Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tài liệu Nghiên cứu: VIỆT SỬ 5000 NĂM VĂN HIẾN VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

VIỆT SỬ 5000 NĂM VĂN HIẾN VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG


Posted on 8 Tháng Một, 2011 by Muc Đồng

Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương.

Qua bài viết của học giả Hồ Ngọc Thảo phản biện nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc là Hàn Chấn Hoa, chúng ta dễ dàng nhận thấy các học giả Trung Hoa dẫn tư liệu lịch sử trong các cổ thư chữ Hán để chứng minh biển Đông từ xa xưa thuộc về đất của người Hán. Nhưng có một điều rất đáng chú ý và cũng rất dễ dàng nhận ra rằng: 
Tất cả những tư liệu cổ ấy chỉ bắt đầu từ thời Hán trở về sau. Vậy trước đó vùng đất này thuộc về ai? Điều này có liên quan gì đến Việt sử 5000 năm văn hiến một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương Tử?

Kính thưa quí vị quan tâm.
Từ bài viết của tác giả Trần Kinh Nghi với tựa “Lịch sử cần sự thật”(*1) đăng trên Vietnamnet.vn, đến bài của học giả Hồ Ngọc Thảo phản biện nhà nghiên cứu lịch sử người Trung Quốc Hàn Chấn Hoa(*2), chúng ta thấy khá rõ một nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và là vấn đề cốt lõi liên quan đến biển Đông, đó chính là: Cội nguồn sử Việt 5000 năm văn hiến một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương tử, hay chỉ là “một liên minh bộ lạc” với những người dân “Ở trần đóng khố”?
Qua hai bài viết trên và rất nhiều bài viết của giới nghiên cứu lịch sử Trung Hoa liên quan đến biển Đông, chúng ta dễ dàng nhận thấy mục đích cuối cùng của những bài viết này của họ đều xác định rằng: Biển Đông từ trong lịch sử thuộc về người Hán. Các nhà nghiên cứu sử người Hán đều dẫn những tư liệu, những di vật khảo cổ bắt đầu từ thời Hán trở lại đây, nhằm chứng minh biển Đông thuộc Hán từ hai ngàn năm trước. Chúng tôi chưa bàn đến tính đúng sai và tính chưa rõ ràng của những sử liệu này. Việc này đã có những nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam uyên bác với những nguồn sử liệu dồi dào phân tích, chứng minh và đã phản biện một cách sắc xảo. Trong bài viết này, chúng tôi đặt vấn đề từ một góc nhìn khác liên quan đến Việt sử 5000 năm văn hiến và chủ quyền ở Biển Đông thuộc Việt Nam. Trước hết, chúng tôi xác định rằng: Việc cố gắng chứng minh chủ quyền biển Đông của Việt Nam hiện nay thuộc về Trung Quốc của những nhà nghiên cứu lịch sử người Hán, hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tuyền truyền trong chính dân chúng Trung Quốc nhằm tạo một ý niệm rằng: Người Trung Quốc đang đòi lại quyền lợi đã mất của họ từ trong lịch sử. Đây là một sai lầm lớn nhất của họ không chỉ thể hiện ở tri thức lịch sử của các nhà nghiên cứu Hán, mà còn cả ở bản thân phương pháp ứng dụng. Hơn thế nữa, đó là sai lầm có tính chiến lược toàn cầu của mục đích thể hiện sức mạnh Trung Quốc.
Chúng tôi sẽ lần lượt chứng minh luận điểm này qua từng tiêu đề mà chúng tôi đã đặt ra.

I – Phương pháp minh chứng qua những chứng cứ lịch sử để xác định chủ quyền một vùng đất hiện tại liên quan thế nào với lịch sử?
Đây chính là việc làm của những nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng: Biển Đông xa xưa thuộc về người Hán. Một ví dụ sinh động của phương pháp này chính là bài viết của ông Hàn Chấn Hoa và đã được nhà nghiên cứu Việt sử Hồ Ngọc Thảo phản biện đến từng chi tiết trong nội dung bài viết.
Nhìn từ một góc độ khác của bài viết này – xét về phương pháp luận qua những tư liệu trích dẫn từ bài viết của Hàn Chấn Hoa – thì các nhà sử học Trung Quốc đã mắc một sai lầm mang tính học thuật, chính là sự giới hạn thời gian lịch sử của họ. Cụ thể qua nội dung bài viết của ông Hồ Ngọc Thảo ngay trong topic này và rất nhiều bài viết của các học giả khác liên quan thì họ đều giới hạn thời gian lịch sử xa nhất là thời Hán và không thể xa hơn.
Tại sao họ lại ấn định một cái giới hạn thời gian lịch sử như vậy? Bởi vì trước thời Hán của lịch sử Trung Hoa – là giới hạn lịch sử mà họ đặt ra – họ không thể chứng minh được biển Đông của Việt Nam hiện nay thuộc Trung Quốc. Chính tính giới hạn thời gian lịch sử này, tự nó đã mâu thuẫn và thể hiện tính bất hợp lý ngay trong nội tại phương pháp đó. Chúng ta đều biết rằng: Tính hợp lý là một yếu tố cần để xác định tính chân lý trong khoa học. Do đó, với cách dẫn chứng tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu Hán mang tính giới hạn thời gian mà không đáp ứng được các tiêu chí và nguyên tắc xác định lịch sử, nên nó hoàn toàn mang tính ngụy biện. Cho dù họ có ý thức, hay không có ý thức về việc này (Chúng tôi sẽ đề cập đến những tiêu chí và nguyên tắc lịch sử trong phần sau của bài viết này). Bởi vì:
Nếu áp dụng phương pháp này và giới hạn thời gian vào thế kỷ 12 thì phần lớn lục địa Âu – Á trong đó có cả Trung Quốc thuộc về người Mông Cổ!?
Còn với giới hạn từ thời Hán – như các nhà nghiên cứu đã xác định – thì trước đó chủ quyền biển Đông không thuộc về Trung Quốc. Hay nói một cách khác:
Chính những nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, khi đang cố gắng minh chứng chủ quyền biển Đông thuộc về Trung Quốc, đã tự phủ nhận chính chủ quyền của họ trong qúa khứ lịch sử. Bởi vì trước thời Hán ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa thì cả miền nam sông Dương Tử, tất nhiên bao gồm luôn cả biển Đông, thuộc về Bách Việt mà hậu duệ chính là dân tộc Việt trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Điều này đã được ghi nhận ngay trong cuốn sử nổi tiếng của Trung Quốc là cuốn “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, trong đó ghi rõ: “Nam Dương tử là nơi Bách Việt ở”. Đây chính là tư liệu lịch sử xưa nhất và đáng tin cậy của chính người Hán. Nội dung của tư liệu này cho thấy sự xác định rằng: Trước thời Tần Hán, người Hán không hề là dân tộc làm chủ ở Biển Đông Việt Nam ngày nay. Đó chính là nguyên nhân để các sử gia Trung Quốc chỉ có thể dẫn chứng chủ quyền ở biển Đông Việt Nam ngày này thuộc về Trung Quốc từ thời Tần Hán trở lại đây. Bởi vì, ngay phía Nam dòng sông Dương Tử là nơi Bách Việt ở thì: Hàng Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam..vv…..tất nhiên cả Hồng Kong, Thượng Hải, Ma Cao và cả Đài Loan bây giờ đều thuộc về “Bách Việt” vào trước Tần Hán. Còn xa hơn dưới biển Đông Việt Nam ngày này thì không cần phải bàn.


Đây là hai tấm bản đồ thời Chiến Quốc và thời Tần do chính các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thực hiện, trong cuốn “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm”. Qua bản đồ này chúng ta thấy rằng trước Tần Hán, người Trung Quốc chưa hề là chủ sở hữu biển Đông của Việt Nam ngày nay. 

Vấn đề còn lại là vào trước Tần Hán biển Đông Việt Nam ngày nay có thuộc về người Việt hay không? Điều này liên quan đến cội nguồn Việt sử. 

2 . Việt sử 5000 năm văn hiến và vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhìn từ lịch sử.
Trên nguyên tắc xác định chủ quyền lãnh thổ thì việc đầu tiên là phải xác định chủ quyền quốc gia. Người ta không thể xác định chủ quyền lãnh thổ căn cứ vào sự tồn tại của những tộc người với tổ chức bộ lạc, hoặc liên minh bộ lạc. Tiêu chí cho lịch sử một dân tộc xác định rằng:
Lịch sử của một dân tộc chỉ được coi là bắt đầu từ khi dân tộc đó lập quốc.
Còn trước khi một dân tộc, hoặc một tập hợp các dân tộc nào đó lập quốc thì chỉ coi là lịch sử tiến hóa đến một giá trị văn minh. Đến đây, chúng tôi nghĩ rằng qúa đủ để thấy tính cần thiết cho việc xác định một cách rõ ràng trên cơ sở khoa học cho hai quan điểm sử học về cội nguồn dân tộc Việt.
Cả hai quan điểm này đều nhân danh khoa học, nhưng hoàn toàn xung khắc nhau đó là:
1. Quan điểm xác định và chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến, mở đầu bằng quốc gia Văn Lang dưới triều đại của các Vua Hùng, bắt đầu từ năm thứ 8 vận 7, Hội Ngọ. Nhâm Tuất – 2879 trước CN. Tính đến nay gần 5000 năm lịch sử. Nước Văn Lang: Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Đông Hải.
Trong bài viết này chúng tôi gọi tắt là: Quan điểm xác định truyền thống văn hóa sử Việt.
Quan điểm này được chứng minh trên cơ sở tiêu chí khoa học, căn cứ trên truyền thống văn hóa sử Việt và được ghi nhận trong chính sử Việt Nam qua các triều đại – Kể từ khi dân tộc Việt hưng quốc vào thế kỷ thứ X sau CN.
2. Quan điểm cho rằng thời Hùng Vương – cội nguồn dân tộc Việt chỉ có thể bắt đầu vào thế kỷ thứ VII trước CN và chỉ là “một liên minh gồm 15 bộ lạc, cùng lắm là một nhà nước sơ khai” với địa bàn cư trú vỏn vẹn ở đồng bằng sông Hồng.
Trong bài viết này, chúng tôi gọi tắt là : Quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt.
Quan điểm này hoàn toàn chỉ dựa trên sự hoài nghi về những tư liệu lịch sử trong chính Việt sử. Hay nói rõ hơn: Nó chỉ là giả thiết – nếu nhân danh khoa học – dựa trên sự hoài nghi vì tính mơ hồ do thất truyền những bản văn, tư liệu từ hàng ngàn năm trước của Việt sử.

Kính thưa quí vị quan tâm.
Nếu quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt đúng thì vào trước thời Tần Hán, Biển Việt Nam hiện nay không thuộc lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền nào. Không lẽ nó thuộc về liên minh 15 bộ lạc? Và vấn đề tiếp tục đặt ra là: Có hay không thời Bắc thuộc của một dân tộc mất nước là Việt tộc – Khi thời Hùng Vương cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt chưa phải là một quốc gia, để có thể đặt vấn đề mất nước? Tiếp theo nữa là vấn đề khi các cuộc nổi dậy của Việt tộc, bắt đầu từ Hai Bà Trưng cho đến việc lập quốc vào thế kỷ thứ X là giành lại độc lập dân tộc – nếu xác định Thời Hùng Vương là một quốc gia, hay là một sự ly khai khỏi đế chế Hán , nếu xác định thời Hùng Vương chỉ là một liên minh bộ lạc?
Ngược lại, nếu quan điểm xác định truyền thống văn hóa sử Việt đúng thì điều rất rõ ràng rằng: Dân tộc Việt trước thời Tần Hán đã thành lập một quốc gia của dân tộc này và hoàn toàn chính danh về chủ quyền lãnh thổ khi xác định rằng: Trước thời Tần Hán, lãnh thổ của quốc gia Văn Lang: Bắc giáp Động Đình hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục và Đông giáp Đông Hải – thì – hoàn toàn không có vấn đề Biển Đông Việt Nam hiện nay thuộc về Trung Quốc với góc nhìn từ lịch sử khi dân tộc Việt đã hưng quốc vào thế kỷ thứ X và xác định chủ quyền lãnh thổ trên bất cứ phần lãnh thổ nào giành lại được khi phục hồi lại một phần của quốc gia Văn Lang xưa. Tất nhiên trong đó gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa.
Như vậy, chính sự xác định và minh chứng tính chân lý của hai quan điểm này sẽ góp phần xác định tính chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông từ góc nhìn của lịch sử.

Kính thưa quí vị.
Cả hai quan điểm mà chúng tôi trình bày ở trên đều nhân danh khoa học để bảo vệ quan điểm của mình. Về vấn đề này, chúng tôi đã minh chứng đầy đủ những luận cứ hoàn toàn căn cứ vào tiêu chí khoa học cho một luận cứ khoa học, để khẳng định Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến. Có thể nói rằng: Tất cả những sách đã được chính thức xuất bản của người viết và của các nhà nghiên cứu khoa học đồng quan điểm trong nước và quốc tế và qua các bài viết, tiểu luận trên diễn đàn lyhocdongphuong.org.vn đã chứng minh và phản biện một cách sắc sảo đến từng chi tiết các luận cứ của những nhà khoa học có quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt(*3). Và rõ ràng trong một thời gian quá dài trài gần 30 năm tính từ khi quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt xuất hiện và chí ít tính từ cuốn sách đầu tiên của người viết bài này từ 1998 cho đến nay, đã rất nhiều bài viết của các học giả, những nhà khoa học khác – kể cả trong nước và quốc tế – cũng đã lên tiếng, mà chưa hề có một sự biện minh, phản biện của các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc quan điểm phủ nhân truyền thống văn hóa sử Việt. Thời gian gần đây, hiện tượng Thiền Sư Lê Mạnh Thát với các bài viết của mình minh chứng Việt sử 5000 năm văn hiến với phương pháp luận căn cứ vào các thư tịch, tư liệu, chứng tích liên quan đến lịch sử Phật giáo ở Việt Nam đã gây chú ý đặc biệt của dư luận. Hội Sử học Việt Nam cũng đã lên tiếng sẽ tổ chức hội thảo để có một cuộc phản biện hiếm hoi với Thiền sư Lê Mạnh Thát. Mặc dù chưa thống nhất với một số luận cứ của Thiền Sư, nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị đứng bên giáo sư Lê Mạnh Thát cùng minh chứng cho Việt sử 5000 năm văn hiến. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì không thấy mọi chuyện được nhắc tới, cứ như nó chưa từng xảy ra.

Tất cả những sự im lặng này là bước đầu dễ nhận thấy để xác định rõ hơn về tính phi khoa học của quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt. Những nhà khoa học có quan điểm phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt hoàn toàn lợi thế về bằng cấp, địa vị và quyền lực trong khoa học, nhưng phải im lặng thì chỉ có thể giải thích rằng: Họ không đủ tự tin vào chính những những luận cứ của họ để bảo vệ quan điểm.

Trên cơ sở này quan điểm Việt sử trài 5000 năm văn hiến đã được chứng minh hoàn toàn khoa học và không hề có phản biện chính thức. Chúng tôi xác định rằng: Chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam hiện nay, chính là sự tiếp tục xác định chủ quyền quốc gia, kể từ khi dân tộc Việt lập quốc từ năm 2879 trước CN bên bờ Nam sông Dương tử. Chính vì sự thành lập quốc gia và với một lãnh thổ rộng lớn bao trùm nam Dương Tử, nên người Việt hoàn toàn đầy đủ tính lịch sử dân tộc về chủ quyền, khi giành lại độc lập và hưng quốc trên một phần lãnh thổ quốc gia đã mất do sự xâm lược của đế chế Hán trải hơn 1000 năm. Đó chính là phần lãnh thổ Việt Nam hiện nay bao gồm cả biển Đông trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Đây cũng chính là lý do mà các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa không thể dẫn chứng lịch sử của những vùng biển này trước thời Hán.

Bởi vậy, chúng tôi xác quyết rằng: Sự có mặt của những lực lượng thuộc dân tộc Việt bảo vệ biển Đông của Việt Nam ngày nay, gồm Trường Sa, Hoàng Sa trước khi có cuộc chiếm đóng bằng bạo lực của Trung Quốc vào năm 1974, hoàn toàn thuộc về người Việt về cả mặt luật pháp quốc tế hiện hành và cả từ góc nhìn từ lịch sử – Nhân danh Việt sử 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử.

Lịch sử – Quá khứ và thực tại
Sự xác định một qúa khứ lịch sử của một dân tộc về biên giới và lãnh thổ cách đây hơn 2000 năm về trước với mục đích xác định tính chân lý cội nguồn dân tộc, hoàn toàn không có nghĩa là một yêu cầu phục hồi lại những vùng lãnh thổ đã mất của dân tộc đó, nếu như những biến cố lịch sử không dẫn tới những yêu cầu đó. Diễn tả một cách rõ ràng hơn: Đế chế Inca của người da đỏ bị khuất phục bởi những đội quân xâm lược của cường quốc da trắng và quốc gia Inca sụp đổ. Xác nhận sự thật lịch sử này, không có nghĩa tất cả những người không phải chủng tộc da đỏ phải ra khỏi Hoa Kỳ. Lịch sử đã có những diễn biến theo quy luật và logic của nó và đã xác định một quốc gia có chủ quyền tách rời các quốc gia từng xâm lược đế chế Inca. Những dân tộc trên đất nước Hoa Kỳ hiện nay, đã thừa nhận về mặt tình cảm và pháp lý của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Đó là thực tại và logic của lịch sử.
Tương tự như vậy, việc xác định Việt sử 5000 năm văn hiến có khoảng cách hơn 2000 năm về trước – một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương tử – tức là gần 1/3 lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, không có nghĩa là sự xác định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt trong hiện tại và yêu cầu nước Trung Hoa phải trao lại vùng lãnh thổ đó cho dân tộc Việt. Nhưng điều đó, cũng có nghĩa rằng: Vùng biển Đông của Việt Nam mà nước Trung Hoa đang xác định chủ quyền của họ với căn cứ một quá khứ có giới hạn từ thời Hán trở lại đây, mà họ đưa ra về mặt lịch sử, khi mà thực tại lịch sử đã xác định với sự công nhận về luật pháp quốc tế trong lịch sử hiện đại – tức là logic của lịch sử hiện tại – đang được tôn trọng. Người Việt đã giành lại độc lập trên mảnh đất của tổ tiên từ hơn 2000 năm trước và sở hữu Biền Đông qua các triều đại lịch sử, kể từ khi dân tộc Việt hưng quốc từ thế kỷ thứ X sau CN.

Bởi vậy một lần nữa tôi xác định rằng:
Việt sử trải gần 5000 năm là một chân lý nhân danh khoa học, nó được chứng minh đúng trên mọi phương diện không chỉ ở tính khoa học phản ánh chân lý, mà còn cả về chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Việc minh chứng với những tư liệu có tính giới hạn thời gian lịch sử từ thời Hán của các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa hoàn toàn phi logic và khả năng mang tính tuyên truyền, chỉ có gía trị gây sự hiểu nhầm trong cái nhìn của người dân Trung Quốc, nhằm kích động tinh thần dân tộc với chủ quyền lãnh thổ trong qúa khứ. Chính vì tính phi logic bởi tính giới hạn thời gian lịch sử của các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa, khi xác định lịch sử chủ quyền biên đảo trên Biển Đông của họ, khiến người viết hoàn toàn có cơ ở để hoài nghi động cơ của họ hoàn toàn phục vụ cho một mưu đồ nhằm thôn tính biển Đông của Việt Nam. Nhưng rất tiếc, đây lại là một sai lầm lớn hơn về chiến lược phát triển của cả một quốc gia.

“Người ta không thể xác định một cái đúng từ một cái sai. Mà chỉ có thể từ một cái đúng chỉ ra những cái sai”.

Sự sai lầm, phi logic trong luận cứ của các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa về lịch sử chủ quyền biển Đông , chính là hệ quả của sự sai lầm trong chiến lược phát triển của quốc gia này, trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Việt Nam – Trung Quốc và bối cảnh lịch sử quốc tế hiện đại.
Trong bài viết “Lịch sử cần sự thật” đăng trên Vietnamnet.vn, tác giả Trần Kinh Nghi viết:
Nội dung trích dẫn
Kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực

.(*3)
Hoàn toàn chính xác! Nhưng lịch sử cũng cho thấy các mối tương quan giữa kẻ mạnh và kẻ yếu mỗi lúc một khác. Có lẽ do giới hạn của chủ đề bài viết, mà tác giả Trần Kinh Nghi không diễn giải cụ thể. Bởi vì, lịch sử hiện đại không phải như vài trăm năm trước với khái niệm thời gian dài đằng đẵng và không gian mênh mông. Mà trong bối cảnh lịch sử ấy, chung quanh Việt Nam chỉ có vài nước nhỏ bé với duy nhất đất nước Trung Quốc vĩ đại, gần như có thể thống trị cả thế giới. Lịch sử hiện đại thì hoàn toàn ngược lại. Không gian thật nhỏ bé và thời gian thì vận động nhanh hơn nhiều bởi chính những phương tiện của con người. Trong mối quan hệ của lịch sử hiện đại thì ngay cả sự phát triển hùng mạnh của Trung Quốc cho đến hôm nay so với Việt Nam, cũng chỉ tương đương tỷ lệ với tương quan Việt Nam và Trung Quốc cách đây hàng trăm năm trước. Nhưng nó lại được đặt trong một bối cảnh thế giới hiện đại khác hẳn, đang tác động vào mối quan hệ cổ điển này. Trung Quốc không còn là nước duy nhất hùng mạnh trên thế giới tác động đến Việt Nam. Một giá trị logic mới của lịch sử được xác lập ít nhất về mặt lý thuyết cho các mối quan hệ quốc tế và được các nhiều cường quốc trên thế giới công nhận. Thí dụ như quy chế của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một nước thành viên. Về xu hướng phát triển của văn minh hiện đại khiến cho vai trò của Trung Quốc – cho dù đang phát triển rất nhanh – cũng chỉ là một thành tố trong quá trình toàn cầu hóa được xác lập như một quy luật tất yếu thông qua tri thức của con người. Quá trình này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là: Xác định một quyền lực toàn cầu để điều khiển toàn bộ sự tồn tại và phát triển tiếp theo của một thế giới toàn cầu hóa về mọi phương diện. Quyền lực toàn cầu này – hoặc là một tổ chức quốc tế gồm nhiều quốc gia nhằm phục vụ cho lợi ích chung của nhân loại; hoặc là xác lập vị trí bá chủ thế giới của một quốc gia duy nhất.
Nếu theo xu hướng quốc tế hóa quyền lực toàn cầu thì rõ ràng hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đã được xác định là không phù hợp. Nó sẽ tạo ra một thành kiến với những quốc gia có hành vi trên và nó sẽ đẩy thế giới đến xu hướng dùng sức mạnh để chỉ phối toàn thế giới với một quốc gia bá chủ.
Nếu theo xu hướng một quốc gia làm bá chủ thế giới thì cái gì sẽ xẩy ra? Tất yếu đó là một cuộc chiến tranh mà Việt Nam không tham gia. Đơn giản vì đất nước nhỏ bé này không có thể làm bá chủ thế giới bằng sức mạnh về cả kinh tế lẫn quân sự. Sự xác định quyền lợi cốt lõi trên lãnh thổ của các nước láng giềng của Trung Quốc – mà hàng ngàn năm nay những người dân các nước gần Trung Quốc sinh sống, trong đó có Việt Nam – sẽ xác định tham vọng chi phối thế giới của đất nước này và thách thức quyền lợi và tham vọng của các nước khác..Ở đây tôi cũng nói thẳng: Đó là chính là Hoa Kỳ. Có lẽ, những ai ham đọc sách báo có thể chưa quên rằng: Sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, chính Hoa Kỳ đã có ý định giải tán Liên Hợp Quốc và xác định quyền lực bá chủ chi phối thế giới. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó, họ đã không thực hiện ý định này. Tuy nhiên, chỉ cần một ý định như vậy, cũng đủ xác định sự tư tin của Hoa Kỳ và tham vọng bá chủ trong việc chi phối thế giới. Sự phát triển nhanh chóng về cả kinh tế và quân sự của Trung Quốc không thôi thì chắc vấn đề sẽ chưa có gì để bàn. Nhưng với sự coi quyền lợi lãnh thổ là cốt lõi với các nước láng giềng của họ, mà trước đó họ không có trên thực tế lịch sử hiện đại – và cả tối cổ với Việt Nam 5000 năm văn hiến – đã khiến tham vọng bá chủ của Hoa Kỳ lung lay. Đừng tưởng cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ với tham vọng bá chủ thế giới – ít nhất trong lúc này. Ngược lại, chính nó lại là nguyên nhân để một cuộc chiến xác định ngôi vị bá chủ thế giới đến gần hơn, nhằm xác định quyền lực chi phối thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay chưa có lối thoát. Nếu người Trung Quốc đang có tham vọng chi phối thế giới (Tôi chưa nói đến tham vọng bá chủ thay thế Hoa Kỳ) thì họ đã mắc một sai lầm chiến lược khi xác định chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng trong đó có biển Đông của Việt Nam – khi so với thế giới nó chỉ tỷ lệ với cái ao trong làng.
Với những cảm tình còn sót lại trong tôi với đất nước Trung Quốc, tôi viết bài này muốn thành thực nói với họ rằng: Hãy trả lại tất cả các biển đảo đã chiếm đóng và long trọng xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam như thực tế lịch sử hiện đại đã định vị, nhún nhường khiêm tốn để phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự chỉ đủ răn đe những quốc gia nào có ý đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. “Hãy ẩn mình chờ thời” – đó là câu nói đó của ngài Đặng Tiểu Bình, hình như cũng không lâu lắm thì phải. Cách đây không lâu, chính người Trung Quốc đã xác định “Chủ nghĩa thực dân cũ là đi xâm lược, còn chủ nghĩa thực dân mới là xâm chiếm thị trường”. Tôi nghĩ chắc họ đủ tỉnh táo để có những chiến lược phù hợp với thời đại.
Xu hướng hội nhập toàn cầu sẽ dẫn đến sự tập trung quyền lực mang tính quốc tế trong tương lai. Chính điều này xác định sai lầm của Trung Quốc vì những tham vọng lãnh thổ trong quan hệ quốc tế, mà đáng nhẽ họ có thể có một sự ảnh hưởng rất quan trọng trong tương lai. Nếu họ suy nghĩ lại, may ra còn kịp. Còn vài ngày nữa hai vị đứng đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau. Sau đó mọi người sẽ biết, hoặc sẽ có thể tiên tri cái gì sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Cuộc gặp này sẽ tương tự cuộc gặp của Tổng thống Goorbachop và Regan, mặc dù nó không cần bí mật như vậy.

Kết luận
Trong cái nhìn của người viết bài này, thì những bài viết của những nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa, đại loại như Hàn Chấn Hoa, hoàn toàn chỉ là hệ quả của một tham vọng, nên nó không mang tính học thuật dù mang danh học thuật. Chỉ cần một thay đổi có tính chiến lược quốc tế là nó biến mất và các nhà nghiên cứu loại này sẽ về hưu, hoặc tìm chỗ ẩn dật vì đời không hiểu mình.
Chân lý thật sự thuộc về Việt sử 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở miền nam sông Dương tử và là cội nguồn đích thực của nền văn minh Đông phương. Nếu như có cuộc đối thoại giữa các nền văn minh thì đấy chính là văn minh Lạc Việt với thuyết Âm Dương Ngũ hành – một lý thuyết thống nhất vũ trụ – đối thoại để hòa nhập với nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại, theo cái nhìn của cá nhân tôi. Một thế giới thống nhất trong tương lai, nó sẽ cần tối thiểu đến một chuẩn mực quy ước chung được chấp thuận cho cả nhân loại để tồn tại và phát triển. Lý tưởng nhất cho một sự hội nhập toàn cầu chính là con người tìm ra và xác định một lý thuyết thống nhất vũ trụ. 
=========================================
* Chú thích:
1/ http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/…mp;#entry112522
2/ http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_HoBachThao.htm
3/ http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/…hp?showforum=50

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này