Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói về Biển Đông

Nội dung dưới đây được đưa lại theo cách diễn đạt của đài BBC tiếng Việt ngày 4/10/ 2011 và không nhất thiết phù hợp hay không với quan điểm của chủ blog. 
Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hà Nội hồi cuối tháng Tám
Ông Minh có cuộc giao lưu bằng tiếng Anh trong hơn 60 phút tại New York hôm 27/9
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời những câu hỏi về Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc tại buổi giao lưu kéo dài ở New York hôm 27/9.
Bấm Video dài hơn một tiếng của cuộc nói chuyện và hỏi đáp bằng tiếng Anh này đã được đưa lên trang của Council on Foreign Relations - Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ.
Người dẫn chương trình Bob Woodruff dẫn ý kiến nói rằng "Trung Quốc coi Biển Nam Trung Hoa như chiếc lưỡi bò lớn" và hỏi ông Minh về khả năng có xung đột vũ trang tại vùng biển này.
Ông Minh nói Việt Nam có quan hệ "hợp tác toàn diện" với Bắc Kinh và Trung Quốc là một trong bảy nước trên thế giới có quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam.
"Mối quan hệ [Việt - Trung] tốt đẹp trong mọi lĩnh vực.
"...Chỉ có một vấn đề tồn đọng. Đó là điều ông đã đề cập tới - đường lưỡi bò.
"Đường lưỡi bò là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý."
Vị bộ trưởng giải thích cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà theo đó Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
'Đủ vũ khí'
Đại diện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại bình luận tiềm lực hải quân của Hoa Kỳ ở chừng mực nào đó đã đạt tới cực điểm và những hạn chế về ngân sách cũng như hoạt động của họ ở những nơi khác trên thế giới ảnh hưởng tới khả năng tham gia của Washington tại Biển Nam Trung Hoa.
Ông Woodruff đặt câu hỏi Việt Nam cần Hoa Kỳ đẩy mạnh tiềm lực của họ trong khu vực ra sao.
Ông Minh không trả lời thẳng câu hỏi này mà giải thích: "Tại Biển Nam Trung Hoa mà chúng tôi gọi là Biển Đông có ba mảng của vấn đề.

"Chúng tôi có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước."
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
"[Thứ nhất] tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình giữa các nước liên quan.
"Mảng thứ hai của Biển Đông là an ninh và ổn định trong khu vực.
"...Và mảng thứ ba là tự do lưu thông. Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tự do lưu thông và dĩ nhiên ảnh hưởng tới không chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản mà cả các nước khác như Ấn Độ.
"Chúng tôi coi trọng cố gắng của các nước ở trong và ngoài khu vực nhằm giữ ổn định."
Đề cập tới vấn đề ngân sách quốc phòng, ông Minh nói các khoản tiền Việt Nam bỏ ra để mua vũ khí, chủ yếu của Nga, vẫn "nhỏ" tính theo phần trăm của GDP.
"Chúng tôi có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước," ông Minh nói.
'Cam kết không đổi'
Toàn bộ cuộc giao lưu, bao gồm khoảng 10 phút diễn văn của ông Minh và 50 phút hỏi đáp diễn ra bằng tiếng Anh.
Việt Nam bị nhiều chỉ trích về nhân quyền trong thời gian gần đây
Xem lại qua video, phóng viên Nguyễn Hùng của BBC nhận xét khả năng tiếng Anh của ông bộ trưởng đủ để người nghe hiểu ý ông muốn nói nhưng có lẽ không đủ để có sức lôi cuốn.
Cũng có câu hỏi dài về nhân quyền ông Minh không hiểu và phải nhờ tới phiên dịch.
Người hỏi từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích nói Việt Nam đã có thành tích tốt về việc ký kết các công ước nhân quyền nhưng thực tế về việc minh bạch trong đón tiếp các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các nhóm quốc tế vào Việt Nam lại không được như vậy.
Ông Minh nói Việt Nam hoan nghênh những chuyến thăm và thông tin đưa ra là không đúng.
Vị Bộ trưởng Ngoại giao cũng bảo vệ hiện trạng quyền con người ở Việt Nam và chỉ ra rằng ngay cả Anh Quốc cũng phải có Bấm những biện pháp cứng rắn để đối phó với những đám đông vi phạm pháp luật.
Ông nói với cử tọa tại New York: "Tôi biết một số quý vị trong phòng này đã tới Việt Nam và thấy nhiều thay đổi tại Việt Nam, nhất là kể từ năm 1975 tới nay.
"Và một thứ có thể không đổi - đó là cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam."


--------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này