Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Những lo ngại mới tại biển Đông

Liên tục tuyên bố không gây hấn nhưng trên thực tế Trung Quốc vẫn không ngừng triển khai các hoạt động gây quan ngại trên biển Đông. Theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ngày 15.3 nêu rõ: “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc mời thầu dầu khí 19 lô ở bắc biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 1 hải lý. Ngày 2.3, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tờ China Daily dẫn lời quan chức Vương Nhu Long thuộc Ban Phát triển du lịch tỉnh Hải Nam cho hay Trung Quốc đang lập kế hoạch phát triển du lịch ở Hoàng Sa. Chưa hết, chính quyền tỉnh Hải Nam còn dự kiến tổ chức đua thuyền buồm từ Tam Á đến Hoàng Sa vào ngày 28.3… Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa, theo Tân Hoa xã.

Trung Quốc phô trương lực lượng tàu chiến tại Thanh Đảo - Ảnh: AFP
Từ lập đặc khu hành chính…
Phát biểu bên lề Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) mới đây, thiếu tướng La Viện, Giám đốc điều hành Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên thành lập lực lượng cảnh sát biển bán quân sự; triển khai thêm nhiều lực lượng đến các đảo đang tranh chấp; khuyến khích ngư dân và các công ty dầu khí bắt đầu hoạt động tại đây. Tờ PLA Daily của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn dẫn lời ông La kêu gọi thành lập đặc khu hành chính ở biển Đông. Ông này không phải là phát ngôn viên chính thức của chính quyền nhưng quan điểm của tướng La được đăng trên cơ quan ngôn luận của PLA cho thấy đây có thể là suy nghĩ chung của một bộ phận tướng lĩnh.
Trung Quốc hiện chưa có lực lượng tuần tra bờ biển chính thức nhưng có ít nhất 6 bộ liên quan đến các công tác biển. Trong đó, khét tiếng nhất là lực lượng hải giám thuộc Cục Hải dương (Bộ Đất đai và Tài nguyên thiên nhiên) và ngư chính thuộc Cục Quản lý thủy sản (Bộ Nông nghiệp). Đây là 2 lực lượng tàu liên tục có các hành động gây lo ngại cho các bên ở biển Đông, biển Hoa Đông trong thời gian qua và thường xuyên được tăng cường tàu, máy bay trực thăng… Vậy mà báo China Daily còn dẫn lời nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Trần Minh Nghĩa chê hải giám và ngư chính “thiếu cứng rắn” và đề nghị lập thêm Bộ Các Đại dương.
... đến chia đôi Thái Bình Dương?
Cũng trong năm nay, Bắc Kinh sẽ triển khai tàu thăm dò dầu khí nước sâu Ocean Oil 708, với khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m và khoan đến 600m dưới thềm biển, theo tờ nhật báo Dầu khí Trung Quốc. Giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này là Ocean Oil 981 cũng được triển khai đến vùng phía bắc của biển Đông, nhưng không rõ là nơi nào. Đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể là giàn 981 đã tới đâu, càng làm tăng lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các hoạt động của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp.
Bên cạnh đó, nước này cũng không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự dù vẫn đưa ra các tuyên bố hòa bình. Mới đây, báo chí Trung Quốc dẫn lời giới chức cho hay tàu sân bay đầu tiên của nước này có thể sẽ được triển khai ở biển Đông từ ngày 1.8 dù mục đích chính hiện nay vẫn là “huấn luyện và nghiên cứu”. Vào đầu tháng 2, Hạm đội Nam Hải cũng tiến hành tập trận với tàu đổ bộ lớn Tỉnh Cương Sơn. Đó là chưa kể thông báo tăng ngân sách quốc phòng năm 2012 lên 106,4 tỉ USD.
Trước sự quan ngại của nhiều phía cũng như việc Mỹ tỏ rõ ý định tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, tân Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh ngày 15.3 tiếp tục tuyên bố Bắc Kinh “chỉ muốn bảo vệ chủ quyền lãnh hải chứ không hề có ý định gây hấn với các quốc gia láng giềng”. AFP dẫn lời Đại sứ Mã nói thêm: “Thái Bình Dương đủ rộng để chứa cả Mỹ và Trung Quốc”.
Giới quan sát nhận định các hành động và tuyên bố vừa qua một mặt tiếp nối chính sách và chiến lược lâu nay của Bắc Kinh trong khu vực. Mặt khác, chúng được đưa ra trong thời gian diễn ra 2 kỳ họp quan trọng ở Trung Quốc là Hội nghị Chính hiệp và họp Quốc hội cũng như trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Do đó, có thể mục đích còn nhằm gây thanh thế, tạo tiếng vang và khẳng định đường lối trước khi Trung Quốc có việc chuyển đổi thế hệ lãnh đạo cấp cao./.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Biển Đông: Trung Quốc nên học bài của người Mỹ

Trong dân gian có những câu ngụ ngôn về sức mạnh  như “Cá lớn nuốt cá bé”, “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn”, v.v... rất đúng với thế giới động vật hoang dã, nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng trong thế giới loài người, nhất là loài người văn minh của thế giới hiện đại . Đáng tiếc là, những thế lực “diều hâu” ở Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục nhầm lẫn về điều này. Họ không ngớt lời kêu gọi tăng cường sức manh quân sự để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông. Họ không hiểu rằng ngoài sức mạnh và khoảng cách, còn  một  yếu tố quyết dinh hơn đó là đạo lý. Đó là sai lầm của họ, nhưng để trả giá cho sai lầm đó của họ, chắc chắn không chỉ có họ mà còn đối với hàng triệu người Trung Quốc và các dân tộc khác, nhất là khi một cuộc chiến nổ ra tại đây.  
Thoạt nhìn tưởng rằng sở dĩ nước Mỹ kiếm soát được Thái bình dương (TBD) chỉ là nhờ sức mạnh. Từ cách tư duy sai lầm đó, người Trung Quốc giờ đây cũng cho rằng khi đất nước họ đủ mạnh thì đương nhiên cũng phải được quyền kiểm soát, chí ít là phần phía Tây của TBD (!?). Cách tư duy này có lẽ không chỉ ám ảnh trong đầu óc giới diều hâu  mà còn lan sang phần lớn người dân nước này, nhất là khi nó được dung túng bởi giới lãnh đạo đất nước trong nhiều năm nay. Họ một mặc lên án sự thống trị của các thế lực thực dân nước ngoài khiến Trung Quốc bị suy yếu, thất thế và thua thiệt trong quá khứ, một mặt lại kích động tâm lý sức mạnh để thực hiện cái gọi là "đòi lại" những vùng lãnh thổ và biển đảo mà họ cho là "đã mất", trong đó có biển Đông. Về mặt nào đó thế giới có thể cảm thông với cái quá khứ đáng đau buồn của nhân dân Trung Quốc. Nhưng ý đồ độc chiếm biển Đông như một “lợi ích cốt lõi” thì thật là một sự tính toán sai lầm đầy nguy hiểm.
Sự nhầm lẫn chủ yếu nằm ở chỗ họ không thấy sự khác nhau giữa hai khái niệm CHIẾM GIỮ và KIỂM SOÁT. Cụ thể là, về vị trí địa lý, trường hợp nước Mỹ hoàn toàn khác với trường hợp Trung Quốc : Mỹ hầu như không bị quốc gia nào khác đứng ra tranh chấp chủ quyền tại bờ Đông của TBD (tức là bờ Tây của nước Mỹ), trong khi Trung Quốc nằm ở bờ Tây TBD với hàng chục quốc gia ven bờ và quốc gia quần đảo vây quanh - tất cả đều được hưởng quy chế quốc tế đầy đủ liên quan đến các quyền lợi về biển và đại dương . Nói cách khác, Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều quốc gia cùng chia sẻ lợi ích tại đây, trong đó có biển Đông vốn đã thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia ĐNẤ khác nhau. Hai là, từ trước đến nay chưa có một quốc gia nào kể cả Mỹ , Nhật Bản, đã thực sự chiếm giữ biển Đông; có chăng tùy thời kỳ họ chỉ thực thi sự kiểm soát trên thực tế đối với vùng biển này mà thôi. Nhật Bản đã chiếm đóng một số đảo nhỏ tại đây trong thời kỳ thế chiến II nhưng đều phải giao trả lại cho các bên trong vùng sau Hội nghị San Francisco năm 1945. Ngay cả Mỹ chỉ thực thi quyền kiểm soát đối với Thái bình dương, kể cả biển Đông chứ chưa bao giờ có quyền chiếm giữ tại đây.  Và sự kiểm soát đó không chỉ  nhờ sức mạnh mà chủ yếu nhờ biết tranh thủ được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực. Một số căn cứ của Mỹ đã được thiết lập tại đây đều dựa trên cơ sở thỏa thuận với các chính quyền sở tại và đều có thời hạn nhất định. Nói cách khác, nếu  không được sự ủng hộ của các quốc gia  Đông Á và ĐNA thì dù mạnh bao nhiêu Mỹ cũng khó mà làm được điều đó. Cụ thể là, Mỹ đã lợi dụng trạng thái đối đầu "hai phe" trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tranh thủ quan hệ với các quốc gia đồng minh tại khu vực nhằm thực thi quyền kiểm soát đối với toàn bộ bờ Tây Thái bình dương. Trong quá trình đó Mỹ không có ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông; và nếu có ý đồ đó, chắc chắn đã bị thất bại trước sự chống trả của chính bản thân các quốc gia trong khu vực. Biểu hiện rõ nhất của điều này là sự lung lay của vị thế kiểm soát của Mỹ tại Châu Á –TBD ngay sau chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 và tiếp theo sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh từ những năm 1990. Lúc đó Mỹ không còn có cớ để ve vãn các nước trong khu vực, và ngược lại các quốc gia ĐNA, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản, đều muốn nhân cơ hôi này để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Người Mỹ đã bắt buộc phải ra đi trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên về phần mình, người Trung Quốc, có thể vì quá tham vọng và ngạo mạn hoặc vì một lý do nào đó, không nhận thức được điều này nên đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng việc lựa chọn cách sử dụng sức mạnh để chiếm giữa biển Đông. Sai lầm cơ bản này khiến họ đánh mất cơ hội để tiến tới thay thế vai trò kiểm soát vùng biển phía Tây của TBD, trong đó có biển Đông. Nói cách khác người  Trung Quốc không nhận thấy tính “bất khả thi” của ý đồ độc chiếm đối với  biển Đông. Đây chính là nguyên nhân thất bại của họ như ta có thể thấy cho đến nay. Còn nhớ cảnh tượng các quốc gia Đông Nam Ấ, kể các các nước cựu thù trong thời kỳ Maoist, đã hân hoan chìa tay kết thân với Trung Quốc đại lục như thế nào…để rồi phải thụt tay lại như trường hợp Philippines, Indonesia, Malaysia, v.v...khi Trung Quốc thè cái “lưỡi bò” vào bên trong vùng biển của họ. Kết cục là Mỹ đã lại được hoan nghênh để quay lại đóng vai trò kiếm soát tại đây. Đó há chẳng quá đủ để người Trung Quốc tự rút ra một bài học rằng họ dù là nước lớn nhất nhì thế giới cũng có thể sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được vùng biển xung quanh nếu vẫn tiếp tục với quan điểm chiếm giữ dù chỉ là một cm2 biển đảo vốn không thuộc chủ quyền hợp pháp của họ tai đây. Lý do đơn giản là vì, bất cứ một ý đồ chiếm giữ  nào như vậy đều sẽ không thể chấp nhận bởi các quốc gia trong vùng. Và lợi ích đó của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.  Ngay cả trường hợp Trung Quốc một ngày kia có trở nên mạnh bằng hoặc hơn Mỹ cũng không thể thực hiện được ý đồ chiếm giữ như vậy. Nói cách khác, muốn tiến tới có một vai trò kiếm soát  tại biển Đông, Trung Quốc không có cách nào khác là phải học bài học của chính nước Mỹ, đó là chỉ có cách khôn khéo gây ảnh hưởng để thực thi quyền kiểm soát và tuyệt đối từ bỏ ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông. Bài học tưởng đơn giản nhưng có lẽ không dẽ học đối với một nước như Trung Quốc. /.


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này