Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Tầm nhìn của con ngựa kéo xe

Hồi cuối những năm 1970s tôi may mắn được trong số ít ỏi lưu học sinh của nước Việt Nam XHCN sang du học tại Anh quốc TBCN. Đó cũng là thời kỳ khó khăn nhất của Việt Nam cả trên hai mặt trận đối nội và đối ngoại. Về đối nội, lúc đó chưa có đổi mới, vẫn còn nguyên chế độ bao cấp thiếu đủ thứ từ cây kim sợi chỉ cho đến gạo, đường, mắm muối…Về đối ngoại Việt Nam bị cả phương Tây và ông bạn láng giềng phương Bắc gây sức ép ghê gớm vì sự kiện Campuchia.

Thời kỳ đó, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh tương đối thân thiện. Tuy nhiên phía Anh chưa công nhận chế độ bằng cấp của Việt Nam và cũng dè dặt trong quan hệ chính trị , do đó chỉ cấp một số ít học bổng hạn chế trong lĩnh vực đào tạo giáo viên Anh văn, và chỉ cấp chứng chỉ (certificate), không cấp bằng master cho ai cả. Một số cán bộ trẻ được Bộ Ngoại giao cử đi học phải đóng vai "giáo viên" của Đại học Sư phạm Hà Nội, và may mắn cũng vượt qua vòng thi tuyển . Sau khi hoàn tất thủ tục, đoàn du học sinh gồm 20 người chúng tôi lên đường trước Tết âm lịch năm 1978 bằng đường không qua Hồng Công để đến London. Đó là đoàn thứ 2 trong số 3 đoàn được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai nước trước khi chương trình bị gián đoạn do tình hình quan hệ xấu đi trước bối cảnh vấn đề Campuchia và chiến tranh biên giới Trung -Việt..

Dù sao đối với chúng tôi, chuyến du học đó cũng là một chuyến du lịch khám phá đến thế giới tư bản "đang giẫy chết" . Ai cũng đều rất ngạc nhiên trước trình độ phát triển của Hồng Công và nước Anh, nơi có nhiều đường phố và những công viên văn minh sạch đẹp, với chế độ giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội khá lý tưởng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng luôn tự nhủ phải giữ vững lập trường và đề cao tinh thần cảnh giác… Đi đâu, làm gì, tiếp xúc với ai chúng tôi đều cố gắng ít nhất có hai người để “bảo vệ” lẫn nhau (!) Đúng vậy, đó là trạng thái tinh thần và cũng là nội quy mà chúng tôi phải chấp hành. Có lẽ đó cũng là do kết quả của quá trình giáo dục, đào tạo ở nước ta một thời khiến ai cũng đều có cách hiểu giống nhau về mọi vấn đề. Sự hiểu biết đó dựa trên tình cảm dân tộc kết hợp với ý thức chính trị cứng nhắc trong mỗi con người. Nhưng đó là “bảo bối” để bất cứ người Việt Nam nào được cử ra nước ngoài có thể “đứng vững” trong quá trình sống và học tập ở môi trường mới lạ.

Trong 2 năm học ở Anh bọn sinh viên chúng tôi đã “va chạm” với rất nhiều dạng chính kiến khác nhau rất phức tạp trong những tình huống khác nhau, kể cả hội nghị, hội thảo về các chủ đề nhậy cảm như vấn đề Campuchia, vấn đề người tị nạn, v.v... Trước những trường hợp khó, chúng tôi thường có bàn bạc để thống nhất cách ứng đáp. Giờ nghĩ lại tôi vẫn ngạc nhiên về khả năng “giữ vững lập trường” của chúng tôi trước mọi tình huống như thế. Chẳng hạn khi có người hỏi về vấn đề người di tản (boat people), chúng tôi giải thích là do một số phần tử thuộc chính quyền cũ không chịu cải tạo và hòa nhập vào xã hội mới, lại bị kích động của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam…; về tình trạng kinh tế trì trệ và đời sống khó khăn, chúng tôi giải thích là do hậu quả chiến tranh kéo dài… ; vấn đề Campuchia, chúng tôi giải thích là do âm mưu của các thế lực thù địch nước ngoài buộc Việt Nam phải tấn công để tự vệ đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng …Vân vân và vân vân. Nghĩa là chúng tôi tìm mọi cách lập luận để Việt Nam bao giờ cũng là người anh hùng chân chính, không bao giờ làm gì sai trái; nếu có điều gì không ổn là do âm mưu của các thế lực phản động thù địch gây ra! Kể cũng lạ, khi chúng tôi nói những điều đó đều được đa số người nghe tán đồng; nếu có ai không tán đồng họ cũng không phản đối gay gắt. Có lẽ điều này đã khiến chúng tôi ảo tưởng rằng mình đã thành công (!?) Nhưng sau này ngẫm lại, tôi thấy đó chỉ là bề ngoài và chỉ với những bạn bè "cả nể" không muốn tranh luận; còn dư luận thực sự đã chuyển sang thế bất lợi cho Việt Nam.

Dù sao, qua đó chúng tôi đã học được những bài học cay đắng nhưng bổ ích. Điều thú vị là, những bài học này trước hết đến từ những người vốn là bạn của Việt Nam, trong đó có bà già chủ nhà trọ của tôi. Bà lão này đã từng một thời rất tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Hàng ngày , ngoài việc phục vụ ăn ở cho khách trọ, bà hay trò chuyện với chúng tôi về nhiều chủ đề. Có điều là cuộc nói chuyện nào hầu như cũng có tranh luận, nhất là khi nói về chủ đề quyền sở hữu và tự do cá nhân, vấn đề cải tạo công thương nghiệp và vấn đề Campuchia . Bà ấy hay đưa ra những nhận xét trái ngược với chúng tôi và tỏ ra rất thất vọng về những gì đang diễn ra ở Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh. Chúng tôi giải thích kiểu gì bà ấy cũng chỉ lắc đầu và cười như chế nhạo. Lúc đầu tôi quyết tâm không để bị thuyết phục bới “bà già Ê-cốt” mà tôi cho là “thiếu thông tin” này . Nhưng rồi tôi nhận ra bà ấy có lý. Có lần bà bảo: “Người anh hùng hôm qua có thể biến thành tên đồ tể ngày hôm nay” để nói từ khi VN xâm lược CPC thì không còn là người anh hùng nữa!. Lần khác bà lại đưa ra nhận xét: “Chúng mày đều giống như con ngựa kéo xe bi tấm  da che hai bên mắt, chỉ nhìn thấy một hướng phía trước mặt… “. Tôi như điếng người trước lối nói ẩn dụ ấy của bà. Có lẽ chỉ những người thực sự yêu quý Việt Nam mới hiểu sâu sắc và nói ra những điều như thế. Tất nhiên là tôi đã cãi lại. Và tôi có đầy đủ lý lẽ và lòng nhiệt thành để làm điều đó, mặc dù bà ấy không thể đồng ý với tôi.

Đó là bài học của tôi cách nay gần 35 năm rồi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên và cũng đáng tiếc là cho đến nay vẫn thấy nhiều người Việt Nam, kể cả giới lãnh đạo và quan chức, dường như vẫn chưa rút ra bài học như vậy. Trường hợp điển hình gần đây nhất là ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành khi ông ta nhiệt thành bao biện cho những việc làm sai trái đồng thời có ý báo động về "âm mưu của ai đó....". Hình như ông Thành không phân biệt được đâu là âm mưu (của địch thật), đâu là do chính ta gây ra./.

Lời nhắn: Nhân đây tôi cũng xin đăng lại một vài hình ảnh đã chụp cùng bạn bè và các thầy cô giáo, đồng thời thông báo ý định của bản thân tôi và một vài người khác muốn tụ họp lại các bạn bè thời kỳ đó. Cuộc gặp đó sẽ hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, dưới hình thức một shared lunch/dinner tại một địa điểm thú vị nào đó thuận tiện cho mọi người và trong một thời gần nhất có thể được. Vậy nếu ai biết và sẵn sàng tham gia, có thể liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ e-mail và điện thoại ghi trên blog này hoặc liên lạc với người mình biết để thống nhất chương trình cụ thể. Xin cảm ơn.



8 nhận xét:

  1. Hay quá, bác cho nhà cháu đăng lại nhé! TKS bác nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoanh nghênh thôi. Có gì góp ý nhé! Cảm ơn bạn.

      Xóa
  2. Về vấn đề Campuchia thì tôi thấy việc đánh là đúng đạo lý nhưng ở lại đó để bị sa lầy hơn 10 năm trời là một sai lầm nghiêm trọng.

    Còn những chuyện khác thì đồng cảm với tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy. Giá ta đánh xong rút về, vừa đúng luật chơi vừa đỡ hao sức người sức của, vừa tránh tạo cớ cho TQ gây chiến tranh biên giới; người CPC lúc đócũng đã đủ điều kiện để tự thu xếp với nhau và không dám đánh VN nữa.

      Xóa
    2. Cũng tại lãnh đạo mình khi đó không nhận thức được tầm quan trọng của cái bắt tay Mỹ-Trung và cứ ngủ quên trên chiến thắng là vừa thống nhất đất nước. Chứ tướng Giáp đã có chính kiến là nên rút quân về sau khi đánh thắng Pônpốt rồi nhưng các ông trong bộ chính trị không nghe cứ đóng quân bên đó đấy bác ạ.

      Xóa
  3. Bài viết hay quá bác ơi, bác viết vấn đề lớn mà nhẹ nhàng, rút ra bài học về sai lầm trong quá khứ rất thuyết phục.

    Và dù bác không viết ra, nhưng đọc "giữa hai dòng chữ" của bác em vẫn thấy được sự thông cảm với những sai lầm thời đó. Không phải chửi bới quá khứ, không cần lên gân với hiện tại, quan trọng nhất là biết rút kinh nghiệm trong quá khứ để đừng lặp lại sai lầm đó trong hiện tại và tương lai.

    Phải là người có tâm mới viết được như thế. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
  4. Xin có đôi lời đến với các bác, việc đánh campuchia là việc chẳng đừng.Việt nam chúng ta khi đó vừa trải qua cuộc chiến nồi da xáo thịt xong đang cần hòa bình.Âm mưu là của bọn TQ vì VN không đi theo đường lối của chúng(tất nhiên một phần cũng do lỗi của ta sử sự không được khéo léo v.v.)cho nên TQ kích động khơ me đỏ đánh VN,nhằm làm cho VN suy yếu nếu VN đánh lại CPC TQ sẽ lu loa làm mất uy tín VN và thực tế uy tín của VN xuống rất thấp.VN trong tình hình đó(đâm lao phải theo lao) không đơn giản đánh xong rồi rút như các bác nghĩ đâu?Được Trung quốc hà hơi tiếp sức bọn tay sai của TQ ở CPC sẵn sàng tiếp tục gây hấn với ta một khi ta rút về.Vài lời ngỏ cùng các bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cách hiểu của bạn cũng là cách hiểu của nhiều người; tôi cũng chia sẻ phần lớn cách này-tức là VN buọc phải đánh trả để tự vệ.Nhưng việc chiếmđóng lâu dài dưới bất cứ lý do nào đều là sai lầm, trước hết có hại cho lợị ích của VN (cũng giống như Mĩ sailầm ở VN,I rắc...mà thôi). Tôi biết hiện có nhiều cách hiểu khác về vđ này,ngay cả trong lãnh đạo VN thời bấy giờ. Chúng ta cần đợi lịch sử phán xét.Chuyện tôi kể cũng chỉ muốn nêu lên 1 loại quan niệm mà thôi. Thú thật với bạn, là bloggger, tôi không muốn "viết tròn trĩnh" như báo chí chính thống. Chẳng lẽ cứ "lối cũ ta về? Cảm ơn bạn đã comment.

      Xóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này