Báo chí, dư luận đủ các lề bên trong và bên ngoài chữ S đang xôn xao bàn luận về tài sản « nổi » của hai ông Trần Văn Truyền và Ngô Văn Khánh, một ông nguyên và một ông đương chức. Định không để ý tới nhưng rồi ta vẫn bị cuốn hút vào. Thế mới biết tò mò và ưa hóng hớt, một nét bản sắc độc của văn hóa Việt chi phối ta mạnh thật !
Ngày 21/2, báo Người cao tuổi đưa tin Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ sở hữu một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ kiểu biệt thự nhỏ trên diện tích 30.000m2, một căn biệt thự rộng 300m2 và một ngôi nhà cấp 4 rộng 200m2 ở TP Bến Tre. Ngoài ra, ông còn có ba cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh…
Còn ông Ngô Văn Khánh thì trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đã khai có 2 nhà ở phố Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội với tổng diện tích là 362 m2 đất và 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh. Ngoài ra, ông Khánh còn là cổ đông có cổ phiếu ở nhiều ngân hàng và công ty và có 7, 18 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng VIB… Sở dĩ ông Truyền và Khánh bị « săm soi kĩ» vì là người ăn lương từ tiền thuế của dân, là « đầy tớ của dân » và nhất là lại làm trong một cơ quan đòi hỏi cực kì gương mẫu. Chứ của nả trên của hai ông chả là cái đinh gì so với các “đại gia » được xếp vào hàng TopTen giàu nhất Việt Nam năm 2013 mà đứng đầu là Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với tổng tài sản là 18.000 tỉ đồng, tiếp đến là ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL (6.500 tỉ đồng) và được cho là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng (thực ra thì ngôi vị này thuộc về Công tử Bạc Liêu)… Không nằm trong danh sách này nhưng cũng nổi tiếng giàu và độc đáo là ông Lê Ân (Vũng Tàu) với hàng ngàn tỷ của chìm của nổi, ngự trên chiếc Rolls Royce Phantom trị giá 1,54 triệu USD mà dân chơi xe hơi bảo là khủng nhất và sành điệu nhất cùng với người vợ thứ năm trẻ hơn mình gần nửa thế kỉ…
Đảng ta không cấm đảng viên làm giàu, miễn là chính đáng, minh bạch. Hai ông Truyền và Khánh cũng muốn chứng mình mình không làm gì sai trái. Ông Truyền khẳng định rằng phần lớn nội dung mà tờ báo đó đã đưa là không chính xác, không đúng sự thật. Ông sẵn sàng cung cấp thông tin, bằng chứng về nguồn gốc số của cải này. Theo ông, biệt thự được dựng trên đất của con trai mua từ lâu và chỉ có hơn 16.000m2. Còn tiền xây nhà do ông tích cóp được và các con cùng người thân quen đóng góp, đặc biệt là cô em nuôi. Ông không có nhà ở TP Hồ Chí Minh. Còn ở TP Bến Tre, ngôi nhà cấp 4 rộng 200m2 đã trả lại cho tỉnh. Ông bảo “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở.” Muốn tin lời ông Truyền lắm. Vừa thương ông cực nhọc lao động đến “thối cả móng tay” vừa mừng cho ông có cô em nuôi tốt bụng. Cũng phải ngả mũ nể phục ý chí làm giàu của ông vì có ai giúp thì chỉ thêm thắt vào thôi chứ phần lớn tài sản ông có được phải từ mồ hôi nước mắt của ông mà ra. Còn ông Khánh thì khẳng định mọi việc ông vẫn đang làm đúng theo quy định của pháp luật. Cũng muốn tin ông Khánh và cũng có cơ sở để tin, nhưng chỉ thấy hơi lạ là khi được hỏi về số tài sản của mình, ông Khánh lại bảo đó là chuyện của cơ quan, ai muốn biết thì hỏi Thanh tra Chính phủ (TTCP), đặc biệt là đồng chí Tổng Thanh tra. Thế là sao nhỉ? Cá nhân không có quyền giải trình về tài sản riêng chính đáng của mình ư?
Hai ông cùng dư luận đều muốn rạch ròi chuyện này, càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhất là uy tín của cán bộ, công chức cao cấp. Nhưng hình như trong trường hợp này thì “dân có cần nhưng quan chưa vội”. Trung ương, địa phương đưa đẩy trách nhiệm trường hợp ông Truyền. Còn ông Khánh thì bảo TTCP và cơ quan chức năng của nhà nước liên quan sẽ có trả lời chính thức về việc này.
Đành phải đợi vậy thôi, ít ra là đến cuộc họp báo thường kỳ của TTCP vào cuối tháng 3 này để biết ý kiến chính thức về tài sản của ông Truyền và Khánh- ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của TTCP cho biết như vậy. Chỉ tiếc là trận địa lại bỏ ngỏ, miếng đất màu mỡ cho những lời đồn đại suy luận đủ kiểu. Nào là làm quan sướng thật, vừa có quyền vừa có tiền. Nào là dân nghèo có một chỗ ở đã khó còn các vị không những có nhiều nhà to, đẹp mà lại còn có cả biệt thự với những tiện nghi đắt tiền. Rồi thì nếu chỉ bằng đồng lương sao mà thế được, ắt hẳn phải tham ô, hối lộ, móc ngoặc. Sở dĩ chưa có ý kiến chính thức chắc là câu giờ để hợp thức hóa tài sản bất minh v.v. Trong khi mà ông Truyền và Khánh đều khẳng định mình không làm gì sai. Ông Tuyển cũng bảo ông Khánh được biết đến là người giàu có và nghe nói gia đình còn có cả công ty. Ông giải thích thêm: “Đảng, Nhà nước ta chủ trương động viên các đảng viên tham gia làm kinh tế. Nhà nước ta cấm cán bộ quan chức nhà nước tham gia quản lý doanh nghiệp, chứ không cấm họ đầu tư, góp cổ phần...”. Thế là rõ rồi nhé. Việc ông Khánh đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nghĩa là số tài sản kê khai của ông đã được xác minh và thừa nhận là hợp pháp từ lâu rồi mà. Thế thì còn chần chừ gì nữa. TTCP công bố đi để xua tan luận điệu của kẻ xấu. Để cho dân mừng cho hai ông. Rồi thì phải xem xét phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương “làm giàu nhờ cần cù chịu khó” của ông Truyền và tấm gương “làm kinh tế giỏi” của ông Khánh, bắt tiền luôn phải đẻ ra tiền từng giây, từng phút!
Công khai, minh bạch là điều kiện tiên quyết để thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhưng hiện nay, theo ông Tuyển, sở dĩ ta chưa thực hiện việc công khai tài sản cán bộ trên mạng vì “Nước ta, trong bối cảnh các loại tội phạm gia tăng, hoạt động hết sức tinh vi, nhưng cơ chế bảo vệ tài sản của cán bộ, công chức lại chưa tốt; bây giờ tôi công khai tài sản rộng rãi trên mạng, bọn tội phạm biết được sẽ nhòm ngó, lúc ấy ai bảo vệ tôi, vợ con, tài sản của tôi?” Ông Tuyển nhận định tình hình có vẻ bi quan quá, khác hẳn với khẳng định chính thức trong các báo cáo thường niên về tình hình KT-XH là “Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…”.Bằng chứng là trong số TopTen giàu nhất VN 2013 công bố trên mạng đã có ai bị bọn xấu “nhòm ngó” đâu. Hơn nữa, qua cách nói của ông, dễ dẫn đến hiểu lầm là cán bộ công chức bây giờ đều giàu có nên không công khai tài sản của họ là bảo vệ họ và cơ chế chỉ bảo vệ tài sản cho cán bộ, công chức còn của dân thường thì “mackeno”???
Thế cho nên, ông Truyền và Khánh yên tâm đi! Người ta thường nói “Cây ngay chẳng sợ chết đứng”. Nhưng có một câu có vẻ logic và hình ảnh hơn là “Cây ngay chẳng sợ bóng queo”.
Vũ Đức TâmNguồn: Face book 14 March 2014 at 10:06
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.