Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Viết lại tên Bách Việt


Đây là tên của một bài viết của tác giả  Nguyễn Đại Việt đăng tại Nguyễn Thái Học Foundation   http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/viet-lai-ten-Bach-Viet.htm 
Nhận thấy bài viết đề cập cùng chủ đề của blog Bách Việt và tập trung vào hai vấn đề lịch sử có nhiều khuất tất nhất và  dường như đang bị "quên lãng" bởi chính người Việt Nam, đó là a) nguồn gốc và mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và Bách Việt nói chung (?); b) người Việt có chữ viết riêng hay không và tiếng Việt vay mượn tiếng Hán hay ngược lại (?), chủ blog tôi xin giới thiệu để cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho bạn đọc. Hy vọng tài liệu này  sẽ góp phần trả lời một số thắc mắc đồng thời  thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc ta theo hướng khách quan và tôn trọng  sự thật lịch sử dựa vào không chỉ sử sách cũ mà tất cả các nguồn dữ liệu mới trên cơ sở khoa học khảo cỗ và nhân chủng học hiện đại. Sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về cội nguồn dân tộc sẽ giúp người Việt Nam thật sự thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp và lấy lại tâm thế đáng có của mình.      
   
Viết lại tên Bách Việt
                                                                                   Tác giả: Nguyễn Đại Việt(*)
                                                              
Sau khi hợp lực đánh đổ nhà Tần năm 206 trước Công Nguyên (TCN), Lưu Bang bất thần xé bỏ hòa ước Hồng Câu xua quân bao vây Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và diệt nước Sở năm 202 TCN. Cùng năm đó, ông lên ngôi hoàng đế sáng lập ra nhà Hán còn gọi là nhà Tiền Hán hay nhà Tây Hán. Về chữ viết, Hán triều tiếp tục chính sách của Tần Thủy Hoàng trong việc sửa đổi và tiêu chuẩn hóa một loại cổ ngữ thành một hệ thống chữ viết gọi là Hán ngữ.
Hình 1: Chữ "Việt" (bên trái) viết theo lối chữ Triện thời Tây Hán. Chữ "tẩu" (thứ hai từ trái sang phải) dùng để xác định ý nghĩa và chữ "người cầm qua" (bên phải) dùng xác định cách phát âm. Chữ cuối phát âm là "Việt" có hình tượng giống như một người cầm cái qua (戈). Trong Hán ngữ chữ "qua" (戈) có nghĩa là "cái mác" hoặc "chiến tranh".
Trong khoảng từ năm 109 đến năm 91 TCN, Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng đời Tây Hán, dùng Hán ngữ biên soạn bộ Sử Ký dài 130 tập, theo chú thích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông là người đầu tiên viết hai chữ Bách Việt trong tập Ngô Khởi Truyện của bộ Sử Ký nổi tiếng đó. "Bách Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại là 百 越.

Một bộ sử khác do Ban Bưu khởi xướng, bộ Hán Thư (漢書) gồm 100 tập, cũng được soạn thảo vào thời Tây Hán chép rằng:
“Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Hội Kế (Cối Kê), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.”

Bách Việt mà hai bộ Sử Ký và Hán Thư đề cập đến chính là chủ nhân của vùng đất rộng lớn, bao trùm toàn cõi Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam ngày nay; ngoại trừ Lạc Việt (Việt Nam) các thị tộc Bách Việt khác đều bị Hán tộc tiêu diệt, đồng hóa và chiếm đoạt hết lãnh thổ.

Theo Hán ngữ hiện đại, tên các thị tộc của Bách Việt được viết là 於 越 (Ư Việt), 揚 越 (Dương Việt), 閩 越 (Mân Việt), 南 越 (Nam Việt), 東 越 (Đông Việt), 山 越 (Sơn Việt), 雒 越 (Lạc Việt), 甌 越 (Âu Việt), v.v…tất cả các tên đều gắn liền với chữ 越, gọi là "chữ Việt bộ Tẩu". "Tẩu" có nghĩa là "chạy" nhưng không hiểu vì sao sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần khi biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) năm 1272 và sử gia Ngô Sĩ Liên, triều vua Lê Thánh Tông, khi viết quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (大越史記全) năm 1479, vẫn sử dụng chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán.

Bài viết này gồm 2 phần. Phần chính giới thiệu chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ đồng thời chứng minh "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán là một bản dịch sai của chữ "Việt" đó. Phần còn lại, phần phụ, trình bày một cái nhìn, một cảm nhận cá nhân về chữ "Việt" của một vị vua sống trong thế kỷ thứ 5 TCN.

CHỮ "VIỆT" CỦA BÁCH VIỆT

Tại sao chủng tộc Bách Việt lại tự nhận diện qua một cái tên không phản ảnh một chút sắc thái nào của mình? Nguyên do nào khiến tên của một chủng tộc từng làm chủ một lãnh thổ rộng lớn lại mang ý nghĩa bi quan như thế?

Ngày nay, khi tìm hiểu ý nghĩa chữ "Việt" giới nghiên cứu không tránh khỏi ngạc nhiên và băn khoăn bởi những câu hỏi tương tự trên đây. Mặc dù có những nổ lực bỏ ra nhằm khám phá những bí ẩn đàng sau chữ "Việt bộ Tẩu", nhưng đến nay tuyệt nhiên vẫn chưa có một giải thích thuyết phục nào được công nhận một cách rộng rãi. Sỡ dĩ có sự bế tắc đó là vì họ đã nghiên cứu một cái tên sai. Quả vậy, chữ 越 hay "Việt bộ tẩu" không phải là do người Việt cổ đặt ra, nó chỉ là một phiên bản được các sử gia và học giả của triều đình Tây Hán dùng Hán ngữ dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã xuất hiện trước đó ít nhất là 300 năm.

Từ văn tự cổ đến trống đồng và những cổ vật khai quật được đặc biệt là thanh gươm của vua Câu Tiễn, chúng ta sẽ tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi Việt là gì, nó sẽ giải tỏa nghi vấn kéo dài suốt hơn 2000 năm kể từ khi Tư Mã Thiên dùng Hán ngữ đặt bút viết chữ " Việt bộ Tẩu" (越) trong bộ Sử Ký của ông đến nay. Trong phần này các chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng sẽ được trình bày và phân tích. Kế đó, thành phần cấu tạo của chúng sẽ được so sánh với thành phần cấu tạo của chữ "Việt bộ Tẩu" và chữ "Việt bộ Kim".

1. Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ trong thời đại đồ đồng

Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm trên mai rùa hay xương động vật. Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn. Chữ viết khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là văn tự thời đồ đồng. Cả hai loại văn tự đều có từ đời nhà Thương và Giáp Cốt văn là loại văn tự cổ xưa nhất. Triều đại nhà Thương xuất hiện trong khoảng từ năm 1600 đến 1046 TCN, kinh đô đóng tại đất Ân thuộc tỉnh Hà Nam, Trung quốc ngày nay. Giặc Ân trong huyền sử Phù Đổng Thiên Vương của người Việt chính là nhà Thương này. Hiện nay có hơn 4.000 chữ thuộc văn tự thời đồ đồng được khai quật và trong đó một số chữ "Việt" được ghi nhận. Xin lưu ý là các văn tự đồ đồng và Giáp Cốt văn dùng trong tài liệu này đều được cung cấp từ chineseetomology.org, một website về cổ ngữ rất phong phú và hữu ích của ông Richard Sears.

Sau đây là 5 chữ "Việt" viết bằng loại "chữ chim", có nơi gọi là "chữ sâu bọ và chim", một loại cổ ngữ rất phổ biến và thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

a) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01747


Hình 2: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01747:

- Người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng. Từ đây về sau sẽ gọi là "Người Chim".

- Người Chim đứng với hai chân dang rộng, tay cầm một cây gậy dựng đứng trên mặt đất và trên thân gậy có 2 cái móc nhỏ.

- Chữ này chỉ có một thành phần là chính nó.

- Niên đại: không rõ.

b) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01748


Hình 3: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01748:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay Người Chim cầm một vật giống như cái qua (mác).

- Người Chim trong tư thế của một vũ điệu.

- Thành phần bên trái là ký tự gồm một hình tròn nằm trên chữ mang hình tượng có đầu tròn to với một cái đuôi.

- Niên đại: không rõ.

c) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01750


Hình 4: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01750:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn nằm trên ký tự có hình tượng giống thân rắn với 2 sừng.

- Niên đại: không rõ.

d) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01751


Hình 5: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01751:

- Thành phần bên phải là Người Chim trong tư thế nhảy múa.

- Người Chim không cầm qua hoặc binh khí.

- Thành phần bên trái là một hình tròn nằm trên một cái đầu có đuôi cong.

- Niên đại: không rõ.

e) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01749


Hình 6: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01749:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay phải của của Người Chim cầm một vật có hình dạng của một cái qua.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn có chấm bên trong và nằm ngay trên ký tự có hình tượng uốn lượn như thân rắn với một cái đầu to, miệng (hoặc 2 sừng) và mắt.

- Niên đại: 496 - 465 TCN. Đây là chữ "Việt" được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn nước Việt (khác với Việt Nam).

Kết luận: Khảo sát các chữ "Việt" trên đây chúng ta rút ra được 2 điểm quan trọng,

- Thứ nhất, chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại trong khoảng từ 496 đến 465 TCN, nghĩa là chúng xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán ít nhất 3 thế kỷ.

- Thứ hai, yếu tố chủ đạo của các chữ "Việt" là "Người Chim". "Qua" hay binh khí là yếu tố phụ.

2. Chữ "Nước" (Quốc gia) trong thời đại đồ đồng

Theo định nghĩa của chữ 邑 (ấp), một trong các ý nghĩa của nó là "nước" hay "quốc gia". Ví dụ như "nước Chu" (邾: Chu quốc) hay "nước Hàn" (邗: Hàn quốc) thời Xuân Thu và Chiến Quốc.




Hình 7: Chữ "ấp" trong thời đại đồ đồng. Chữ này có nghĩa là "nước", "quốc gia", "kinh đô, "thành thị" hoặc là vùng đất được vua ban cho.




Hình 8: "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và thời chữ Triện (phải).


Trong chữ "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" (hình 8), chữ "nước" được đặt sau chữ "Chu", khác với cách viết của người Việt là chữ "nước" được đặt trước như trong các chữ "Việt" của thời kỳ đồ đồng và cách viết hiện nay của người Việt Nam. Tương tự, chữ "nước" được dùng trong chữ "Hàn quốc" (nước Hàn) trong hình 9.


Hình 9: "Hàn quốc" nghĩa là "nước Hàn" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và theo lối chữ Triện (phải).


Hiện nay có tất cả 31 chữ "邑" (ấp) thuộc thời kỳ đồ đồng (hình 7) được ghi nhận.

3. Chữ "Tẩu" trong thời đại đồ đồng

Chữ 走 (Tẩu) là thành phần bên trái của chữ 越, chữ "Việt bộ Tẩu", viết theo Hán ngữ hiện đại.



Hình 10: Chữ "Tẩu" (Hán ngữ hiện đại: 走) trong thời kỳ đồ đồng.

So sánh chữ "nước" (hình 7) với chữ "tẩu" của thời kỳ đồ đồng (hình 10) thì hai chữ này hoàn toàn khác nhau từ hình thức đến nội dung. Hơn nữa "nước" là một danh từ còn "tẩu" là một động từ. Hiện có 17 chữ "Tẩu" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận (hình 10).

4. Chữ "Kim" thời đại đồ đồng

Trong hình 11 và phía trên là một số cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng. Ở dưới và bên phải là chữ "Gươm", chữ cuối trong 8 chữ được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Thành phần bên trái của chữ "Gươm" chính là chữ "Kim".




Hình 11: Các cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng (trên). Chữ "Kim" là phần trái của chữ "Gươm" (hình dưới, bên phải) và chữ "Nước" là phần trái của chữ "Việt" (hình dưới, bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn.


Cũng trong hình 11, ở dưới và bên trái, chữ "Việt" là chữ đầu tiên trong 8 chữ cổ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Phần bên trái của chữ "Việt" không thể là chữ "Kim" vì không bao giờ có 2 chữ "Kim" khác nhau được khắc trên cùng một thanh gươm, nhất là thanh gươm của một ông vua. Hơn nữa về hình thức thì 2 chữ 邑 (Ấp, hinh 7) và 金 (Kim, hình 11) hoàn toàn khác nhau. Hiện nay có tất cả 82 chữ "Kim" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận.

Kết luận: Thành phần bên trái của chữ "Việt" nguyên thủy chính là chữ "邑" (ấp) và được viết bằng "văn tự chim", một loại chữ cổ có trước Hán ngữ và rất thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

5. Chữ "Người Chim" trong chữ "Việt" nguyên thủy và chữ "người cầm qua" (戉) trong "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán

Chữ "Việt bộ Tẩu" của triều đình nhà Tây Hán viết theo Hán ngữ hiện đại gồm 2 thành phần. Phần bên trái là chữ "Tẩu" dùng để xác định ý nghĩa của toàn chữ và phần bên phải là chữ "Việt" dùng để phát âm (hinh 12).



Hình 12: "Việt bộ tẩu" viết theo Hán ngữ hiện đại.

Chữ bên phải của chữ "Việt bộ Tẩu" mang hình tượng một người cầm qua, chữ này có gốc từ chữ 戈 của Hán ngữ và có nghĩa là "Qua", 'Mác" hay "Chiến tranh". Chữ 戉 (người cầm qua) trong chữ "Việt bộ Tẩu" không phải là thành phần cấu tạo của chữ "Việt" nguyên thủy.


Hình 13: Một cách dịch chữ "Người Chim" của người Việt cổ sang Hán ngữ hiện đại. Lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


Thật vậy, từ chữ "Việt" trong thời kỳ đồ đồng đến hàng trăm trống đồng được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam, tất cả đều thể hiện một quan niệm đồng nhất của người Việt cổ khi dùng các yếu tố chủ đạo để tự nhận diện và yếu tố đó chính là "Người Chim" tay cầm qua hay binh khí (hình 13).



Hình 14: "Người Chim" trên trống đồng Ngọc Lũ. Nguồn: Wikipedia.


Cho đến nay số lượng chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng khai quật được tuy không nhiều nhưng quan trọng là tất cả đều thể hiện tính nhất quán cả về nội dung lẫn hinh thức. Vì vậy, có thể tiên đoán rằng đối với bất kỳ chữ "Việt" nào có trước thời Tiền Hán và được viết theo "văn tự chim" thì xác xuất để nó mang cùng nội dung và hình thức với 5 chữ "Việt" trình bày trên đây rất cao.



Hình 15: Một ví dụ của chữ "Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại từ chữ "Việt" nguyên thủy. Bên trái là chữ ấp (邑: nước), bên phải là chữ "Người Chim" tay cầm qua và phát âm là "Việt". Toàn chữ viết và đọc là "nước Việt". Trong Hán tự không có chữ này. Hán ngữ hiện đại dùng chữ 國 (quốc, nước, quốc gia) thay thế cho chữ 邑 (ấp, nước, quốc gia).


Kết luận: Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại từ 496 - 465 TCN, viết bằng "văn tự chim", xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" bằng Hán ngữ của nhà Tây Hán ít nhất 300 năm. Chữ "Việt" của Bách Việt được cấu tạo bởi hai thành phần duy nhất là chữ "Nước" (邑: ấp, quốc gia) ở bên trái và chữ "Người Chim" tay cầm qua ở bên phải. "Người Chim" là yếu tố chủ đạo, phát âm là "Việt", "qua" hay binh khí là yếu tố phụ (hình 15).


oOo


Từ các chứng cớ lịch sử vững chắc đã được công bố bao gồm văn tự của thời đại đồ đồng, hoa văn trên trống đồng, và cổ ngữ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, những phân tích trên đây chứng minh rằng dù được viết bằng Hán ngữ thời Tây Hán hoặc hiện đại thì nội dung và hinh thức của chữ 越, chữ Việt bộ tẩu và 2 thành phần của nó 走 và 戉, hoàn toàn không phải là chữ "Việt" của Bách Việt, nó chỉ là một phiên bản được dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã có trước khi nhà Tây Hán thành lập 3 thế kỷ. Hán sử không trung thực khi ghi chép về Việt tộc, đó là sự thật, và điều đáng tiếc là Tư Mã Thiên, dù với bất kỳ lý do nào, đã xem nhẹ kiến thức và uy tín của tác giả bộ Sử Ký nổi tiếng khi dịch sai tên một chủng tộc. Ông đã bị chính trị ảnh hưởng, hay nói một cách chính xác hơn, đó là một nhầm lẫn được suy tính chu đáo của triều đình nhà Tây Hán trong chính sách tiêu diệt và đồng hóa các thị tộc Bách Việt.

PHỤ LỤC: MỘT CÁCH DỊCH CHỮ "VIỆT" SANG HÁN NGỮ

Chúng ta bắt đầu phần này bằng một câu chuyện về nước Oa (Wa), một quốc gia nằm trong vùng biển phía đông của Hoa lục. " Oa" viết theo Hán ngữ là 倭, là tên do người Hán đặt cho dân tộc này và được họ dùng trong nhiều thế kỷ để tự nhận diện và khi giao tiếp với các triều đình Trung Hoa.

Mãi đến thế kỷ thứ 8, sau khi khám phá ra thâm ý phía sau tên Oa, học giả và trí thức người Oa lập tức dùng một tên khác để thay thế. Chữ Oa (倭) mang ý nghĩa châm biếm và xúc phạm như "phục tùng" hay "thằng lùn", còn tên mới 和 có nghĩa là "hài hòa, hòa bình, và quân bình. "Đại Hòa" (大 和) từng là tên của nước Oa sau thế kỷ thứ 8. Ngày nay người Oa dùng một tên khác mà người Việt thường ưu ái gọi họ là "con cháu Thái Dương Thần Nữ". Đó là đất nước và dân tộc Nhật Bản (日本).

Trong phần chính chữ "Việt" được phân tích theo phương pháp khoa học và căn cứ trên những chứng cớ cụ thể đã được công nhận. Trong phần này ý nghĩa của chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn được suy diễn đơn thuần dựa theo phong tục tập quán của người Việt và vì vậy cách dịch chữ "Việt" ở đây có thể không hoàn toàn khách quan.

1. Chính sử: Thanh gươm của vua Câu Tiễn

Câu Tiễn là một người Việt cổ, làm vua nước Việt từ năm 496 đến 465 TCN. Vương quốc của ông lúc bấy giờ bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô ngày nay và kinh đô đặt tại Hội Kế (Cối Kê) trong tỉnh Chiết Giang. Tỉnh Chiết Giang là nơi có con sông Tiền Đường, giòng sông nơi Thúy Kiều gieo mình tự vẫn nhưng được sư Giác Duyên cứu sống trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du.



Hình 16: Thanh gươm của vua Câu Tiễn được khai quật năm 1965 hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Hồ Bắc, Trung quốc. Nguồn: uncleicko.

Khoảng năm 333 TCN, dưới thời của vua Vô Cương là cháu đời thứ 6 của vua Câu Tiễn, nước Việt bị nước Sở thôn tính và thị tộc U Việt mất nước từ đây.

Tuy vậy, câu chuyện của vị vua người Việt cổ chưa chấm dứt ở đó. Vào năm 1965 người ta khai quật được thanh gươm của ông ở tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc và hiện được trưng bày tại viện bảo tàng của tỉnh này (hình 16).

2. Chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn: một cái nhìn khác

Cảm nhận đầu tiên là sự khác thường của chữ "nước" ( 邑) trong chữ Việt trên thanh gươm so với chữ "nước" ( 邑) của các chữ "Việt" khác trong thời đại đồ đồng. Chính sự khác thường đó là nguồn cảm hứng cho phần này, ngoài "Người Chim", trong chữ "Việt" còn có thêm 2 yếu tố khác.

Hình 17: Tám chữ cổ khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Tám chữ này được viết theo lối điểu ngữ (còn gọi là trùng ngữ). Theo thứ tự chúng được dịch là "Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Gươm" có nghĩa là "Thanh gươm của Vua Câu Tiễn nước Việt tự làm để dùng". Hán tự không có chữ "Gươm". Nhà nghiên cứu Đỗ Thành có phân tích về chữ "Gươm" và "Kiếm" trong bài "Chữ Kiếm trong thanh Gươm của Việt Vương Câu Tiễn". Nguồn: Wikipedia.

Trong hình 18, theo nhận xét thiên về mặt phong tục tập quán và huyền sử hơn là phương diện khoa học và ngữ văn thì chữ "Việt" trên thanh gươm gồm 3 thành phần thay vì 2 như đã trình bày. Ba thành phần đó là các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Người Chim".

Hình 18: Chữ "Việt" (bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn và 3 thành phần cấu tạo của nó.

Trong các phần kế tiếp, các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn sẽ được so sánh với cách viết các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt Văn và thời đại đồ đồng. Kế tiếp, hoa văn khắc trên trống đồng sẽ được dùng để thiết lập mối tương quan với các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Nguời Chim" trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Cuối cùng, huyền sử "Rồng Tiên" phát xuất từ đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ được dùng để góp phần nêu lên sắc thái chung mà người Việt cổ dùng để tự nhận diện và phân biệt họ với các chủng tộc khác.

3. Chữ "Mặt Trời" trong Giáp Cốt Văn và trong chữ"Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Theo Giáp Cốt Văn (hình 19) và cổ ngữ trong thời đại đồ đồng (hình 20), chữ "Mặt Trời" được viết như là một hình tròn hoặc là một hình có 4 cạnh với một cái chấm hay một gạch ngang nằm bên trong. Hình thức hay cách viết của chữ "Mặt Trời" trong các thời kỳ đó thì duy nhất, nghĩa là:

a. Không có bất kỳ chữ nào mang ý nghĩa khác được viết với hình thức đó.

b. Bất kỳ chữ nào được viết với hình thức như vậy đều có nghĩa là "Mặt Trời".

Vì vậy, một thành phần của chữ "Việt", chữ thứ hai tính từ trái sang phải trong hình 18, được xem là chữ "Mặt Trời".



Hình 19: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại Giáp Cốt Văn.




Hình 20: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại đồ đồng.


4. Chữ "Rồng" trong Giáp Cốt Văn và trong chừ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Trong Giáp Cốt Văn (hình 21), chữ "Rồng" là một hình thù cong như thân rắn với một cái đầu to có 2 sừng và đôi khi trên đầu đội vương miện.

     

Hình 21: Bên phải là một số cách viết chữ "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt văn. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của Giáp Cốt văn, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.


5. Chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng và trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Hình 22 trình bày là các chữ "Rồng" trong thời kỳ đồ đồng. Trong giai đoạn này chữ "rồng" được viết sắc sảo hơn với đầu to, miệng và răng, có hai sừng và đội vương miện.


       
Hình 22: Bên phải là các cách viết chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của thời đại đồ đồng, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.

So với chữ "Rồng" của các thời kỳ Giáp Cốt văn và đồ đồng thì một trong các thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, chữ thứ 3 tính từ trái sang phải trong hình 18 được cho là chữ "Rồng".

6. Trống đồng: Chính sử của Bách Việt

Khi toàn bộ Bách Việt ở vùng Hoa Nam bị tiêu diệt và đồng hóa, sử sách của họ cũng cùng chung số phận. Tuy Lạc Việt (Việt Nam) tránh được nạn diệt vong và mất nước nhưng sử sách cũng bị Hán tộc thiêu hủy. Quyển quốc sử cổ xưa nhất của Lạc Việt còn lưu lại là quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) của sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần, quyển này cũng chỉ mới được biên soạn vào năm1272.

May thay, để bổ sung phần nào vào thiếu sót đó là hàng trăm trống đồng cùng những di tích và cổ vật của người Việt cổ được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam trong các thế kỷ qua. Sau đây là sự thật đã được xác lập:

- Hán tộc không có trống đồng.

- Trống đồng do chính người Việt cổ thiết kế và chế tạo.

- Minh văn trên trống đồng phản ảnh sắc thái chủ đạo trong đời sống thực tế của người Việt cổ.

Vì vậy trống đồng là một quyển chính sử của chủng tộc Bách Việt.

7. "Mặt Trời" trong chính sử trống đồng

Về yếu tố "Mặt Trời" thì hiển nhiên không cần lời giải thích dài dòng vì tất cả những trống đồng khai quật được đều có chạm trổ mặt trời ở chính giữa tang trống. Do đó "Mặt Trời" đương nhiên là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của người Việt cổ.



Hình 23: Một ví dụ của chữ "Việt" nguyên thủy được dịch ra Hán ngữ hiện đại. Nó gồm chữ "Nhật" (Hán ngữ: 日 nghĩa là mặt trời - phần bên trái và nằm ở trên), chữ "Long" (Hán ngữ: 龍 nghĩa là "rồng" - phần bên trái, ở dưới), và bên phải là chữ "người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng, tay cầm cái qua" , lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


8. "Rồng" từ đời sống thực tế đến huyền sử

Huyền sử “Con rồng cháu tiên” là câu chuyện thần thoại không có thật nhưng nó phát xuất từ sự việc có thật trong đời sống hằng ngày của người Việt cổ. Chính sử Việt và Trung Hoa ghi nhận rằng dân Bách Việt có tục xâm mình, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau:

Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.

Từ nhận định trên người Việt cổ đã nghĩ ra phương pháp xâm mình để tự bảo vệ khi di chuyển và mưu sinh trên sông hồ. Xâm mình là để thuồng luồng hay giao long "tưởng" họ cùng đồng loại nên sẽ không bị chúng gia hại.

Thoạt tiên mục đích xâm mình đơn thuần chỉ là một biện pháp tự vệ đơn giản, nhưng dần dà, khái niệm tự nhận mình cùng đồng loại hay cho mình là con cháu của rồng được hình thành một cách tự nhiên trong tâm thức của những thế hệ sau. Đồng loại với rồng không phải là câu chuyện thần thoại dựa trên một việc hoang đường, trái lại nó bắt nguồn từ ngay trong đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ, nên "Rồng" được xem là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của dân Bách Việt.

9. "Người Chim" trong chính sử trống đồng

Tùy theo niên đại và thị tộc khác nhau, các trống đồng được khai quật có kích thước, phẩm chất và những minh văn khác nhau, nhưng đặc biệt hầu hết các trống đồng đều có chạm trổ những Người Chim, tay cầm qua hay binh khí và ở trong tư thế nhảy múa. Tương tự như sự hình thành khái niệm “con Rồng”, khái niệm “cháu Tiên” được bắt nguồn từ phong tục hóa trang thành Người Chim, một trong những tập quán nổi bật nhất của của người Việt cổ.

oOo

Tóm lại nếu có ai hỏi Việt là gì thì câu trả lời nên là: Việt là "Mặt Trời", là "Rồng", là "Người Chim" (Tiên). Đó là 3 yếu tố chủ đạo để nhận diện chủng tộc Bách Việt. Khái niệm Rồng của Bách Việt phát xuất từ đời sống thực tế qua phong tục xâm mình, còn khái niệm Rồng của Hán tộc thì bắt nguồn từ đâu? Thắc mắc này được dùng để kết thúc phần phụ lục.

KẾT LUẬN

Tại sao nhà Tiền Hán không sửa đổi tên các nước Chu, Tề, Hàn, Triệu, v.v... mà họ lại đặc biệt làm điều này đối với Bách Việt? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời và chúng có thể không giống nhau. "Việt" là tên gọi chung của các chủ nhân vùng đất phía nam Trường Giang, dùng "Việt" thì có khã năng hiệu triệu và thống nhất toàn thể Việt tộc, tạo nên một sức mạnh có khã năng đối đầu và thách thức quyền lực của Hán triều trên toàn vùng Lĩnh Nam và Giao Chỉ. Chẳng hạn như sự trỗi dậy và hùng cường của các vương quốc Việt tộc như Sở, Ngô, và Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc, hoặc chính nhờ sự hậu thuẫn của Bách Việt nên Triệu Đà mới dám xưng Nam Việt Vũ Đế tạo được thanh thế ngang ngửa với nhà Tây Hán, hay sự đồng loạt hưởng ứng của các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đối với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, v.v... Nói chung nếu không tiêu diệt và đồng hóa được Bách Việt thì Hán tộc sẽ không bao giờ chiếm và bình định được vùng đất phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh. Bắt đầu chính sách ấy với việc cấm dùng chữ "Việt" nguyên thủy và thay bằng một tên khác, chữ "Việt bộ Tẩu", người Hán đã thành công lấy được toàn cõi Hoa Nam; nhưng chưa dừng lại ở đó, họ vẫn đang tiếp tục tràn xuống và mục tiêu lần này là Biển Đông Nam Á và căn cứ cuối cùng của Việt tộc.

Lịch sử Bách Việt chứng tỏ không kém phần phong phú khi được hé lộ qua kỹ thuật đúc gươm, trống đồng, cùng những di tích và cổ vật khác được khai quật trong vài thế kỷ qua, đáng tiếc là nền văn minh và văn hóa ấy đã liên tục bị tiêu diệt trong suốt hơn 1000 năm, lãnh thổ thì mất cả chỉ còn lại một dãi nhỏ hẹp. Bị gián đoạn hơn 10 thế kỷ khiến sử Việt thiếu hẳn phần đầu, có chăng thì cũng mù mờ, đầy bí ẩn; phần sau của lịch sử cũng chỉ mới bắt đầu khi người anh hùng xứ Đường Lâm, Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, thành công bảo vệ thành trì cuối cùng của Bách Việt bằng một trận đánh đẫm máu trên sông Bạch Đằng năm 938.

Từ kỷ nguyên Internet đọc lại chính sử trên văn tự cổ, trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, trên trống đồng, và đời sống thực tế của người Việt cổ, hậu duệ của họ không những có trách nhiệm viết đúng lại tên Bách Việt để phản ảnh sự nhất quán của cổ nhân về tên chủng tộc, mà còn có bổn phận đào xới và minh bạch hóa lịch sử của chủng tộc vốn là chủ nhân của một lãnh thổ rộng lớn và trù phú. Vì vậy, viết lại tên Bách Việt là khởi đầu cho công cuộc làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử bị gián đoạn, đồng thời cũng là lời mở đầu cho một quyển sử mới với hy vọng trong đó có chép cuộc hành trình về lại vùng Lĩnh Nam của hậu duệ người Việt cổ.

Thung lũng Hoa vàng
Mồng Một Tết Nhâm Thìn tức ngày 23 tháng 1 năm 2012

(*)Tác giả Nguyễn Đại Việt là tiến sĩ trong ngành điện toán, chuyên nghiên cứu và phát triển Integrated Circuits và Microprocessor cho kỹ nghệ Semiconductor. Ông là thành viên trong Ban nghiên cứu Á Châu của Nguyễn Thái Học Foundation.




Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Ai muốn cười để sống lâu vào đây...

Trích đoạn một số bài tập làm văn của học trò Việt Nam thời nay  (TL sưu tầm trên mạng) 

Thưa cô, em xin ý kiến
Hãy cho biết cảm nhận của bạn về nhà thơ Tú Xương qua bài "Thương vợ"
Tú Xương là một nhà thơ thương vợ nên có nhiều con. Đồng thời ông cũng là một người thông minh, khôn khéo biết nhường cho vợ những việc nặng nhọc mặc dù ông thi hoài mà không đậu.

Tả cảnh trường em trước giờ học.
Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú.

Giải thích câu thành ngữ " Anh em như thể tay chân "
Anh em như thể tay chân nghĩa là khi "chân" đau thì "tay" băng bó cho "chân", còn nếu "tay" đau, thì "chân " đưa "tay"đi bệnh viện.

Tả về bà ngoại em.
Nhà em có nuôi một bà ngoại, mỗi sáng thức dậy bà thường lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?

Em hãy điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống: “… đi đôi với hành”.
Thịt đi đôi với hành.

Em hãy thay lời Âu Cơ kể lại câu chuyện.
Lạc Long Quân hiện lên và nói với tôi rằng: “Ta và nàng đến đây hết tình, ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên bờ”. Nói xong rồi Lạc Long Quân nhảy tùm xuống biển.

Tả một chiếc xe môtô.
Gần nhà em có một chú tên Khánh nhà chú có một chiếc xe môtô. Hằng ngày chú thường xách xe ra đi chợ. Mỗi lần bước lên xe chú hụ ga thật lớn. Bởi thế mỗi lần chú hụ ga là mẹ em bảo: “Thằng trời đánh”.

Tả cảnh đêm đông của gia đình em.
Đêm đông, gia đình em quây quần ấm cúng bên bếp lửa hồng. Bố em ngồi đọc báo, mẹ em ngồi đan len, chúng em thì ngồi học bài, còn ông nội bà nội em thì ngồi nói chuyện ở bàn ăn mà ngọn đèn dầu chiếu hình lên trên tường trông giống như hai con khỉ vậy.

Em hãy đặt câu với từ ”thông thái”.
Bạn Thông thái rau giúp mẹ.

Đặt câu có cụm từ nối tiếp “Vả lại”.
Tối hôm qua em và chị gái em cãi nhau. Chị vả em một cái, em vả lại chị một cái.

Tả về lớp học của em.
Trường em thật là đẹp, các phòng học thật là xinh. Cô giáo giảng bài thật nhiệt tình và say sưa, miệng cô cứ líu lo như chú chim suốt cả ngày. Trong cái nắng oi ả của mùa hè tiếng ve kêu của những chú ve sầu và tiếng cô giáo quát bạn Nam làm cho em bị thức giấc và cảm thấy khó chịu.

Tả buổi tối ở gia đình em.
Buổi tối, gia đình em sau khi ăn cơm xong thường quây quần bên nhau. Bố em ngồi xem thời sự, mẹ em ngồi khâu quần áo. Em ngồi học bài. Bỗng nhiên mẹ em giật mình và hỏi bố em: “Anh ơi tháng này lĩnh lương chưa?”

Tả công viên.
Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.

Tả con đường tới trường.
Con đường đến trường thân yêu của em, em đi mỗi ngày. Đường rất xa khi em đi bộ nhưng lại rất gần khi mẹ chở em bằng xe Honda.

Tả chú thương binh.
Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.

Đặt câu với vần "iêu"
Mẹ em thích tiêu tiền.

Đặt câu có từ “tập thể”.
Sáng nào em cũng tập thể dục.

Tả về cơn mưa rào.
Chiều qua, trời đang nắng chang chang bỗng nhiên sân nhà em đổ cơn mưa rào. Tiếng mưa rơi bập bùng phập phồng nên bố em hát:
“Trời mưa bong bóng phập phồng.
Em đi lấy chồng để khổ cho anh”.

Hãy đặt câu có từ “đỡ đần”.
Vì em chăm học nên em đỡ đần.

Hãy tả về một người bạn thân của em.
Em có cô bạn tên là Hương. Bạn có mái tóc đen nhánh. Đôi mắt to, cái bụng của bạn trắng hếu.

Em hãy tả về bà của mình.
Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi phẩy quạt nhưng ruồi không bay khỏi miệng, mồm luôn dạy cháu phải sạch nhưng bà lại lấy khăn lau bàn để lau ly uống nước.

Tả con trâu.
Quê em nhà nhà làm nông nghiệp nên gia đình ai cũng có một con trâu. Chú trâu nhà em rất khỏe mạnh và chăm chỉ. Ngày ngày chú theo bố em ra đồng để cày ruộng. Thân hình chú vạm vỡ, 2 chiếc ngà dương lên oai hùng. Chân chú rất to và đen hơn chân bố em.

Tả buổi đi chơi mà em tham gia.
Chủ nhật vừa qua cả nhà em được tổ chức đi Vũng Tàu. Mọi người dậy từ rất sớm để tập hợp lên xe.
Đi được một quãng đường mọi người trên xe đều ngủ chỉ trừ bác tài là còn thức vì bác đã uống thuốc chống ngủ.

Tả bác công nhân.
Tay bác toàn dầu mỡ, trán thì lấm tấm mồ hôi, tai bác như hai cái mộc nhĩ. Thỉnh thoảng bác hay ra bờ rào vườn rau nhà em đi vệ sinh.

Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.
Mẹ em tát em đôm đốp.

Tả cái cặp đi học.
Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp, hàng ngày em đeo nó đến trường, cái cặp đựng được nhiều sách vở, nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ vậy!

Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?


Ngoan cố
Cô giáo ra đề bài tập làm văn: Hãy tả con vật mà em yêu thích. Một học sinh viết:
- Con vật mà em yêu thích nhất là con rận...
Và học sinh này bắt đầu tả con rận, chi tiết đến từng cọng lông. Nhưng cô giáo không hài lòng vì con vật này không được đẹp, nên yêu cầu cậu học sinh tả con chó.
Hôm sau cậu bé nộp bài:
- Con chó nhà em có rất nhiều lông, vì thế nó rất lắm rận. Sau đây em xin tả con rận...
Hơi bực mình, cô giáo bèn cẩn thận chọn một con vật không có rận, là con cá, và bảo cậu tả lại.
Cậu bé viết:
- Con cá sống ở dưới nước nên nó không có lông, nhưng nó có rất nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn thì chắc hẳn nó phải có nhiều lông. Mà nhiều lông thì sẽ có rận. Sau đây em xin tả con rận...
Hoàn toàn không hài lòng, cô giáo đưa ra yêu cầu chót: Hãy tả bạn gái ngồi cạnh em. Cô chắc mẩm cậu bé
không thể nào gán cho cô bạn xinh xắn kia là có rận cho được.
Cuối cùng cô nhận được bài làm:
- Bạn gái ngồi cạnh em rất xinh xắn và sạch sẽ, bạn có mái tóc bóng mượt, cho nên bạn không có con rận nào.
Tuy nhiên, em vẫn xin tả con rận...






--------------

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Tham nhũng: Ai chống ai ?

                                                    
Có thể nói, không một công chức Việt Nam XHCN nào từng được cầm trong tay một tháng lương đúng với nghĩa của nó. Các thế hệ chiến tranh đã đành. Nhưng với các thế hệ sau này mà vẫn thế thì thật phi lý quá (!?). Nhưng đồng thời cũng có một thực tế vô lý hơn thế. Đó là hầu hết công chức Việt Nam đều có mức sống cao hơn so với mặt bằng xã hội, rất nhiều người giàu có đến mức khiến các đồng nghiệp của họ bên Trung Quốc và một vài nước ASEAN phải ghen tị! Vì sao vậy?
 
Khi đồng lương không đủ sống, tham nhũng trở thành lối sống   
Cái lý mà các nhà lãnh đạo đất nước này vẫn dùng để giải thích vì sao chưa thể cấp đủ lương công chức là "Đất nước ta còn nghèo". Nhưng chẳng lẽ họ không biết rằng  nhiều nước khác nghèo hơn mà vẫn trả lương đầy đủ cho công chức của họ? Ngay bản thân Việt Nam thời phong kiến-thực dân nghèo hơn bây giờ nhiều vẫn trả đủ lương công chức đấy thôi!  Thật khó hiểu  vì sao cái lý do vô lý đó vẫn tồn tại đến bây giờ khi đất nước đã chính thức được xếp hạng trung bình thế giới (?). 

Có thể đó chỉ là một phép tính sai lúc đầu do lối tư duy tiểu nông muốn "rẻ mà tốt"(?) Nhưng kinh nghiệm của hơn 1/2 thế kỉ chẳng lẽ chưa đủ để nhận ra rằng cắt xén tiền lương công chức là biện pháp hửu hiệu nhất để phá hỏng tận gốc rể một hệ thống công quyền, đơn giản là vì đội quân công chức “thiếu đói” sẽ tìm mọi cách để “bù đắp” lại phần lương còn thiếu của họ?

Thật ra, tệ nạn tham nhũng đã có mầm mống từ thời bao cấp khi đồng lương của cán bộ công nhân viên chức (tức là toàn bộ những người làm công ăn lương nhà nước) được trả bằng 2 phần: tiền mặt và hiện vật. Nhưng không  phải ai cũng có nhu cầu sử dụng các đồ vật như nhau nên người ta  đem ra đổi chác, nhượng, bán  vòng vo . Hình thái “chợ đen” đã ra đời từ đó. Tệ nạn ăn cắp thành hoặc nguyên vật liệu từ các cơ sở sản  xuất tuồn ra chợ đen cũng bắt đầu từ đó. Bệnh "làm láo báo, cáo hay" và nhiều thói hư tật xấu cũng bắt đầu từ đó. 

Khi những sai lầm trong chính sách giá-lương-tiền bắt đầu từ cuối những năm 1970 đã dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã kéo dài. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp đầy kịch tính khi tem phiếu bị cắt bỏ chỉ còn lại đồng lương đang mất hết giá trị thực. Tình huống bắt buộc mọi cán bộ công  nhân viên phải nhao ra đường  kiếm sống. Giáo viên  trốn giờ chính khóa để đi dạy thêm;  y bác sĩ bán thuốc lậu hoặc vòi tiền bệnh nhân; cảnh sát trở thành “anh hùng núp” tìm người phạt vạ; nhân viên công sở cũng không kém cạnh với nhiều chiêu kiếm tiền, kể cả buôn lậu, thông đồng, câu kết, v.v… Nghĩa là  Toàn bộ hệ thống các cơ quan công sở nhà nước từ trung ương xuống địa phương, các đơn vị sản xuất cũng như phi sản xuất, từ dân sự đến các lược lượng vũ trang, đều tập trung lo “cơm áo gạo tiền”. Cái gọi là "ba lợi ích"(cá nhân - tập thể - nhà nước)  đã ra đời từ đó. Trên danh nghĩa đơn vị xí nghiệp, cơ quan với sẵn quyền hạn và cơ sở vật chất trong tay mà  “làm ba lợi ích” thì thôi rồi Lượm ơi! Nói là “ba lợi ich” nhưng người ta chỉ nhằm vào lợi ích cá nhân là chính, lấy lợi ích tập thể làm bình phong che chắn để câu kết, thông đồng cùng nhau "rút ruột" từ lợi ích nhà nước. Nói cách khác, mọi hành vi , tham ô, lãng phí, tham nhũng núp dưới cái tên mĩ miều "tập thể" đều trở nên sạch sẻ, khó phát hiện, phát hiện rồi cũng khó mà xử lý. Khi đem ra kiểm điểm, chúng được gọi bằng cái tên chung là "tiêu cực". Ranh giới giữa tiêu cực và thành tích chỉ khác nhau ở cách diễn gải là "góp phần cải thiện đời sống", "phát huy tinh thần vượt khó khăn" , "lá lành đùm lá rách", bla, bla.... Vậy là êm thấm, hòa cả làng.
      
Trong bổi cảnh cùng quẩn của đất nước, cái gọi là “đổi mới” đã ra đời  như một cứu cánh (chứ nào có "sáng suốt" gì đâu?). Và nó đã giúp tránh được một sự sụp đổ. Nhưng đáng tiếc, không hiểu vì lý do gì, nó vẫn không làm gì để thay đổi chế độ tiền lương không đủ sống vốn là một nguyên nhân sâu xa của tệ nạn tham nhũng tập thể ở đất nước giàu truyền thống đoàn kết nay đã biến thành "câu kết" này (?). Khi nguồn của cải vật chất và vốn nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều đã tao ra càng nhiều cơ hội mới cho bon tham nhũng. Đây là thời kỳ mà “chùm khế ngọt” bị nhiều bên thi nhau trèo hái hàng ngày. Bọn họ có thể là cán bộ công nhân viên chức, có thể là dân thường, cũng có thể là bên đối tác nước ngoài v,v… Không chỉ những kẻ có chức quyền, mà ngay cả những người lái xe tải hoặc người gác rừng, thủ kho, đầu bếp, v.v… cũng đều có cơ hội. Dĩ nhiên ai có nhiều lợi thế hơn sẽ gặt hái  được nhiều hơn. Đó là một thời nhộn nhạo tranh tối tranh sáng vô cùng thuận lợi cho các loại tội phạm từ ăn cắp vặt đến tham nhũng có tổ chức. Thời đó thậm chí đã xuất hiện một cách biện hộ nực cười rằng tham nhũng giúp rút ngắn quá trình tích lũy tư bản(!?) 
Quá trình phân hóa giàu nghèo thực sự đã bắt đầu từ đó. Trong khi  đại bộ phận dân chúng và công chức cam chịu và chờ đợi, số còn lại chớp cơ hội và  nhanh chóng giàu lên, thậm chí có vốn để đầu tư vào những hoạt động sinh lời đang được nhà nước khuyến khích. Một số lặng lẽ chuyển sang khu vực tư nhân trong khi số ở lại trở thành “doanh nhân nhà nước”, và họ tạo thành những thế lực mới trong nền “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” mà trong đó việc câu kết, thông đồng giữa họ với nhau trở nên càng thuận tiện. Các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án có vốn nước ngoài và lĩnh vực đất đai-bất động sản là những lựa chọn béo bỡ nhất.
Đến nay tệ nạn tham nhũng không chỉ dừng lại ở mức độ ăn cắp vặt hay tham ô tập thể, mà đã trở thành những  thế lực ngầm chi phối đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước bằng các thủ đoạn thông đồng câu kết đan xen vô cùng tinh vi, phức tạp. 

Tham nhũng tập thể muôn năm!
Tệ nạn tham nhũng  ở Việt Nam mang một đặc thù khác với tệ nạn tham nhũng trên thế giới,  đó là “tham nhũng tập thể”. Nó hiện diện  ở mọi nơi từ công sở đến các đơn vị sản xuất và cả các lực lượng vũ trang, ở tất cả các cấp độ từ TW xuống địa phương. Nó vừa là ”nguồn sống” của  tất cả những người làm công ăn lương nhà nước, vừa là hậu cứ của các thế lực tham nhũng xuyên quốc gia. Nó không chỉ được tập thể che chở mà còn được nhà nước "thể chế hóa" bằng các quy định hoặc luật lệ bất thành văn. Cái gọi là phần “mềm” đã từ lâu là một bộ phận cấu thành  tiền lương công chức, và thực chất đó là phần “lậu” đã được hợp thức hóa. Nó quen thuộc đến nỗi không còn ai thấy đó là sai trái. Mới đây một vị phó GĐ trong 3 dự án bị nhà tài trợ Đan Mạch nghi tham nhũng đã thản nhiên biện bạch một cách trơn tuột rằng “Cán bộ khoa học hiện nay không thể sống bằng lương được, vì thế khi có dự án thì họ phải làm thêm thông qua các hợp đồng này. Bản thân tôi cũng nhận hai khoản, một là lương của viện, một là khoản “bù lương” mà phía Đan Mạch đã chấp thuận là 300 đôla/tháng, chứ không phải hai lương như kiểm toán nói” (theo BáoTT ngày 3/6/2012). Nhưng không chỉ có vậy; một khi đã chấp nhận “bù lương” thì bù bao nhiêu, bù như thế nào chỉ là câu chuyện của sợi cao su co giản!  Đó là lý do tại sao cán bộ công chức thích "làm dự án".
Nhưng cũng không chỉ có dự án, mà làm nghề gì ăn nghề đó! Hải quan, thuế vụ, công an hoặc bất cứ ngành nào có nguồn thu cho ngân sách đều  được phép “trích %” từ nguồn thu để bù vào lương; chính quyền phường xã ăn từ đất; dân hành chính bàn giấy cũng có cách ăn từ công văn, giấy tờ , v.v... .  Quan nhỏ ăn nhỏ, quan to ăn to, rào rào như tằm ăn tơ vậy!  Xem cái cách ăn của Vinashin,Vinalines sẽ thấy họ không chỉ ăn mà phá nhiều hơn cả phần ăn! Có lẽ không nước nào trên thế giới lại có quy chế cho phép các cơ quan công quyền được “làm 3 lợi ích”, "làm kinh tế" như Việt Nam. Đó  là những quy chế không bình thường và chúng là nguyên nhân gây ra  tệ nạn tham nhũng tập thể, một loại hình tham nhũng rất khó chống. Qua cung cách của những vụ tham nhũng phát lộ gần đây cho thấy hầu hết thủ phạm đầu sỏ đều đã trưởng thành từ tập thể, được tập thể tán thưởng và đề bạt. Nói cách khác bọn họ đều có một võ bọc của những tập thể quần chúng và tập thể lãnh đạo nào đó; họ không đơn độc.    

Vòng luẩn quẩn lương-lậu
Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Nhưng trong trường hợp Việt Nam không thể không tính đến nguyên nhân  tiền lương không đủ sống kéo dài hơn 1/2 thế kỷ đủ lâu để làm băng hoại cả một bộ máy công quyền khiến  nhà nước phải liên tục tăng thêm biên chế nhưng  không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ. Biên chế ngày càng phình to mất cân đối so với quỹ lương lương ắt dấn đến tình trang lương vốn đã thấp ngày càng thấp hơn. Ước tính, đội ngũ công chức (bao gồm cán bộ công nhân viên và quân đội ăn lương nhà nước) hiện nay đã tăng lên quảng 2 triệu người trong tổng số 6 triệu người người ăn lương nhà nước (kể cả bộ đội và người về hưu). Tức là cứ 45 người có một công chức, và cứ 15 người có một người ăn lương nhà nước. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới thì phải (?). Nhưng lương nào có ra lương! Giá trị đồng lương thực tế liên tục giảm. Ví dụ lương tháng tối thiểu năm 1960 tuy chỉ khoản 15 đồng nhưng có thể mua được hơn 01 chỉ  vàng, cộng các khoản phụ cấp, người nhận lương vẫn nuôi sống được gia đình ở mức đạm bạc; trong khi lương tối thiểu năm 2012 là 1.050.000 đồng chỉ mua được 1/4 chỉ vàng, và chỉ  nuôi sống bản thân trong vòng 1-2 tuần lễ. Cách so sánh đơn giản này cũng cho thấy tình trạng tương tự đối với các cấp độ lương cao hơn. Mức độ chênh lệch giữa các bậc lương chính thức không nhiều , ví dụ lương những người lãnh đạo cao nhất quảng 13 triêu đồng, tức gấp 12 lần lương tối thiểu. Nhưng mức chệnh lệch trong thu nhập thực tế thì vô cùng lớn, vì các cấp càng cao càng có nhiều khoản trợ cấp với giá trị gấp hàng trăm lần lương, đặc biệt, chúng được áp dụng một cách không minh bạch, rõ ràng. Thử hỏi cán bộ công chức và toàn bộ khối  những người làm công ăn lương làm cách gì để có thể duy trì cuộc sống của họ nếu không tham nhũng?

Để "bù lương" cho toàn bộ đội ngũ công chức "sống được", quỹ lương thực sự của nhà nước ắt phải gấp nhiều lần quỹ lương công khai . Trên thực tế, đa số công chức Việt Nam thường có thu nhập thực tế cao hơn hàng chục lần lương chính thức. Điều này có nghĩa, theo quy luật tổng giá trị tài sản quốc gia không đổi, một giá trị tài sản nhà nước khổng lồ thường xuyên bị thất thoát. Đó là chưa kể những giá trị vô hình bị mất đi do hậu quả của cả quá trình tham nhũng gây ra như chất lượng công trình kém và nhiều dạng lãng phí, v.v...Nhưng hậu quả năng nề nhất chính là sự chậm tiến của nền kinh tế đất nước và nguy cơ "đe dọa sự tồn vong của chế độ" như đã được tống kết trong NQ TW 4 khóa XI mới đây.  Tóm lại, 3 nhân tố công chức, tiền lương và tham nhũng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong một vòng luẩn quẩn theo hình xoáy trôn ốc, trong đó quy mô và mức độ tham nhũng của thời kỳ sau bao giờ cũng lớn hơn thời kỳ trước. Đó là lý do tại sao quỹ lương không bao giờ đủ để chi trả cho một biên chế ngày càng phình to.Tuyệt đối không phải là do đất nước nghèo mà do tham nhũng làm nghèo đất nước!

Hết phương cứu chữa hay không muốn cứu chữa?
Do đã quá quen chung sống với tệ nan tham nhũng, người dân nói chung và bộ phận  công chức bình thường tỏ ra thờ ơ hoặc bất lực trước vấn nạn tham nhũng. Nhưng đồng thời có một bộ phận công chức, kể cả ở cấp cao, không thật sự thấy cần thay đổi chế độ tiền lương không đủ sống, vì họ muốn tiếp tục lợi dụng các kẻ hở của chế độ hiện hành để kéo dài cơ hội tham nhũng. Họ thậm chí cố tình ngăn chặn tiến trình cải cách. Giả thiết này tỏ ra có lý đối với những quan chức đang nắm giữ những nguồn tài sản công béo bở hoặc những cương vị mà kẻ khác phải tìm đến để cống nạp.Những nhóm người này thường có khả năng tự tung tự tác trong các vụ tham nhũng trị giá tiền nghìn tỷ như PMU 18, Năm Cam, Hành lang Đông Tây, Vinashin,Vinalines và hàng loạt vu việc đang bị nghi vấn khác. Giả thiết trên cũng đúng trước thực tế ngày càng nhiều người mua quan bấn chức. Chưa bao giờ chức vụ lại trở nên “đắt giá” như bây giờ khi người ta sẵn sàng bỏ ra bạc tỷ để mua một chức vụ đôi khi chỉ là cấp chủ tịch phường, xã , thậm chí chỉ là cấp trưởng thôn. Họ làm vậy hoàn toàn không phải vì giá trị của đồng lương, mà vì  những món lợi kếch sù sẽ thu được khi ngồi vào chiếc ghế đó. Đó cũng là lý do tại sao ở Việt Nam ngày nay không quan chức nào chịu từ chức dù kém cỏi hoặc mất uy tín đến đâu đi nữa.
 

Chữa bệnh gì cũng phải chữa từ nguyên căn của nó. Chữa một mụn nhọt nếu chỉ bôi thuốc đỏ bên ngoài mà không nặn lấy hết cồi thì không bao giờ hết nhọt.  Nếu chỉ kêu gọi “phê và tự phê”, thậm chí tìm diệt từng cá nhân tham nhũng thì không khác nào chỉ bóc một phần lớp da bên ngoài. Nói đến tham nhũng ở Việt Nam không thể bỏ qua đặc thù “tham nhũng tập thể”. Nói đến nguyên nhân tham nhũng  không thể bỏ qua nguyên nhân của tình trạng lương không đủ sống kéo dài . Và càng sai lầm nếu cho rằng đến nay công chức vẫn sống được và sống tốt hơn trước nên chưa cần đặt ra vấn đề tăng lương! 
   
Nếu thật sự muốn chống tham nhũng
Vẫn biết để giải quyết vấn nạn tham nhũng như hiện nay ở Việt Nam không thể làm nhanh và triệt để trong một thời gian ngắn và bằng một số biện pháp đơn giản. Nhưng  trước hết cần có cách tiếp cận chủ động, tích cực và kiên quyết. Đó là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Giải pháp cụ thể xin nhường lại các nhà chuyên môn, chuyên ngành. Song làm gì cũng không nên thiếu  4 nhóm biện pháp cơ bản dưới đây.
a)     Hoạch định một lộ trình hoàn chỉnh hợp lý về cắt giảm biên chế song song với việc tăng lương, trong đó biên chế phải được cắt giảm khoảng ½ so với hiện nay, đồng thời   lương tối thiểu phải tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo mỗi cán bộ công chức có thể sống và góp phần (với lương vợ hoặc chồng) nuôi sống gia đình của họ mà không phải làm việc thêm nào khác. Mức lương đó phải đủ sức hấp dẫn khiến cho mỗi công chức phải chọn lựa giữa lương hoặc mất chức do tham nhũng.
   Thời gian thực hiện: không chậm hơn  từ 3-4 năm.
b)    Thiết lập lại toàn bộ chế tài để đảm bảo rằng mọi công chức nếu vi phạm  tham nhũng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị mất chức ngay lập tức, không thuyên chuyển sang đơn vị khác. Bộ chế tài này cần có sự đồng thuận của công chức và của nhân dân, và được Quốc hội phê chuẩn.  
c)     Chấp nhận và áp dụng hình thức tham khảo ý kiến của người dân (public opinion poll) và bỏ phiếu tín nhiệm (credit voting) đối với tất cả lãnh đạo và công chức trực tiếp liên quan đến những người tham gia bỏ phiếu. Đây là hình thức  hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới đã và đang làm, không có lý gì Việt Nam muốn cải cách tiến bộ mà không áp dụng.
d)    Chấp nhận và thực hiện công khai minh bạch đối với  3 biện pháp nói trên cũng như toàn bộ chủ trương chính sách và kế hoạch thực hiện.  Đây là trách nhiệm của các cấp đảng và chính quyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo dư luận và mỗi cá nhân người lãnh đạo và công chức biết rõ về trách  nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Trên cơ sở đó thực hiện tốt việc giám sát lẫn nhau và giám sát của nhân dân.

Những điều trên đây nói là để nói thôi. Ai cũng biết và cũng nói "chống tham nhũng". Nhưng không biết ai chống ai đây? Liệu có ai chịu cầm búa ghè vào chân mình không nhĩ? 

Bài này được đăng tại Báo Nông nghiệpVN :
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/96693/Tham-nhung-Ai-chong-ai.aspx

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Nghe cặp đôi diva Thanh Lam, Mỹ Linh ru con thật tuyệt!

Bôi đen đường link, nhấn chuột phải ...và chọn Open link

http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2012/06/thanh-lam-nga-nhao-tren-san-khau/page_7.asp

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Vẫn còn những kẻ bành trướng biết điều?


“Thời báo hoàn cầu” ngày 11/5  có bài tổng hợp ý kiến đánh giá của các chuyên gia, cảnh báo về những sai lầm chiến lược mà Trung Quốc trỗi dậy cần phải nghiêm ngặt phòng tránh và những việc cần làm, trong đó có sai lầm tai hại là dựa vào vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc: Một Trung Quốc phát triển nhanh cần phải kiên trì phát triển hòa bình không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp, vì: thứ nhất sự tồn tại của nước Mỹ là một hiện thực mà Trung Quốc không thể né tránh, sự chênh lệch về thực lực tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn rất lớn; thứ hai, vũ lực không những không giải quyết được vấn đề, mà thậm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn; thứ ba, nếu Trung Quốc giữ được nhịp độ phát triển nhanh toàn diện thì rất nhiều vấn đề khác sẽ có thể dễ dàng được giải quyết; thứ tư, nếu xảy ra chiến tranh sẽ đem lại nhiều tổn thương tai hại lơn cho kinh tế xã hội, làm mất đi lợi thế phát triển nhanh. Tuy nhiên, không sử dụng vũ lực không có nghĩa là để mặc cho người khác tha hồ xâu xé, cũng không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không sử dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề hiện thực. Nói tóm lại, chúng ta mãi mãi phải giữ cho được mình là dân tộc lớn hòa bình nhưng trong những sách lược cụ thể cần có những ứng xử linh hoạt.
Hoàng Nhân Vĩ, Phó viện trưởng Viện khoa học xã hội Thượng Hải: Trong 10 đến 20 năm tới Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ nguy hiểm chiến lược, nhưng vẫn phải đặt cơ hội chiến lược lên hàng đầu, nguy hiểm chiến lược ở hàng thứ yếu. Chỉ có như vậy mới có thể vượt qua thời kỳ nguy hiểm chiến lược. Hòa bình không chỉ có nghĩa là giữa các nước lớn không xảy ra đại chiến thế giới, mà còn đòi hỏi Trung Quốc không được đối đầu với cả thế giới phương Tây, không đối đầu với phân lớn các quốc gia không thể là hình ảnh của một quốc gia hiếu chiến trong dư luận quốc tế.
Cung Lực, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc: Đối với sự can thiệp và thách thức từ bên ngoài, Trung Quốc càng phát triển thì biện pháp chống kiềm chế càng nhiều, việc bảo vệ hòa bình cũng sẽ càng có lợi. vấn đề mấu chốt hiện nay là phải kiên trì nhận định chiến lược “hòa bình và phát triển là chủ đề của thời đại”. Trung Quốc gần 30 năm nay tuy phát triển nhanh nhưng trước mắt vẫn chưa chuyển hóa được thực lực tổng hợp qua phát triển nhanh thành khả năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tôn Kiến Hàng, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng Trung ương: Địa vị của Châu Á-Thái Bình Dương trong bố cục chung của thế giới, nhất là địa vị kinh tế đã có sức nặng hơn, trung tâm kinh tế đang dịch chuyển về Châu Á. Chiến lược trở lại Châu Á của Mỹ vừa nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, cũng vừa nhằm hợp tác với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ trở lại Châu Á đã làm dấy lên một loạt vấn đề ở xung quanh Trung Quốc, đòi hỏi Trung Quốc phải kiên trì con đường phát triển hòa bình, nhưng cũng phái căn cứ vào tình hình xung quanh, đối phó linh hoạt, kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi, nếu không sẽ tạo ra ảnh hưởng mặt trái đối với thời kỳ cơ hội chiến lược. Mặt khác, Mỹ hợp tác với Trung Quốc cũng không hoàn toàn xuất phát từ tình ý giả tạo, vì thông qua hợp tác với Trung Quốc, Mỹ có thể có được lợi ích. Vi thế, Trung Quốc phải học cách lợi dụng nhu cầu này cua Mỹ, thay đổi phương thức tư duy, trong khi giữ vững ngọn cờ hòa bình cũng đồng thời áp dụng nhiều biện pháp đi cùng với Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình tránh một mực khăng khăng né tránh bất đồng hoặc áp dụng khẩu hiệu giáo điều.
Cao Tổ Quý, Giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Trường Đảng Trung ương: Có 5 cặp quan hệ tam giác chồng lấn và đan xen lẫn nhau ảnh hưởng đến xu hướng chiến lược ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đó là các cặp tam giác Trung – Mỹ – Châu Âu, Trung – Mỹ – Nga, Trung – Mỹ – Ấn, Trung – Mỹ – Nhật, Trung – Mỹ – ASEAN. Trong 5 cặp tam giác nói trên, có hai mạch chủ chốt, đó là mạch quan hệ Trung – Mỹ và sự điều chỉnh chiến lược giữa Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN. Về quan hệ Trung-Mỹ, trong tương lai xu hướng quan hệ chiến lược của hai nước Mỹ-Trung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ quyết định trực tiếp đến xu hướng quan hệ của cả 5 cặp tam giác nói trên. Về việc điều chỉnh chiến lược giữa Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN thì sự phân hóa và tổ hợp của các nước này và cả nhóm của các nước đó sẽ khiến cho cục diện cũ trở nên phức tạp khác thường. Đứng trước những thay đổi như vậy, Trung Quốc cần phát huy ảnh hưởng kinh tế của mình ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, gắn kết giữa năng lực địa kinh tế với khuôn khổ địa chính trị, đối phó với việc Mỹ thành lập mạng lưới đồng minh và đối tác rộng khắp ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài nước Mỹ, phải đồng thời phát triển quan hệ với nhiều nước lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, điều chỉnh lại sách lược xử lý quan hệ nước lớn trước đây.
Thiệu Phong, Chủ nhiệm Phòng Chiến lược, Ban Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới-Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: Trình độ phát triển tổng thể của quốc gia mới thể hiện sức mạnh mềm của quốc gia đó. Công tác nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trung Quốc hiện nay rất cần giải quyết 4 vấn đề sau: Một là vấn đề về thời cơ chiến lược, Trung Quốc cần nắm vững thời cơ chiến lược như thế nào và giải quyết vấn đề lịch sử để lại ra sao; hai là Trung Quốc có rất ít bạn trên thế giới, nên cần phải thông qua thiết lập quan điểm giá trị chung và lợi ích chung, tranh thủ nhiều bạn hơn trong cộng đồng quốc tế; ba là nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc; bốn là tăng cường xây dựng kinh tế, xã hội của quốc gia.
Vương Hồng Tục, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu ngoại giao Trung Quốc, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng Trung ương: Trong khi hoạch định chiến lược quốc tế, môi trường trong nước và môi trường quốc tế đều quan trọng như nhau. Tình hình phát triển của Trung Quốc hiện đang mất cân bằng, sức mạnh mềm về văn hóa lạc hậu nhiều so với phát triển kinh tế, địa vị Trung Quốc ở vào thể yếu về quyền phát ngôn và dư luận quốc tế. Trong tình hình nói trên, chiến lược cơ bản của Trung Quốc được hoạch định trong những năm 80 của thể kỷ trước vẫn cần phải tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên cần phải căn cứ theo tình hình mới và đặc điểm mới đế điều chỉnh thích hợp. Hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có chiến lược văn hóa quốc tế một cách có hệ thống.
Trương yến Sinh, Tổng thư ký Hội đồng học thuật – Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia: Trong vài năm tới, với tốc độ phát triển như hiện nay thì kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong tiến trình đó, giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xuất hiện tình trạng cạnh tranh, Mỹ sẽ bằng mọi cách cản trở Trung Quốc, vì thế đối với Trung Quốc, đây là thời kỳ then chốt trong quá trình phát triển của một nước. Nếu Trung Quốc muốn đối phó được với triển vọng bất lợi như hiện nay thì phải thay đổi phương thức phát triển của 30 năm trước để xây dựng mô hình phát triển trên cơ sở các quy tắc và pháp chế, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo mô hình hướng ngoại sang mô hình quốc tế hóa với các yếu tố về nhân tài, thị trường, tư bản, ngành nghề, tiếp cận với các quy chế quốc tế về các phương diện thể chế, chiến lược và kết cấu, trong đó trung tâm là thay đổi thể chế.
Vương Phàm, Trợ lý Viện trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc: Xét từ hiện trạng quyền lực và chính trị ở khu vực Châu Á thì tư duy chiến tranh lạnh không thể loại bỏ được, Trung Quốc cần phải giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của tư duy chiến tranh lạnh, dự báo đề phòng và kiểm soát khủng hoảng, đi đến nhận thức chung với Mỹ trong bối cảnh duy trì hiện trạng ở Châu Á. Một mặt tăng cường hợp tác an ninh đa phương, mặt khác tăng cường hợp tác an ninh phi truyền thống, tận dụng triệt để hiện tượng cộng sinh ở Đông Á, giải quyết tốt vấn đề phát triển cân bằng ở Đông Á./.
Lê Sơn (gt)

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Không biết thế nào là tham nhũng


Trước tình hình dư luận đang xôn xao xung quanh sự kiện nghi tham nhũng khiến chính phủ Đan Mạch quyết định cắt tài trợ cho 3 dự án ở Việt Nam, đã có ngay sự thanh minh đồng loạt từ phía các quan chức dự án Việt Nam. 

Hy vọng những lời thanh minh của họ là  sự thật, hoặc ít ra cũng góp phần "làm chìm" sự kiện mang tầm quốc tế này giữa lúc đất nước đang đứng trước mấy vụ tham nhũng quốc nội tầy đình mang họ "Vina..." . Nhưng có một chi tiết khiến dư luận khó đồng tình. Đó là bên cạnh những lời hay ý đẹp của các vị chức trách Việt Nam đều là một cách lập luận "dấu đầu hở đuôi" như thường lệ. Xin trích ra đây lời của một vị phó GĐ dự án nói: “Cán bộ khoa học hiện nay không thể sống bằng lương được, vì thế khi có dự án thì họ phải làm thêm thông qua các hợp đồng này. Bản thân tôi cũng nhận hai khoản, một là lương của viện, một là khoản “bù lương” mà phía Đan Mạch đã chấp thuận là 300 đôla/tháng, chứ không phải hai lương như kiểm toán nói” – theo BáoTT hôm nay 04/6/2012. 
Mọtt chi tiết khác đáng chú ý là, vị phó GĐ này cũng là người có cô con gái “tình cờ” trúng tuyển học bổng của Đan Mạch đúng vào thời kỳ dự án đang vận hành, và việc này cũng bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan kiểm toán Đan Mạch.

Lời giải thích trên đây có nghĩa: Lương không đủ sống là lý do để vị phó GĐ phải được "bù lương" bằng tiền lấy từ nguồn tài trợ dự án. Có lẽ đây cũng là cách hiểu phổ biến trong giới công chức Việt Nam ngày nay(?). Đó là một hậu quả của cả quá trình lương không đủ sống kéo dài 1/2 thế kỷ, mà trong quá trình đó, tham nhũng đã được "thể chế hóa" dưới những quy định khác nhau cho phép các cơ quan công quyền, kể cả các viện nghiên cứu, được "làm ba lợi ích" hoặc được trích tỷ lệ % từ nguồn thu để bù vào lương,v.v...  Rốt cuộc những quy định lúc đầu chỉ là tạm thời như những giải pháp tình huống thì giờ đây đã trở thành chính thức tạo cơ sở pháp lý cho công chức có quyền được "bù lương" vào đồng lương bao giờ cũng có "phần cứng" và "phần mềm"; và theo đó tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng có quyền "làm kinh tế tập thể" hoặc xè xẻn các nguồn công quỹ.  Có lẽ không mấy nước nào trên thế giới mà người công chức lại được sử dụng quyền hạn, thời giờ và công sản để kiếm thêm thu nhập như thế .  Đó chính là cái kẻ hở mà từ con kiến đến con voi đều có thể chui qua vừa khít!  Suy cho cùng, đã là quan chức Việt Nam thì ít nhiều đều can dự vào vấn nạn tham nhũng dù vô tình hay cố ý. Và đó là môi trường mà "sờ đâu cũng thấy tham nhũng".

Đối với người Việt Nam cách hiểu như ông phói GĐ có thể là bình thường. Nhưng với quốc tế, không thể có một chế độ lương công chức nhập nằng như vậy.  Đây chính là một lỗi trong cái gọi là "lỗi hệ thống" mơ hồ lâu nay. Nó chỉ có thể được chỉnh sữa bởi chính những người đứng đầu hệ thống, trong đó một việc không thể trì hoãn là thiết lập một chế độ lương công chức nghiêm chỉnh. Điều mà vị phó GĐ đã "vô tư" nói ra trên đây có thể là bình thường trong điều kiện Việt Nam, nhưng  là điều mà các công tố viên tại các tòa án quốc tế thường khuyên kẻ phạm tội: Hãy đừng nói gì, vì những gì ông /bà nói ra sẽ có thể chống lại ông/bà! ./.     



Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Đan Mạch ngừng tài trợ 3 dự án cho VN vì nghi tham nhũng



Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này