Dân trí 15/4/2015: Trong những ngày qua, báo chí Mỹ và châu Âu đã đồng loạt có nhiều bài viết mổ xẻ các hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc nước này đẩy mạnh cải tạo, mở rộng đảo.
>> Trung Quốc ráo riết xây dựng trái phép ở Hoàng Sa
>> Trung Quốc đưa tàu khảo cổ trái phép tới Hoàng Sa
>> Câu hỏi sau những dự án khổng lồ của Trung Quốc
Các hoạt động của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế quan ngại (Ảnh: DailyMail)
Trong số ra ngày hôm qua 14/4, nhật báo Wall Street Journal của Mỹ cho biết Trung Quốc đang tiếp tục cải tạo và mở rộng 2 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời cho xây mới 7 đảo nhỏ khác.
Hai hòn đảo được Wall Street Journal nhắc đến đảo Phú Lâm và Quang Hòa. Theo các hình ảnh do công ty ảnh vệ tinh DigitalGlobe công bố, hai hòn đảo này đã được mở rộng đáng kể sau những hoạt động bồi đắp, cải tạo gần đây của Trung Quốc.
Cũng theo Wall Street Journal, Việt Nam và Phillippines nhiều khả năng sẽ đưa vấn đề cải tạo đảo của Trung Quốc ra Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ diễn ra tại Malaysia vào cuối tháng 4 này, với hy vọng tập trung được sự ủng hộ của khu vực đối với việc phản đối các tuyên bố chủ quyền chiếm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Trước đó, các tờ báo điện tử lớn nhất của Đức như FAZ (Toàn cảnh Frankfurt), Deutsche Welle (Sóng Đức) và Die Welt (Sóng Đức) cũng đồng loạt có các bài viết lên án Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng các đảo trên Biển Đông.
Trong bài viết mang tựa đề "Những hòn đảo của quyền lực" số ra ngày 10/4, tờ FAZ chỉ trích Trung Quốc muốn tạo “sự đã rồi” trên Biển Đông, đồng thời dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc không nên có các "hành động hiếu chiến" ở vùng biển này.
Tờ báo nhấn mạnh trong quá trình xử lý tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã không tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của luật pháp quốc tế.
Bài viết cũng tập trung phản ánh tốc độ Trung Quốc cải tạo bãi đá Vành Khăn khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, (từ tháng 1/2015 đến ngày 16/3/2015), Trung Quốc đã mở rộng đáng kể quy mô đảo Vành Khăn với diện tích được xây mới lên tới 1,5 km2. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tiến hành xây dựng các công trình khác trên hòn đảo này như đập và đê chắn sóng. Hiện tại, công việc cải tạo vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh.
Bài viết nhận định Trung Quốc sẽ sử dụng bãi đá Vành Khăn làm căn cứ để mở rộng các hoạt động tuần tiễu, cũng như phục vụ các yêu sách chủ quyền và các mục đích quân sự khác.
Tác giả bài viết cũng dẫn đánh giá của tổ chức Jane's Defense cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây dựng thêm một đường băng ở bãi đá Vành Khăn. Theo tác giả, mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã quy định "vùng đặc quyền kinh tế giới hạn trong 200 hải lý của mỗi quốc gia tính từ thềm lục địa", nhưng Trung Quốc rõ ràng đang đi ngược lại công ước này với cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý, đòi hỏi yêu sách chủ quyền với những khu vực cách thềm lục địa Trung Quốc tới trên 1.000 km.
Bài viết cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc kiểm soát bất đồng trên biển với Trung Quốc.
Trong khi đó, báo điện tử Deutsche Welle có bài viết tiêu đề "Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông", phản ánh về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo trên vùng biển này. Bài báo được làm nổi bật với chùm 10 ảnh cập nhật về những hoạt động cải tạo của Trung Quốc, kèm theo các chú thích rõ ràng ở mỗi ảnh.
Mở đầu bài viết, tác giả bài báo khẳng định Trung Quốc đang muốn "tạo sự đã rồi" khi tăng tốc xây dựng, mở rộng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, đặc biệt là ở bãi đã Chữ Thập nơi Trung Quốc đang cho cải tạo với quy mô lớn nhất.
Bài viết dẫn nhận định của các chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) và tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho rằng việc Trung Quốc xây đường băng dài tới 3 km ở bãi đá Chữ Thập đã cho thấy ý đồ của nước này muốn biến nơi đây thành căn cứ không quân với khả năng hoạt động của máy bay ném bom cỡ lớn H-6.
Tác giả cũng dẫn cảnh báo của Tổng thống Mỹ Obama trước các "hành động hiếu chiến" của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã không tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh nước lớn để gây sức ép với các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Đánh giá về việc cải tạo ở bãi đá Gaven, bài viết dẫn quan điểm của giới luật gia cho rằng nếu dựa theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Trung Quốc đã mở rộng ở Gaven một khu vực nhân tạo có diện tích tới 115.000 m2 thì điều này vẫn không có ý nghĩa gì đối với các yêu sách chủ quyền.
Trong bài viết và phóng sự ảnh của mình, tác giả cũng dẫn thêm hình ảnh Trung Quốc xây dựng, cải tạo đảo trái phép ở bãi đá Gạc Ma, Tư Nghĩa và cho rằng việc Bắc Kinh cùng lúc xây nhiều đảo nhân tạo với tốc độ rất nhanh cho thấy nước này đã chuẩn bị từ lâu "một bộ quy chuẩn về việc xây dựng, cải tạo các đảo này".
Tờ Die Welt cũng đăng tải bài viết với nhan đề: "Trung Quốc khó chịu trước sự can dự của Mỹ", kèm loạt ảnh mới nhất do CSIS công bố cho thấy hoạt động cải tạo bãi đá Vành Khăn với tốc độ chóng mặt của Trung Quốc. Tờ báo cho rằng những hành động cải tạo đảo của Trung Quốc đã làm cho Mỹ không thể ngồi yên và buộc phải thể hiện thái độ phản đối rõ ràng đối với Trung Quốc.
Gần như trong cùng thời điểm, nhiều tờ báo Pháp như Le Figaro, mạng tin20minutes.fr, itele.fr cũng đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng "tường thành lớn bằng cát" trên biển Đông.
Dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tuần trước, tờ Le Figaro, một trong những tờ nhật báo lớn của Pháp, thể hiện quan ngại trước việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình lấn biển, đặc biệt là việc xây dựng "tường thành lớn bằng cát" trên biển Đông.
Le Figaro cho rằng Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc không tuân theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế và vấn đề này sẽ khó được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao.
Tờ báo nhắc lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng dầu mỏ rất lớn và có các đường hàng hải quan trọng hàng đầu. Yêu sách này của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước trong khu vực.
Những bài báo trên đã cho thế giới thấy rõ một thực trạng đáng lo ngại ở Biển Đông nếu như một Bộ quy tắc ứng xử không sớm được xây dựng và đưa vào áp dụng nhằm đặt ra tiêu chuẩn cho mọi hành vi ở vùng biển này. Nhưng đáng tiếc, đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hành động phi lý của mình và cậy thế nước lớn để áp đặt sự đã rồi cho các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố gần đây ở người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khi ông này tiếp tục lặp lại quan điểm sai trái khẳng định Hoàng Sa là một phần cố hữu của Trung Quốc khi được hỏi về các dự án cải tạo đảo tại đây.
Đức Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.