dân tộc được thể hiện trong tiềm năng nội tại của từng vùng, miền và của toàn bộ quốc gia. Phải chăng, vì một số lý do chủ quan và khách quan, vùng biên giới phía bắc của nước ta chưa có được một tâm thế vững chãi như đảo Phú Quốc. Thiết nghĩ, trong số nhiều việc cần làm, việc đầu tiên cần nhận thấy là, không thể có được một tâm thế vững chãi để quan hệ đối đẳng với phía Trung Quốc khi mà  tình trạng kinh tế tại vùng biên của ta quá yếu kém với những cơ sở hạ tầng bất cập và điều kiện sống của nhân dân quá thiếu thốn so với bên kia biên giới. /.                    


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này