Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

'Hãy để chúng chết đi'

 
Nguồn:Tuần Vietnam ngày 3/8/2012
Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị: "đừng làm gì cả". Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử.

Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả - Adam Smith.
Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chính quyền thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là "xã hội" và cho "phe nhóm". Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chính quyền liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, "Drop Dead" (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.


Tìm giải pháp  
Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chính phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là "cho luôn" thì khỏi phải hạch toán lôi thôi. Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ.
Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên...thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.
Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là "sư tổ". Dễ hiểu nhất là lấy tiền chính phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo; rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%?
Còn chuyện giãn hay khoanh nợ thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Hiệu quả chắc chắn đã gây thêm nhiều hệ quả xấu mà tình trạng hiện tại đã chứng minh.
Các nhà làm chính sách còn định tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chính phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Cộng thêm với đầu tư, chi tiêu và thua lỗ của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc như người chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp.
Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vứt tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.
Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng
Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.
Các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát "miễn phí" từ các nguồn lực tài chính hay hành chính.


Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát "miễn phí" từ các nguồn lực tài chính hay hành chính. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.
Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chính quyền liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư... Năm năm sau, tình thế ổn định.
Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chính phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.
Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gửi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng.
Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho nhũng người dân có thu nhập trung bình.
Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tôi sẽ nói "Hãy Để Chúng Chết Đi". Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và  lực để sinh tồn.
Sự hủy diệt trong sáng tạo
Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do.
Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu trong dân bởi thiếu lòng tin vào tương lai kinh tế vốn dựa nhiều vào quan hệ và xin cho. Khi họ nhận ra là chính phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.
Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với 90 triệu dân Việt Nam trong nước, dù họ không có dầu khí, khoáng sản hay đất đai để bán. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới cũng đã có những thành công tương tự.
Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên là "đừng làm gì cả".  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.

  • T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

--------------

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đã nhận ra ai là địch?

Sáng nay đi nghe tình hình thời sự về, phải nói là buồn, vui lẫn lộn: Vui là thấy Lãnh đạo cấp cao hình như đã bắt đầu nhận ra kẻ thù.  Buồn là thông tin của cán bộ tuyên giáo vẫn nghèo nàn và phiến diện !

Mở đầu vị báo cáo viên hứng khởi nói đây là "bước đột phá mới của Ban Tuyên huấn TW"..., tưởng gì hóa ra là  "quyết định phổ biến rõ"... về "âm mưu thâm độc của TQ" để đảng viên và nhân dân khỏi "mất cảnh giác!" Lý do vì lâu nay ta vẫn kiên trì đường lối hòa bình hữu nghị ...,  nhưng bây giờ TQ làm thế này thế kia..., thì không thể không nói! 

Chẳng lẽ chủ trương đục bỏ di tích "TQ xâm lược" này là hành động khôn khéo?
Phần thông tin vị báo cáo viên hầu như chỉ nói lại  những gì mà người dân vẫn trao đổi với nhau ngoài công viên và quán nước vĩa hè... Từ chuyện QH thông qua Luật Biển bị TQ phản ứng bằng hàng loạt hành động gây hấn như rao bán 9 lô dầu khí, thành lập thành phố Tam Sa; dọa dẫm, xuyên tạc, khiêu khích ....đến sử dụng "chiếc gậy và củ cà rốt" khiến Cămpuchia phản bội  ASEAN, v.v....Tất nhiên có những "chuyện nọ xọ chuyện kia" nhưng nói chung đều là chuyện cũ,  khiến một ông ngồi cạnh tôi thốt lên: "Coi thường người nghe quá đấy!"

Tuy toàn kể tội TQ, nhưng vị báo cáo viên không quên nhắc lại chuyện  " khôn khéo" của đảng và nhà nước ta bằng cách nêu luôn ví dụ việc Bộ trường Phùng Quang Thanh cảm ơn sự giúp đỡ của TQ nhân ngày thành lập QGPND TQ vànhắc đi nhắc lại: "rất khôn khéo, rất khôn khéo!...". Nghe đoạn này thấy hài hước như kiểu  "vừa bắn vừa run". Đến đoạn nói về biểu tình thì vẫn công thức "cảnh giác với  các thế lực thù địch xúi dục, lợi dụng nhân dân".... Cũng không kém phần lạ lẫm khi vị báo cáo viên (không hiểu từ nguồn tin nào) cho rằng (xin trích nguyên văn): "Nếu TQ tẩy chay thương mại với Mĩ thì dân Mĩ sẽ không có chiếc quần để mà mặc"; và "Nếu bị TQ tẩy chay, Việt Nam sẽ gay go với hàng loạt người thất nghiệp"...(!?) . Nghe vừa buồn, vừa cười, vừa sợ sức manh kinh tế TQ quá!. Quân sự nó cũng mạnh, kinh tế nó cũng mạnh...nên mình phải khôn khéo, kẻo nó oánh cho thì chết! 

Tóm lại, người nghe  có thể hiểu buổi phổ biến tình hình này là theo chủ trương của ban Tuyên huấn nhằm vạch trần  âm mưu thâm độc của TQ để đảng viên và nhân dân ta khỏi mất cảnh giác"!. Nó cũng có hàm ý: Lãnh đạo cấp cao đã cảnh giác rồi, bây giờ đến lượt cấp dưới và nhân dân cũng phải cảnh giác, nếu không thì nguy to!. Than ôi, hóa ra lâu nay cấp trên vẫn hy vọng ông bạn vàng tuân theo 4 tốt(?) Giờ mới "ngộ ra" và vội cảnh báo trước quốc dân đồng bào phải cảnh giác! . Nếu đúng vậy, âu cũng là một điều đáng mừng, vì chậm còn hơn không. Về phía người dân, được nghe phổ biến tình hình như vậy còn hơn là ù ù cạc cạc, bán tín bán nghi ..../.  
     
Trần Kinh Nghị

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Khôn khéo gì cũng không bằng lòng tự trọng dân tộc

Tối qua  xem chương trình mít tinh nhân kỉ niệm năm ngày thành lập Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (GPNDTQ) thấy sống mũi cay  như đang ăn ớt kim uống rượu Mao Đài. 

Vẫn biết khôn khéo, mềm mỏng là quốc sách...Nhưng lần này khó mà nuốt được chén rượu đắng này quá! Ngoài kia tàu GPNDTQ đang hộ vệ hàng đàn tàu cá của bọn "ngư phủ" trá hình ngang nghiên  và trắng trợn xâm phạm sâu trong vùng biển của ta suốt từ bắc chí nam cả ngày lẫn đêm không chỉ để đánh bắt cá mà còn bắt, cướp tàu, hành hạ dân chài của ta . Chúng còn nhảy vào giữa sân nhà ta rao bán 9 lô dầu khí đồng thời thành lập "Thành Phố biển Tam Sa" nữa chứ! Chưa hết, hiện tại hàng đàn tàu chiến máy bay và lính thủy đánh bộ của GPNDTQ  đang chuẩn bị "tập trận" tại Trường Sa chưa biết sẽ giở trò gì (?) Nghĩa là Quân GPNDTQ đang áp sát cửa nhà của ta rồi đó!

Vậy mà ngay giữa thủ đô Hà Nội người ta đang thản nhiên kĩ niệm NÓ một cách  hoành tráng với tất cả những lời hay ý đẹp như không có việc gì xảy ra. Vẫn biết  những người  tổ chức hẳn phải có sự tính toán nào đó mà họ cho là "khôn khéo","mền dẽo"....Nhưng, khôn khéo ư?, mềm dẻo ư?  Sao không chọn cách  nói KHÔNG vào thời điểm này, ít ra cũng để cho thiên hạ thấy rằng NÓ đang bóp cổ mình làm sao mình có thể kĩ niệm NÓ(!?). Quan trong hơn là để thể hiện lòng tự trọng dân tộc đáp ứng ý nguyện của nhân dân chứ!  Có thế mà cũng không làm được. Đúng là cái hèn nó chèn cái khôn, nếu không phải là do sự vô cảm hay động cơ lợi ích nhóm nào đó (?). Mua tàu chiến máy bay làm gì khi trong nhà có viên đạn lợi hại này thì lại dùng để bắn vào lòng dân? Thật là mù quáng!./. 

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Quan hệ Việt-Trung theo đánh giá của Nguyên Lão tướng và Đại sứ VN tại TQ


Bộ mặt thật của những người lãnh đạo Trung Quốc trong quá trình dài quan hệ “môi răng” giữa Trung Quốc và Việt Nam


Tác giả: Nguyễn Trọng Vĩnh (*)

 Khách quan mà nói, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, cùng với Liên Xô, Trung Quốc giúp ta khá nhiều, nhân dân ta rất biết ơn. Sau khi giải phóng miền Nam, Nhà nước ta đã cử một đoàn đại biểu cấp cao do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sang cám ơn lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc. Nhưng năm 1974, những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng lực lượng mạnh đánh quân đồn trú Cộng hòa miền Nam Việt Nam cướp quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, rồi tháng 2 - 1979, để tặng cho Mỹ một món quà và cứu bọn tay sai Pôn Pốt, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân xâm lăng nước ta, giết hại đồng bào ta từ người già, trẻ nhỏ đến phụ nữ mang thai, chiếm đất đai của ta, tàn phá triệt để các tỉnh biên giới nước ta trước khi buộc phải rút lui. Tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học” như vậy là Đặng Tiểu Bình đã tự xóa hết mọi tình nghĩa, nợ nần rồi còn gì nữa, mà gần đây báo chí Trung Quốc vẫn kể công, phê phán Việt Nam “Vong ân bội nghĩa”? Sau này để giảm tội ác xâm lược, họ gọi trẹo ra cuộc đánh phá ấy là cuộc “phản kích tự vệ”! Ai xâm lược họ mà họ phải đưa 60 vạn quân để “tự vệ”? Nhà cầm quyền Trung Quốc quả là có tài và thói quen đổi trắng thay đen, dùng từ ngữ xảo trá, bịp bợm không ai bằng!!!

Trước thái độ “kể công” đó của giới hữu trách Trung Quốc, tôi buộc phải viết bài này để vạch trần bộ mặt thật của những người lãnh đạo Trung Quốc.
I. Bành trướng, bá quyền ích kỷ nước lớn là tư tưởng xuyên suốt của những người lãnh đạo Trung Quốc
Tháng 9-1950, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất, đó là mục tiêu của chúng ta”.
Trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, ông Mao nói : “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á”.
Trong cuộc họp BCH TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8-1965, Chủ tịch Mao Trạch Đông khẳng định: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapo… một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…”.
Trong cuộc họp giữa 4 đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Lào tại Quảng Đông tháng 4-1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi lớn, nhưng không có đường ra, nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho con đường xuống Đông Nam châu Á”.
II. Những phương án thu phục và khuất phục Việt Nam
1. Thu phục Việt Nam bằng tư tưởng Mao Trạch Đông
Muốn xuống Đông Nam Á, trước hết và tất yếu cần qua Việt Nam.
Ngay từ năm 1950, sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cử cố vấn Trung Quốc sang và viện trợ cho Việt Nam vũ khí, xe vận tải giúp Việt Nam đánh Pháp. Đoàn cố vấn còn có nhiệm vụ truyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Họ đã đề nghị cho dạy tư tưởng Mao Trạch Đông trong trường đảng Việt Nam, lãnh đạo ta đã chấp nhận. Lúc chúng ta tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức theo kinh nghiệm các vị cố vấn giới thiệu cho ta, ta phạm sai lầm nghiêm trọng: đấu tố tràn lan, quy kết sai lầm làm nhiều cán bộ bị bắt, nhiều người chết oan. Khi phát hiện, Hồ Chủ tịch phải đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi đồng bào. Từ đó ta tỉnh ngộ không dạy tư tưởng Mao Trạch Đông và không làm theo kinh nghiệm Trung Quốc nữa.
Những người lãnh đạo thấy không chinh phục Việt Nam bằng tư tưởng Mao Trạch Đông được, họ chuyển sang dùng phương án khác.
2. Mạnh tay giúp xây dựng kinh tế để Việt Nam hàm ơn và phụ thuộc Trung Quốc
Từ 1955 đến 1963, lãnh đạo Trung Quốc giúp Việt Nam rất nhiều nhà máy, nhiều công trình: nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá (Cao Xà Lá); nhà máy bóng đèn phích nước; nhà máy sứ Hải Dương; nhà máy hóa chất Việt Trì; nhà máy dệt Minh Phương; nhà máy sản xuất mỳ chính (bằng đậu xanh); khu gang thép Thái Nguyên; nhà máy phân đạm Hà Bắc; công trình thủy điện Thác Bà, cầu Việt Trì, v.v. Trung Quốc giúp ta hàng loạt nhà máy còn có mục đích là Việt Nam sẽ phải phụ thuộc về nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện.
Đến khi Mỹ hất cẳng Pháp gây chiến ở Việt Nam thì phần lớn các nhà máy mà Trung Quốc giúp bị ném bom tàn phá và một số xí nghiệp hoạt động không có hiệu quả thành ra việc giúp xây dựng kinh tế không còn mấy ý nghĩa. Vả lại từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã không đồng ý với lập trường của những người lãnh đạo Trung Quốc, họ thấy rằng “phương án kinh tế” cũng không thu phục được Việt Nam theo họ nên họ lại chuẩn bị phương án khác.
3. Hình thành 2 gọng kìm hòng uy hiếp và khuất phục Việt Nam
Ở phía Bắc, Trung Quốc mở những con đường từ nội địa ra sát biên giới các tỉnh Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiến quân.
Lãnh đạo Trung Quốc trang bị cho Pôn Pốt đủ mạnh để nắm nó làm gọng kìm phía Tây Nam Việt Nam. Được sự khuyến khích của lãnh đạo Trung Quốc, năm 1977, bọn Pôn Pốt xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Nam bộ Việt Nam, đánh phá, giết hại đồng bào ta. Không đừng được, quân ta tiến vào tiêu diệt Pôn Pốt, cứu dân Kmer khỏi họa diệt chủng thì Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân đánh ta, vừa để cứu tay sai Pôn Pốt vừa để làm lễ vật “làm ăn” với Mỹ, vừa để nói lên rằng giữa Trung Quốc và Việt Nam không còn chung ý thức hệ, không còn là “đồng chí”.
Việt Nam vẫn không khuất phục.
III. Giúp Việt Nam chống Pháp đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam làm Việt Nam suy yếu phải phụ thuộc Trung Quốc
Giúp Việt Nam kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc cũng có động cơ vì lợi ích của họ. Nếu Việt Nam thắng, Trung Quốc sẽ có một khu đệm an toàn ở phía Nam giống như Triều Tiên ở phía Bắc. Không giúp chẳng may mà Việt Nam không đứng vững, Pháp thắng thì ở mặt Nam Trung Quốc sẽ là đế quốc Pháp, mà Pháp là một nước tham gia “liên quân 8 nước” đánh triều đình nhà Thanh (TQ), buộc nhà Thanh phải nhượng cho các nước phương Tây những “tô giới” ở Thượng Hải và những điều kiện thiệt thòi khác.
Sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ của Việt Nam tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất tưởng như “bất khả xâm phạm” của quân Pháp, Chính phủ và giới quân sự Pháp cực kỳ dao động. Lo ngại Quân đội nhân dân Việt Nam có thể thừa thắng tổng tấn công đồng bằng Bắc Bộ, ngày 18-5-1954, Thủ tướng Pháp Lanien (Joseph Laniel) đã cứ Tướng Êli (Paul Ély) sang Đông Dương truyền đạt chỉ thị cho Tướng Nava (Eugène Navarre), Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp: “Lúc này phải lấy mục tiêu chính, trên tất cả các cái khác là cứu đội quân viễn chinh”.
Trong tình hình đó, nếu lãnh đạo Trung Quốc thực tâm giúp Việt Nam thì rất có thể đã buộc Pháp phải rút toàn bộ quân Pháp khỏi Đông Dương.
Nhưng, ngược lại, những người lãnh đạo Trung Quốc đã phản bội nhân dân Việt Nam, đàm phán với Pháp trên lưng Việt Nam. Ngay từ ngày 24-8-1953, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố: “đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những xung đột khác” (ý nói đến cuộc chiến tranh Đông Dương, chỉ “đình chiến” thôi và hai miền song song tồn tại).
Từ ngày 8 tháng 5 đến 23 tháng 6-1954, Trưởng đoàn Pháp trong khi tránh tiếp xúc với Việt Nam đã đàm phán trực tiếp với Trưởng đoàn Trung Quốc 4 lần, đi tới thỏa thuận về những nét cơ bản về một hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương.
Ngày 17-6-1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Trưởng đoàn đại biểu Pháp Biđô (Georges Bidault) đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản…
Ngày 23-6-1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Măngđet PhơRăngxơ (Mandès-France), Thủ tướng mới của Pháp đã đưa ra những nhượng bộ mới: “chia cắt Việt Nam, 2 miền Việt Nam cùng tồn tại hòa bình…”.
Một ngày sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký, ngày 22-7-1954, trong khi ăn cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột Ngô Đình Diệm, Chu Ân Lại đã gợi ý “đặt công sứ quán của Sài Gòn ở Bắc Kinh”. Ngô Đình Diệm không đồng ý. Nhưng đây là bằng chứng lãnh đạo Trung Quốc công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm và âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam.
Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ, Việt Nam đòi định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 13, tổ chức Tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng để thống nhất nước nhà. Lúc đầu đoàn đại biểu Trung Quốc đề ra vĩ tuyến 16 làm giới tuyến 2 miền Việt Nam. Sau đó lại nói: “Vĩ tuyến 16 khó có thể thỏa thuận”, ép Việt Nam nhân nhượng: “Có những điều kiện không công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể chấp nhận được… không nên làm phức tạp, lôi thôi… kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.
Trong tình thế Mỹ, Pháp Trung Quốc chung một lập trường, Trung Quốc ép buộc Việt Nam phải chấp nhận giải pháp: “Các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là vĩ tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam làm 2 miền, tiến tới tổng tuyển cứ tự do trong cả nước sau 2 năm để thống nhất đất nước”.
Để ngăn cản ta tiếp tục chiến đấu, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7-1955, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình dọa: “dùng lực lượng vũ trang để thống nhất đất nước sẽ có 2 khả năng: một là thắng, và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc”. Ngày 11-5-1956, ông Mao Trạch Đông nói với những đồng chí lãnh đạo ta: “tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 chưa được thì phải 100 năm”. Tháng 7-1957, Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có, phải giữ vĩ tuyến 17… thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt”. Những người lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh với Việt Nam là: “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, chờ đợi thời cơ”.
Rõ ràng là những người lãnh đạo Trung Quốc không muốn cho Việt Nam thống nhất để mạnh lên, hãm Việt Nam trong tình trạng yếu kém để dễ khống chế. Một nửa Việt Nam là khu đệm an toàn phía Nam cho Trung Quốc yên ổn làm ăn là được.
IV. Nhân dân Việt Nam quyết tâm chống Mỹ để thống nhất Tổ quốc, Trung quốc giúp Việt Nam và dùng Việt Nam làm con bài để làm ăn với Mỹ
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên ra sức phá hoại Hiệp định, lê máy chém đi khắp nơi giết hại những người cộng sản và những người dân yêu nước, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh vũ trang. Tháng 5-1960, hội đàm với phía Việt Nam họ nói như sau: “Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh vũ trang là chính… không phải là cướp chính quyền ngay mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ, dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất được…”. Mặc họ cản, bức xúc quá, nhân dân miền Nam vẫn đồng khởi, phát triển chiến tranh du kích, miền Bắc chi viện đồng bào ruột thịt của mình, không ai cản được.
Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, ném bom miền Bắc, lãnh đạo Trung Quốc buộc phải giúp Việt Nam đánh Mỹ.
Vì sao Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ? Có 3 lý do:
Một là: đề phòng phải gặp lại tình hình năm 1950, khi quân Bắc Triều bị quân Mỹ - Hàn dồn sát đến sông Áp Lục, bom đã rơi vào đất Trung Quốc, Trung Quốc đã phải đem 50 vạn quân “kháng Mỹ viện Triều”, tổn thất nặng nề mới lập lại được vĩ tuyến 38 phân chia 2 miền Nam Bắc Triều Tiên…
Chính vì thế mà tháng 1-1965, qua nhà báo Mỹ Ét-ga-xnâu (Edgar Snow), Mao Trạch Đông nhắn Washington: “Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau” và trong cuộc đàm phán Trung Mỹ cấp Đại sứ tại Vac-sa-va , phía Trung Quốc làm cho Mỹ hiểu rõ câu nói của Mao Trạch Đông: “Người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Nghĩa là mặc Mỹ đánh nhau ở miền Nam Việt Nam, Trung Quốc không muốn lại đánh nhau với Mỹ.
Hai là: Lãnh đạo Trung Quốc bấy giờ đương muốn giương cao ngọn cờ lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới mà không giúp Việt Nam là nước đã thắng trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa trên thế giới, thì sẽ mất uy tín.
Ba là: cạnh tranh với Liên xô trong việc tranh thủ Việt Nam. Trong khi Liên xô giúp Việt Nam xe tăng, máy bay tên lửa, v.v. mà Trung Quốc không giúp thì sợ Việt Nam ngả theo Liên Xô.
Năm 1963, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Việt Nam ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc “sẽ viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ nhân dân tệ nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên xô”.
Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của chúng ta vào gần khắp các thành phố ở miền Nam, cả vào Sứ quán Mỹ, Bộ tổng tham mưu chính quyền miền Nam và Mỹ đều dao động, lộ rõ ý muốn chấm dứt ném bom để ngồi vào đàm phán. Chúng ta chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để kéo Mỹ xuống thang, thì lãnh đạo Trung Quốc ngăn cản, họ cho rằng: “Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, đã nhân nhượng một cách vội vã”.
Ngày 9-10-1968, lãnh đạo Trung Quốc gặp Thứ trưởng Ngoại thương Việt Nam ở Bắc Kinh yêu cầu báo cáo với lãnh đạo Việt Nam rằng: “sự thỏa hiệp của Việt Nam với Mỹ là một thất bại lớn… nên để cho Mỹ bắn phá trở lại khắp miền Bắc, để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, chia sẻ bớt khó khăn cho miền Nam”. Viên tướng M. Taylo (Maxwell Taylor) gọi là “quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
Trong mấy năm liền cho đến 1972, lãnh đạo Trung Quốc đề nghị giúp vận chuyển hàng phục vụ chiến trường từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia trên con đường mòn Hồ Chí Minh, hứa cung cấp đủ xe, người lái và khoảng 20 vạn quân để bảo đảm công việc này. Ý đồ thâm hiểm của họ là nắm mạch máu chiến tranh của 3 nước Đông Dương để điều khiển cuộc chiến tùy ý họ, để buôn bán với Mỹ và chuẩn bị bàn đạp xuống Đông Nam Á. Tất nhiên lãnh đạo Việt Nam không thể chấp nhận.
Năm 1969, Nichxơn lên làm Tổng thống Mỹ, ông ta cảm thấy bế tắc trong cuộc chiến tranh, muốn rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta nghĩ đến con bài Bắc Kinh; Trung Quốc cũng nhìn thấy thế yếu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nên thời kỳ 1969-1973, Trung Quốc và Mỹ tăng cường tiếp xúc bắt tay công khai với nhau, không chỉ bàn bạc các vấn đề tay đôi, mà cả các vấn đề thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước Đông Dương.
Tháng 7 và tháng 10 năm 1971, Kitxingiơ (H. Kissinger) đặc phái viên của Nichxơn sang Bắc Kinh và ít lâu sau Nichxơn đích thân sang thăm Trung Quốc. Họ thỏa thuận với nhau các vấn đề trên lưng nhân dân Việt Nam.
Ngày 1-3-1972, Kitxingiơ nói với các nhà báo rằng: “Từ nay Tổng thống và tôi chỉ còn việc nhìn về Mascơva mà nghiền nát Việt Nam”.
Khi Trung Quốc thông báo cho ta: trong chuyến thăm Bắc Kinh của Nichxơn hai bên sẽ bàn cả vấn đề Việt Nam, lãnh đạo của chúng ta thẳng thắn nói: “Việt Nam là của chúng tôi, các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam, các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”.
Cuối cùng bất chấp chiến dịch B52 ác liệt, bất chấp mọi mưu ma chước quỷ của những người lãnh đạo Bắc Kinh, Việt Nam anh dũng kiên cường, độc lập tự chủ vẫn thực hiện được lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi bình thường hóa quan hệ trở lại năm 1990, những người Trung Quốc giương chiêu bài đạo đức giả, lừa phỉnh “16 chữ và 4 tốt” nhưng rất hung hăng leo thang gây hấn ở biển Đông, cắt cáp 2 tàu khảo sát của chúng ta, liên tiếp bắn giết ngư dân ta, bắt tàu cá của ta để đòi tiền chuộc, luôn to mồm tuyên bố một cách vô lý chủ quyền gần hết biển Đông và các quần đảo của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhiều lần dọa đánh Việt Nam và Philippines… những việc này đang làm nóng dư luận quốc tế và sục sôi tâm huyết của toàn dân Việt Nam trong thời gian gần đây thì mọi người đều đã biết rõ.
Chú thích của tác giả bài viết
Một số trích dẫn lời lãnh đạo Trung Quốc là từ các nguồn sau:
(1) Từ những sách báo của nhà báo thân Trung Quốc Edgar Snow.
(2) Từ hồi ký của Kitsinger , cựu ngoại trưởng Mỹ.
(3) Từ những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Việt Nam.
 
Nguồn: Tác giả trực tiếp gửi cho BVN


--------------

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Quan hệ Việt-Trung ra khỏi vòng tranh tối tranh sáng


Tháo bỏ lá bùa "4 tốt" và "16 chữ vàng" 

Có 4 sự kiện kế tiếp nhau gần đây tác động trực tiếp đến sự thay đổi trạng thái quan hệ Việt-Trung  từ tranh tối tranh sáng ra ánh sáng. Đó là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển; việc Bắc Kinh công bố mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN đồng thời thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên Biển Đông; và việc ASEAN không ra được tuyên bố chung về COC. Cuối cùng là hàng loạt hoạt động khiêu khích quân sự của phía TQ bắt đầu bằng việc phái những đoàn tàu đánh cá với  sự yểm trợ của tàu vũ trang tràn vào vùng biển Đông, trong đó có đoàn 30 chiếc xuống tận vùng Trường Sa để "đánh bắt cá dài ngày"....Chưa hết, sẽ diễn ra một cuộc tập trận lớn có bắn đạn thật tại đây nay mai !!!

TQ tăng cường lực lượng trên Biển Đông
Từ kinh nghiệm của các thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979 và Trường Sa năm1988, trước khi muốn phát động chiến tranh phía TQ thường giở trò " vu oan gián họa". Giờ đây họ dường như đang lặp lại điều này. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi chúng "miệng nói hòa bình tay vung binh hỏa" bằng hàng loạt các hoạt động khiêu khích trắng trợn như vây. Họ muốn gì nếu không phải để gây sự và kiếm cớ phát động một đợt chiến tranh lấn chiếm biển đảo (?) Đúng như một vị giáo sư Philipine nhận định: "TQ chỉ chờ chúng ta bắn phát súng đầu tiên là hùng hổ trấn áp và tuyên bố họ chỉ tự vệ" (1)

Thế giới không thể lại mất cảnh giác trước những động thái quá lộ liễu của Bắc Kinh . Và hơn ai hết, người Việt Nam cần nhận rõ các thế lực hiếu chiến ở TQ đang đẩy trạng thái quan hệ Trung -Việt sang thời kỳ mấp mé bờ vực chiến tranh. Giờ đây hãy bớt suy nghĩ về TQ theo lô-gíc thông thường, mà hãy nghĩ đến thứ lo-gíc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán; nó không đại diện cho nhân dân TQ mà chỉ đại diện cho bộ phận hiếu chiến của đất nước đông dân nhất thế giới này. Nó nhắc  nhớ  đến chủ nghĩa phát xít Hít le đã một thời gây bao tại họa cho nhân loại như thế nào. Qua cái cách mà Đặng Tiểu Bình đã "thiết kế" cuộc chiến tranh đẫm máu chống VN năm 1979, thì chiến tranh đối với TQ chỉ là một trò "diễn tập" của một đội quân đang ngứa ngáy chân tay và thừa súng đạn .

Đối với Việt Nam trước bối cảnh hiện nay, khẩu hiệu "4 tốt" và "16 chữ vàng" chỉ là một thứ bùa mê khiến một số kẽ cuồng tín mất cảnh giác và do đó bị bất ngờ khi chiến sự nổ ra. Nó cần phải được lột bỏ khong thương tiếc. Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc không phải của một số ít người đứng ra làm việc riêng với đối phương; đó phải là sự nghiệp công khai của toàn dân tộc.  Vậy hãy coi đây là thời cơ để dân tộc Việt Nam có thể thoái mái rũ bỏ tâm lý cả nễ nhập nhằng giữa bạn/thù, đồng chí/anh/em mà trong đó phần lợi bao giờ cũng thuộc về phía nước lớn khi họ có thể bịt miệng, trói tay chân nạn nhân để tha hồ đám đá mà người ngoài không hay biết . Đã đến lúc phải gọi đích danh "Trung Quốc" thay cho "nước lạ", "tàu lạ"....Từ điển không có từ "bạn xâm lược" mà chỉ có "kẻ thù xâm lược". Những ai không dám gọi đích danh kẻ thù thì không có đủ tư cách để lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Tại sao khi kháng Pháp chống Mỹ thì kêu goị dân chúng xuống đường, giờ chống TQ thì cấm dân biểu tình? Tại sao thành phần ưu tú (elit) của xã hội  lại đi sau quần chúng ? Và tại sao có sự lẫn lộn trong quan niệm về yêu nước và phản động? Đây là những vấn đề cần sớm được giải tỏa để đưa  đất nước vào trạng thái sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.        

Đem đại nghiã thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo (2)

Liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển đảo tại Biển Đông, cần nhắc lại rằng Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo và yếu so với Mỹ và TQ. Nhưng Việt Nam đã thắng (nếu không muốn dùng từ "đánh bại") Mỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc và hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, thì không có lý gì Việt Nam không làm được điều tương tự đối với TQ. Nguyên nhân đơn giản vì VN có chính nghĩa với tư cách người tự vệ chân chính. Nói vậy hoàn toàn không phải tuyên truyền mà là một quy luật của cuộc sống, quy luật của chiến tranh và hòa bình, quy luật của công lý. Chiến tích vẫn còn đó với nhiều đoàn quân xâm lược phương bắc.

Những diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy một phần sự tái hiện của quy luật nói trên. Bằng  những hành động hiếu chiến và trắng trợn trên Biển Đông, các thế lực hiếu chiến bành trướng bá quyền đang gây nỗi khốn khổ cho dân chài Việt Nam,  nhưng  cũng đang tự phô bày chân tướng của chúng trước  ánh sáng của công luận trong nước và quốc tế. Những ngày qua dư luận quốc tế đang chuyển mạnh từ chỗ chưa nhận rõ chân tướng và ý đồ bành trướng bá quyền Trung Hoa hoặc đánh lộn sòng "các bên tranh chấp" sang chỗ ủng hộ VN, Philipine và ASEAN. Thượng nghi sĩ Mỹ John. Mc Cain đã lên tiếng cảnh báo đó là hành động "khiêu khích thái quá đối với Việt Nam " trong khi Thượng nghị sĩ Jim Webb vừa đề nghị Bộ Ngoai giao Mỹ điều tra về sự vi phạm luật pháp quốc tế của TQ tại Biển Đông (3).  Về phần mình, dư luận  ASEAN đã trở nên cảnh giác hơn trước âm mưu "chia để trị" của Bắc Kinh. Đặc biệt bên trong nội bộ TQ đã xuất hiện  trào lưu phản đối chủ trương độc chiếm Biển Đông từ những ý kiến cá biệt đến tiếng nói chung trong giới trí thức, nhà báo và cả quan chức TQ. Giáo sư Hà Quang Hộ cho rằng “Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” (của Trung Quốc) như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi”. Biên tập viên THX Chu Phương lên tiếng phản bác cái gọi là thành phố Tam Sa "không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”, v.v... (4)


Những biểu hiện trên đây báo hiệu xu thế hình thành một phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, công lý giữa nhân dân các nước Trung Quốc,Việt Nam, ASEAN và thế giới trong một ngày không xa. Đó là điều tương tự đã xảy ra trong quá trình chiến tranh chống Mỹ của nhân dân VN giữa thế kỷ trước. Nó cho thấy Việt Nam không bao giờ đơn độc trong các cuộc kháng chiến cứu quốc của mình. Và đó là yếu tố quyết định giúp người Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng. Dân tộc Việt Nam không mong muốn chiến tranh, nhưng không bao giờ khuất phục trước các thế lực hiếu chiến xâm lược. Đó là thông điệp của người Việt Nam muốn chuyển đến tất cả các bên liên quan và thế giới./. 

Chú thích:
(1) Báo TT ngày 25/7/2012
(2) Trích Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi sau chiếnthắng quân Minh năm 1427
(3)http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2012-07-25-03.cfm
(4) Theo VNTTX 

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Ẩn số Đài Loan trong tranh chấp Biển Đông

Toàn cảnh đảo Ba Bình chụp từ trên không
Lâu nay khi bàn về vấn đề tranh chấp biển đảo tại Biển Đông người ta ít tính đến nhân tố Đài Loan; riêng Việt Nam còn có xu hướng xếp Đài Loan về phía Trung Quốc. Nhưng thực ra câu chuyện không hoàn toàn đơn giản như vậy; vai trò của Đài Loan vẫn còn là một ẩn số cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có đối sách thích hợp trong từng tình huống và thời kỳ.

Xét về mặt lịch sử Đài Loan dưới thời chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch là đại diện  TQ .Và điều này vẫn có mức độ giá trị pháp lý nhất định xét về vấn đề tranh chấp Biển Đông; chính thể CHND Trung Hoa cũng phải dựa vào chứng cứ của thời kỳ Tưởng Giới Thạch. Xét về thực lực Đài Loan đang  đang chiếm giữ đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) có diện tích quảng 1.5km2 là hòn đảo to nhất tại quần đảo Trường Sa và to thứ nhì trên Biển Đông sau đảo Phú Lâm rộng quảng 2km2 thuộc Hoàng Sa . Tuy nhiên Ba Bình cách Đài Loan hơn 1.300 km trong khi chỉ cách VN quảng 500km và cũng cách căn cứ đảo Phú Lâm do TQ chiếm đóng một quảng đường tương tự.

Trong các bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, chỉ có Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc chính thức tuyên bố đòi chủ quyền đối với đảo Ba Bình. Gần đây phía Đài Loan đưa ra cái gọi là nguy cơ bị Việt Nam đánh chiếm đảo...Thực hư câu chuyện này chưa được kiểm chứng. Nhưng căn cứ vào tương quan lực lượng và bối cảnh tình hình có thể thấy đó chỉ là cái cớ để Đài Bắc xúc tiến kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự tại đảo Ba Bình. Việc nâng cấp này nhằm mục đích gì, nếu không phải là để nâng thêm cái giá của Ba Bình khi đem ra mà cả với các bên liên quan vìlợi ích của Đài Loan(?) Sự phản ứng của cả  hai phí VN và TQ nhìn chung đều mang tính chất "chiếu lệ". Tuy nhiên, Đài Bắc luôn tỏ ra rất dè dặt và thận trọng.    
 
Câu hỏi đặt ra là, trong toàn bộ âm mưu độc chiến Biển Đông của Bắc Kinh, với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã chiếm trái phép của Việt Nam, đảo Ba Bình là một mục tiêu lý tưởng để tiến tới giấc mộng bá chủ Biển Đông. Vậy tại sao Bắc Kinh hoàn toàn đủ sức đánh chiếm Ba Bình nhưng chưa làm việc đó trong khi lại ra sức lấn chiếm những bãi đá ngầm của Việt Nam hoặc Philipine? Câu trả lời là có thể vì Bắc Kinh tin chắc sớm muộn họ cũng lấy được Ba Bình, chậm nhất là khi lấy lại toàn bộ Đài Loan. Hoặc có thể Bắc Kinh chọn chiến thuật sử dụng vai trò của Đài Loan khi nào thấy còn có lợi. Điều này cũng có nghĩa Bắc Kinh có thể đánh chiếm Ba Bình bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, Ba Bình có thể trở thành một căn cứ rất lý tưởng cho Mỹ và đồng minh, trong đó có Đài Loan, nhất là trong thế trận Biển Đông mới ngày nay khi Mỹ đã quyết tâm quay lại Châu Á-TBD để kiềm chế TQ. Vậy liệu sự tự tin của Bắc Kinh sẽ kéo dài được bao lâu khi mà khả năng thống nhất được Đài Loan vẫn còn xa vời?  Liệu Bắc Kinh sẽ thay đổi chiến thuật và tốt nhất là chiếm dụng vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất này trước khi nó rơi vào tay Mỹ?. Thiết nghĩ khả năng này giờ đây không phải là một chuyện viễn vông.  Có lẽ Bắc Kinh đang cần một cái cớ để hành động nhằm tránh tình huống xấu hơn(?) Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý lẫn tương quan lực lượng có tính đến yếu tố quan hệ Mỹ-Đài, nếu Bắc Kinh chủ động đánh chiếm Ba Bình có thể còn khó hơn đánh chiếm các đảo khác của VN hoặc Philipine.  

Dù bất cứ khả năng nào, rõ ràng Đài Loan đang nắm trong tay một bảo bối. Và hơn lúc nào hết  Đài Bắc đang tính toán về phương thức sử dụng bảo bối này để phục vụ cho lợi ích của mình.  Nhưng việc sử dung bảo bối này thế nào cũng là một bài toán khó đối với họ bởi lẽ mọi cử động đều đang nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Trong thâm tâm Đài Bắc coi Bắc Kinh là đối tượng đề phòng chứ không phải là Việt Nam hoặc Philipine. Mỹ cũng có thể đang tính lại về thái độ đối với Đài Loan vốn lâu nay không được mặn mà cho lắm và bị ràng buộc bởi chính sách "một Trung Quốc". Về phần mình, Đài Loan dù muốn hay không cũng đã chuyển sang thái độ ôn hòa với đại lục kể từ sau cuộc tuyển cử 2008 đưa Mã Anh Cửu  lên nắm quyền. Tuy nhiên dù gì thì gì, một cuộc tái thống nhất tự nguyện và hòa bình với Đại lục cộng sản vẫn còn là một chủ đề khó hiện thực hóa đối với dân chúng Đài Loan. Nói cách khác tiến trình thống nhất hòa bình này phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình dân chủ hóa đầy khó khăn của Lục đia, trong khi phương thức thống nhất bằng vũ lực tỏ ra còn khó hơn nhiều.

Tóm lại, có thể nói,  trong bối cảnh hiện nay, đảo Ba Bình nắm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng và cũng là vị trí nhậy cảm bậc nhất trong khu vực. Mọi diễn biến đối với hòn đảo này không chỉ cho thấy độ nóng của vấn đề tranh chấp biển đảo tại Biển Đông mà còn là tấm gương phản chiếu về quan hệ chiến lược lâu dài giữa Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh chung, Đài Loan vẫn là một ẩn số đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ./.
 

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Biên tập viên Tân Hoa xã phản đối 'thành phố Tam Sa'

  
clip_image001

Theo Tiền Phong on line ngày 19/7/2012,  Biên tập viên Chu Phương (ảnh bên) của Tân Hoa xã (TQ) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc.
Gần đây, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc có những bước đi ngang ngược, bất chấp lẽ phải và sự thật như khẳng định yêu sách về “Đường Lưỡi bò”, lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”, biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”...
Nhà báo Chu Phương sinh năm 1960, Cử nhân Anh văn (1982), Thạc sỹ Báo chí truyền thông (1989), từ 1989 đến nay là biên tập viên công tác tại Ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã.
Ông là nhân vật nổi tiếng có quan điểm thẳng thắn trong làng báo Trung Quốc, hồi tháng 3 năm nay, từng gây chấn động dư luận bởi là người viết những bài đầu tiên đăng trên Blog Sina.com phê phán Bạc Hy Lai và “mô hình Trùng Khánh” ngay từ khi nhân vật này còn đang trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực.

Ngày 17-7, ông cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”.
Trong đó ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông).
Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.
Trước đó, ngày 29-6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”. Bài này đã được nhiều diễn đàn mạng đăng lại.
Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu Nga tại sao lại lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước hành động thiết lập “thành phố Tam Sa” đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.
Nếu giai tầng lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể thoát ra.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót.
Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi: hãy lập tức hủy bỏ “thành phố Tam Sa”, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Chu Phương viết: “Trung Quốc đã trải qua kiểu hành động tùy tiện thời “Cách mạng văn hóa”, đã tự mình nếm trải thời kỳ “chính trị thống soái”, cần phải nhận thức được mình là thành viên của đại gia đình quốc tế, cần phải tuân thủ các chuẩn tắc và quy phạm mà cả cộng đồng quốc tế tuân theo.
Trong xử lý công việc quốc tế, nhất là xử lý các vấn đề phức tạp, tồn tại tranh chấp nghiêm trọng giữa các quốc gia, tuyệt đối không được tự mình hành động một mình theo quan niệm giá trị, quan niệm lịch sử và lập trường của mình, chỉ nói điều mình nghĩ; như thế không những không giúp gì cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế, mà còn làm tình hình xấu thêm, gia tăng thêm quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh.
Đồng thời cũng làm tổn hại đến hình ảnh và địa vị quốc tế của Trung Quốc, làm suy yếu tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Trong vấn đề ngoại giao, trong xử lý công việc quan hệ quốc tế, chúng ta cần phải có thêm nhiều nhà ngoại giao, nhà chiến lược quốc tế và những chính trị gia thực sự có tầm để tham gia vào việc quyết sách; quyết không nghe theo tiếng gào thét của những “cuồng nhân chiến tranh” hay để cho quân sự chỉ huy chính trị. Kinh nghiệm lịch sử của tất cả các quốc gia cho thấy rõ: quân nhân can dự chính trị chỉ đem lại tai họa cho đất nước”.
Về việc chính phủ Trung Quốc vội vàng tuyên bố lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm toàn bộ vùng biển trong “Đường biên giới 9 đoạn” mà họ tự vạch ra một cách vô căn cứ, Chu Phương thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông), khiến cả quốc tế chê cười những nhà quyết sách Trung Quốc thiếu kiến thức về luật quốc tế muốn thông qua việc thiết lập “thành phố”, ngang nhiên đưa công hải (vùng biển quốc tế) vào lãnh hải của nước mình.
Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Quá trình thiết lập “thành phố Tam Sa” thể hiện sự nóng vội và cẩu thả, rõ ràng là quyết định được đưa ra thiếu luận chứng khoa học và không sáng suốt.
Hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”.
Việc thiết lập “thành phố Tam Sa” là bước đi sai lầm nhất và không sáng suốt nhất của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Cách làm sai trái ấy không chỉ tạo ra tiền lệ quốc tế, mà còn trở thành trò cười quốc tế, tất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc
Biên tập viên Tân Hoa Xã Chu Phương
Ông phân tích: “Hành động sai lầm nguy hiểm vô trách nhiệm của một số người trong việc thiết lập “thành phố Tam Sa” đang đẩy nhân dân Trung Quốc sa vào miệng hố chiến tranh. Nhân dân Trung Quốc cần hòa bình, không cần chiến tranh. Trong việc xử lý vấn đề quốc tế và xử lý vấn đề quan hệ với các nước, Trung Quốc cần phải tỉnh táo, không được cuồng nhiệt. Trung Quốc cần làm một dân tộc có trách nhiệm, đứng thẳng giữa khu rừng các dân tộc thế giới; quyết không thể làm một “cô nhi thế giới” hành động ngang bướng. Trong việc giải quyết công việc quốc tế, Trung Quốc cần phải học cách tuân theo quy tắc trò chơi đã được cả quốc tế công nhận, tránh một mình một kiểu, mình khen mình hay, đừng để trở thành Triều Tiên thứ hai”.
Chu Phương thẳng thắn đề xuất ý kiến cá nhân: “Đối với vấn đề “thành phố Tam Sa”, chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận ra sai lầm lớn lao của mình, xin đừng ngại mất thể diện mà bỏ lỡ thời cơ. Trung Quốc cần sớm hành động, sửa chữa sai sót...
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy, một Trung Quốc cô lập sẽ không có tiền đồ. Việc Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự Thái Bình Dương vẫn chưa khiến một số chính khách và quân nhân của ta tỉnh ra.
Trong thế giới ngày nay, sự phát triển của một quốc gia càng cần có sự quan tâm, tham dự và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đừng nói gì Trung Quốc đang tự coi mình là “quốc gia đang phát triển”, mà ngay cả Mỹ, “Siêu cường quốc duy nhất thế giới” hiện cũng đang ngày càng biết cách lợi dụng và dựa vào cộng đồng quốc tế để đạt được mục đích của mình”.
Ông kết luận: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa chữa!”.
Thu Thủy
Theo Sina.com, Zhoufang.blshe.com
Nguồn: tienphong.vn

--------------

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này