Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Một hiện tượng độc đáo trong làng văn chương Việt

Đó là “Giải văn chương trannhuong.com”  được tổ chức ngày sáng 28.9.2011 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội.
Nó diễn ra trong bối cảnh có thể nói là “lạm phát giải thưởng văn học” gần đây tại  Việt Nam. Tuy nhiên, được biết  sự kiện trên đây hoàn toàn theo sáng kiến riêng của nhà văn Trần Nhương nhưng được đông đảo giới văn chương hưởng ứng; và lần trao giải được coi là lần thứ nhất này chỉ trao cho 2 tác phẩm, đó là bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải(*) và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường(**). Điều thú vị là, giá trị cao nhất của giải chỉbằng 1.000 VND!
Dưới đây xin trích đăng lại một số bình luận và hình ảnh trên mạng về sự kiện độc đáo này.  


P.T.: Với phương châm, lấy sự “hâm mộ” của bạn đọc làm tiêu chí để trao thưởng, hai cuốn sách này hoàn toàn nổi trội để được nhận giải.
Tại buổi trao giải, có đông đảo các bạn văn thơ, các nhà văn hóa tiểu biểu đang công tác tại Hà Nội đến dự. Trong đó có Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Văn Như Cương, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Viết Đào, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Thành, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Vân Long, Nguyễn Giang, Trần Quang Quý, nhà phê bình Văn học, GSTS Vũ Nho, và rất nhiều các nhà nổi tiếng khác.
Sự thành công rực rỡ của giải thưởng văn chương trannhương.com lần thứ nhất, chính là có sự hiện diện của những nhà này và sự đúng đắn trong việc lựa chọn tác phẩm để trao giải.
Đạt Ma:  Hôm nay 28/9, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng văn chương trannhuong.com
Hàng trăm cây đại thụ văn chương của Việt Nam đã có mặt trong khuôn viên rất đẹp của Trung tâm, toàn những tên tuổi, những người – mà – ai – cũng – biết – là – ai – đấy, khiến nhà văn Trần Nhương hết sức xúc động và bối rối, không thể giới thiệu hết các quan khách. Ông đành chỉ giới thiệu hai vị cao tuổi nhất là nhà thơ Vân Long và Giáo sư Văn Như Cương.
Theo Nhà văn Trần Nhương: “Giải thưởng Văn chương trannhuong.com” tôn vinh tác phẩm chỉ theo một tiêu chí duy nhất là sự yêu mến của bạn đọc và sức lan tỏa của tác phẩm trong công chúng. Giải thưởng không trao định kỳ, không có hội đồng bình xét, và Chủ nhiệm trang trannhuong.com tuyên bố hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như quý vị đã biết, trannhuong.com đã đạt con số truy cập 7 triệu lượt người, là một trong những trang web chiếm được sự tin tưởng, quan tâm và yêu mến của bạn đọc.
Giải Văn chương Gôngcua của Pháp cũng chỉ có giá trị 1franc nhưng vẫn là một giải thưởng danh giá được thế giới công nhận. Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một giải thưởng như vậy được trao. Vì vậy, giá trị của Giải thưởng văn chương trannhuong.com dù chỉ là 1 đồng bạc Việt Nam, một ngôi sao pha lê nhưng chắc chắn đó vẫn là một Giải thưởng rất nhiều nhà văn mơ ước, bởi đó chính là sự công nhận giá trị tác phẩm của đông đảo bạn văn.
Hai tác phẩm được trao giải lần này là Bão táp Triều Trần của Nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tác phẩm đã dựng lại một thời kỳ rực rỡ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, thời kỳ mà vua tôi đồng lòng, toàn dân gắng sức xây nên một Vương triều hiển hách, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa. Triều đại đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, thắp lên niềm kiêu hãnh hào khí Đông A còn chói sáng đến giờ. Tác phẩm Bão táp Triều Trần đã được tái bản 8 lần với hàng chục vạn đầu sách, riêng năm 2011 được tái bản 2 lần.
Tác phẩm Thời của thánh thần của Nhà văn Hoàng Minh Tường dù chưa tái bản lần nào, nhưng là một tác phẩm được các đầu nậu sách coi là một miếng mồi béo bở để khai thác. Số lần in lậu và số lượng tác phẩm đã lưu hành gần như không thể thống kê được. Phát biểu tại buổi lễ, Nhà văn Hoàng Minh Tường mong muốn độc giả hãy nói “Không” với các ấn phẩm in lậu, bởi ngoài sự thiệt thòi cho tác giả, nội dung sách còn bị cắt xén, thêm bớt khiến tư tưởng của tác giả gửi gắm vào tác phẩm bị sai lệch.
Hai Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường đã vinh dự và cảm động nhận phần thưởng văn chương do website trannhuong.com trao tặng. Cả một rừng hoa và máy ảnh đã ghi lại giây phút đáng nhớ này. Rất nhiều nhà văn và độc giả nhiều thế hệ đã lên phát biểu, chia sẻ ấn tượng do hai tác phẩm mang lại cho mình.

Ngồi bên Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bữa tiệc chay tại Nhà hàng của chị Như Anh – người yêu của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tác phẩm Sống mãi tuổi hai mươi – tôi thấy rất nhiều người đến chào và xin phép nhà văn Hoàng Quốc Hải cho cầm tận tay, nhìn tận mắt Giải thưởng. Trang trọng mở chiếc túi gấm đỏ, nâng đồng bạc trên tay, nhà văn Hoàng Quốc Hải cảm động: “Đối với tôi, đây là một giải thưởng của tình người, vì vậy nó là vô giá”.
Tranh thủ khai thác nhà văn Trần Nhương về dự định trao giải cho những tác phẩm tiếp theo, ông chỉ cười sảng khoái. Tiếng cười ấm mà vang của ông tiễn chúng tôi về trong nắng chiều thu…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà văn sư tử và giải thưởng tí hon 1 đồng bạc
Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ…

Sáng 28/9/2011 tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, 49 phố Nguyễn Du – Hà Nội đã diễn ra buổi lễ trao giải thưởng khá đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là giải thưởng trannhuong.com cho 2 nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và Hoàng Minh Tường với tiểu thuyết Thời của thánh thần.
Hết sức lạ vì trong thời buổi rào rào “gạo châu củi quế” thông tin thì thời gian và địa điểm lễ trao giải thưởng lại được bí mật đến phút chót để tạo bất ngờ và độ “nóng”. Mọi chi tiết về giải thưởng thấy bảo là “to lắm” và sẽ được trao cho những tác phẩm của hai nhà văn “phân khối lớn”. Thậm chí, trước khi trao giải thưởng khoảng 1 tiếng, thông tin cũng chỉ vầy vậy, chẳng có gì khá khẩm hơn.
Hồi hộp quá khi bạn bè văn chương chỉ được rỉ tai nhau hoặc qua tin nhắn, điện thoại… cũng chẳng thấy rùm beng loan báo trên các trang mạng (ngay cả chính chủ giải trannhuong.com), ngoài một bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu vào sát giờ trao giải thưởng.
Cái lạ nữa là giải thưởng có giá trị đúng 1 đồng bạc cộng với một cúp Ngôi sao pha lê trannhuong.com mà đông đảo các văn nghệ sĩ trí thức vẫn ùn ùn kéo đến để dự và đòi phát biểu chúc mừng và ôm hôn các nhà văn đoạt giải thưởng tôn vinh có một không hai.
Hà Nội sau mấy ngày ảnh hưởng của bão, sáng nay nắng đẹp. Mới 8h00’ sáng đã thấy nhiều nhà văn, nhà thơ đang bắt tay, kéo áo nhau lại để đọc thơ trong khu vườn rất đẹp phía trong tòa nhà Trung tâm văn hóa Hàn Quốc.
Có thể thấy được nhà văn già vẫn chưa già, họ có nhiều cách để gặp gỡ, trò chuyện, tôn vinh nhau một cách văn hóa, sang trọng, ấm áp tình bè bạn mà vẫn tinh tế và lãng mạn đến khó ngờ. Cái chưa già này còn rõ hơn ở Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, đi mấy trăm cây số, hầu như ngày nào cũng ở trên xe ô tô, thế nhưng các nhà văn già vẫn tỏ ra sung sức không thua lớp trẻ. Đêm Văn nghệ trung thu trên tầng 10 tại Nhà khách Kim Bình (Tuyên Quang) có mặt đầy đủ các nhà văn, nhà thơ già như Định Hải, Tô Đức Chiêu, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Khánh,… để chia vui cùng lớp trẻ và động viên “chúng tôi hoàn toàn yên tâm về hành trình của các bạn” như nhà văn Hoàng Quốc Hải trò chuyện. Nhà thơ Bằng Việt, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nhà thơ Đỗ Hàn, Vũ Hồng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà… thức đến 0h đêm để nghe các nhà văn trẻ đọc thơ, hát và trình diễn thơ, rồi cùng hòa mình bình chọn danh hiệu gương mặt nam tính, rồi gương mặt khả ái, hoa khôi của Hội nghị. Nhà thơ Văn Công Hùng đã hài hước nói rằng “chịu đựng” nhau đến giờ phút này như thế cũng là quá giỏi.
Các nhà văn già quả là có những cách chuyển động mà ngay đến cả những người viết trẻ cũng phải phục lăn và sửng sốt.
Đến dự buổi lễ trao giải thưởng có rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi. Đại diện các cơ quan thông tin truyền thông như tạp chí Nhà văn, báo Văn nghệ, báo Người cao tuổi, báo Thanh niên, quỹ hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống, các Website: Vannghequandoi.com.vn, nguoihanoi.com.vn, micronet.vn, Lucbat.com….
Đã thấy thấp thoáng “ngài râu đẹp” – Giáo sư Văn Như Cương, đạo diễn “Hà Nội trong mắt ai” NSND Trần Văn Thủy, nhà thơ – NSND Lê Huy Quang, nhà văn Châu Diên, nhạc sỹ - thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo, TS Phạm Thị Như Anh (Hội bảo trợ và truyền bá văn hóa truyền thống các nước ASEAN – Cửu Long), nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Tạ Duy Anh, Minh Chuyên, Phạm Xuân Nguyên, Y Ban, Lê Hoài Nam, Phùng Văn Khai, nhà thơ Trần Ninh Hồ, Đỗ Hàn, Đặng Vương Hưng, Lê Quang Sinh, Trần Quang Quý, Vũ Từ Trang, Bùi Hoàng Tám, Nguyễn Việt Chiến, Bành Thanh Bần, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Lê Bá Thự, Vũ Nho… và hàng trăm khách quý, độc giả yêu mến văn chương tham dự.
Tại buổi lễ, nhà thơ Vân Long cho rằng: Đây là một sự kiện văn hóa thứ hai, sau cuộc mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ra đời do bạn bè tự tổ chức tôn vinh. Giải thưởng cao nhất chính là giải thưởng của công chúng và ông khẳng định có lẽ chỉ với 1 đồng bạc mà sao thấy đồng tiền Việt Nam chưa bao giờ có giá trị như ngày hôm nay.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy thì đầy ca ngợi nhưng cũng đầy suy tư: Giải thưởng trannhuong.com đó là một sáng kiến, một sự đột phá để nó mở ra rất nhiều những tiềm năng khác trong lĩnh vực văn chương và văn học nghệ thuật, nó khích lệ những tấm lòng, những trách nhiệm công dân và những người còn đang do dự. Cách hành xử này, sự hiện diện của quý vị ở đây nói lên nhiều điều, đó là chúng ta phải tìm đến giá trị đích thực của cuộc sống… Chúng ta khởi xướng lên, rồi sung sướng với nhau. Theo quy luật của trời đất anh Trần Nhương cũng đã già, chúng tôi cũng đã già, cái tôi quan tâm rồi ai sẽ là người kế tiếp những công việc thầm lặng đó. Tôi lo lắm, nhưng nhìn những gương mặt trong ngày hôm nay, tôi lại thấy tin tưởng. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào tương lai bởi những tấm lòng như thế, những trái tim như thế?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải xúc động khi phát biểu: Cảm ơn mọi người, tôi cảm thấy sâu lắng và ngọt ngào vì tình bạn, tình văn son đỏ của đồng nghiệp khắp nơi. Thấy tấm lòng của độc giả và hạnh phúc dù giải thưởng mang tính biểu tượng chỉ là 1 đồng bạc kèm cúp Ngôi sao pha lê. Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ.
Có một giải thưởng Goncourt ở Việt Nam?
Qua trao đổi nhanh nhà văn Trần Nhương cho biết: Giải thưởng văn chương Trannhuong.com dựa trên tiêu chí hay và được bạn đọc đón nhận. Giải này không có Hội đồng, không có bỏ phiếu, chủ yếu là tác phẩm ấy có sức sống và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận đã tự bỏ phiếu giúp cho Trannhuongcom làm việc tôn vinh. Giải thưởng cũng không định kì 5 năm hay 3 năm mà thấy có tác phẩm hay và được bạn đọc đón nhận là trao giải. Giải không lấy tiền thưởng làm thước đo giá trị mà lấy sự yêu mến của người đọc là sự vinh quang của tác giả.
Cuối buổi trao giải, nhà văn Trần Nhương đã mời tất cả khách quý tham dự ra nhà hàng cơm chay 72, Nguyễn Du để thưởng thức với lời mời rất dễ thương “mời mọi người đi bộ 500 mét, xe cộ cứ để ở đây đã có người trông nom, chúng ta cùng ăn cơm kiểu nhà chùa nhưng không phải tiền chùa”. Tiếng cười và tiếng vỗ tay rào rào không dứt.
Chợt não thần thoáng lên, trong khi dư luận vẫn chưa hết “thôi xao” về giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, thậm chí gia đình nhà văn anh hùng lao động Sơn Tùng còn có đơn đề nghị xin rút khỏi giải thưởng vì những chuyện bên lề đến khó tin. Người thì hậm hực vì tuyển tập dày cỡ gang tay mà không vào giải, người thì kỳ công “đẽo mắt” (chữ Thuận Nghĩa) đọc hàng trăm tác phẩm để chứng minh một số tác giả và tác phẩm đận này y phục còn chưa xứng kỳ đức.
Lạ thay việc trao giải thưởng “1 đồng bạc và cúp Ngôi sao pha lê” lần thứ nhất của trannhuong.com cho bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn – “sử quan” Hoàng Quốc Hải và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường lại được hầu hết văn giới Hà thành ủng hộ, chia sẻ và tin tưởng chúc mừng. Có người còn ví như một giải thưởng Goncourt trong văn học rất uy tín và danh giá của Pháp, dù giải thưởng của nó chỉ mang tính biểu tượng. Thế giới văn chương quả là có “lối công bằng kỳ quặc” (Chế Lan Viên).
Tôi bâng khuâng ngắm tòa nhà Trung tâm Văn Hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội), có tiếng chim lích chích trong cây xanh bóng lá, có bụi tre um tùm như những kỷ niệm quá vãng, phía ngoài bờ tường hoa tigon vẫn tận tụy tượng hình nở hồng dáng tim những hy vọng.
Thời gian sẽ trôi đi, phù sa sẽ ở lại. Giải thưởng lớn nhất thuộc về nhân dân lựa chọn, độc giả lựa chọn và đó cũng là vinh quang lớn nhất, bừng sáng nhất. Nhà văn Trần Nhương với sáng kiến của mình đã trồng được một cột mốc giải thưởng độc đáo trong văn học sử. Hãy tin rằng ông đã cung tiến một giọt chuông thơm vào trong ngôi đền thiêng văn chương dân tộc.
Cơ mà người Việt mình dù ở đâu, lúc nào ai chẳng có những suy nghĩ, những việc làm vì lẽ phải - vì dân tộc, phải không? Đ.M.


Chi chú:
(*)Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 6 cuốn được nhà văn Hoàng Quốc Hải viết trong nhiều năm, đã tái bản hàng chục lần với số lượng phát hành cả chục vạn bản, và hiện là cuốn sách gối đầu giường của các tướng tá Việt Nam. Tinh thần của bộ tiểu thuyết này là nêu tinh thần yêu nước, bảo vệ biên cương lãnh thổ của quân dân Đại Việt trong thời Trần với 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông với chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp nổi tiếng. Đây là cuốn sách luôn được in một cách hợp pháp với số lượng lớn.
(**)Tiểu thuyết Thời của thánh thần, dày hơn 600 trang, được tác giả viết trong 4 năm, là một biên niên sử của dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ XX với những bão tố của thời cuộc mà tác giả đã phải cay đắng, nát lòng thốt lên: “ Đất Việt lưng còng, dáng Mẹ / Xót xa muôn kiếp Lạc Hồng”. Tác phẩm đã được độc giả trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Nhiều nơi còn thành lập Câu lạc bộ “Thời của thánh thần” để mạn đàm về cuốn sách; có người mua tới hơn 200 cuốn để tặng bạn bè. Sách in lần đầu 1.000 cuốn và không được phép tái bản trong hệ thống các nhà xuất bản do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cuốn sách đã và đang tiếp tục nối bản, in lậu với số lượng lớn.


--------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này