Chúng ta đã từng nghe rất nhiều những câu chuyện
ngoại giao lý thú. Nói đến ngoại giao của thế giới, chúng ta liến nghĩ ngay đến
Tiến sỹ Kissinger, Thủ tướng TQ Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtôp thời
Xtalin và Gromưcô thời Bregiơnep…Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng chứng minh
được tài ngoại giao khéo léo của mình: Hồ Chí Minh, Xtalin, Hitler, Nichxon,
Bush…Không hiếm những câu chuyện ngoại giao độc đáo, thông minh, trí tuệ hơn
người gắn liền với tên tuổi của họ. Một thời đại ngoại giao ngay trong những
cuộc chiến tranh tàn khốc, những mối quan hệ lắt léo gắn với ý thức hệ. Trong
không gian chính trị thế giới đó, ngoại giao vẫn chứng tỏ được vị thế riêng có
của nó. Hiển nhiên, ngoại giao có vai trò to lớn và kết quả mà nó đưa lại không
nhỏ cho mỗi quốc gia.
Đặc điểm nổi bật của ngoại giao thời đó có lẽ là
tính trí tuệ được diễn đạt hết sức tinh tế. Các vấn đề ngoại giao được nhìn,
phân tích với góc độ rất trí tuệ. Đối thoại cực hay, thú vị. Ngôn ngôn ngữ rất
đa dạng, phong phú, trau chuốt, đầy ngụ ý, biểu cảm. Nghiên cứu lịch sử ngoại
giao thế giới thật thú vị.
Ngoại giao VN lại càng gần gũi với chúng ta. Giữa
muôn vàn hiểm nguy cho nước cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Hồ Chí Minh vẫn đi Pháp
bốn tháng nhằm tìm kiếm cơ hội hòa bình. Hiệp định sơ bộ 6.3, Tạm ước 14.9 là
những sáng tạo tài tình của nhà ngoại giao Hồ Chí Minh. Ông đã tìm ra được chữ
“tự do”: nước VN tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Thế là người Pháp đồng ý
ký!
Thế nhưng, ngày 19.12.1946, cuộc chiến tranh Đông
Dương lần thứ nhất bùng nổ. Tháng 5.1947, Hồ Chí Minh gặp Pôn Muýt, cố vấn chính
trị của Lơcle trong một ngôi nhà duy nhất còn sót lại giữa Thị xã Thái
Nguyên.
Pôn Muýt:
- Để thực hiện cuộc ngừng bắn, Cao ủy Pháp ở Đông
Dương xin nêu với Chủ tịch bốn điều kiện: Thứ nhất, quân đội VN phải nộp vũ khí
cho Pháp. Thứ hai, quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam.
Thứ ba, Chính phủ VN phải trả lại cho Pháp tất cả những người bị bắt. Thứ tư,
Chính phủ VN phải trao trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang
phía VN.
Hồ Chí Minh:
- Những điều kiện ông Bôlae đưa ra là đòi chúng
tôi phải đầu hàng! Ông Pôn Muýt, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu
hàng không? Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận những điều kiện như
vậy.
- Thưa Chủ tịch, như vậy là chiến tranh vẫn tiếp
diễn?
- Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải là
hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do.
- Thưa Chủ tịch, chúc Người lòng dũng cảm.
- Tất nhiên, bao giờ cũng như vậy.
Hòa bình trong độc lập, tự do – tôi nghĩ, đó là
một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã tận dụng bất cứ cơ hội nào, dù
là nhỏ nhất, nhằm tránh chiến tranh, vì ai cũng biết, chiến tranh tàn khốc như
thế nào. Nhưng, Hồ Chí Minh không bao giờ hèn mạt chấp nhận những yêu sách vô lý
của đối phương.
Đến đây, chúng ta điểm qua ngoại giao VN trong
thời đại mới. Gần đây, ngoại giao VN nổi lên một đặc điểm lớn, đó là nền ngoại
giao “giao thiệp” - với TQ.
- Việc TQ bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng
9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa: “Từ đó đến nay,
đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với
phía TQ về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh”.
- Việc TQ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực
đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn: “Bộ Ngoại giao
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp
khác nhau và bày tỏ ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, đến
nay, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên”
- Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá
tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam
trên Biển Đông: “Phía Việt Nam tiến hành giao thiệp ngoại
giao phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc”.
Thật là một nền ngoại giao kỳ lạ, chưa từng có
trên thế giới. Và ông cha ta lại càng không bao giờ làm như vậy. Các ông Vua
ngày xưa lo nhất là nhục quốc thể. Trả lời chậm: nhục quốc thể. Không lý giải
nổi một câu đố của sứ thần họ: nhục quốc thể. Đối đáp kém với họ: nhục quốc thể.
Rụt rè không thể gọi là ngoại giao được. Lịch sử dân tộc ta không hiếm những sứ
thần sang TQ, đối đáp sắc bén, khí phách hiên ngang, đầy tự hào dân tộc đã làm
các hoàng đế TQ dù tức giận nhưng vẫn phải vì nể. Lịch sử cũng cho thấy, dù có
tự nguyện làm nô lệ thì có bao giờ người chủ coi trọng nô lệ đâu!
Cùng thời điểm, cùng sự kiện tương tự, nước Nhật
đã hành động như thế nào trước những yêu sách ngang ngược của TQ, chúng ta đều
đã rõ. Hai quốc gia, hai lãnh đạo, hai ứng xử, hai thái độ và dĩ nhiên, hai kết
quả trái ngược nhau.
Để kết thúc, ta hãy đọc lại câu đối của sứ thần
Mạc Đĩnh Chi với vua Nguyên.
- Nhật: Hỏa, vân: Yên, bạch đản thiêu tàn ngọc
thỏ
(Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt
cháy vầng trăng).
Ấy là vua Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt
trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính.
Nguyệt: Cung, tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim
ô
(Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi
mặt trời).
Vế đối đầy khí phách của sứ thần Đại Việt làm vua
Nguyên thán phục. Thế thì, hỡi những nhà ngoại giao “giao thiệp”, các
vị có còn nhớ đến tiền nhân?
--------------