Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Thư mở kính gởi Hội Nghị BCHTW 10 (của cụ Nguyễn Khắc Mai)

Nguyên văn nội dung do người viết thư gửi đăng trên  BVN

Tôi gởi lời kính chúc các Đại biểu khỏe mạnh, minh mẫn để bàn những công việc trọng đại của Đất nước và của Đảng CSVN.

Tôi dùng chữ thư mở để chỉ sự công khai, minh bạch, trong sáng, không giấu giếm, che đậy.
Trước hết, tôi xin dẫn câu nói của A.Einstein: “Những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải hôm nay, sẽ không thể nào giải quyết được ở trình độ tư duy mà trước đây chúng ta tạo ra chúng”. Tôi nghĩ rằng đây là phương pháp luận làm tiền đề cho việc suy nghĩ, trước hết là tìm cho ra những tư duy mới. Ai cũng biết đổi mới phải bắt đầu bằng tư duy mới.
Từ Đại hội VII đến nay đã trải một phần tư thế kỷ. Qua 5 kỳ ĐH, chúng ta đặt ra nhiều mục tiêu, muốn giải quyết khó khăn để vươn lên. Nào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nào đi tắt, đón đầu, kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền, nào kinh tế là trọng tâm, xây dựng đảng là then chốt, học tập Hồ Chí Minh, đối ngoại “4 tốt, 16 chữ vàng”, gắn bó với Trung Hoa cùng ý thức hệ v…v. Một người có tư duy lành mạnh bình thường cũng thấy được về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đều không làm được. Khủng khoảng triền miên, kinh tế gia công lệ thuộc, vốn bỏ nhiều, mà không đạt kết quả đáng có, như thiên hạ đã làm được. Văn hóa, giáo dục suy thoái, lạc hậu, đạo đức, nhân cách suy đồi. Nền dân chủ như mơ ước Tháng Tám “tiến lên nền dân chủ cộng hòa”, hay “lập quyền dân, tiến lên Việt Nam!” vẫn cứ còn trong mơ, cái mà Hồ Chí Minh khao khát “Làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm” thì ngày càng phú quý giật lùi. Cả chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục… những thứ làm nên nội lực của đất nước để phát triển, để giữ chủ quyền, để quan hệ đàng hoàng với lân bang, với quốc tế đều yếu ớt, lạc hậu và trì trệ. Nhiều bạn trẻ có học vấn nói với tôi không phải trì trệ, mà là tắc tị! Những người có lương tri không ai là không lo lắng cho tiền đồ của Dân tộc. Quả có chút ít phát triển. Nhưng tính lại, thời gian, tài nguyên, tiền của, sức lực mồ hôi, nước mắt của dân… thảy đều ném vào tham nhũng, lãng phí. Cái giá quá đắt!
Hội Nghị TW10 bàn về những vấn đề quan trọng làm nội dung cho ĐHXII của Đảng. Nếu không có tư duy mới, cách làm mới, kết quả chắc chắn sẽ như những đại hội đã qua. Cứ đối chiếu tiêu chuẩn thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thì đường lối tiến lên CNXH rõ ràng đã phá sản. Các dân tộc hiện đại chứng minh rằng trong thời đại mới, mà tôi tính từ 1950 đến nay, khi chiếc máy tính điện tử đầu tiên xuất hiện đã mở ra thời đại công nghệ tin học, nhiều nước cùng trình độ với Việt Nam, đã trở thành những quốc gia tiên tiến, chẳng những thu nhập quốc dân cao, mà khoa học, giáo dục, Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự phát triển … Vì thế, phải xem xét tận cùng gốc rễ của học thuyết “Mác Lê” của đường lối phát triển. Chính Hồ Chí Minh trước khi chết đã tiên đoán “cần một cuộc chiến tranh để chống lại những hư hỏng, cũ kỹ”.
Tổ chức của đảng vừa thiếu khoa học, vừa không dân chủ, rối rắm, nhiều thứ vô tích sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động lấn sân mà hiệu quả kém. Điều quan trọng là trong thời đại dân chủ phát triển, thời đại của pháp quyền, mà chức năng nhà nước của Đảng quy định mơ hồ trong điều 4 Hiến pháp, Đảng hoạt động không do luật điều tiết, tạo nên sự rối loạn, tiếm quyền kéo dài. Đảng mặc nhiên đứng ngoài sự giám sát của xã hội, ngang nhiên sử dụng mọi thủ đoạn kiểu quân chủ, độc đoán, phục dựng mọi hình thái phong kiến lạc hậu đã bị lịch sử kết án! Có hai nguyên tắc xây dựng Đảng mà Hồ Chí Minh từng đề xướng, một là “Đảng cũng ở trong xã hội”, hai là “Đảng do dân tổ chức nên”. Cả hai nguyên tắc ấy đều bị gạt bỏ . Vì không được xã hội nuôi dưỡng, phê bình, giám sát, và tiếp nhận những tư tưởng tình cảm tiến bộ nhất, nhân văn nhất của dân tộc và thời đại, các ban lãnh đạo của Đảng qua các kỳ đại hội, tất yếu chỉ còn biết sử dụng những biện pháp quan liêu, hành chính, bạo lực vô nguyên tắc, bất chấp đạo lý, nhân nghĩa để hành xử, tự ý đặt ra quy chế luật lệ vi phạm tinh thần dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Hồ Chí Minh nói Đảng phải đạo đức, phải văn minh. Nhưng tổ chức và hoạt động của Đảng rất kém văn minh, nó thường xuyên vi phạm những quy tắc văn minh của nhân loại. Đội ngũ cán bộ thì đạo đức suy đồi. Gần đây anh Tư Sang nói “chúng tôi sẵn lòng nghe những ý kiến cay đắng”. Tôi xin thưa với các anh chị một ý kiến cay đắng của chính vị tổ sư của chủ nghĩa Mác, ông F.Ăng Ghen: “Phải chấm dứtmột tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi những quan chức của mình là đầy tớ, để phê bình, thì lại quay ra coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Vậy là từ trăm rưỡi năm trước đến hôm nay, các ban lãnh đạo cộng sản dù ở bất cứ nước nào, đều vẫn y sì như nhận định của Ăng Ghen! Một số tư tưởng tiến bộ, hợp lý của C.Mác không được nghiên cứu và thi hành, trái lại, đã du nhập những tư tưởng vừa lạc hậu, hổ lốn phi khoa học, giáo điều của mô hình xô viết đã phá sản, những tư duy kiểu mao-ít đã lỗi thời. Thí dụ cuối đời Mác đã vứt bỏ quan niệm giai cấp công nhân là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và đã đi tới một nhận thức mới, và nó là một dự báo đã được các nhà nước cộng sản chứng minh là sự thật. Mác nói với Bakounine: “Chính quyền của giai cấp công nhân, sẽ được thúc đẩy bởi một chế độ ủy trị. Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người ứng và bầu cử bởi chính mình để đại diện và cai trị họ(gcCN). Điều ấy sẽ khiến họ rơi tõm ngay vào mọi sự dối trá, lệ thuộc của chế độ đại diện và tư sản. Sau một hồi ngắn ngủi được tự do và say sưa cách mạng, công dân của một Nhà nước mới, họ (CN)sẽ bừng tỉnh, thấy mình là nô lệ, con rối, con mồi của những tham vọng mới.” (Dẫn theo Marx sa vie et son ouvre-Mác cuộc đời và sự nghiệp.Jean Eleinstein.Fayard xb). Các ban lãnh đạo của Đảng không hề biết rằng gần hai trăm năm nay không hề có bất cứ đảng “cộng sản” nào, nhà nước cộng sản nào trên thế giới thành công trong chính sách xây dựng g/c công nhân. Công nhân ở nước ta hiện là giai cấp bần cùng không quyền lực, văn hóa thấp, đời sống nghèo khổ, bị cả hai ba phía “bóc lột”, không biết họ đã thức tỉnh chưa, để thấy mình, như Mác nói là “nô lệ, là con rối, là con mồi của những tham vọng mới”. Ác độc thay,tham vọng mới lại là của những kẻ luôn mồm nói G/C Công nhân là G/C lãnh đạo!.
Tôi xin dẫn một vài tư duy khác của Mác để có thể so sánh tư tưởng của Mác với cái gọi là “chủ nghĩa Mác Lênin” do các đời Ban lãnh đạo và Tuyên huấn của Đảng dựng lên, đánh tráo khái niệm để “lừa dối”. Mác nói :”Que les producteurs ne sauraient etre libre qu,autant qu,ils seront en possession des moyens de production (tere,usines,navires,banques,credits,etc…”(Các nhà doanh nghiệp (nhà sản xuất) sẽ không có tự do chừng nào họ không (có quyền) sở hữu những phương tiện để kinh doanh( đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng v…v). Theo Mác tự do là vô ngã, là tối thượng, đến mức những kẻ thù của tự do vẫn luôn mồm nói tự do! Ở đây Mác đã nói được sự thật có tính quy luật, đã tự mình phủ định cái khẩu hiệu sai lầm đã nêu trong tuyên ngôn cộng sản, phải xóa bỏ tư hữu. Thật ra hai chữ cộng sản là người Nhật dịch sai, truyền sang Tàu, rồi Tàu truyền cho Việt, lầm lẫn hàng trăm năm không ai có ý thức để đính chính. Thuật ngữ và khái niệm kommunism không hề có yếu tố ngữ nghĩa là sản, nó chính là chủ nghĩa cộng đồng. Chính Mác và Ăng Ghen trong tuyên ngôn các đảng cộng đồng đã nói rõ: “thay cho những cộng đồng kiểu cũ, là những cộng đồng kiểu mới, trong đó phát triển tự do cá nhân là tiền đề để có tự do của toàn xã hội”. Người xưa nói danh không chính thì ngôn không thuận, mọi việc tiếp theo sẽ lầm lỗi, rối loạn…Trong khi ban lãnh đạo đảng bác bỏ xã hội dân sự, coi đó là phản động, cấm cả nghiên cứu, thì Mác khẳng định: Nhà nước chính trị có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự! Mác còn một câu nói rất hay nữa là: Không phải nhà nước chế ước và quyết định xã hội dân sự, mà xã hội dân sự chế ước và quyết định nhà nước. Rõ ràng những nguyên tắc xây dựng nhà nước được nhận thức qua 11 Đại hội không có gì là Mác cả.Tôi không muốn làm nhàm tai các anh chị thêm, chỉ xin nói một sự thật. Đó là các đảng Xã hội-Dân chủ, mà những kẻ theo chủ nghĩa gọi là Mác-Lênin coi là phản động, thì chính họ lại thành công nhất khi ứng dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen, cùng những nhà tư tưởng xã hội cổ điển và hiện đại vào chính sách phục dựng châu Âu trong suốt thế kỷ vừa qua. Điều quan trọng là họ thông minh và dân chủ khi vận dụng, không hề có tâm thức nông dân lạc hậu, mê tín kiểu giáo điều như chúng ta, để rồi coi trọng xây dựng chủ nghĩa hơn là xây dựng đất nước, dân tộc.
Phải kiếm tìm những tư duy nhân văn, khoa học, tiên tiến, thuận lòng người và thời đại, để xây dựng triết lý mới phục hưng dân tộc. Đừng tự ái, thấy sai mà không dám dũng cảm sửa sai. Người xưa nói, không sợ xấu hổ khi học kẻ kém hơn mình, huống nữa lại đi học những người trước đây cũng như mình, nay nhờ khôn ngoan hơn, đã vượt qua mình trở thành liền anh liền chị trong khu vực và thế giới. Tôi tin rằng nếu thành tâm sửa chữa lỗi lầm, trở lại với những giá trị nhân văn tiến bộ, hợp lý của Dân Việt, biết làm những Hội Nghị Diên Hồng cho Toàn dân, chứ không phải chỉ cho một nhóm cánh hẩu, các anh chị cũng sẽ nhân lên nhiều lần kiến thức đặng vì dân vì nước mà thay đổi thể chế cho nhân văn tiến bộ hơn, phù hợp với lợi ich lâu dài để chấn hưng Đất nước, qua đó biến cải Đảng Cộng sản hiện nay thành một chính đảng của văn minh, đạo đức, của Dân tộc. Đây không phải lần đầu tiên mới đặt ra vấn đề này, đây là câu chuyện của lịch sử xây dựng đảng. Có điều chưa bao giờ vấn đề này lại trở nên sống còn như hiện nay.
Tôi tin rằng nếu lấy Năm chữ Dân sau đây làm tiền đề, chúng ta sẽ tìm ra lối thoát cho tình trạng hiện nay.
1. Dân tộc. Có lần Anh Năm Xuân tâm sự với tôi ở hành lang quốc hội, anh nói, cứ khi nào mình dân tộc, mình đúng, khi nào mình giai cấp mình sai.
2. Dân chủ. Cụ Hồ nói rất hay về dân chủ, nào là dân chủ triệt để, dân chủ mới, dân chủ thật sự, dân phải dùng được, hưởng được… Nhưng đáng tiếc cái thể chế mà cụ sao chép và cũng ra sức xây đắp đã không tương thích với những ham muốn tột bực của cụ. Đó là một bi kịch của đất nước, của Đảng. Phải hóa giải cái thể chế hư hỏng cũ kỹ này từng bước mạnh mẽ, nhất định sẽ thực hiện được khát vọng 100 năm trước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh: Tranh được Độc lập rồi mà không có dân quyền thì cũng vô nghĩa; của khởi nghĩa Tháng Tám: “Lập quyền Dân tiến lên Việt Nam”, hoặc của cụ Hồ: Có độc lập, thống nhất rồi mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì cũng vô nghĩa.
3. Dân Quyền. Thật sự đây là tiêu chí để đánh giá một chính đảng thật sự vì Dân hay chỉ vì một thư chủ nghĩa viển vông. Chúng ta đang đánh tráo khái niệm, tùy tiện hạn chế Quyền dân một cách quá đáng. Chưa bao giờ các ban lãnh đạo muốn hỏi ý kiến dân, làm những cuộc trưng cầu đúng nghĩa, chân thành, không hình thức. Hồ Chí Minh nói rất hay “Bao nhiêu quyền hành thuộc về Dân”. Thế mà ngày nay nhiều kẻ đang biến cụ Hồ chỉ là người nói được mà không làm được.!
4. Dân sinh. Cái lý thuyết dân sinh hạnh phúc đã được các bậc tiền bối của khởi nghĩa Tháng Tám đưa thành tiêu chí quan trọng của nhà nước của chúng ta. Nhưng điều mà Phan Châu Trinh và sĩ phu của Đông kinh nghĩa thục, từng chủ trương “Hậu dân sinh”, nghĩa là làm cho sâu dày cho tử tế, cho đầy đủ cuộc sống của Dân, với những chủ trương và quan niệm lạc hậu của chúng ta, đời sống của nhân dân ngày càng thấp kém.(so với yêu cầu, so với khả năng, so với khu vực…). Dân sinh là “hòn đá” thử cho mọi người, mọi lực lượng thật tâm yêu nước thương nòi.
5. Dân trí. Đây là tài sản của quốc gia của từng người,nó không bị hao mòn, luôn được tái sinh, phát triển. Hiện nay tổng số năm học của dân tộc ta chỉ là khoảng 8 năm. Trong khi đó nhiều quốc gia họ đã đạt tới 15,18 năm. Tuy nhiên vấn đề then chốt của dân trí lại là dân khí, nghĩa là nhân cách tự do dân chủ của con người. Có những nguyên nhân sâu xa đã khiến cho dân trí dân khí của chúng ta xuống cấp, nhiều trường hợp thật đáng xấu hổ.
Dân tộc, Dân chủ, Dân quyền,Dân sinh,Dân trí. Phải chăng đây là những tiêu chí mà cuộc cách mạng do những người cộng sản Việt Nam tiến hành ngót cả gần thế kỷ vẫn chưa chắc thực hiện được?
Nếu đóng góp cho một sự chuyển mình thật sự của Đại Hôi XII, làm cho Đại Hội này thật sự đánh dấu một bước chuyển đổi cơ bản để Dân tộc cũng như đảng CSVN thoát khỏi mô hình “xô viết toàn trị, lạc hậu và đã phá sản” đi trên con đường thênh thang như những con rồng con hổ đang gia nhập vào xu thế chung của nhân loại, các anh các chị sẽ xứng đáng được nhân dân và lịch sử ghi công. Nếu còn níu giữ những giá trị giả, những tư duy lạc hậu, những lợi ích nhất thời và ích kỷ, sẽ là kẻ tội đồ của Đất nước. Nếu đặt Đại Hội XII vẫn trên đường ray cũ kỷ hư hỏng thì sẽ là thảm họa cho Dân tộc, cho Đảng.
N.K.M

1 nhận xét:

  1. "Cụ Hồ nói rất hay về dân chủ"

    Nhưng làm thì như ... Tự Do vậy!

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này