Tháng 3.1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời ở phố Hàng Đào với mục tiêu xóa bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho, tiếp nhận tư tưởng mới, khuyến khích học chữ quốc ngữ, chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển kinh tế. Trường nhận cả học sinh nữ. Hưởng ứng mục tiêu của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều đàn ông Hà Nội đã cắt bỏ búi tóc, đàn bà thì cạo răng đen thành răng trắng. Và người phụ nữ Hà Nội đầu tiên cạo răng đen là Lương Thị Bẩy, con gái của một trong những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ cử Lương Văn Can. Nhưng không phải ai cũng như Lương Thị Bẩy, vì nhiều người vẫn cho rằng để răng trắng là không đứng đắn.
Con gái Hà Nội xưa - Ảnh: Tư liệu |
|
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua
Và để hấp dẫn cánh đàn ông, người con gái rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen
Trong bài hịch kêu gọi quân sĩ tại lễ thệ sư ở Thọ Hạc (Thanh Hóa), vua Quang Trung đã cổ vũ tướng lĩnh đánh quân xâm lược nhà Thanh:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Theo khảo sát của một viên bác sĩ Pháp đối với những người An Nam bị bắt phải sang Pháp làm lính thợ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thì trong số 1.430 lính bản xứ tuyển mộ ở nông thôn có 1.037 người răng đen. Vì thế có thể tạm suy ra 80% dân quê ở Bắc kỳ nhuộm răng đen. Trong số đó, 60% có độ tuổi từ 22 - 26. Những người Việt làm lính thợ thường bị lính người Ma Rốc, Sénégal cao to hành hung, áp bức. Để hạn chế tình trạng bắt nạt lính An Nam nhỏ con, một sĩ quan Pháp đã phao tin rằng những người răng đen có khả năng ăn thịt người và chỉ trong một tiếng, họ có thể xơi gọn hai cái đùi, khiến đám lính châu Phi hoảng sợ, từ đấy lính thợ An Nam mới được yên thân.
Báo Phụ nữ thời đàm số ra ngày 29.10.1933 mô tả cô gái tân thời Hà Nội: “Quần trắng áo mầu, giầy cao gót... để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch... nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ...”. Bài báo cũng nhấn mạnh: “Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là tân”. Còn báo Phong hóa viết: “Chúng em đuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng trắng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răng đen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia... chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm ái mát hơn cái quần sồi dầy cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì nhưng các cụ bảo nó sạch vì nó đen”. Trong luận văn bác sĩ của Vũ Ngọc Quỳnh (Le laquage des dents en Indochine, H.1937) thì năm 1936, số phụ nữ răng đen ở Hà Nội ở tuổi từ 18 trở xuống còn rất ít. Và điều đó dẫn đến tiếc nuối:
Nhớ hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ cô con gái hàm răng đen huyền.
Nguồn: Trích từ loạt bài "Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline/ Thanh niên online ngày 28/08/2012 ) Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (trong Đi dọc Hà Nội, Chibooks)
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.