Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Vì sao VN nên phát đơn kiện trước khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 (*)

biển Đông, Việt Nam, UNCLOS, Trung Quốc, Phillipines
Dư luận trong và ngoài nước đang rộ lên về việc "kiện Trung Quốc". Tuy nhiên, cách hiểu thì  khác nhau khá nhiều, chủ yếu tập trung vào các khía cạnh như  kiện về cái gì, kiện ra tòa án nào, thời điểm nào, vận dụng lý lẽ ra sao, và khả năng thắng thua...


Thật ra về phần mình Việt Nam đã tính đến việc kiện TQ ra tòa án quốc tế từ nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới tính. Tuy nhiên VN chưa thật sự coi trọng mặt trận pháp lý này, lý do chủ yếu vì sợ chọc giận TQ gây căng thẳng quan hệ lâu dài, và điều này đã được ám chỉ bởi một vài vị lãnh đạo cấp cao mới đây rằng "kiện khác nào bát nước đổ đi". Đồng thời cũng có sự lo ngại khả năng bị thua kiện chủ yếu vì những lý do kỹ thuật khó lường trước. 

Sự băn khoăn trên đây không phải là hoàn toàn vô lý trong bối cảnh mối quan hệ bị ràng buộc và bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi TQ là nước lớn nhiều tiền và lắm mưu mô chước quỷ. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của toàn bộ vấn đề. Vấn đề còn phụ thuộc vào cách đánh giá về tương quan lực lượng, đâu là thế mạnh, thế yếu của mỗi bên . Với những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thể hiện cho thấy họ đã quyết tâm hy sinh "quan hệ hữu nghị anh em..." để đạt mục đích lấn chiếm thêm biển đảo của VN nhằm thực hiện chiến lược bá chủ Biển Đông. Nếu vậy thì không có lý gì VN còn  luyến tiếc, mơ hồ với khả năng giành được sự nhân nhượng nào đó của họ trong đàm phán riêng tư (song phương). Hơn nữa, nếu đã xác định kiện là một biện pháp đấu tranh hòa bình thì không có lý  gì phải lo sợ bị TQ coi đó là cái cớ để tấn công quân sự. Về khả năng thắng thua khi đệ đơn kiện thì còn phụ thuộc khá nhiều vào việc lựa chọn nội dung, cách thức và thời điểm để đưa đơn kiện. Nhưng điều này VN đã có đủ điều kiện và thời gian để út kinh nghiệm từ các nước, nhất là của Philipin. 
Mọi cơ hội đều có tính thời gian. Nếu VN tiếp tục do dự sẽ trượt mất thời cơ không bao giờ có lại được; thế hệ này không được thì thế hệ sau càng khó.       


Vị trí giàn khoan Haiyang 981 cho thấy mối liên quan của nó với quần đảo Hoàng Sa

Dưới đây xin bàn cụ thể hơn về 2 vấn đề. 

Một là xác định nội dung kiện là gì. Nếu kiện để đòi  lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào lúc này là điều ít tính khả thi, vì đó là vấn đề rất phức tạp không thể giải quyết  một sớm một chiều. VN nên chọn vấn đề đang diễn ra, đó là tập trung kiện đòi TQ rút giàn khoan Haiyang 981 cùng toàn bộ tàu thuyền họ ra khỏi lãnh hải VN. Lợi thế của VN nằm ở sự sai lầm của TQ. Việc TQ ngang nhiên đơn phương cho hạ đặt giàn khoan lại còn sử dụng hàng trăm tàu thuyền, kể cả  của  Hải quân và không quân gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng đối với Việt Nam không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển 1982 mà còn vi phạm hàng loạt các thỏa thuận và luật lệ quốc tế như môi trường, quyền mưu sinh của con người, tự do lưu thông hàng hải v.v... Hành động đó đang đe dọa an toàn hàng hải tại Biển Đông và đe dọa hòa bình khu vực và thế giới. Ngoài Philipine vốn đã bị TQ xâm hại nhiều lần, giờ đến lượt các nước khác cũng bắt đầu  lo ngại bị TQ áp đặt "đường lưỡi bò". 

Nếu phía TQ chấp nhận vụ kiện thì đây sẽ là dịp tốt để VN kết hợp đề cập vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Nhiều khả năng tòa án sẽ không phán quyết gì về chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua vụ kiện này, nhưng đó là một dịp để ghi nhận sự phản kháng của VN đối với sự chiếm đóng trái phép của TQ. Điều tòa án có thể phán xét (nếu có) sẽ là buộc TQ rút giàn khoan và lực lượng trả về nguyên  trạng trước ngày 1/5/2014. Bằng cách này VN mới có thể tránh được nguy cơ mất thêm (trên thực tế- de facto) vùng lãnh hải phía Nam quần đảo Hoàng Sa đồng thời ngăn chặn các bước lấn chiếm tiếp theo của TQ.

Nếu TQ không chấp nhận tham gia vụ kiện, thì VN cũng không thiệt hại gì. Đây sẽ là dịp để VN nêu rõ lập trường và tranh thủ dư luận quốc tế.  Nếu tòa án ra phán quyết không có sự tham gia của TQ hoặc TQ không chịu thi hành án, thì vẫn có lợi cho VN.  

Hai là xác định thời điểm kiện kịp thời khi giàn khoan Haiyang 981 vẫn còn hoạt động phi pháp trong hải phận Việt Nam. Nếu để TQ rút giàn khoan này đi rồi thì coi như mất tang chứng vật chứng. Kịch bản này rất dễ diễn ra nhất là khi gần đây TQ đã triển khai thêm 3 giàn khoan khác gần đó nhưng không nằm trong hải phận VN. Đây có thể  là thủ đoạn xập xí xập ngầu giữa cái đúng cái sai nhằm đánh lạc hướng dư luận. Không loại trừ khả năng họ bất ngờ tuyên bố út giàn khoan nhưng vẫn để lực lượng chốt giữa các lỗ đã khoan và coi đó là "mốc chủ quyền" của TQ. Bằng cách đó TQ sẽ tháo hơi làm xẹp quả bóng dư luận đang căng phồng và vấn đề sẽ phức tạp khó khăn hơn nhiều đối với VN nếu muốn đưa ra kiện. 

Do đó, nếu xác định sẽ kiện, thì VN nên khởi kiện  càng sớm càng tốt khi giàn khoạn 981 của TQ còn ở hiện trường. Đừng nghĩ rằng TQ sẽ vẫn còn tiếp tục có hành động xâm phạm lấn chiếm đối với VN..thì kiện lúc nào chẳng được(!). Nhiều khả năng TQ sẽ xâm phạm ở những địa điểm khác ở phía Nam, nơi không có mối liên hệ gì với tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và vì thế VN sẽ không có cơ hội để kết hợp nêu vấn đề Hoàng Sa. Nên nhớ TQ đã chiếm đóng trên thực tế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa được 40 năm rồi;  nếu VN không có biện pháp chiến tranh cũng không có biện pháp pháp lý để tỏ rõ ý chí muốn đòi lại chủ quyền  thì theo thông lệ quốc tế (Luật La Mã) sau 50 năm sẽ không còn mấy lý lẽ để đòi chủ quyền.   

Mục đích của việc kiện TQ vào lúc này không chỉ để buộc TQ rút giàn khoan 981 mà còn  rút toàn bộ tàu thuyền khỏi vùng đó, đồng thời có ít nhiều tác dụng đề phòng không cho TQ dễ dàng dấn sâu thêm vào âm mưu lấn chiếm biển đảo nói chung. 

Thật sự mà nói, nếu chỉ nhằm đích TQ rút giàn khoan 981 thì sớm muộn họ cũng phải rút thôi, chậm nhất là đến 15/8 hoặc cùng lắm là đến thời gian sóng to  gió chướng tại vùng biển  này. Nhưng việc rút đó có ý nghĩa hoàn toàn khác. Lúc đó TQ sẽ tự tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ" và không loại trừ  khả năng họ cắm chốt tại mấy lỗ vừa khoan bằng cách tiếp tục duy trì lực lượng tàu thuyền bảo vệ không cho VN tiếp cận. Kịch bản này sẽ còn khó hơn cho ta nhiều! Lúc đó có kiện thì cũng đã quá muộn.      

Tóm lại, trước mắt VN nên kiện đòi TQ rút giàn khoan cùng toàn bộ lực lượng ra khỏi  lãnh hải của VN trả lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Việc chọn đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế hay UNCLOS tùy thuộc vào mục đích kiện. Tất nhiên trong quá trình xét xử, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa dù muốn hay không sẽ được đề cập, và bằng cách đó Việt Nam sẽ có cơ hội để trình bày lý lẽ của mình. Trong trường hợp TQ không đồng ý tham gia vụ kiện thì ít nhất việc khởi kiện của VN cũng góp phần làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của mình trước công luận quốc tế, dù sao  vẫn có lợi hơn là không kiện./.

(*) Bài viết đã được chính tác giả chỉnh sửa tiêu đề, cập nhật thông tin và lùi ngày phát hành, nhưng không  thay đổi nội dung. Xin thông báo và cảm phiền tới bạn đọc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này