Nhiều
người ngoài ngành và cả một số người trong ngành ngoại giao vẫn tưởng
rằng làm ngoại giao là làm những việc to tát hệ trọng như hội
nghị quốc tế, đàm phán ký kết hiệp định, các chuyến thăm
của nguyên thủ quốc gia hoặc các yến tiệc linh đình... Nhưng thực ra phần lớn
công việc ngoại giao còn được thực hiện từ các khâu chức năng
như lãnh sự, lễ tân, báo chí, và các khâu hậu cần như quản trị -tài vụ, hành chính, văn thư v.v…Tất cả
tạo thành sức mạnh tổng hợp của ngành này. Để minh hoạ, xin được kể một trường hợp cụ thể dưới đây.
Một ngày giữa tháng 6/2006 có mấy người Việt kiều phóng xe vượt qua gần 200 cây số từ thị trấn Svenborg đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Copenhagen để nhờ “cứu” một nhóm người mà họ gọi là
“bà con” đang bị giam giữ tại Nhà tù Copenhagen chờ trục xuất về Việt
Nam. Họ gồm 7 người Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh mới sang Đan Mạch bằng thi thực du lịch nhưng lại đi làm việc thu hoạch mùa màng cho các nông trại nên đã bị cảnh sát bắt và giao cho Tòa án địa phương xét xử. Và mọi
việc đã diễn ra rất nhanh gọn chỉ trong không đầy 1 tuần lễ, 7 người đó đã bị kết
án “lao động bất hợp pháp”và chuyễn lên giam tại Nhà tù
Copenhagen trong diện chờ "trục xuất ngay lập tức" (immediate expulsion).
Thực
ra ở Đại sứ quán chúng tôi đã nghe nói nhiều về tình trang “lao động đen”
tại Đan Mạch, nơi mà mặc dù đang thiếu nhân lực trầm trọng nhưng vẫn áp
dụng một khung pháp lý rất nghiêm khắc đối với người lao đông nước ngoài
không có giấy phép. Trường hợp liên quan 7 người Việt Nam lần này cũng là bình thường không có gì đáng thắc mắc. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên
có Việt kiều từ địa phương xa đến Sứ quán “cầu cứu” trong tình trạng gấp gáp như vậy. Do đó, Sứ quán khó tránh khỏi sự do dự với những ý kiến khác nhau. Đa số cho rằng sự việc đã đến mức ấy thì không nhất thiết phải
can thiệp, mà nếu can thiệp cũng chưa chắc có kết quả. Bản thân tôi lúc đó vừa đi công tác về nên hoàn toàn có thể không làm gì cả cho "yên thân". Nhưng nghĩ lại tôi thấy không đành lòng. Hơn nữa, là Tham tán trực tiếp phụ trách công tác lãnh sự, tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc này khi tất cả số người đó đều là công dân Việt Nam, mang hộ chiếu của Việt Nam và đã xuất cảnh từ Việt Nam. Tôi quyết định
gặp lại nhóm Việt kiều lúc đó đang nán lại tại Copenhagen
chờ tin tức, chưa chịu về Svenborg. Qua đó được biết thêm: Vụ bắt giữ
lần này là do có người trong nội bộ Việt kiều mâu thuẫn nhau trong làm ăn
đã “mách“ cảnh sát, chứ bản thân cảnh sát địa phương thì đã định “lờ đi”... Anh
Nhân (đại diện nhóm Việt kiều) cũng cho biết: nguyên vọng thiết tha nhất của bà con là làm sao tránh được "tội danh trục xuất” để bảo vệ danh dự và việc làm khi về nước.
Xét thấy thời gian còn
quá ít, tôi căn cứ vào các thông tin nói trên và gọi trực tiếp vàomáy di động của ông Cảnh sát trưởng địa phương Svenborg cũng là người trực tiếp xử lý
vụ việc nói trên. Qua mấy lời chào hỏi giới thiệu, nhận thấy ông này nói tiếng Anh khá chuẩn và có thái độ đúng mực, tôi liền trình bày tiếp luôn vào trọng tâm vấn
đề, bày tỏ đáng tiếc về vụ việc không hay đã xảy ra…, mong ông hiểu cho người Việt Nam có phong tục giúp nhau thu hoạch mùa màng, đôi khi chỉ để ăn bửa cơm cho vui, chứ không vì tiền công…; hơn nữa họ còn trẻ, sang Đan Mạch du lịch, nếu muốn kiếm thêm chút tiền để bù đắp chi phí thì mong các ông thông cảm…
Bài "kể khổ” của tôi hình như đã kích đúng giây thần kinh nhân đạo của viên
Cảnh sát trưởng của một đất nước giàu có và coi trọng con người. Bằng một giọng xúc động thật sự mà tôi có thể cảm nhân được qua điện thoại, ông ấy thanh minh "đã không định bắt họ nếu không có người tố cáo...”. Lúc này chính tôi cũng trở nên cảm động về sự cảm động của ông Cảnh sát trưởng. Tôi nghĩ thầm, như vậy coi như đã 60% thành công rồi(!) nên xin cảm ơn và chào hẹn gặp lại.
Ngay sau đó, tôi bấm máy gọi Nhà tù Copenhagen xin găp viên sĩ quan trực tiếp
phụ trách 7 người Việt bị giam giữ. Tôi chỉ nói xã giao với ông này và tỏ rõ sự quan tâm của Sứ quán đến vụ việc. Tôi cố ý đợi quảng 1 tiếng sau thì gọi lại cho ông bạn Cảnh sát trưởng Svenborg và “nói khó dễ” rằng tôi đã trao đổi ý kiến với đồng nghiệp của
ông trên Copenhagen và được biết vụ này chủ yếu là do Cơ quan Cảnh sát
và Toà án địa phương Svenborg thụ lý; Nhà tù Copenhagen chỉ thi hành án… Do đó “còn nước còn tát’, mong ông hãy làm ơn trao đổi lại với Copenhagen… Để tăng cường lý do thuyết phục, tôi lập luận rằng do hạn chế ngôn ngữ tôi sợ khó trình bày một việc có tính chuyên môn như vậy..., nên tốt nhất
là ông giúp cho thì tiện lợi hơn rất nhiều. Biết ông là người tình cảm, nên tôi cũng trình bày luôn rằng những người Việt Nam dó đều là những người lao động, họ lo sau này về nước mang tiếng đã phạm
pháp bị trục xuất thì sẽ mất việc làm…Rồi tôi gợi ý: Để tránh cho họ
hình thức trục xuất, các ông có thể trao lại hộ chiếu tại sân bay
Copenhagen và không cần người áp tải đến Việt Nám như thường lệ. Nếu được thế, Đại sứ quán chúng tôi xin đảm bảo họ sẽ về Việt Nam mà không xảy ra vấn đề gì”. Sau một hồi trao đổi ý kiến, cuối cùng ông Cảnh sát trưởng Svenborg đồng ý nhận đứng ra trao đổi ý kiến với Nhà tù Copenhagen. Điều này khiến tôi vô cùng vui mừng và xúc động.
Nhưng kết quả còn đáng mừng hơn khi gần trưa hôm sau đích thân ông Cảnh
sát trưởng Svenborg gọi di động lại cho tôi thông báo "Mọi việc đã thu xếp
xong theo yêu cầu của Sứ quán…”. Ông ấy cho biết thêm: 7 người Việt Nam
đó sẽ được trao lại hộ chiếu tại Sân bay Quốc tế
Copenhagen và cho phép gặp lại một số bà con của họ tại sân bay để nhận
lại các đồ đạc tư trang đem về nước, nghĩa là họ sẽ được về Việt Nam như
hành khách bình thường. Ông cũng cho biết chuyến
bay sẽ phải chậm lại 2 ngày so với dự định ban đầu. Có một chi tiết
ông không nói ra nhưng lúc trao trả hộ chiếu tại sân bay phía bạn còn
cấp cho mỗi “phạm nhân” 200 USD gọi là "tiền tiêu vặt"(pocket money).
Như
vậy là mọi việc cơ bản đã được thu xếp trong một thời gian ngắn nhất có
thể. Dĩ nhiên sau đó Đại sứ quán cũng đã cử người đến làm việc với
trại giam, ra sân bay chứng kiến và tiễn bà con về nước. Bà con Việt kiều và những người về nước đều rất xúc động và biết ơn về sự giúp đỡ kịp thời của Đại sứ quán.
Đó chỉ là một việc nhỏ trong muôn vàn công việc mà các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần làm và có thể làm . Một hành động trợ giúp kịp thời như vậy không chỉ đơn thuần là hoàn thành chức năng nhiệm vụ bảo vệ
công dân mà còn góp phần tăng cường quan hệ giữa cộng đồng Việt kiều
với quê hương đất nước đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế rằng Nhà nước Việt Nam
thật sự tôn trọng công dân của mình. Tôi còn nhớ,sau sự kiên
“cứu người lao động" nói trên đã hình thành một quan hệ thân tình giữa
cộng đồng Việt kiều tại Svenborg xa xôi với Đại sứ
quán Việt Nam tại Copenhagen. Từ đó hai bên thường xuyên liên hệ và gặp nhau trong
những dịp lễ, Tết…Có lần bà con đã mời Sứ quán đến thăm cộng đồng Việt kiều tại Svenborg và tự hào giới thiệu khu "Vườn Việt Nam" mà chính quyền địa phương cấp đất để bà con tự xây dựng nên. Thật xúc động khi
mọi người cùng đứng bên nhau trong mãnh "Vườn Việt Nam" tại một vùng xa xôi tận cực bắc châu Âu. (xem ảnh)
Hà Nội, mùa Hè 2009