Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Trung lập: lựa chọn của ASEAN?


Chuyến thăm kéo dài 6 ngày (từ 2-7/9/2012) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, tuy không quá rầm rộ, cũng chẳng đến mức gây tranh cãi, nhưng là một sự kiện hàm chứa một số thông điệp mới và đáng được nghiên cứu trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay.
Tuy là chuyến thăm của người đứng đầu một quốc gia thuộc loại nhỏ nhất thế giới tới một nước lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiễn Long đã không chỉ thể hiện quan điểm của Singapore  mà còn nói lên quan điểm của khối ASEAN với đối tác Trung Quốc. Điều thú vị là, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với phía  Trung Quốc, ông ta đã đưa ra những lời khuyên bảo hết sức thẳng thắn đối với chủ nhà; chưa rõ nước chủ nhà tiếp thu đến đâu,  nhưng cũng chưa thấy phản bác gì gay gắt như vẫn thấy đối với Mỹ hoặc các  trường hợp khác . Về mặt này, có lẽ ông Lý Hiễn Long đã làm tốt hơn cả bà Clinton hoặc nhiều đồng nghiệp khác trong ASEAN(?)
Ví dụ, ông Lý Hiển Long không chỉ công khai ca ngợi sức mạnh Mỹ là sáng tạo tuyệt vời, mà còn thay mặt Mỹ tuyên bố : “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.
Đồng thời ông Lý Hiễn Long cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trổi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm" Ông không ngần ngại nhắc nhỡ Bắc Kinh rằng "về lâu dài hình ảnh của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với thế giới, là cực kỳ quan trọng".

Nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé có biểu tượng con sư tử cũng đã tỏ ra rất khôn khéo gắn các vấn đề lợi ích của nước mình với lợi ich của khu vực khi nói rằng “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông, và rằng "Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”. Đồng thời ông cho rằng “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi tại biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Theo ông, Tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và bày tỏ "hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Điểm đáng lưu ý nhất của chuyến thăm có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Lý Hiễn Long tại trường Đảng trung ương Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình làm Hiệu trưởng. Tại đó ông ta đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng về một ASEAN trung lập. Cụ thể ông nói: "ASEAN nên theo đuổi lập trường trung lập và nhìn về phía trước (neutral and forward-looking) đối với các tranh chấp biển Đông đồng thời cổ vũ các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình". Theo ông, đó là cách để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó; nếu không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”. Ông cũng cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”.

Thực ra ý tưởng về một khối ASEAN trung lập đã có từ thời chiến tranh lạnh, chính xác là những năm trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, với tên gọi là ZOPFAN ( Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Tuy nhiên ý tưởng đó đã "chết yểu", nếu không nói là thất bại bởi vì bối cảnh tình hình lúc đó không thuận lợi do tình trạng đối đầu giữa  hai phe mà trong đó 3 quốc gia quan trong của khu vực  là VN, Lào và Cămpuchia  không nằm trong ZOPFAN. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc ông Lý Hiễn Long nêu lại khái niệm trung lập hóa ASEAN không phải là điều gì quá mới; chỉ có hoàn cảnh quốc tế và khu vực đã thay đổi hoàn toàn khi mà ASEAN đã bao gồm tất cả các nước khu vực Đông Nam Á vàlà khu vực đang phát triển rất năng động và được coi là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, một ASEAN trung lập xem ra là hợp lý và thiết thực để tự bảo vệ lợi ích của bản thân mình trước cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của hai siêu cường.Với một ASEAN trung lập, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được đặt vai vị trí và vai trò ngang bằng nhau tại khu vực. Quy chế hoặc chính sách trung lập có thể giúp ASEAN có thêm sức sống mới và cơ sở tinh thần mới để đi tới thống nhất trong các vấn đề nội khối cũng như trong đấu tranh và cạnh tranh với bên ngoài. Quy chế trung lập sẽ giúp ASEAN tránh bị guồng vào cuộc chạy đua vũ trang một cách lãng phí mà không bao giờ có thể mạnh bằng TQ hoặc Mỹ, để dành nguồn lực phát triển kinh tế. Nếu như trong quá khứ các quốc gia nhỏ yếu xung quanh biển Đông thường là nạn nhân của những cộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường thì đây là một cơ hội để họ thoát ra khỏi tình thế đó với tư cách là một tổ chức khu vực gắn bó với nhau. Do đó, trung lập hóa ASEAN có lẽ là một ý tưởng không tồi và đáng được xem xét nghiêm túc./.     

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Hậu xử vụ PV Hoàng Khương: Mất mát và Đổ vỡ(*)

(*)Đó là tiêu đề của bài viết  ngắn gọn nhưng  khá đầy đủ ý nghĩa của blogger NguyenThanh Hải lại được kết hợp với tài sưu tầm tư liệu của bogger Tranhung09. Bách Việt xin được đăng lại để phục vụ bà con dân mạng. 
 

Sự đổ vỡ của những thứ to lớn - thành trì, hầu hết đều bắt nguồn từ những sự việc - hình ảnh nhỏ nhoi, giản đơn như thế này. Khái niệm "niềm tin và hy vọng", từ những năm chiến tranh, mà mình dễ gặp lại nhất khi xem lại những hình ảnh tư liệu trong video clip bài hát "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng", vốn đã đổ vỡ, chỉ còn chút móng lung lay, hôm nay cũng sụp xuống, cùng sự thất vọng chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người Cha đã sinh ra đồng nghiệp. "Ác độc và không có tính người!" - Ai đó nó vậy hơi quá, nhưng quả thật dửng dưng dìm con người ta vào con số 4, mặc cho người mẹ đang hấp hối trong Bệnh viện, Cha già yếu và vợ con bệnh tật - nhỏ nhoi... thì chỉ ngày hôm nay, người ta mới gặp được, trên đất nước này. Bảo vệ và xây dựng chính thể - chế độ không chỉ đơn thuần là việc xếp gạch xây nhà, trộn xi măng trát vữa, mà quan trọng hơn cả là niềm tin - sự đồng thuận, góp sức từ trong tinh thần, tâm tưởng cho sự tồn tại, đứng vững của mọi quyết sách - cách hành xử. Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là "chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa - tư tưởng" nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi... Giữ gìn chế độ - chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!. (Maithanhhai)

___________


Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:

_________________
Đăng bỡi: Tranhung09

--------------
*****

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Ngỡ ngàng đất Việt nỡ rộ các công trình tâm linh

Xem bài và ảnh dưới đây chắc ai cũng ngỡ ngàng trước một công trình tâm linh nữa bên cạnh hàng trăm công trình tâm linh hoành tráng đang nở rộ trên đất nước ta bất chấp sự trì trệ của nền kinh tế và hố cách biệt giàu/nghèo cũng những vấn nạn xã hôi...

Những ai từng có dịp chiêm ngưỡng những công trình tâm linh  xây mới hoặc trùng tu từ Nam ra Bắc hẳn đều có chung một cảm nhận về sự mất cân đối quá lớn giữa đầu tư cho các công trình tâm linh so với các công trình giáo dục đào tạo và phúc lợi xã hội ở VN ngày nay. Thật trớ trêu khi người ta tự hào với các thứ bậc "nhất nhì" về đúc tượng, xây đền đài, nơi thờ cúng... nhưng vô cảm trước tình trạng tụt hạng thê thảm so với với thế giới về các chỉ số trí tuệ, sáng chế phát minh , năng lực cạnh tranh cũng như dịch vụ y tế, giáo dục, v.v... 

Nhìn vào nhịp độ và quy mô của các công trình tâm linh cho thấy đất nước ta đâu có nghèo, thậm chí  là rất giàu! Nhưng không biết của cải, tài nguyên đi đâu hết (?) để tổ quốc vẫn nghèo hèn, dân chúng  lầm than, xã hội nhộn nhạo vô văn hóa, kém văn minh thế này?  Giá người ta dùng chi phí của một thiền viện  để xây vài trăm ngôi trường cho con em vùng sâu vùng xa thì tuyệt vời biết bao? Chi phí cho một bức tượng chắc đủ để xây hàng chục chiếc cầu treo để các em khỏi phải đu giây qua sông đi học?...

Ôi, Đức Phật Thích ca Mầu Ni đáng kính, cầu mong Người  hãy mở lòng từ bi phù hộ độ trì cho nhân dân Việt Nam tiến kịp với  Nhân loại! A di đà phật!   

Bảo Tượng Phật Ngọc Lớn Nhất Thế Giới
GN - Ngày 8-4-2012, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã khánh thành Bảo tượng Phật ngọc bằng đá sapphire nặng 31 tấn (cả bệ), đặt trong một tòa bảo tháp uy nghiêm. Đây là pho tượng Phật ngọc bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
2.JPG
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Ảnh: Chu Minh Khôi
Với một vùng núi non hùng vĩ, rừng già nguyên sơ trải dài tới 80km, nằm giữa 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang), Tam Đảo có 3 ngọn núi cao ngất tạo nên 3 đỉnh “linh địa” là Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thi.
Thiền viện Tây Thiên tọa lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn với khuôn viên gần 5ha giữa khu rừng ngoại vi rộng 50 ha, được xây dựng quy mô trong những năm gần đây, trở thành một trong ba thiền viện lớn nhất của cả nước (gồm thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên).
Ngôi Đại hùng bửu điện cao 17m, diện tích 673,2m2, không gian của tòa chính điện này vô cùng bề thế, đủ chỗ ngồi cho 600 Phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ hội.
Bên trái Đại hùng bửu điện là Nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Tất cả các hạng mục công trình ở đây từ chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống... đến khu nội viện gồm Tăng đường, thiền đường, trai đường và các thất chuyên tu đều được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông.
Những năm gần đây, thiền viện Tây Thiên đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước về hành hương, tham quan. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, thiền viện dành khoảng 40 phòng để du khách ở xa đến có chỗ nghỉ lại.
Đứng dưới chân núi nhìn lên, thiền viện thấp thoáng trong mây. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Nơi đây đã hút hồn du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú.
Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối khi tỏa ra khi thu lại, chảy quanh co. Hòa trong cảnh sắc hùng vĩ, núi non cẩm tú, thiền viện trở thành điểm nhấn cho vùng danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Tam Đảo, tạo nên một khu du lịch văn hóa tâm linh.
IMG_4526.JPG
Từ mùa Phật đản năm nay trở đi, du ngoạn lên thiền viện Tây Thiên, du khách sẽ được chiêm bái bảo tượng Phật Thích Ca bằng đá sapphire tuyệt bích.
Tôn tượng vừa mới được khánh thành vào ngày 8-4-2012, cùng với tượng đài Quan Âm bằng đá trắng, và lễ đặt đá khởi công xây móng đại tượng Phật cao 49m bằng đá hoa cương có tên Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài.
Khi chúng tôi tìm lên Tây Thiên thì lễ an vị bảo tượng đã diễn ra 2 ngày trước đó. Đại đức Thích Huệ Tịnh, một vị Tăng tu hành tại thiền viện đưa tôi chiêm bái Phật ngọc.
Bảo tượng được đặt trong tòa bảo tháp khang trang và uy nghiêm, xây dựng trên diện tích 200m². Toàn bộ tác phẩm điêu khắc đá quý có chiều cao 3,45 m với khối lượng 31 tấn, tạo tác Đức Phật Tổ Như Lai đang ngồi kiết già theo tư thế thuở xưa Ngài nhập định 49 ngày dưới cây bồ-đề.
Nhưng ở đây không có cây bồ-đề, mà sau lưng Ngài tựa vào vách đá tạc hình hài lá bồ-đề. Gương mặt tượng mang hình nét thuần hậu mềm mại của người Việt. Thế mới biết Phật ở đâu thì sẽ mang hình hài văn hóa dân tộc nơi đó, chẳng thế mà trong kinh Phật có câu “ngàn muôn ức hóa thân Phật” .
Chính vì thế Ngài hóa thân ở đất nước nào thì sẽ được người dân nước đó thổi hồn riêng qua góc nhìn của họ. Toàn bộ tượng ánh lên màu đen bóng long lanh của ngọc, bề mặt mịn đến mức không một tì vết.
Theo thầy Thích Huệ Tịnh, chưa tạc thì khối đá có màu nâu xám, nhưng tạc xong, càng đánh thì càng lên màu đen bóng. Bệ tượng vẫn là nguyên khối đá tự nhiên xù xì. Chiêm ngưỡng bảo tượng, ta khâm phục sự kỳ công của những nghệ nhân Việt Nam tài hoa chế tác, đây thực sự là một kiệt tác nghệ thuật có tầm vóc, tôn vinh vai trò vị thế và tinh thần Phật giáo tại Việt Nam.
Thầy Thích Huệ Tịnh cho biết, ý tưởng chế tác bảo tượng được nung nấu trong lòng Tăng Ni Phật tử từ năm 2009, khi người dân cả nước từng nô nức chiêm bái pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới được rước triển lãm qua nhiều nước (trong đó có Việt Nam), hiện nay an vị tại nước Úc.
Những thành viên của Hội Đá quý Hà Nội dự cảm với câu hỏi: Việt Nam có rất nhiều đá, nghệ nhân nước ta cũng không phải kém cỏi gì, lẽ nào chúng ta lại không có một pho tượng bằng đá quý như người Úc?
Khát khao có được một công trình thật ý nghĩa tôn vinh được vị thế và vai trò của đạo Phật trong đời sống người dân đất Việt, Hội Đá quý Hà Nội đã bàn bạc thống nhất cùng thầy trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại đức Thích Kiến Nguyệt về ý tưởng đi tìm đá quý tại Việt Nam để chế tác tượng Phật ngọc cho nước Việt.
IMG_4539.JPG
Những người có tâm huyết bắt đầu hành trình đi tìm đá. Từ tháng 8 năm 2009, ròng rã trong nhiều tháng trời, đại diện Hội Đá cảnh Việt Nam cùng các chuyên gia thẩm định đá quý đã tỏa đi khắp các “vựa” đá quý trên mọi miền đất nước để săn tìm đá. Đi Yên Bái thấy vùng Văn Chấn có rất nhiều loại đá quý, có những khối đá lớn tương đối đẹp, nhưng họ vẫn chưa ưng ý.
Sau 2 năm miệt mài tìm kiếm, vào cuối năm 2010, đoàn đến xã Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An, đoàn đã tìm được mỏ đá quý Corindon (quý chỉ sau kim cương), phát hiện được 6 khối đá đặc biệt hiếm. Ở lòng suối, nước chảy miên man suốt hàng triệu triệu năm, bởi vậy mọi loài đá cuội đều có hình tròn, bầu dục do nước chảy làm chúng mòn vẹt.
Thế nhưng kỳ lạ thay, 6 khối đá vẫn không có một chỗ nào có biểu hiện của sự mài mòn, mà vẫn nguyên mọi cạnh sắc. Ước tính tổng khối lượng của 6 phiến đá khoảng 200 tấn. Theo nghệ nhân Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Đá quý Hà Nội, các nhà khoa học địa chất đã kiểm nghiệm và kết luận: cả 6 khối đá đều thuộc loại corindon, chứa 80-90% là sapphire với độ cứng đạt tới 9, trong khi đó độ cứng lớn nhất là 10 thuộc về kim cương. Các vị phấn khởi quá bảo nhau: Phật ở đây rồi!
Tìm được ngọc rồi, nhưng quá trình vận chuyển đá về Tây Thiên mới là kỳ công. Ban đầu, người ta đưa máy cẩu, máy xúc đến để cẩu các khối đá lên, nhưng các khối đá cứ trơ trơ dưới suối, không lay chuyển được. Họ mới điện thoại cho thầy Kiến Nguyệt khuyên:
“Đất có thổ công, sông có hà bá. Các vị hãy thắp hương và xin thần hộ pháp, thổ địa ở đấy để cho đem các cục đá này về tạc một pho tượng Thích Ca Mâu Ni, như thế có thể cẩu được lên”. Những người săn đá làm theo, mang hương hoa ra thắp hương khấn long thần thổ địa, quả nhiên đưa được đá lên xe ô tô tải.
Chưa hết, khi biết người ở nơi khác đến lấy đá quý dưới suối, người dân bản địa tiếc của kéo nhau ra giữ lại, không cho đưa đi. Nghệ nhân Ngọc Châu kể: Chúng tôi đã bị một số người dân địa phương cản trở, dùng xe công nông chắn đường, mặc dù chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng và được phép tiến hành việc này.
Thậm chí, có một cô gái còn nằm chắn ngang đường không cho lấy đá. Khi được giải thích rằng chúng tôi lấy đá về là để tạc tượng Phật, sẽ đặt ở Tây Thiên để người dân khắp nơi đến chiêm bái, thì cô gái và dân làng mới chấp nhận cho đi.
Vượt bao khó khăn trở ngại, 80 tấn đá quý đã được đem về thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hành trình từ Quỳ Hợp về đến Tây Thiên mất tới một tháng. Dẫn tôi đến chỗ hai khối đá lớn đặt ở sân trước tòa bảo tháp Phật Ngọc, Đại đức Huệ Tịnh cho biết, 2 khối đá lớn đã được sử dụng.
Một khối tạc tượng Phật ngọc ban đầu nặng hơn 20 tấn, sau khi tượng hoàn thành nặng 13 tấn. Một khối 18 tấn để nguyên làm bệ tượng. Còn 2 khối ngoài sân này để dành sau này tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tạc một pho Di Lặc.
3.JPG
Kể về quá trình tạc tượng cũng muôn vàn công phu. Rất nhiều nhóm nghệ nhân được mời đến để chế tác tượng nhưng họ đã bỏ cuộc, vì đá quá rắn. Bao nhiêu mũi dùi, máy cắt, máy mài đá khi chạm lên khối đá đều bị mẻ lưỡi hết, mà đá vẫn trơ trơ. Không có một mũi dao nào tạc, khắc, làm mài mòn được loại đá này, bởi vì sapphire là một thứ vũ khí để phá vật liệu khác chứ vật liệu khác không thể phá được nó.
Phải đến khi các nghệ nhân Phạm Ngọc Châu, Hoàng Nam Hải, Vương Ngọc Tiến nhận thực hiện cùng với một nhóm nghệ nhân khác hỗ trợ, họ lắp toàn bộ các mũi dùi, lưỡi cưa bằng kim cương vào các máy mài, máy cắt đá thì mới thực hiện được. Công việc chế tác tượng Phật ngọc tiến triển vô cùng chậm chạp.
Hai nhóm nghệ nhân của Hà Nội tạc bằng máy để định hình dáng, đường nét thô, sau đó một tốp nghệ nhân ở Đà Nẵng ra để chạm khắc chi tiết, chỉnh lại cho đẹp đẽ và mài bóng pho tượng. Sau gần 2 năm kỳ công mài dũa tạo tác, pho tượng Phật ngọc bằng đá sapphire, cao 3,45m, nặng 31 tấn đã được hoàn thành, trong sự ngỡ ngàng khâm phục của rất nhiều người.
Thầy Thích Kiến Nguyệt nhận định: Đây là một pho tượng Phật làm từ đá Việt, do bàn tay người Việt tác thành thì tự thân đã là bảo vật quốc gia. Pho tượng mang linh khí Việt Nam, nghệ thuật và tâm hồn người Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, bình dị như con người Việt Nam, bởi bản thân tượng còn mang phần đá nguyên sơ từ đất mẹ.
So với pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới nặng 4,5 tấn, thì bảo tượng Thích Ca Tây Thiên nặng tới 13 tấn (không kể bệ) nặng hơn rất nhiều. Trên thế giới có rất nhiều pho tượng khổng lồ được tạc vào núi đá, nhiều đại tượng được đúc bằng đồng hoặc xây bằng xi-măng lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, chưa thấy một thông tin về pho tượng bằng đá sapphire nào khác trên thế giới to lớn đến như thế. Vì vậy, Phật ngọc Tây Thiên là pho tượng Đức Phật bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng được xem là pho tượng Phật Ngọc mang “quốc hồn quốc túy” Việt Nam , thể hiện đầy đủ tinh thần Phật giáo, từ bi hỷ xả, yêu chuộng hòa bình, cứu nhân độ thế, pháp tuệ vô biên.
Cùng với lễ khánh thành Phật ngọc, Trúc Lâm Tây Thiên còn khánh thành tượng đài Quan Âm hai mặt, tay cầm cam lộ, tay cầm nhành liễu, mặt xoay về phía trước, lưng xoay vào chùa, thể hiện tinh thần hạnh nguyện của hạnh Bồ-tát thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.

Đồng thời, làm lễ khởi công xây dựng Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài. Đây sẽ là đại tượng Phật Thích Ca khổng lồ cao tới 49m, bằng đá chất liệu đá hoa cương với trọng lượng hơn 20 nghìn tấn, ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Đại tượng cũng dựng lại hình ảnh Như Lai kiết-già dưới cây bồ-đề, con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Bên trong tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng. Tổng số vốn đầu tư dự định cho tượng Phật khổng lồ nhất Đông Nam Á này là hơn 199 tỷ đồng, dự kiến 2-3 năm nữa sẽ hoàn thành.

Theo Đại đức Huệ Tịnh, hiện đã tìm được mỏ đá hoa cương ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm nguyên liệu tạo tác đại tượng. Thiền viện đã xin cấp giấy phép được khai thác mỏ đá hoa cương này, đang chờ ý kiến của Thủ tướng để UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt.
Chu Minh Khôi
--------------
*****

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Thêm chứng cứ lịch sử khách quan: HS, TS là của VN

 
Với những bằng chứng như thế này, những kẻ bành trướng Trung Quốc không cãi vào đâu được.Và mong rằng  nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý Trung Quốc hãy thức tĩnh cùng đứng lên ngăn chặn chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chính quyền Bắc kinh.  
http://media.vtv.vn/Media/Get/Quan-dao-Hoang-sa-Truong-sa---03092012-d478affa77.html

--------------

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Người Việt: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline

Tháng 3.1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời ở phố Hàng Đào với mục tiêu xóa bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho, tiếp nhận tư tưởng mới, khuyến khích học chữ quốc ngữ, chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển kinh tế. Trường nhận cả học sinh nữ. Hưởng ứng mục tiêu của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều đàn ông Hà Nội đã cắt bỏ búi tóc, đàn bà thì cạo răng đen thành răng trắng. Và người phụ nữ Hà Nội đầu tiên cạo răng đen là Lương Thị Bẩy, con gái của một trong những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ cử Lương Văn Can. Nhưng không phải ai cũng như Lương Thị Bẩy, vì nhiều người vẫn cho rằng để răng trắng là không đứng đắn.

Như nhiều tục lệ khác, tục nhuộm răng đen bắt nguồn từ huyền thoại về ông vua, chồng của một nữ thần biển. Vị nữ thần biển này đẻ được 100 trứng nở ra 100 người con trai. Chẳng bao lâu, hai người chia tay nhau vì xích mích. Nữ thần biển muốn mang 100 người con trai theo mình về biển. Ông vua tìm cách giấu được 50 người con, và để đánh lạc hướng người mẹ nhất định tìm con, ông vua đã xăm da và nhuộm đen răng của lũ trẻ để không thể nhận ra. Tuy nhiên, thật khó xác định tục này bắt đầu từ khi nào. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971) viết rằng: “Sứ thần của Văn Lang (Giao Chỉ) trả lời vua Chu (Trung Quốc) về tục ăn trầu: Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm răng đen”. Sách viết tiếp: “Thời Hùng Vương ai cũng xăm mình, ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu”. Các nhà khảo cổ Việt Nam từng tìm thấy răng người Việt cổ có vết nhuộm đen tại di chỉ văn hóa Đông Sơn - Thanh Hóa (khoảng thiên niên kỷ thứ nhất TCN).
 Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline
Con gái Hà Nội xưa - Ảnh: Tư liệu
Cuốn Ghi chép và kỷ niệm ở Bắc Kỳ (Au Tonkin-notes et souvenirs - Paris, 1925) của Bonnal, viên công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội (1883 - 1885), viết: “Những đứa trẻ, cả con trai, con gái trắng nhưng khi lớn lên chúng nhuộm đen vì nếu không nhuộm đen thật đáng xấu hổ khi có một hàm răng trắng nhởn như răng chó”.


Răng tetracycline
Ngày nay, nếu thấy chị em nào có mấy chiếc răng cửa nhìn như “răng cải mả” thì chắc chắn là họ sinh trong khoảng từ năm 1972 - 1974. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì trong những năm này ở Hà Nội xuất hiện nhiều đợt sốt dịch và trong đơn thuốc bao giờ cũng có tetracycline - một loại thuốc kháng sinh, do Liên Xô sản xuất. Thời ấy một số người coi tetracycline như một loại thuốc vạn năng, có thể trị được bách bệnh, vì thế không chỉ khi viêm nhiễm, mà cả khi nhức đầu sổ mũi là lập tức làm mấy viên tetracycline. Loại kháng sinh này chính là thủ phạm làm bong men răng, dù khi lớn lên thay răng sữa mà răng vẫn vàng khè, loang lổ vết đen.

Nhuộm răng được coi là tục đẹp của người Đàng Ngoài, và răng trắng bị coi như là răng chó hay “răng trắng như răng người Ngô” (ám chỉ người Trung Quốc). Trong văn chương, ca dao thì tục nhuộm răng và răng đen của phụ nữ được ca ngợi và tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu. Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

Và để hấp dẫn cánh đàn ông, người con gái rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen

Trong bài hịch kêu gọi quân sĩ tại lễ thệ sư ở Thọ Hạc (Thanh Hóa), vua Quang Trung đã cổ vũ tướng lĩnh đánh quân xâm lược nhà Thanh:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Theo khảo sát của một viên bác sĩ Pháp đối với những người An Nam bị bắt phải sang Pháp làm lính thợ trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thì trong số 1.430 lính bản xứ tuyển mộ ở nông thôn có 1.037 người răng đen. Vì thế có thể tạm suy ra 80% dân quê ở Bắc kỳ nhuộm răng đen. Trong số đó, 60% có độ tuổi từ 22 - 26. Những người Việt làm lính thợ thường bị lính người Ma Rốc, Sénégal cao to hành hung, áp bức. Để hạn chế tình trạng bắt nạt lính An Nam nhỏ con, một sĩ quan Pháp đã phao tin rằng những người răng đen có khả năng ăn thịt người và chỉ trong một tiếng, họ có thể xơi gọn hai cái đùi, khiến đám lính châu Phi hoảng sợ, từ đấy lính thợ An Nam mới được yên thân.
Báo Phụ nữ thời đàm số ra ngày 29.10.1933 mô tả cô gái tân thời Hà Nội: “Quần trắng áo mầu, giầy cao gót... để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch... nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ...”. Bài báo cũng nhấn mạnh: “Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là tân”. Còn báo Phong hóa viết: “Chúng em đuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng trắng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răng đen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia... chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm ái mát hơn cái quần sồi dầy cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì nhưng các cụ bảo nó sạch vì nó đen”. Trong luận văn bác sĩ của Vũ Ngọc Quỳnh (Le laquage des dents en Indochine, H.1937) thì năm 1936, số phụ nữ răng đen ở Hà Nội ở tuổi từ 18 trở xuống còn rất ít. Và điều đó dẫn đến tiếc nuối:
Nhớ hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ cô con gái hàm răng đen huyền.


Nguồn: Trích từ loạt bài "Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline/ Thanh niên online ngày 28/08/2012 ) Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (trong Đi dọc Hà Nội, Chibooks)
--------------

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Việt Nam kẹt giữa hai siêu cường

Dư luận quốc tế gần đây đang thảo luận khá sôi nỗi về cuốn sách của học giả Úc Hugh White - Xem tóm lược tại đây: https://booki.sh/titles/9781921870705
Trong cuốn sách tác giả đưa ra 3 khả năng lựa chọn của Mỹ, đó là kiềm chế; phân chia quyền lực; hoặc chấp nhận thua (đối với TQ). Tác giả thiên về lựa chọn thứ hai: Phân chia quyền lực với TQ, mà trong đó VN sẽ thuộc về TQ . Có lẽ vì lập luận này vừa mang tính thực dụng vừa có tính thực tế  nên khá có sức thuyết phục,  và dù muốn hay không, cách nhìn khách quan của tác giả phác họa ra một viễn cảnh không mấy lạc quan mà Việt Nam và một số quốc gia lân bang khác của Trung Quốc có thể phải đón nhận . Liên quan vấn đề này  có 2 bài bình luận -  một của RFI, một của BBC ( được dẫn đường link trên trang Anh Bassam ngày  01/9/2012).
Nếu khả năng này thực sự xảy ra sẽ là một sự thật chua chát và là một thách thức  rất khó khăn đối với người Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần nêu lên một cách nhìn khác: Lợi ích của các quốc gia không dẽ gì đem ra cắt chia như một tấm bánh, nhất là  trong thời đại toàn cầu hóa với rất nhiều mối quan hệ đan xen lẫn nhau vô cùng tinh tế chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Đó là một cơ sở để người VN ta, dù không muốn nhưng nếu tình huống bắt buộc, sẽ một lần nữa  đánh bại ý đồ phân chia lợi ích một cách tùy tiện vô nguyên tắc giữa  các siêu cường. Đây không phải là lần đầu VN bị đem ra "chia chác" như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc! Lập trường cơ bản của Việt Nam đã được xác định bằng câu trả lời bình dị pha chút dân dã của Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà báo Pháp Robert Templer từ những ngày đầu khai sinh nước VNDCCH. 
Để bạn đọc tiện tham khảo, Blog Bách Việt biên soạn lại ,vẫn giữ nguyên văn phần nội dung liên quan của hai bài bình luận nói trên và mong nhận được ý kiến thảo luận của bạn đọc (làm ơn viết chữ có dấu và tuân theo  quy định đã ghi trên trang Bách Việt ). Cảm ơn. 


Bài 1: Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và TQ
Tác giả: Thanh Hà - RFI

Các tờ báo lớn của Paris tập trung nói về những chủ đề thiết thân với đời sống của người dân Pháp như là lo âu thất nghiệp tràn làn, sức mua của người dân sa sút do giá dầu hỏa và lương thực có khuynh hướng tăng thêm. Ở phần trang quốc tế, các tờ báo Pháp chú ý nhiều đến thời sự Trung Quốc. Nhưng trước tiên, xin điểm qua một bài nhận định trên tờ Straits Times của Singapore liên quan đến Việt Nam. Bài viết mang tựa đề « Việt Nam : Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc »


Chiến lược kép của Việt Nam

Nhà báo William Choong nhắc đến cuốn sách vừa được ra mắt công chúng của một học giả ngưới Úc, giáo sư về chiến lược và quốc phòng, Hugh White. Ông giảng dạy tại Đại học Quốc gia Úc. Cuốn sách mang tựa đề « The China Choice : Why America Should Share Power- Lựa chọn Trung Quốc : Tại sao Mỹ phải chia sẻ quyền lực ». Theo quan điểm của giáo sư White, để duy trì hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc cần chia sẻ quyền lực với nhau. Cụ thể là Washington nên nhường lại cho Bắc Kinh phần thuộc Đông Dương cũ. Quan điểm này đã khiến nhiều nước trong vùng đau đầu, đặc biệt là Việt Nam khi nhìn lại quá khứ lịch sử và quan hệ với Trung Quốc.

Tác giả người Úc nhắc lại, Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc đô hộ. Nhưng trong cuộc chiến chống Mỹ vào thập niên 60, thì Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về quân sự lẫn kinh tế. Hà Nội và Bắc Kinh luôn ví quan hệ mật thiết giữa hai nước như « môi với răng ».

Dù có gắn bó như « môi với răng », nhưng điều đó đã không cấm cản Việt Nam và Trung Quốc gây hấn với nhau ở biên giới vào năm 1979, sau khi Bắc Kinh đã xích lại gần Washington. Đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc lại xảy ra thêm một lần nữa vào năm 1988 trên quần đảo Trường Sa.

Tương tự như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam không muốn phải chọn lựa giữa hai nước lớn là Mỹ hay Trung Quốc và cố giữ một sự cân bằng trong quan hệ với đôi bên, cho dù chính sách ngoại giao của Hà Nội cho thấy, Việt Nam luôn « tỏ ra đoàn kết với Bắc Kinh ». Mặt khác, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ - kể cả trong lĩnh vực quân sự và chiến lược- với Hoa Kỳ để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thế nhưng, chiến lược của Việt Nam giữa hai ông khổng lồ là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có những giới hạn của nó. Tính toán đó chỉ có lợi cho Hà Nội, nếu như Việt Nam thực sự không phải chọn một trong hai cường quốc này. Hiềm nỗi, căng thẳng đang dấy lên trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể bắt buộc Việt Nam phải xét lại tính toán về chiến lược nói trên.

Quan điểm của Philippines đã quá rõ ràng : Manila đã nhấn mạnh đến liên minh quân sự từ lâu đời với Washington

Vẫn theo chuyên gia chiến lược và quốc phòng người Úc, giáo sư Hugh White, trong trường hợp đó, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ bị tổn hại, căng thẳng tại Biển Đông nhanh chóng gia tăng cường độ và có khả năng là Mỹ và Trung Quốc trực tiếp đọ sức với nhau kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Chính vì thế mà tác giả cuốn « The China Choice : Why America Should Share Power » kết luận rằng, Việt Nam đang trong tình thế khó xử nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông. Vì cầu cứu Mỹ chỉ càng làm chiến sự gia tăng, còn chịu thu mình dưới trướng Trung Quốc thì Việt Nam có nguy cơ thêm một lần nữa lại rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Bài 2: Việt Nam 'bủa lưới' Trung Quốc (là bài báo RFI vừa bình luận trên đây)
Tác giả: William Choong - The Straits Times, 31 tháng 8, 2012

Trong cuốn sách mới nhất của Hugh White, "The China Choice: Why America Should Share Power" - "Lựa chọn Trung Quốc - Tại sao Hoa Kỳ Phải Chia sẻ Quyền lực", vị giáo sư Australia cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chia nhau Châu Á nhằm giữ hòa bình trong khu vực.

Một vấn đề cụ thể là Hoa Kỳ phải nhường Đông Dương cho Trung Quốc, vị cựu quan chức quốc phòng nói thêm.Gợi ý này đã làm cả vùng tức hộc máu, nhất là Việt Nam, nước có lịch sử sóng gió với Trung Quốc.

Nhưng nếu người ta có cái nhìn thực tế khách quan thì chuyện Việt Nam bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc không có gì là đáng ngạc nhiên.

Dù sao thì Trung Quốc cũng đã bốn lần thống trị Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ mười lăm. Vào cuối thập niên 1960 trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc đã đổ viện trợ kinh tế và quân sự vào Bắc Việt Nam khi nước này đang chống lại Hoa Kỳ khiến cả hai bên coi quan hệ giữa họ như "môi với răng". Nhưng bất chấp điều này, "môi với răng" đã trở thành chứng viêm lợi và sâu răng trầm trọng.

Hồi năm 1971, sự tiếp cận Washington của Bắc Kinh là màn dạo đầu cho xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 1979. Trong năm 1988, hai nước đã giao tranh tại đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Máu nóng vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay khi Hà Nội và Bắc Kinh tranh chấp lãnh hải tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi quan hệ Trung-Việt ngày nay đầy phức tạp.

Không 'ăn phân Tàu'
Theo lời Tiến sỹ Tim Huxley, giám đốc phụ trách Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London, Việt Nam đã có 1000 năm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc cũng giống như "bắt đầu một cuộc chiến".

Cựu nhà báo của Hãng Thông tấn Pháp, ông Robert Templer, trong cuốn sách ra năm 1999 "Bóng Và Gió", cũng nghĩ như vậy khi nói rằng "điểm nhấn chủ đạo" trong lịch sử chính thức của Việt Nam luôn là sự kháng cự Trung Quốc. Ông [Templer] đưa ra ví dụ về ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo thân Trung Quốc và từng có nhiều kỳ nghỉ ở Trung Quốc. Khi được hỏi liệu tình huống nào tốt hơn, nằm dưới sự cai quản của quân đội Quốc dân Tưởng Giới Thạch hay sự quay trở lại của Pháp, câu trả lời có tiếng của ông Hồ là ông "thà ngửi chút phân Pháp trong vài năm còn hơn phải ăn phân Tàu trong ngàn năm tới".

Đối mặt với mối đe dọa hiển hiện từ sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Việt Nam cũng không thiếu các sáng kiến địa chính trị. Giống như nhiều nước Châu Á khác, Việt Nam đã áp dụng chiến lược ngoại giao phổ biến là nhập cuộc nhưng "không chọn" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hà Nội làm ra vẻ có chút tình đoàn kết với Bắc Kinh.Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hồi năm 1991, cả hai bên đã có những cơ chế vững chắc để xử lý quan hệ với hơn 100 đoàn thăm viếng lẫn nhău mỗi năm. Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng cố gắng hàn gắn và xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ [và coi đó] như bảo hiểm chiến lược trước Trung Quốc. Họ cho các tàu hải quân Hoa Kỳ cập cảng.

Trong tháng Sáu, Việt Nam đã đón Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, báo hiệu tầm cao mới của quan hệ. Nhưng tiếp cận cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có giới hạn của nó.

Dù sao thì Việt Nam cũng có sự ngờ vực thâm sâu đối với Trung Quốc từ lịch sử ngàn năm và với Hoa Kỳ sau cuộc chiến Việt Nam đau thương. Đây là điểm mà mảng thứ hai trong chiến lược của Hà Nội được áp dụng - bủa lưới. Bằng cách trói Trung Quốc vào mạng lưới các tổ chức khu vực - chẳng hạn Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Vùng Asean - Việt Nam hy vọng những luật lệ của những thực thể như thế sẽ trói gã khổng lồ Gulliver Trung Quốc bằng những sợi dây của các chú tí hon Liliput.

'Tức phát điên'
Bủa lưới không phải là điều gì mới mẻ.Khi viết bài cho báo Business Times [của Singapore] hồi năm 1992, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch nói quan hệ Trung - Việt phải được kết nối với "mạng lưới lợi ích kinh tế và chính trị lớn hơn"

Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã làm Trung Quốc tức phát điên khi tuyên bố tại Diễn đàn Vùng Asean ở Hà Nội rằng Washington sẵn sàng đóng vai trò trong đàm phán đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng tuyên bố của bà Clinton một phần được sự trợ giúp của Hà Nội, nước chủ tịch Asean trong năm đó.

Kéo Trung Quốc vào các đàm phán đa phương sẽ tăng vị thế của các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines.Trung Quốc đã gây ảnh hưởng với Campuchia để không đưa Biển Đông vào thông cáo của Asean. Tại cuộc gặp của Asean mới đây ở Phnom Penh, Việt Nam đã [phải] nếm vị thuốc chính họ [kê đơn].

Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của họ đối với Campuchia - nước chủ tịch Asean - để ngưng công bố thông cáo trong đó có đề cập tới Biển Nam Trung Hoa. Đó là một cuộc đảo chính ngoại giao cho Trung Quốc. Nhưng chiến thắng này cũng làm tăng lo ngại trong khu vực về tham vọng đầy tự phụ của Trung Quốc và ngoại trưởng nước này đã phải có chuyến thăm nhanh chóng trong vùng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Chiến lược hỗn hợp
Về lâu dài, chiến lược hỗn hợp tiếp cận và bủa lưới sẽ mang lại kết quả.Nhưng chiến lược hỗn hợp chỉ tồn tại khi Hà Nội không phải chọn giữa Bắc Kinh và Washington.Những căng thẳng gần đây ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy Việt Nam có thể sẽ phải sớm có lựa chọn.

"Những trao đổi gia tăng của Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ khiến họ nhờ tới sự trợ giúp của Chú Sam nếu có xung đột với Trung Quốc."Philippines, nước đã có căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc về Biển Nam Trung Hoa, rõ ràng đang trục lợi từ liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Những trao đổi gia tăng của Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ khiến họ nhờ tới sự trợ giúp của Chú Sam nếu có xung đột với Trung Quốc.

Giáo sư White cũng nhắc tới điểm này trong cuốn sách mới của ông. Trong một kịch bản, Việt Nam và Trung Quốc giao chiến trong một sự cố khác trên Biển Nam Trung Hoa và Hà Nội đề nghị Hoa Kỳ trợ giúp.Điều này khiến căng thẳng tăng nhanh và tạo rủi ro có chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.Đây cũng chính là thế tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội nếu họ lại giao chiến với Bắc Kinh tại Biển Nam Trung Hoa.Họ sẽ thấy mình bị kẹt trong thế bất khả thắng - nhờ tới Hoa Kỳ và tạo rủi ro căng thẳng leo thao, hay chịu thua Trung Quốc và có nguy cơ bị hút vào quỹ đạo của nước này - một lần nữa.

Ghi chú: Bài viết nguyên văn của tác giả William Choong, tựa đề do BBC đặt.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Tranh chấp Biển Đông: Đừng chờ TQ làm gì rồi đối phó


Xâu chuỗi toàn bộ quá trình lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt  trong mấy năm trở lại đây, ta thấy, đến nay Bắc Kinh đã cơ bản hoàn thành trò ảo thuật  "biến không thành có". Từ một vùng biển chung của Đông Nam Á với chằng chịt những tuyến đường hàng hải quốc tế giờ đây bổng nằm gọn trong cái gọi là "Thành phố Tam Sa" của riêng người Trung Quốc. Đó là "sự đã rồi" mà Bắc Kinh đã dầy công tạo ra bằng sức mạnh và những thủ đoạn dối trá. Đầu tiên họ tung ra một đường ranh giới mơ hồ gồm 9 đoạn đứt khúc không dựa vào bất cứ cơ sở pháp lý nào để khoanh trọn 80% diện tích của biển Đông và gọi đó là "lợi ích cốt lõi " của TQ. Sau đó để thực hiện âm mưu này, Bắc Kinh đã lần lượt chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; chiếm đảo Mischief và bãi cạn Scarborough của Philipine. Tàu hải quân và tàu dân binh TQ hàng ngày xâm phạm lãnh hải và liên tục quấy phá các hoạt động kinh tế cuả Việt Nam, Philipine và một vài nước khác trong khu vực. Tuy vậy, Bắc Kinh luôn bác bỏ đàm phán đa phương với ASEAN hoặc bất cứ bên thứ ba nào. Họ một mặt hứa sẽ đàm phán với ASEAN với điều kiện tổ chức này thỏa thuận xong Bộ quy tắc ứng xử (COC), một mặt dùng thủ đoạn "chia để trị" nhằm trì hoãn sự ra đời của COC, kể cả việc trắng trợn mua quyền phủ quyết của nước chủ nhà Hội nghi AMM là Campuchia. Thực chất đó là chiến thuật "câu giờ" của Bắc Kinh nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị điều kiện cần thiết cho giai đoạn đấu tranh tiếp theo của họ.  Đó là lý do tại sao Bắc Kinh  ráo riết lấn chiếm Scarborough của Philipine và cho hàng nghìn tàu thuyền vây hãm quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp nguy cơ xung đột quân sự (miễn sao tránh được sự can thiệp của Mỹ). Sự ra đời vội vàng của cái gọi là " Thành phố Tam Sa" giữa Biển Đông là một bằng chứng rõ rệt nhất. Việc Bắc Kinh đồng thời gây hấn với cả Nhật Bản là một phần của chiến thuật "dương đông kích tây" nhằm  đánh lạc hướng chính của họ tại Biển Đông để khiến cả  Mỹ, Nhật cùng bối rối.

Ngẫm mà xem, thật vô lý khi thế giới đã mất quá nhiều thời gian để bàn cãi về cái "lưỡi bò" do Bắc kinh đơn phương đưa ra trong khi  Việt Nam và Philipine phải loay hoay chống đỡ trước sự lấn lướt của các lưc lượng Trung Quốc. Thái độ phản ứng của Mỹ thể hiện với đồng minh Philipine xung quanh vụ Scarborough có thể nói là "quá dè dặt" mặc dù biết rằng đối phương là bên phi nghiã rất lo ngại nỗ ra chiến tranh!. Sự rạn nứt trong nội bộ ASEAN dù vì lý do chủ quan hay khách quan đều thật đáng tiếc.  Đáng lẽ ra, COC đã có thể thống nhất sớm hơn. Hoặc ngay cả trong khi chờ đợi COC vẫn có thể hình thành một cơ chế đàm phán bao gồm các nước ven bờ là Việt Nam, Philipine, Malaysia, Indonesia , Brunei và Singapore,  hoặc với các nước có lợi ích hàng hải tại Biển Đông, kể cả Đài Loan chẳng hạn. Một vài tiếng súng vang lên khi cần cũng không có gì là tồi tệ, bởi vì Bắc Kinh tuy tham lam, hiếu chiến nhưng rất lo ngại chiến tranh, ít nhất là vào thời ky này. Tuy nhiên những việc làm đó đã không xảy ra.  ASEAN cũng như thế giới đã thụ động chờ đợi trước những bước đi ngang ngược của Bắc Kinh mà không đưa ra những đối sách kịp thời cần thiết. 

Nhắc lại chuyện này chỉ để rút ra bài học cho thời kỳ sắp tới mà thôi!. Điều gì xảy ra đã xảy ra rồi. Giờ đây hậu quả đã hiện rõ với cái gọi là  "thành phố Tam Sa" không có dân cư nhưng đầy căn cứ quân sự và các phương tiện chiến tranh. Nếu Bắc Kinh thành công trong mục tiêu của họ, thì nơi đây sẽ là lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quyền đi lại tự do của tàu bè quốc tế qua Biển Đông coi như chấm dứt! Tiếp sau đó sẽ không tránh khỏi một chu kỳ bành trướng mới diễn ra đối với các quốc gia vòng ngoài và phía Nam của Biển Đông. Có thể nói, đến nay Bắc Kinh đã hoàn tất giai đoạn đầu của mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đó là một tổn thất không đáng có không chỉ đối với Việt Nam và Philipin mà đối với ASEAN và thế giới. Nó cho thấy sự tham lam và thâm độc của chủ nghĩa  bành trướng bá quyền, nhưng chính thái độ chờ đợi thụ động của các bên bị hại đã trao cho Bắc Kinh quyền chủ động trên bàn cờ trong khi thế giới lại cứ "đánh cờ nước một" để ứng phó. Mới đây trong một cử chỉ đáng lưu ý khi Người phát ngôn Ngoại giao TQ- Hồng Lỗi  trả lời về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông của ASEAN đã nói: “Điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông là tranh chấp giữa các nước liên quan xung quanh chủ quyền quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và phân giới vùng biển phụ cận”.  

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra công khai về “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông”. Bình luận về việc này, báo điện tử Liên hợp Buổi sáng của Singapore ngày 23/8 cho rằng tuyên bố này của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai, đồng thời đánh dấu sự chuyển biến lớn về lập trường và sách lược của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bài báo cũng nhận định: "Ở một khía cạnh nào đó, ý nghĩa và ảnh hưởng của “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” không hề kém quan trọng hơn “thuyết lợi ích cốt lõi Biển Đông” xuất hiện vào tháng 3/2010. Việc Bắc Kinh đưa ra “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” cho thấy nước này không cho rằng quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Trung Sa cùng vùng biển phụ cận tồn tại tranh chấp chủ quyền và hy vọng thế giới bên ngoài thừa nhận cũng như tiếp thu lập trường này (của phía TQ). Bài báo đi tới kết luận: "Việc Trung Quốc đưa ra giới định “điểm cốt lõi của vấn đề Biển Đông” là để chuẩn bị ứng phó với thách thức đến từ việc đưa ra “Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông” (COC)".
      
Giờ thì rõ rồi nhé, con cáo đã thò toàn bộ hai cái chân lông lá của nó vào tấm chăn Biển Đông. Bước đi sắp tới của Bắc Kinh rất có thể là chấp nhận đàm phán vói ASEAN, và cũng có thể sẽ làm lơ chuyện "đường lưỡi bò" (vì nhân thấy nó đã tỏ ra quá lố bịch). Tuy nhiên, thay vào đó Bắc Kinh đã có trong tay những con bài cụ thể để thương lượng. Bằng cách này, Bắc Kinh hy vọng sẽ có thêm lý lẽ để gạt Mỹ, Nhật Bản hoặc các nước ngoài khu vực ra khỏi cuộc đàm phán về Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, giờ đây toàn bộ vùng biển đảo bên trên quần đảo Trường Sa coi như đã thuộc về TQ, và nếu bắt buộc phải đàm phán thì  Bắc Kinh chỉ đàm phán với ASEAN  về quần đảo Trường Sa mà thôi!. 

Hy vọng rằng, với những bài học của thời gian vừa qua, ASEAN cũng như các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông sẽ tìm được đối sách thích hợp làm thất bại âm mưu độc chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh . Đồng thời cùng với thời gian, nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và công lý sẽ giác ngộ và đứng lên phản đối hành động sai trái của các thế lực dân tộc cực đoan trong nước họ. Đó sẽ là kết cục đúng logic thường thấy đối với các cuộc tranh chấp quốc tế xưa nay, tuy nhiên có thể  sẽ rất chậm xảy ra đối với trường hợp TQ nơi mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn ngự trị. /.    

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này