Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Đã tham nhũng còn lãng phí !

Vài tuần trước tôi có đăng một "chuyện thường ngày ở huyện" tại đây  http://trankinhnghi.blogspot.com/2013/01/cchuyen-binh-thuong-cua-mot-xa-hoi.html

Và chuyện đó chưa chấm hết...Hôm nay một nhóm thợ (mặc đồ thường dân) lại đến phố Tô Hiệu đào bới vỉa hè....Và họ đã làm vỡ một ống nước khiến nước tuôn ra ào ào suốt hơn một tiếng đồng hồ.  Người dân rất xót của nhìn giòng nước trôi xuống cống và tràn ngập lòng đường. Nước tạo ra bùn bẩn và cản trở giao thông. Tấm ảnh dưới đây được chụp sau khi giòng nước đã được tạm thời bịt lại chờ xử lý.
 
Hỏi ra mới biết mấy người "thợ không chuyên" đó đang tìm chỗ để cắt bỏ vĩnh viễn cái đường ống nước đã được thay thế hồi trước Tết! Không có sơ đồ đường ống, họ chỉ biết mò mẫm dò tìm hú họa dọc theo tuyến phố, không trúng chỗ này thì đào chỗ khác. Khi ống nước vỡ họ cứ loay hoai tìm cái họ gọi là "mối nối" gì đó... mà không quan tâm đến việc bịt chỗ ống nước vỡ, mặc kệ nước cứ chảy. Chỗ nước thất thoát ước tính mất hàng nghìn mét khối. Không biết ai chịu thất thoát này, nếu không phải là người tiêu dùng?

Qua đó cho thấy, cái gọi là "Dự án di dời đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài nhà" nghe đã vô lý. Và những việc làm khuất tất sớm muộn cũng phơi bày ra, trong đó có vụ vỡ ống nước hôm nay. Tuy nhiên, như thường lệ, mọi dự án đều "hoàn thành xuất sắc" và những kẻ vụ lợi đã cao chạy xa bay. Bây giờ chỉ thấy mấy người thợ thường dân được thuê để khắc phục hậu quả...; họ có nhỡ làm vỡ ống nước cũng là chuyện bình thường. Nước chảy, bèo càng dễ trôi mà ! Đó là thứ triết lý đơn giản ở  một xã hội mà tham nhũng đã trở thành "cơ chế". Bọn tham nhũng ăn một phá mười, lãng phí nước chỉ là chuyện vặt so với những vụ tầy đình như PMU, Năm Cam, Vinashin, Vinalines, Vietnam Airlines, v.v...../.        
       

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Ngẫm từ trường hợp nghị Phước

Dư luận cả nước lại được một dịp bàn tán về "ông nghị" Hoàng Hữu Phước. Rất nhiều người không chỉ kịch liệt phê phán mà còn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên tại sao một Ns Quốc hội mà vừa dốt vừa thô lỗ đến vậy? Nhiều người đòi phế truất ông nghị này ngay lập tức kẻo ô danh Quốc hội nước nhà! Cũng có người nghi ông Phước mắc chứng bệnh tâm thần trong khi một số người khác thì nghi có bàn tay phá hoại nước ngoài. Có thể nói, dư luận đang tập trung vào trường hợp nghị Phước như một vật thể lạ (SFO) trong khi ông ta có vẻ hoàn toàn tự tin chống trả dư luận như thể mình bị oan uổng lắm. 

Ns Hoàng Hữu Phước và Ns Dương Trung Quốc
Có lẽ chỉ một vài người còn dè dặt gọi hành động của nghị Phước là "vạ miệng". Nhưng đại đa ý kiến cho rằng một Ns như thế là không thể chấp nhận được. 

Tuy nhiên, có một điều cũng đáng suy ngẫm: Phải chăng hiện tượng nghị Phước chỉ là một cục băng nổi trong toàn bộ khối băng chìm của nền nghị trường Việt Nam. Khối băng chìm đó lâu nay luôn tồn tại trong một môi trường nhiệt độ lạnh lý tưởng, và giờ đây đang bắt đầu ấm dần lên khiến một vài cục băng tách ra và nổi lên mặt nước?  Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới khi xu hướng nhiệt độ tiếp tục ấm lên? Và do đó, nên chăng đã đến lúc để nhận hiện tượng nghị Phước như một điều cảnh báo và một bài học?  

Đối với đại đa số người Việt Nam lâu nay, thì khái niệm Quốc hội là những cuộc họp "xuân thu nhị kỳ" diễn ra tại Hội trường Ba Đình nơi tập trung các loại xe con, xe to sang trọng đưa đón các đại biểu từ cả nước tụ về khiến hàng loạt tuyến đường trong trung tâm ách tắc. Người dân thường thấy hình ảnh Quốc hội họp nghiêm trang với hơn 500 đại biểu ngồi xếp hàng thẳng tắp hướng về phía Chủ tịch đoàn. Có lẽ cách sắp xếp ghế ngồi và khung cảnh trang nghiêm trong hội trường khiến mỗi đại biểu vốn nhỏ bé lại cảm càng cảm thấy mình bé nhỏ hơn rất nhiều. Và đó là một trong những điều kiện khiến cho các phiên họp Quốc hội đều diễn ra trong không khí cứng nhắc hoàn toàn giống nhau từ phiên này đến phiên khác. Phải thừa nhận là đã có một tiến bộ mới là gần đây khi người dân được theo dõi qua màn hình vô tuyến một số phiên chất vấn tại hội trường. Tuy nhiên về thực chất đó chỉ là sự phô diễn với những buổi truyền hình dài lê thê nhưng chỉ một số đại biểu đã quen mặt đứng lên đặt câu hỏi, và các bộ trưởng trả lời bằng cách đọc nội dung đã chuẩn bị sẵn. Nhiều khi người hỏi cứ hỏi,  người trả lời cứ trả lời theo ý của mình cũng chẳng sao. Tất cả dường như đều đã được "tập dượt" trước vậy.
Một phiên họp của Quốc hội (Ảnh minh họa)
Thiết nghĩ, hình thức sắp xếp hội trường và cách tổ chức các phiên họp như thế đã là một sự hạn chế về không gian tương tác giữa các Ns và giữa các Ns với Chủ tịch đoàn cũng như giữa Quốc hội với người dân. Sự gần gũi (nếu có) là qua màn hình người dân nhìn rõ những ông bà nghị ngủ gật hoặc làm việc riêng gì đó. Thử hỏi, trong hơn 500 nghị sĩ có bao nhiêu vị thật sự có đủ tâm và tầm để tham gia chất vấn và thảo luận một cách tự nhiên thoái mái với những nội dung mới mẻ như nhân dân mong đợi ? Có lẽ số này chỉ đủ đếm đầu ngón tay nhưng tiếc là một số vị đã phải về hưu giữa lúc đang còn sung sức. Với đà này, liệu bao giờ có đủ điều kiện để tạo nên không khí tranh luận lành mạnh có hiệu quả thật sự trong nghị trường Quốc hội nước nhà? 

Nghe nói tất cả các Ns đều được cử đi học vi tính và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, nhưng khả năng ứng dụng còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy đại đa số các ông bà nghị đều hạn chế về năng lực hoặc do động cơ cá nhân nên không thể hoặc không muốn tham gia chất vấn, tranh luận. Số này dân gian  gọi là "nghị gật". Trong bối cảnh đó, ông nghị Hoàng Hữu Phước vốn có chút ít tiếng Anh và biết sử dụng vi tính với cả một trang blog cá nhân. Có lẽ đó là thế mạnh mà ông ta muốn đem ra khoe trước đồng nghiệp và công chúng. Và ông ta đã trở nên "nổi tiếng" như mọi người thấy vừa qua? 

Câu hỏi ở đây là, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả hoặc đại đa số các đại biểu Quốc hội đều tham gia tranh luận, tức là không "gật" nữa mà "lắc" đầu? Chắc lúc đó sẽ có nhiều hơn những ông bà như "nghị Phước" thậm chí còn tệ hơn! Đó là chưa kể nhiều trường hợp các vị không chỉ nói sai mà cố tình làm sai gây ra những hậu quả khôn lường cho đất nước như đã từng thấy.   
         
Vậy nên chăng, dư luận dù có bức xúc bao nhiêu về trường hợp nghị Phước thì cũng nên dành chút lòng vị tha cho ông ta như một người đã gióng lên một tiếng chuông báo động về tình trạng của nghị trường đất nước lâu nay. Có lẽ trước khi có một nghị trường thực thụ chuyên nghiệp khó mà tránh khỏi những ông "nghị dởm" như Hoàng Hữu Phước./.   
 


Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Tư liệu: Quân đội làm Kinh tế

Hiện tại, Bộ quốc phòng đang quản lý hơn 110 doanh nghiệp, hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Cơ khí, hóa chất; Nông, lâm và hải sản; Điện, điện tử, viễn thông; Dệt may, da giày; Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm; Thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ; Thương mại và dịch vụ; Xây dựng, Vật liệu xây dựng…

Thiếu tướng là cấp bậc cao nhất cho Tổng giám đốc Tổng Công ty
Thiếu tướng là cấp bậc cao nhất cho Tổng giám đốc Tổng Công ty.

Trực thuộc và chịu sự quản lý của Bộ Quốc Phòng, các doanh nghiệp quân đội tùy theo quân số (số lượng quân nhân, công nhân viên, nhân viên), tính chất và nhiệm vụ sẽ đóng vai trò tương đương một Quân khu/Quân chủng (Tập đoàn Viettel), Quân đoàn/Binh chủng (Các Tổng công ty), hoặc Sư đoàn (Các công ty).
Theo nghị định số 44/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 5-4-2005, quy định nhóm chức vụ chuẩn và cấp bậc quân hàm cao nhất tương ứng của sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam:

(Các quân hàm Chuẩn đô đốc/Phó Đô Đốc/Đô Đốc dùng cho binh chủng hải quân)
(Các quân hàm Chuẩn đô đốc/Phó Đô Đốc/Đô Đốc dùng cho binh chủng hải quân) .

Theo đó, Tập đoàn Viettel - tập đoàn kinh tế duy nhất của quân đội - cũng là doanh nghiệp quân đội duy nhất có TGĐ giữ quân hàm Trung tướng, đó là Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel.
Quân hàm này tương tương ứng với chức vụ Tư lệnh Quân khu/Quân chủng/Chủ nhiệm tổng cục. Quân số Viettel hiện có hơn 30.000 người, cũng tương đương 1 quân đoàn.
Hai lãnh đạo khác của Tập đoàn Viettel đã được phong quân hàm Thiếu tướng là các Phó Tổng giám đốc: Dương Văn Tính (Bí thư Đảng ủy) và ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại các Tổng công ty Quân đội (tương đương các Quân đoàn/Binh chủng), chức vụ Tổng giám đốc (tương đương Tư lệnh) và Bí thư Đảng ủy (tương đương Chính ủy) của các đơn vị này, cấp bậc quân hàm cao nhất được trao là Thiếu tướng.
Các Tổng giám đốc (~ Tư lệnh) và Chính ủy kiêm Phó Tổng giám đốc của Các Tổng Công ty đã được phong hàm cấp Thiếu tướng gồm:
Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12):
- Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tổng Giám đốc (Tư lệnh)
- Thiếu tướng Trần Thanh Hải, Chính ủy Binh đoàn 12 kiêm Phó Tổng giám đốc.
Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15): Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tổng Giám đốc (Tư lệnh)
Tổng Công ty Đông Bắc: Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Tổng Giám đốc (Tư lệnh)
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: Thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc (~Chuẩn Đô đốc)
Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH): Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Chủ tịch kiêm TGĐ
Tại các Công ty Quân đội (tương đương các Sư đoàn/Vùng hải quân/Vùng cảnh sát biển), Tổng giám đốc (tương đương Tư lệnh) và Chính ủy của các đơn vị này, cấp bậc quân hàm cao nhất được trao là Đại tá.
Theo quy định, việc bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm đối với lãnh đạo này là do:
- Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục, Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Quân đoàn và các chức vụ tương đương; phong, thăng quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm các chức vụ và phong, thăng các cấp bậc quân hàm còn lại.
Theo cấp tổ chức, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ thấp đến cao là Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, Lữ đoàn, Sư đoàn (trước đây gọi là Đại đoàn), Cấp cao nhất là Quân đoàn (Binh đoàn).
Về mặt địa lý, đơn vị quân sự cao nhất là Quân khu, chỉ huy quân địa phương và một số binh đoàn, binh đội trực thuộc.
Ngày 26-6-1980, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 27, về việc Quân đội thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế, sau đó, ngày 27-9-1980 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 579/QĐ-QP chuyển nhiệm vụ của các đơn vị lực lượng vũ trang từ huấn luyện quân sự sang nhiệm vụ xây dựng kinh tế, dưới hình thức các Công ty trong quân đội (tiền thân là các Sư đoàn/Binh đoàn).
Ngày 19-8-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1455/TTg-ĐMDN về việc thành lập các Tổng Công ty hoạt động theo hình thức Công ty mẹ – Công ty con trên cơ sở tổ chức lại các Công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ Quốc phòng, nhiều công ty đã chuyển đổi thành Tổng công ty.
Năm 2012, khối doanh nghiệp quân đội (100% vốn nhà nước) đạt doanh thu hơn 221 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2011), lợi nhuận đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2011), nộp ngân sách hơn 17 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2011), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 195 ngàn người, thu nhập bình quân người lao động 8,5 triệu đồng/người/tháng...
Theo Kỳ Anh CafeF/Tranhungo9


Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Ngoại giao đâu chỉ việc lớn

 
Nhiều người ngoài ngành và cả một số người trong ngành ngoại giao vẫn tưởng rằng làm ngoại giao là làm những việc to tát hệ trọng như hội nghị quốc tế, đàm phán ký kết hiệp định, các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia hoặc các yến tiệc linh đình... Nhưng thực ra phần lớn công việc ngoại giao còn được thực hiện từ các khâu chức năng như lãnh sự, lễ tân, báo chí, và các khâu hậu cần như quản trị -tài vụ, hành chính, văn thư  v.v…Tất cả tạo thành sức mạnh tổng hợp của ngành này. Để minh hoạ, xin được kể một trường hợp cụ thể dưới đây. 
  
Một ngày giữa tháng 6/2006 có mấy người Việt kiều phóng xe vượt qua gần 200 cây số từ thị trấn Svenborg đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Copenhagen để nhờ “cứu” một nhóm người mà họ gọi là “bà con” đang bị giam giữ tại Nhà tù Copenhagen chờ trục xuất về Việt Nam. Họ gồm 7 người Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh mới sang Đan Mạch bằng thi thực du lịch nhưng lại đi làm việc thu hoạch mùa màng cho các nông trại nên đã bị cảnh sát bắt và giao cho Tòa án địa phương xét xử. Và mọi việc đã diễn ra rất nhanh gọn chỉ trong không đầy 1 tuần lễ, 7 người đó đã bị kết án “lao động bất hợp pháp”và chuyễn lên giam tại Nhà tù Copenhagen trong diện chờ "trục xuất ngay lập tức" (immediate expulsion).  

Thực ra ở Đại sứ quán chúng tôi đã nghe nói nhiều về tình trang “lao động đen” tại Đan Mạch, nơi mà mặc dù đang thiếu nhân lực trầm trọng nhưng vẫn áp dụng một khung pháp lý rất nghiêm khắc đối với người lao đông nước ngoài không có giấy phép. Trường hợp liên quan 7 người Việt Nam lần này cũng là bình thường không có gì đáng thắc mắc. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên có Việt kiều từ địa phương xa đến Sứ quán “cầu cứu” trong tình trạng gấp gáp như vậy. Do đó, Sứ quán khó tránh khỏi sự do dự với những ý kiến khác nhau. Đa số cho rằng sự việc đã đến mức ấy thì không nhất thiết phải can thiệp, mà nếu can thiệp cũng chưa chắc có kết quả. Bản thân tôi lúc đó vừa đi công tác về nên hoàn toàn có thể không làm gì cả cho "yên thân". Nhưng nghĩ lại tôi thấy không đành lòng. Hơn nữa, là Tham tán trực tiếp phụ trách công tác lãnh sự, tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc này khi tất cả số người đó đều là công dân Việt Nam, mang hộ chiếu của Việt Nam và đã xuất cảnh từ Việt Nam. Tôi quyết định gặp lại nhóm Việt kiều lúc đó đang nán lại tại Copenhagen chờ tin tức, chưa chịu về Svenborg. Qua đó được biết thêm: Vụ bắt giữ lần này là do có người trong nội bộ Việt kiều mâu thuẫn nhau trong làm ăn đã “mách“ cảnh  sát, chứ bản thân cảnh sát địa phương thì đã định “lờ đi”... Anh Nhân (đại diện nhóm Việt kiều) cũng cho biết: nguyên vọng thiết tha nhất của bà con là làm sao tránh được "tội danh trục xuất” để bảo vệ danh dự và việc làm khi về nước.
Xét thấy thời gian còn quá ít, tôi căn cứ vào các thông tin nói trên và gọi trực tiếp vàomáy di động của ông Cảnh sát trưởng địa phương Svenborg cũng là người trực tiếp xử lý vụ việc nói trên. Qua mấy lời chào hỏi giới thiệu, nhận thấy ông này nói tiếng Anh khá chuẩn và có thái độ đúng mực, tôi liền trình bày tiếp luôn vào trọng tâm vấn đề, bày tỏ đáng tiếc về vụ việc không hay đã xảy ra…, mong ông hiểu cho  người Việt Nam có phong tục giúp nhau thu hoạch mùa màng, đôi khi chỉ để ăn bửa cơm cho vui, chứ không vì tiền công…; hơn nữa  họ còn trẻ, sang Đan Mạch du lịch, nếu muốn kiếm thêm chút tiền để bù đắp chi phí thì mong các ông thông cảm…

Bài "kể khổ” của tôi hình như đã kích đúng giây thần kinh nhân đạo của viên Cảnh sát trưởng của một đất nước giàu có và coi trọng con người. Bằng  một giọng xúc động thật sự mà tôi có thể cảm nhân được qua điện thoại, ông ấy thanh minh "đã không định bắt họ nếu không có người tố cáo...”. Lúc này chính tôi cũng trở nên cảm động về sự cảm động của ông Cảnh sát trưởng. Tôi nghĩ thầm, như vậy coi như đã 60% thành công rồi(!) nên xin cảm ơn và chào hẹn gặp lại.

Ngay sau đó, tôi bấm máy gọi Nhà tù Copenhagen  xin găp viên sĩ quan trực tiếp phụ trách 7 người Việt bị giam giữ. Tôi chỉ nói xã giao với ông này và tỏ rõ sự quan tâm của Sứ quán đến vụ việc.  Tôi cố ý đợi quảng 1 tiếng sau thì gọi lại cho ông bạn Cảnh sát trưởng Svenborg và “nói khó dễ” rằng tôi đã trao đổi ý kiến với đồng nghiệp của ông trên Copenhagen và được biết vụ này chủ yếu là do Cơ quan Cảnh sát và Toà án địa phương Svenborg thụ lý;  Nhà tù Copenhagen chỉ thi hành án… Do đó “còn nước còn tát’,  mong ông hãy làm ơn trao đổi lại với Copenhagen… Để tăng cường lý do thuyết phục, tôi lập luận rằng do hạn chế ngôn ngữ tôi sợ khó trình bày một việc có tính chuyên môn như vậy..., nên tốt nhất là ông giúp cho thì tiện lợi hơn rất nhiều. Biết ông  là người tình cảm, nên tôi cũng trình bày luôn rằng những  người Việt Nam dó đều là những người lao động, họ lo sau này về nước mang tiếng đã phạm pháp bị trục xuất thì sẽ mất việc làm…Rồi tôi gợi ý: Để tránh cho họ hình thức trục xuất, các ông có thể trao lại hộ chiếu tại sân bay Copenhagen và không cần người áp tải đến Việt Nám như thường lệ.  Nếu được thế,  Đại sứ quán chúng tôi xin đảm bảo họ sẽ về Việt Nam mà không xảy ra vấn đề gì”. Sau một hồi trao đổi ý kiến, cuối cùng ông Cảnh sát trưởng Svenborg đồng ý nhận đứng ra trao đổi ý kiến với Nhà tù Copenhagen. Điều này khiến tôi vô cùng vui mừng và xúc động.   

Nhưng kết quả còn đáng mừng hơn  khi gần trưa hôm sau đích thân ông  Cảnh sát trưởng Svenborg gọi di động lại cho tôi thông báo  "Mọi việc đã thu xếp xong theo yêu cầu của Sứ quán…”. Ông ấy cho biết thêm: 7 người Việt Nam đó sẽ  được trao lại hộ chiếu tại Sân bay Quốc tế Copenhagen và cho phép gặp lại một số bà con của họ tại sân bay để nhận lại các đồ đạc tư trang đem về nước, nghĩa là họ sẽ được về Việt Nam như hành khách bình thường.  Ông cũng cho biết  chuyến bay sẽ phải chậm lại 2 ngày so với dự định ban đầu. Có một chi tiết ông không nói ra nhưng lúc trao trả hộ chiếu tại sân bay phía bạn còn cấp cho mỗi “phạm nhân” 200 USD gọi là "tiền tiêu vặt"(pocket money).
Như vậy là mọi việc cơ bản đã được thu xếp trong một thời gian ngắn nhất có thể. Dĩ nhiên sau đó Đại sứ quán cũng đã cử người đến làm việc với trại giam, ra sân bay chứng kiến và tiễn  bà con về nước. Bà con Việt kiều  và những người về nước đều rất xúc động và biết ơn về sự giúp đỡ kịp thời  của Đại sứ quán.
                   
Đó chỉ là một việc nhỏ trong muôn vàn công việc mà các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần làm và có thể làm . Một hành động trợ giúp kịp thời như vậy không chỉ đơn thuần là hoàn thành chức năng nhiệm vụ bảo vệ công dân mà còn góp phần tăng cường quan hệ giữa cộng đồng Việt kiều với quê hương đất nước đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế rằng Nhà nước Việt Nam thật sự tôn trọng công dân của mình. Tôi còn nhớ,sau sự kiên “cứu người lao động" nói trên đã hình thành một quan hệ thân tình giữa cộng đồng Việt kiều tại Svenborg xa xôi với Đại sứ quán Việt Nam tại Copenhagen. Từ đó hai bên thường xuyên liên hệ và gặp nhau trong những dịp lễ, Tết…Có lần bà con đã mời Sứ quán đến thăm cộng đồng Việt kiều tại Svenborg và tự hào giới thiệu khu "Vườn Việt Nam" mà chính quyền địa phương cấp đất để bà con tự xây dựng nên. Thật xúc động khi mọi người cùng đứng bên nhau trong mãnh "Vườn Việt Nam" tại một vùng xa xôi tận cực bắc châu Âu. (xem ảnh)  

Hà Nội, mùa Hè 2009

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Bài học liên quan cuộc chiến tranh biên giới 1979

Một dấu hiệu đáng mừng là, trong dịp kỷ niệm chiến tranh biên giới ngày 17/2 năm nay dư luận công chúng  Việt Nam tỏ ra quan tâm hơn mọi năm trước mặc dù trong khi Nhà nước vẫn  tiếp tục chủ trương "yên lặng là vàng". Điều này không chỉ thấy trên cộng đồng blog mà cả trên các cộng đồng mạng khác như Facebook, Twitter ...với  rất nhiều  bài viết và bình luận. Đồng thời cũng bắt đầu tìm thấy sự đồng thuận quan điểm giữa "lề trái" và "lề phải" liên quan đến chủ đề này, trong đó đáng chú ý là việc Báo Thanh Niên đăng bài trả lời phỏng vấn của lão tướng Lê Văn Cương và trở thành "hot news" trong suốt tuần qua. 

Tình hình trên cho thấy hoàn toàn phù hợp với quy luật quần chúng là động lực của tiến bộ xã hôi, và đó là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài  như nó vốn vẫn vậy. Chỉ với một vấn đề tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng đất nước này đã và đang phải trả những cái giá quá đắt. Cuộc chiến tranh do kẻ thù ngoại xâm gây ra 33 trước nhưng vẫn để lại một cuộc chiến tranh khác trong nội bộ dân tộc. Bất chấp sự thật và những lý lẽ từ công luận, đặc biệt của những "người trong cuộc" như tướng Lê Văn Cương,. Nhà nước vẫn tiếp tục chủ trương tránh nhắc đến cuộc chiến xâm lược đó chỉ vì nó do Trung Quốc gây ra (!), kể cả trong bối cảnh chính kẻ xâm lược đó đang ráo riết xâm lấn biển đảo và đe dọa xâm lược. Nguyên nhân nào, nếu không phải là sự sai lầm trong cách tư duy của một bộ phận những người lãnh đạo đất nước? Chẳng lẽ từng ấy những bộ óc "tinh hoa" của dân tộc không thể nhận ra đâu là phải/trái?. Hay vì những lý do lợi ích cục bộ thiển cận họ cố tình quên đi những bài học của ông cha và cả bài học của chính mình?.  Chẳng lẽ sự đóng góp ý kiến đầy tâm huyết của  rất nhiều nhân sĩ và nhân dân trong và ngoài nước đều không thể chấp nhận được đối với họ?
Để trả lời những câu hỏi trên, trước hết xin trích nguyên văn lời của Lão tướng Lê Văn Cương mới đăng trên báo Thanh Niên (Những dòng gạch dưới là để nhấn mạnh):
"...vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này?  Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua".

Qua những gì thể hiện trên công khai cho thấy, chủ trương không nhắc lai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới 1979 là một trong những biện pháp được coi là "mềm dẻo, khôn khéo" mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang áp dụng để hy vọng làm hài lòng phía đối phương. Điều này không ai nhầm lẫn. Nhưng đó cũng là một cái bẫy mà phía Trung Quốc luôn giăng ra đối với Việt Nam. Muốn biết họ có thực lòng đón nhận thiện chí của ta hay không thì hãy nhìn vào những hành động của họ. Trong nhiều năm qua hành động đáp trả của phía TQ đều hoàn toàn ngược lại. Đó là những chiến dịch lấn chiếm biển đảo và de dọa chiến tranh ngày càng trắng trợn. Khuyên ta "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai..." nhưng Bắc Kinh lại tuyên truyền khuếch đại cuộc chiến như một thắng lợi vẽ vang... nhằm kích động dân chúng tiếp tục chính sách bành trướng.

Chúng ta, những người Việt Nam vẫn biết mềm dẻo là một chủ trương mang tính truyền thống dân tộc, coi đó là một trong những bí quyết thành công trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sau này. Nó là một bảo bối mà không chỉ giới đương chức mà cán bộ, quân nhân đã nghĩ hưu và nhân dân đều thấm nhuần. Âu đó cũng là điều dẽ hiểu nếu nhìn lại toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam gần đây. Chỉ có điều khác ở sự vận dụng vào từng tình huống hoàn cảnh cụ thể. Từ sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước, thế trận của Việt Nam dù muốn hay không đã hoàn toàn khác trước, trực tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn nhận bạn/thù cũng như việc vận dụng sách lược của Việt Nam  Để khỏi trình bày dài , xin dẫn lại đường link tới bài viết cách đây không lâu của cùng tác giả để tiện tham khảo  http://trankinhnghi.blogspot.com/2011/04/tran-viet-nam-can-mot-tu-duy-moi.html

Vẫn biết hòa bình vô cùng quý giá, nhất là đối với Việt Nam.Vẫn biết Việt Nam nhỏ bé và nghèo yếu hơn Trung Quốc.Và vẫn biết Việt Nam không nên bao giờ chủ trương đối đầu với Trung Quốc dù cho đó là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng trên tất cả là lợi ích của một quốc gia độc lập, tự chủ với sự toàn vẹn lãnh thổ, cả trên bộ, trên biển và trên không. Đó là lợi ích sống còn của dân tộc Việt Nam. Nó không thể đem ra nhân nhượng dù công khai hay bí mật. Và đó là nguyên nhân tại sao nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chống trả mọi kẻ thù xâm lược dù chúng đến từ đâu và lớn mạnh đến mức nào. Đó là những sự thật mà những người lãnh đạo đất nước không nên quên. Theo đó, mọi chủ trương chiến hay hòa, mềm hay rắn, biện pháp có thực sự "khôn khéo" hay không, đều phải được nhân dân đồng lòng ủng hộ, hay nói đúng  ra  là "phê duyệt" thì mới có thể áp dụng thành công. Ở đây ta thấy có một nghịch lý. Đó là, trong khi một số người lãnh đạo hiện nay coi việc kiềm chế không nhắc lại cuộc chiến xâm lược biên giới 1979 là là cách làm mềm dẻo, khôn khéo không thể thiếu được và đòi hỏi dân chúng phải tuân theo bất chấp tâm tư tình cảm và lợi ích thiết thân của họ. Kết quả hơn 30 năm qua cho thấy hoàn toàn ngược lại: Nguy cơ ngoại xâm Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng trong khi lòng dân ngày càng bất mãn xa rời với Lãnh đạo, thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có những hoạt động biểu tình tự phát (một hình thức mà trước đây nhân dân chỉ dùng để hưởng ứng phong trào đấu tranh do Đảng phát động) tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác và đã bị chính bộ máy công an chính quyền đàn áp. Đó là một nghịch lý cả về hình thức và nội dung. Chính quyền làm như vậy có khác nào "gậy ông đập lưng ông" và hoàn toàn trái ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước?.

Khôn khéo, mềm dẻo đâu không biết, chứ riêng việc không tổ chức kỷ niệm ngày chiến tranh biên giới thì  rõ ràng là "lợi bất cập hai". Trước hết đó là sự xúc phạm rất nặng nề đến tình cảm của nhân dân nói chung, đặc biệt của các gia đình có quân nhân đã tham gia hoặc hi sinh trong cuộc chiến tranh đó.Đó là một biện pháp thiển cận mất lòng dân . Nó chỉ có lợi cho các thế lực đen tối bên ngoài hoặc trong nội bộ. Việc này chắc chắn sẽ để lại những hậu quả khôn lường về lâu dài. Lịch sử sẽ gọi đó là thời kỳ gì ? Khôn khéo đâu không biết, chứ khi mà đích thân một vài vị tướng lĩnh cao cấp của quân đội lại trực tiếp đứng ra "làm ngoại giao" ca ngợi, cảm ơn kẻ thù thì cũng là chuyện hiếm có trên thế giới! Hành động đó khiến kẻ thù đắc chí trong khi dân ta thì bất bình khó hiểu sinh ra mất lòng tin. Thiết nghĩ điều khôn khéo nhất vào lúc này là hãy làm sao lấy lại lòng tin của nhân dân vốn đang suy giảm nghiêm trọng, đồng thời củng cố khối đoàn kết quân dân và sự đồng lòng của toàn thể dân tộc vốn bảo bảo bối hửu hiệu nhất để phòng ngừa chiến tranh. 

Từ những bài học của cả quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, cụ thể là tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhỏ của quân Trung Quốc đối với Việt Nam đều cho thấy khi nào phía Việt Nam chủ trương cầu hòa bị động, đó là lúc kẻ thù hăng hái muốn tấn công, khiến ta dù không muốn chiến tranh, thì lại bị chiến tranh tàn phá trước tiên. Tất nhiên rồi nhân dân sẽ cùng nhau tổ chức kháng chiến cho đến thắng lợi mới thôi. Nhưng đó là chuyện bất đắc dĩ. Nhân đây xin nhắc lại chuyện cũ nhưng vẫn còn có lý: Có ý kiến cho ra rằng cuôc chiến tranh biên giới 1979 có thể đã không xảy ra nếu phía Việt Nam đã điều động lực lượng chính quy đề răn đe trước, hoặc nếu đã có một tuyên bố ủng hộ từ một "bên thứ ba". Tư liệu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ đã chưa thực sự chủ động tính đến những biện pháp phòng ngừa như vậy!  Và hiện tại tôi nghĩ Việt Nam cũng chưa định làm như vây, có lẽ vì  vẫn tin vào "hiệu quả" của chủ trường mềm dẻo khôn khéo...với kẻ thù (!?) 

Những bài học còn cho thấy sự tai hại như thế nào đối với những người lính tại chỗ khi bị tấn công bất ngờ (như ở Đồn Bò Hèn và các đồn dọc biên giới phía Bắc hồi  năm 1979, và tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988). Lỗi đó từ đâu, nếu không phải là từ cấp cao? Có lẽ nên nhắc lại rằng nhân dân cần ở người lãnh đạo vai trò của một thủ lĩnh. Họ chỉ biết tuân theo hướng chỉ tay của người thủ lĩnh. Và điều vô cùng nguy hiểm là khi họ không biết thủ lĩnh đang chỉ tay về hướng nào.

Nên chăng, bài học lớn nhất là hãy gác lại niềm tin mơ hồ vô căn cứ vào đối phương ngay cả khi chúng chưa lộ nguyên hình "gặc xâm lược ". Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chủ động phòng thủ  là quốc sách răn đe hửu hiệu nhất. Muốn vậy phải để cho dân biết, dân bàn và dân làm; Đảng và Nhà nước không thể làm thay, và tuyệt đối không nên áp đặt bắt toàn dân phải làm theo ý mình . Vai trò Lãnh đạo đất nước chỉ có thể phát huy đầy đủ khi người lãnh đạo thực sự "quán triệt" điều tưởng chừng đơn giản này./.

Hà Nội, 18/2/2013

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Người Hèn

Nhân ngày 17/2 thấy bài thơ này từ e-mail của một người bạn khá "hợp cảnh hợp tình", lại của tác giả Phạm Chuyên, một tướng CA về hưu..., nên giá trị càng "quý hiếm"!. Xin mạn phép đăng lại trên blog Bách Việt để chia sẻ cùng bạn đọc. Đồng thời cũng xin đăng kèm  dưới đây bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi nhiều năm nay cho thấy cận cảnh một đài tưởng niệm quân TQ xâm lược tại Lạng Sơn bị những kẻ hèn đục bđể làm vật chứng.  

Thiết nghĩ trên đời có nhiều  loại  hèn, nhưng hèn trước quân ngoại xâm dù được biện hộ bằng chủ thuyết gì cũng đều là một loại hèn tồi tệ nhất phải bị lên án rộng rãi trong toàn dân trước khi quá muộn -Bách Việt.
 
.
 
 Đất nước ngàn năm
Hiếm kẻ bán nước
Có nhiều nhặn gì đâu,
Một Trần Ích Tắc
Một Lê Chiêu Thống
Một Hoàng Văn Hoan.
 
Đất nước ngàn năm
Quá lắm người hèn
Hèn vì quyền cao chức trọng
Hèn vì nhà cao cửa rộng
Hèn vì miếng cơm manh áo
Hèn vì vợ dại con thơ
Hèn vì danh hão danh hờ.

Hèn mà còn nhận ra
mình là thằng hèn
Là hèn tử tế.
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn nhơ bẩn
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn bất nhân
Hèn bán đất bán nước
Trời tru đất diệt
Hèn ơi! Đất nước ơi! 
 Tác giả: Phạm Chuyên 


Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Hạt Giống Sự Thật

Ngày đầu năm  Nhóm bạn già chuyền nhau mẩu chuyện ngụ ngôn thông thường nhưng rất ý nghĩa trước thực trạng đất nước ta bấy lâu nay. Liệu bao giờ nước mình sẽ xuất hiện một ông vua như thế?. Xin đăng lại đây để mọi người cùng suy ngẫm -Bách Việt


Chuyện kể rằng, một vị vua nọ giàu đức hạnh, nhưng không có hoàng tử nối ngôi. Vua nghĩ tới việc chiêu mộ những người trẻ tài đức để có thể kế vị sau khai ông qua đời.
Một ngày kia, vua cho mời tất cả các trẻ em từ 5 đến 12 tuổi vào hoàng cung. Vị vua giải thích cho các em ý định của ông là muốn tìm người tài đức để thay ông cai quản đất nước. Ông trao cho mỗi em một hạt giống và dặn các em rằng sau ba năm, các em hãy mang cái cây đã trồng đến trình diện tại cung điện. Sau khi nhận hạt giống, mỗi em đều nhiệt tình trồng và ngày đêm chăm sóc chúng, hy vọng cây của mình sẽ lớn nhanh và có thể sinh hoa kết quả. 

         http://www.khuyennongtphcm.com/upload/Nam%202011/Thang%201/bauholo.jpg              

Đúng ngày đã hẹn, cả nước đổ dồn vào cung điện để xem cây nào đẹp nhất, có nhiều quả nhất, và để xem ai sẽ là vị vua tương lai của đất nước. Quả đúng như dự tính, mỗi em đều mang đến cây mà mình đã trồng với nhiều màu hoa hương sắc. Người ta cũng thấy có những cây đã kết trái thật xum xuê. Nhà vua đi đến hỏi thăm các em, cách thức các em trồng cây. Sự hồi hộp và im lặng của đám đông càng tăng lên khi nhà vua tiến đến gần những cây tươi tốt.


Thế nhưng, nhà vua vẫn tiếp tục đi qua và bỗng dưng ông dừng lại trước một cậu bé. Trên tay cậu bé là một chậu đất không cây. Thấy nhà vua đứng lại, cậu biểu lộ sự thất bại bằng dòng nước mắt chảy dài trên má. Nhà vua hỏi: "Tại sao con khóc?" Cậu bé thưa: "Con đã gieo hạt giống vào chậu đất này, con đã bón phân cho nó, con đã tưới nước cho nó hằng ngày, con đã che nắng cho nó và con đã làm nhiều cách để chăm sóc hạt giống của con, nhưng cuối cùng không có cây nào mọc lên". Càng nói, cậu bé càng khóc.       







Nhà vua ôm cậu vào lòng và ra lệnh cho quân lính mời cậu lên chỗ cao danh dự rồi lên tiếng: "Hôm nay, bệ hạ đã tìm được người mà bệ hạ mong đợi từ lâu. Cậu bé đây đã chân thật khi thừa nhận thất bại. Và thực đúng là như vậy. Vì tất cả hạt giống ta trao cho các con cách đây ba năm, chúng đã bị luộc chín cả rồi".

        

 Nhà vua quay qua cậu bé và nói. "Con đã biết thành thực và trung tín trong việc nhỏ; con đã không bị ngai vàng và danh lợi mê hoặc; con đã cần mẫn chu toàn công việc với tất cả khả năng của mình. Đó là điều ta mong muốn". Nhà vua nói tiếp: "Trên tay con là chiếc chậu đất không cây, nhưng chính trong trái tim con, con đã gieo hạt giống sự thật vào lòng mọi người hôm nay."    

                   


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này