Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Tin liên quan chuyến thăm TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng


                                          Dù sao cái bắt tay này là hơi quá mức ngoại giao!

Bạn đọc hãy nhấn chuột trái vào đường link dưới đây để đọc và nghe cho rõ, rồi suy ngẫm thật thấu đáo, đừng vội có ý kiến mà hãy "quán triệt" nội dung để sau này nhỡ có chuyện gì thì đừng có cãi! Cái chính là ở khâu vận dụng và thực hiện.

http://dantri.com.vn/c20/s696-526685/viet.htm

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

TQ nói về chuyến thăm sắp tới của TBT Nguyễn Phú Trọng


Theo BBC tiếng Việt ngày 9/10/2011:
Các chuyên gia cho rằng ông Trọng sẽ bàn về Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên với tư cách lãnh đạo đảng
Ông Nguyá»…n Phú TrọngTân Hoa Xã vừa có bài dài về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau các Bấm tin vắn trước đây của các báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý.
Trang mạng của Bấm Beijing Review, tuần báo bằng tiếng Anh xuất bản tại Bắc Kinh, dẫn lại bài của Tân Hoa Xã với tựa "Trung Quốc, Việt Nam tìm cách cải thiện quan hệ song phương."
Bài viết nhắc lại việc ông Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 11-15 tháng Mười theo lời mời của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, người cũng là Chủ tịch nước Trung Quốc.
Bài báo viết: "Chuyến thăm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương và cũng được coi là một bước tích cực cho cả hai phía nhằm giải quyết tranh cãi qua đàm phán."
Tân Hoa Xã nói ông Trọng mới đây đã tiếp tân Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu ở Hà Nội và nói với ông Hựu rằng Việt Nam luôn luôn "coi trọng việc tăng cường và phát triển tình hữu nghị truyền thống và quan hệ toàn diện với Trung Quốc."
Trung Quốc là một trong bảy quốc gia trên thế giới hiện có quan hệ "hợp tác chiến lược" với Việt Nam.
Tân Hoa Xã nói quan hệ hợp tác Việt - Trung, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đã có những "kết quả đáng kể".
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc dẫn lời ông Khổng nói tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 35% trong tám tháng đầu năm 2011 và đạt 25 tỷ đô la.
Ông cũng nói con số cho cả năm có thể lên tới 40 tỷ nhưng không nói về chuyện Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam là chính, góp phần lớn vào thâm hụt mậu dịch của Việt Nam.
Vấn đề Biển Đông
Tân Hoa Xã nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói về quan hệ truyền thống "tốt đẹp" và nói:
"Người dân Việt Nam sẽ luôn nhớ sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong quá khứ cũng như trong xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay."
Bài được Beijing Review trích đăng lại cũng nhắc tới chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Chín của ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.
Ông Đới được trích lời nói Trung Quốc và Việt Nam cần coi trọng việc "giải quyết đúng đắn những vấn đề nhạy cảm" trong quan hệ hai nước."
"Chủ đề Biển Đông quá to lớn và quan trọng nên không thể lờ đi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể trông đợi một thỏa thuận hay giải pháp từ chuyến đi này."
Giáo sư Carlyle Thayer
Đưa tin về cuộc gặp giữa ông Đới và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó, báo chí Việt Nam nói ông Dũng đề cập tới vấn đề Biển Đông và nói rằng "việc hai bên còn khác biệt là thực tế khách quan."
Vị thủ tướng cũng được trích lời nói đối thoại Việt - Trung về vấn đề này cần "dựa trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc không công bố nghị trình chuyến đi của vị tổng bí thư Việt Nam, Bấm các nhà phân tích cho rằng ông Trọng sẽ bàn tới vấn đề Biển Đông khi ở thăm Trung Quốc.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Australia, nói: "Chủ đề Biển Đông quá to lớn và quan trọng nên không thể lờ đi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể trông đợi một thỏa thuận hay giải pháp từ chuyến đi này."
Ông Thayer cũng bình luận: ""Đây sẽ là phép thử quan trọng cho sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò tổng bí thư."


--------------

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói về Biển Đông

Nội dung dưới đây được đưa lại theo cách diễn đạt của đài BBC tiếng Việt ngày 4/10/ 2011 và không nhất thiết phù hợp hay không với quan điểm của chủ blog. 
Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hà Nội hồi cuối tháng Tám
Ông Minh có cuộc giao lưu bằng tiếng Anh trong hơn 60 phút tại New York hôm 27/9
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời những câu hỏi về Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc tại buổi giao lưu kéo dài ở New York hôm 27/9.
Bấm Video dài hơn một tiếng của cuộc nói chuyện và hỏi đáp bằng tiếng Anh này đã được đưa lên trang của Council on Foreign Relations - Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ.
Người dẫn chương trình Bob Woodruff dẫn ý kiến nói rằng "Trung Quốc coi Biển Nam Trung Hoa như chiếc lưỡi bò lớn" và hỏi ông Minh về khả năng có xung đột vũ trang tại vùng biển này.
Ông Minh nói Việt Nam có quan hệ "hợp tác toàn diện" với Bắc Kinh và Trung Quốc là một trong bảy nước trên thế giới có quan hệ "đối tác chiến lược" với Việt Nam.
"Mối quan hệ [Việt - Trung] tốt đẹp trong mọi lĩnh vực.
"...Chỉ có một vấn đề tồn đọng. Đó là điều ông đã đề cập tới - đường lưỡi bò.
"Đường lưỡi bò là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý."
Vị bộ trưởng giải thích cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà theo đó Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
'Đủ vũ khí'
Đại diện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại bình luận tiềm lực hải quân của Hoa Kỳ ở chừng mực nào đó đã đạt tới cực điểm và những hạn chế về ngân sách cũng như hoạt động của họ ở những nơi khác trên thế giới ảnh hưởng tới khả năng tham gia của Washington tại Biển Nam Trung Hoa.
Ông Woodruff đặt câu hỏi Việt Nam cần Hoa Kỳ đẩy mạnh tiềm lực của họ trong khu vực ra sao.
Ông Minh không trả lời thẳng câu hỏi này mà giải thích: "Tại Biển Nam Trung Hoa mà chúng tôi gọi là Biển Đông có ba mảng của vấn đề.

"Chúng tôi có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước."
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
"[Thứ nhất] tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình giữa các nước liên quan.
"Mảng thứ hai của Biển Đông là an ninh và ổn định trong khu vực.
"...Và mảng thứ ba là tự do lưu thông. Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tự do lưu thông và dĩ nhiên ảnh hưởng tới không chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản mà cả các nước khác như Ấn Độ.
"Chúng tôi coi trọng cố gắng của các nước ở trong và ngoài khu vực nhằm giữ ổn định."
Đề cập tới vấn đề ngân sách quốc phòng, ông Minh nói các khoản tiền Việt Nam bỏ ra để mua vũ khí, chủ yếu của Nga, vẫn "nhỏ" tính theo phần trăm của GDP.
"Chúng tôi có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước," ông Minh nói.
'Cam kết không đổi'
Toàn bộ cuộc giao lưu, bao gồm khoảng 10 phút diễn văn của ông Minh và 50 phút hỏi đáp diễn ra bằng tiếng Anh.
Việt Nam bị nhiều chỉ trích về nhân quyền trong thời gian gần đây
Xem lại qua video, phóng viên Nguyễn Hùng của BBC nhận xét khả năng tiếng Anh của ông bộ trưởng đủ để người nghe hiểu ý ông muốn nói nhưng có lẽ không đủ để có sức lôi cuốn.
Cũng có câu hỏi dài về nhân quyền ông Minh không hiểu và phải nhờ tới phiên dịch.
Người hỏi từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích nói Việt Nam đã có thành tích tốt về việc ký kết các công ước nhân quyền nhưng thực tế về việc minh bạch trong đón tiếp các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các nhóm quốc tế vào Việt Nam lại không được như vậy.
Ông Minh nói Việt Nam hoan nghênh những chuyến thăm và thông tin đưa ra là không đúng.
Vị Bộ trưởng Ngoại giao cũng bảo vệ hiện trạng quyền con người ở Việt Nam và chỉ ra rằng ngay cả Anh Quốc cũng phải có Bấm những biện pháp cứng rắn để đối phó với những đám đông vi phạm pháp luật.
Ông nói với cử tọa tại New York: "Tôi biết một số quý vị trong phòng này đã tới Việt Nam và thấy nhiều thay đổi tại Việt Nam, nhất là kể từ năm 1975 tới nay.
"Và một thứ có thể không đổi - đó là cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam."


--------------
*****

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Phải chăng người Mỹ lo lắng về chiến tranh với TQ là một cách để tự hoàn thiện bản thân ?(*)

 

James Traub/2-9-2011
Trần Ngọc Cư dịch và gửi đăng trực tiếp trên Boxitvn

Mười năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, phải chăng Mỹ đã quá bận tâm với những đe dọa của các phe nhóm mà lơ là với hiềm họa từ các nước lớn đang vỗ ngực xưng hùng? Hay, nói trắng ra, Mỹ phải sợ Trung Quốc (TQ) tới mức nào?Hẳn nhiên, chúng ta biết rằng TQ đang giữ trong tay một số trái phiếu kếch xù của Bộ Tài chính Mỹ trị giá 1.500 tỉ đôla và vì thế đang chi phối nền kinh tế Mỹ; rằng TQ không chịu định lại giá đồng nhân dân tệ một cách đáng kể và vì thế vẫn duy trì bất quân bình mậu dịch quá lớn đối với Mỹ; và rằng TQ đã bắt đầu mua bất động sản và các tài sản khác của Mỹ (có lẽ gồm cả Đội Bóng chày Los Angeles Dodgers). Nhưng liệu người Mỹ có nên coi TQ là một mối đe dọa an ninh quốc gia thay vì chỉ là một mối đe họa kinh tế hay không?

Các tác giả của bản tường trình “Các Liên minh châu Á trong Thế kỷ XXI”, được xuất bản bởi Viện Dự án 2049 (the Project 2049 Institute), một viện nghiên cứu chính sách bảo thủ (a conservative think tank) về các vấn đề Đông Á, nhấn mạnh rằng chúng ta phải coi TQ là một mối đe doạ an ninh quốc gia. (Tác giả chủ đạo là một học giả thuộc Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Ông Dan Blumenthal, cộng tác viên trang blog Shadow Government của Foreign Policy). Bản tường trình kết luận rằng “tham vọng quân sự của TQ đang đe dọa các đồng minh Mỹ tại châu Á, đặt ra các nghi vấn về sự khả tín trong những cam kết của Mỹ đối với đồng minh, đồng thời đe dọa chiến lược quân sự Mỹ vốn đã từ lâu củng cố vị trí siêu cường của nước này”.Đây là bản tin gây sửng sốt cho những ai trong chúng ta vốn tin rằng TQ là một cường quốc muốn duy trì “nguyên trạng” (a “status quo” power), một quan điểm cho đến gần đây vẫn được chia sẻ trong cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách. Trong cuốn Power Shift: China and Asia’s New Dynamics, xuất bản năm 2006, David Shambaugh, một học giả hàng đầu về TQ, kết luận rằng “Càng ngày TQ càng được coi là một láng giềng tốt, một đối tác có tinh thần xây dựng, và một quốc gia biết lắng nghe”. Shambaugh và một số nhà nghiên cứu khác vào lúc đó đã cho rằng TQ đã ra khỏi một thời kỳ ngờ vực và cô lập lâu dài và đã bắt đầu tham gia các tổ chức khu vực, gửi binh sĩ vào các lực lượng bảo vệ hòa bình của LHQ, và cải thiện quan hệ song phương với các nước láng giềng. Đúng là, quân đội TQ đang hiện đại hóa nhanh chóng trong nhiều phương diện khiến Đài Loan phải lo sợ, nhưng những dấu hiệu hunghăng hiếu chiến như thế đã được quân bình bằng “những biện pháp xây dựng niềm tin song phương và đa phương”, Shambaugh đã kết luận như vậy.
Nhưng 5 năm là một thời gian lâu dài đối với một quốc gia tăng trưởng kinh tế và thay đổi nhanh chóng như TQ. Bản tường trình “Các Liên minh châu Á” lý luận rằng hiện nay TQ đã thật sự ra khỏi thế phòng thủ của mình. Trong những năm gần đây, TQ đã phát triển một thế hệ mới của tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm tấn công, máy bay chiến lược, máy bay tàng hình, ra-đa, và các phương tiện tình báo đặt ngoài không gian, cũng như tên lửa chống vệ tinh – tất cả các phương tiện chiến tranh này kết hợp lại sẽ cho TQ khả năng thiết lập “các vùng tranh chấp” trên không, trên biển, và trong không gian, và bằng cách này từng bước đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực trong Thái Bình Dương mà cường quốc này lâu nay đã kiểm soát và bảo vệ. Và hành vi của TQ đối với các nước láng giềng đã trở nên hiếu chiến thấy rõ, bằng việc hung hăng tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong Biển Đông và gửi các lực lượng hải quân tuần dương tham dự các cuộc tập trận lớn ngoài khơi duyên hải Nhật Bản. Đó là lý do tại sao Robert D. Kaplan đã viết trong số Foreign Policy này rằng tương lai xung đột không nằm trong các sa mạc Trung Đông nhưng nằm ngoài khơi Biển Đông.
Điều có vẻ lạ lùng là một quốc gia nổi tiếng kiên nhẫn và chín chắn như TQ lại thay đổi lập trường một cách cực đoan và nhanh chóng như vậy. Có lẽ cái thái độ biết thận trọng lắng nghe trước đây của TQ chỉ là một màn kịch tinh vi, hoặc chỉ là một thời kỳ quá độ. Elizabeth Economy, một học giả về TQ tại Hội đồng Đối ngoại (the Council on Foreign Relations), lý luận rằng đường lối trỗi dậy hòa bình của TQ chỉ là một “một cách nói hoa mỹ”; nhưng, chỉ vào thời điểm hiện nay khả năng quân sự và những tuyên bố của TQ mới thể hiện được những tham vọng lâu đời của TQ về việc bành trướng khu vực khống chế tại Đông Á. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chấp nhận quan điểm này, nhưng chỉ cảnh báo TQ nên chơi theo luật lệ của hệ thống quốc tế. Trong bài diễn văn năm 2009 trong đó ông đã nặn ra cụm từ “trấn an chiến lược” (strategic reassurance), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg nhận xét rằng những “khả năng quân sự được tăng cường” và “thái độ quyết đoán công khai về quyền chủ quyền” của TQ trong Biển Đông đã khiến Washington và đồng minh của Mỹ “thắc mắc về ý định của TQ”.
Ít ai tranh cãi về những khả năng quân sự nói trên của TQ, rõ ràng là vượt trội hơn so với chỉ vài năm trước đây và đang được cải tiến nhanh chóng. Nhưng mưu đồ của TQ thì khó lường hơn. David Finkelstein, Giám đốc của Ban Nghiên cứu TQ của Trung tâm Phân tích Tình hình Hải quân (Center for Naval Analyses) tại Alexandria, Virginia, nói rằng ông chia sẻ “mối lo ngại to lớn về phương cách TQ sẽ sử dụng hải lực mới mẻ và đang mạnh của mình” ở trong khu vực, nhưng ông cũng nhận xét rằng trong những năm qua chính quyền TQ đã kết luận rằng “họ nắm được thời cơ thuận lợi về vấn đề Đài Loan” và vì thế đã tỏ ra “tương đối hòa hoãn” hơn so với trước.
Sự tương đồng rõ nét với thời Chiến tranh Lạnh là chính sách ngăn chặn (the policy of containment): George Kennan, [cha đẻ của chính sách này], tin rằng Liên Xô nuôi hy vọng nhảy múa trên nấm mồ của Mỹ nhưng ông sẵn sàng chờ đợi lịch sử diễn ra theo một tiến trình tất yếu; bằng cách này đế quốc Xô viết có thể bị ngăn chặn bởi một chính sách kìm hãm. Finkelstein lý luận rằng một sự kết hợp gồm có chính sách ngoại giao mạnh dạn của Mỹ, mà ông ca ngợi chính quyền Obama đang tiến hành, và mức hiện diện quân sự hiện nay – hạm đội Thái Bình Dương và 60 ngàn quân sẵn sàng chiến đấu ở trong vùng – đã chặn đứng tham vọng bành trướng của TQ, và chắc hẳn sẽ tiếp tục chức năng này trong tương lai. Mặc dù đưa ra những tiên đoán về sự gia tăng của hải quân và không quân TQ, Kaplan cũng bênh vực việc Mỹ duy trì mức độ triển khai quân sự hiện nay ở trong vùng. Tóm lại, [theo chính sách ngăn chặn], chính ý đồ của đối phương mới là chủ yếu.
Những các tác giả của bản tường trình “Các liên minh châu Á”, trái lại, có khuynh hướng suy đoán các ý đồ của TQ từ sức mạnh quân sự của nó. Trong một kịch bản rất đáng ngại, mang âm hưởng Herman Kahn [người dự tưởng chiến tranh nguyên tử] và có lẽ cả Dr. Strangelove [một phim hài về nỗi sợ nguyên tử], các tảc giả này mô tả TQ sử dụng tên lửa và máy bay ném bom để tung ra một cuộc tấn công tàn phá Đài Loan và Mỹ phản ứng lại bằng một cuộc đánh trả bằng tên lửa nhắm vào lục địa, việc này sau đó sẽ dẫn đến … một trận Armageddon [được tiên đoán trong Kinh Thánh]. Cách duy nhất để chặn đứng một thảm họa như thế, theo các tác giả này, là phải chấp nhận những biện pháp chống trả cứng rắn hơn hiện nay rất nhiều: đó là đẩy lùi (rollback), nói theo ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh.
Bản tường trình “Các liên minh châu Á” cảnh báo rằng “tương lai châu Á ít ra cũng đòi hỏi [các nước đồng minh] phải chia sẻ một quan niệm chiến lược mới”. Mạng lưới các liên minh thời Chiến tranh Lạnh phải nhường chỗ cho một tổ chức đối tác quân sự (military partnership) gồm có Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, và nhiều nước khác đang cần phải tăng cường chi phí quân sự cũng như hợp tác quân sự và tình báo. Tổ chức này phải làm cho “bất cứ một nước có ý đồ xâm lược nào” hiểu rằng “nhắm vào một đồng minh có nghĩa là gây phẫn nộ cho phần còn lại”. Thật khó tin tưởng rằng những quốc gia này sẽ đồng ý tham gia một liên minh công khai chống TQ như thế. Ngoài ra, còn có một nguy hiểm là TQ sẽ phản ứng lại bằng cách kết luận rằng thời cơ không còn nằm trong tay họ, vì thế quay ra đối đầu trực diện với liên minh này và như vậy sẽ biến một dự đoán mơ hồ trở thành một hiện thực chiến tranh khủng khiếp.
Những phí tổn của Mỹ, nếu theo đề nghị của bản tường trình, sẽ là to lớn hơn nữa. Bản tường trình “Các Liên minh châu Á” lên án chính phủ Mỹ đã chuốc lấy “sự vỡ nợ chiến lược (strategic insolvency)” và đề nghị phải đầu tư nhiều hơn nữa vào các loại vũ khí mới. Trong một điều trần trước Quốc hội, Blumenthal nêu rõ những chiến cụ này: “một loại máy bay ném bom thuộc thế hệ sắp tới; những số lượng lớn tàu ngầm tấn công; một phi đội hùng hậu gồm nhiều máy bay chiến thuật thế hệ thứ năm”, vân vân và vân vân.
Như vậy nghe đã đủ tốn kém chưa? Chưa. Mitt Romney, [người vận động làm ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa] và không bao giờ để mất cơ hội thổi phồng mối hiểm họa đến từ TQ, chưa kể từ nước Nga, đề nghị chi tiêu 4% GDP cho quốc phòng – tức 600 tỉ đôla, hay 70 tỉ đôla nhiều hơn tổng số chi tiêu quốc phòng hiện nay, điều này hiển nhiên đòi hỏi phải cắt xén một số ngân sách tương đương ở các lãnh vực khác để bù trừ. Nếu không, có lẽ cử tri phải chấp nhận sự vỡ nợ quốc gia (national insolvency) như cái giá phải trả để giải quyết sự vỡ nợ chiến lược (strategic insolvency). Nếu không, dĩ nhiên, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm “Mất Trung Hoa” một lần nữa. Hay có nguy cơ tiến tới một Đại họa Chiến tranh. 
Điều dễ hiểu là, người dân Mỹ vì quá ám ảnh với tình trạng kinh tế đến nỗi không còn rảnh rỗi tâm trí để lo về an ninh quốc gia. Nhưng cuộc tranh luận [về mối đe dọa TQ] đang chờ dịp xảy ra. Mối đe doạ về các cuộc tấn công khủng bố là rất thực, nhưng đang giảm dần. Al Qaeda không còn là một cơn ác mộng quốc gia như trước đây. Nhưng liệu người Mỹ có muốn thay thế cơn ác mộng này bằng một cơn ác mộng khác – hay nói đúng hơn, phục hồi một cơn ác mộng đã bị vùi dưới đáy sâu của thời Chiến tranh Lạnh không? Hẳn nhiên, tôi hy vọng là không. Nhưng nếu nước Mỹ tự phá sản trong tiến trình này, chúng ta sẽ chỉ thắng được một trận đánh nhưng thua luôn cả cuộc chiến tranh.T.N.C.
James Traub là một nhà văn viết cho tạp chí New York Times và một nghiên cứu sinh của Trung tâm Hợp tác quốc tế.
Dịch từ: foreignpolicy.com

(*) Chủ blog tôi rất cảm ơn và xin phép được đăng lại toàn bộ bài của dịch giả Trần Ngọc Cự, tuy nhiên muốn được tự chỉnh lại tiêu đề như trên vì nghĩ rằng nó sát hơn với ý tứ của bản tiếng Anh và cũng để tránh một sự hiểu nhầm không cần thiết về nguyên nhân chiến tranh (nếu có).   


--------------
*****

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Một hiện tượng độc đáo trong làng văn chương Việt

Đó là “Giải văn chương trannhuong.com”  được tổ chức ngày sáng 28.9.2011 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội.
Nó diễn ra trong bối cảnh có thể nói là “lạm phát giải thưởng văn học” gần đây tại  Việt Nam. Tuy nhiên, được biết  sự kiện trên đây hoàn toàn theo sáng kiến riêng của nhà văn Trần Nhương nhưng được đông đảo giới văn chương hưởng ứng; và lần trao giải được coi là lần thứ nhất này chỉ trao cho 2 tác phẩm, đó là bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải(*) và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường(**). Điều thú vị là, giá trị cao nhất của giải chỉbằng 1.000 VND!
Dưới đây xin trích đăng lại một số bình luận và hình ảnh trên mạng về sự kiện độc đáo này.  


P.T.: Với phương châm, lấy sự “hâm mộ” của bạn đọc làm tiêu chí để trao thưởng, hai cuốn sách này hoàn toàn nổi trội để được nhận giải.
Tại buổi trao giải, có đông đảo các bạn văn thơ, các nhà văn hóa tiểu biểu đang công tác tại Hà Nội đến dự. Trong đó có Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Văn Như Cương, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Viết Đào, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Thành, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Vân Long, Nguyễn Giang, Trần Quang Quý, nhà phê bình Văn học, GSTS Vũ Nho, và rất nhiều các nhà nổi tiếng khác.
Sự thành công rực rỡ của giải thưởng văn chương trannhương.com lần thứ nhất, chính là có sự hiện diện của những nhà này và sự đúng đắn trong việc lựa chọn tác phẩm để trao giải.
Đạt Ma:  Hôm nay 28/9, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng văn chương trannhuong.com
Hàng trăm cây đại thụ văn chương của Việt Nam đã có mặt trong khuôn viên rất đẹp của Trung tâm, toàn những tên tuổi, những người – mà – ai – cũng – biết – là – ai – đấy, khiến nhà văn Trần Nhương hết sức xúc động và bối rối, không thể giới thiệu hết các quan khách. Ông đành chỉ giới thiệu hai vị cao tuổi nhất là nhà thơ Vân Long và Giáo sư Văn Như Cương.
Theo Nhà văn Trần Nhương: “Giải thưởng Văn chương trannhuong.com” tôn vinh tác phẩm chỉ theo một tiêu chí duy nhất là sự yêu mến của bạn đọc và sức lan tỏa của tác phẩm trong công chúng. Giải thưởng không trao định kỳ, không có hội đồng bình xét, và Chủ nhiệm trang trannhuong.com tuyên bố hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như quý vị đã biết, trannhuong.com đã đạt con số truy cập 7 triệu lượt người, là một trong những trang web chiếm được sự tin tưởng, quan tâm và yêu mến của bạn đọc.
Giải Văn chương Gôngcua của Pháp cũng chỉ có giá trị 1franc nhưng vẫn là một giải thưởng danh giá được thế giới công nhận. Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một giải thưởng như vậy được trao. Vì vậy, giá trị của Giải thưởng văn chương trannhuong.com dù chỉ là 1 đồng bạc Việt Nam, một ngôi sao pha lê nhưng chắc chắn đó vẫn là một Giải thưởng rất nhiều nhà văn mơ ước, bởi đó chính là sự công nhận giá trị tác phẩm của đông đảo bạn văn.
Hai tác phẩm được trao giải lần này là Bão táp Triều Trần của Nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tác phẩm đã dựng lại một thời kỳ rực rỡ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, thời kỳ mà vua tôi đồng lòng, toàn dân gắng sức xây nên một Vương triều hiển hách, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa. Triều đại đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, thắp lên niềm kiêu hãnh hào khí Đông A còn chói sáng đến giờ. Tác phẩm Bão táp Triều Trần đã được tái bản 8 lần với hàng chục vạn đầu sách, riêng năm 2011 được tái bản 2 lần.
Tác phẩm Thời của thánh thần của Nhà văn Hoàng Minh Tường dù chưa tái bản lần nào, nhưng là một tác phẩm được các đầu nậu sách coi là một miếng mồi béo bở để khai thác. Số lần in lậu và số lượng tác phẩm đã lưu hành gần như không thể thống kê được. Phát biểu tại buổi lễ, Nhà văn Hoàng Minh Tường mong muốn độc giả hãy nói “Không” với các ấn phẩm in lậu, bởi ngoài sự thiệt thòi cho tác giả, nội dung sách còn bị cắt xén, thêm bớt khiến tư tưởng của tác giả gửi gắm vào tác phẩm bị sai lệch.
Hai Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường đã vinh dự và cảm động nhận phần thưởng văn chương do website trannhuong.com trao tặng. Cả một rừng hoa và máy ảnh đã ghi lại giây phút đáng nhớ này. Rất nhiều nhà văn và độc giả nhiều thế hệ đã lên phát biểu, chia sẻ ấn tượng do hai tác phẩm mang lại cho mình.

Ngồi bên Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bữa tiệc chay tại Nhà hàng của chị Như Anh – người yêu của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tác phẩm Sống mãi tuổi hai mươi – tôi thấy rất nhiều người đến chào và xin phép nhà văn Hoàng Quốc Hải cho cầm tận tay, nhìn tận mắt Giải thưởng. Trang trọng mở chiếc túi gấm đỏ, nâng đồng bạc trên tay, nhà văn Hoàng Quốc Hải cảm động: “Đối với tôi, đây là một giải thưởng của tình người, vì vậy nó là vô giá”.
Tranh thủ khai thác nhà văn Trần Nhương về dự định trao giải cho những tác phẩm tiếp theo, ông chỉ cười sảng khoái. Tiếng cười ấm mà vang của ông tiễn chúng tôi về trong nắng chiều thu…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà văn sư tử và giải thưởng tí hon 1 đồng bạc
Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ…

Sáng 28/9/2011 tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, 49 phố Nguyễn Du – Hà Nội đã diễn ra buổi lễ trao giải thưởng khá đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là giải thưởng trannhuong.com cho 2 nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và Hoàng Minh Tường với tiểu thuyết Thời của thánh thần.
Hết sức lạ vì trong thời buổi rào rào “gạo châu củi quế” thông tin thì thời gian và địa điểm lễ trao giải thưởng lại được bí mật đến phút chót để tạo bất ngờ và độ “nóng”. Mọi chi tiết về giải thưởng thấy bảo là “to lắm” và sẽ được trao cho những tác phẩm của hai nhà văn “phân khối lớn”. Thậm chí, trước khi trao giải thưởng khoảng 1 tiếng, thông tin cũng chỉ vầy vậy, chẳng có gì khá khẩm hơn.
Hồi hộp quá khi bạn bè văn chương chỉ được rỉ tai nhau hoặc qua tin nhắn, điện thoại… cũng chẳng thấy rùm beng loan báo trên các trang mạng (ngay cả chính chủ giải trannhuong.com), ngoài một bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu vào sát giờ trao giải thưởng.
Cái lạ nữa là giải thưởng có giá trị đúng 1 đồng bạc cộng với một cúp Ngôi sao pha lê trannhuong.com mà đông đảo các văn nghệ sĩ trí thức vẫn ùn ùn kéo đến để dự và đòi phát biểu chúc mừng và ôm hôn các nhà văn đoạt giải thưởng tôn vinh có một không hai.
Hà Nội sau mấy ngày ảnh hưởng của bão, sáng nay nắng đẹp. Mới 8h00’ sáng đã thấy nhiều nhà văn, nhà thơ đang bắt tay, kéo áo nhau lại để đọc thơ trong khu vườn rất đẹp phía trong tòa nhà Trung tâm văn hóa Hàn Quốc.
Có thể thấy được nhà văn già vẫn chưa già, họ có nhiều cách để gặp gỡ, trò chuyện, tôn vinh nhau một cách văn hóa, sang trọng, ấm áp tình bè bạn mà vẫn tinh tế và lãng mạn đến khó ngờ. Cái chưa già này còn rõ hơn ở Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, đi mấy trăm cây số, hầu như ngày nào cũng ở trên xe ô tô, thế nhưng các nhà văn già vẫn tỏ ra sung sức không thua lớp trẻ. Đêm Văn nghệ trung thu trên tầng 10 tại Nhà khách Kim Bình (Tuyên Quang) có mặt đầy đủ các nhà văn, nhà thơ già như Định Hải, Tô Đức Chiêu, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Khánh,… để chia vui cùng lớp trẻ và động viên “chúng tôi hoàn toàn yên tâm về hành trình của các bạn” như nhà văn Hoàng Quốc Hải trò chuyện. Nhà thơ Bằng Việt, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nhà thơ Đỗ Hàn, Vũ Hồng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà… thức đến 0h đêm để nghe các nhà văn trẻ đọc thơ, hát và trình diễn thơ, rồi cùng hòa mình bình chọn danh hiệu gương mặt nam tính, rồi gương mặt khả ái, hoa khôi của Hội nghị. Nhà thơ Văn Công Hùng đã hài hước nói rằng “chịu đựng” nhau đến giờ phút này như thế cũng là quá giỏi.
Các nhà văn già quả là có những cách chuyển động mà ngay đến cả những người viết trẻ cũng phải phục lăn và sửng sốt.
Đến dự buổi lễ trao giải thưởng có rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi. Đại diện các cơ quan thông tin truyền thông như tạp chí Nhà văn, báo Văn nghệ, báo Người cao tuổi, báo Thanh niên, quỹ hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống, các Website: Vannghequandoi.com.vn, nguoihanoi.com.vn, micronet.vn, Lucbat.com….
Đã thấy thấp thoáng “ngài râu đẹp” – Giáo sư Văn Như Cương, đạo diễn “Hà Nội trong mắt ai” NSND Trần Văn Thủy, nhà thơ – NSND Lê Huy Quang, nhà văn Châu Diên, nhạc sỹ - thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo, TS Phạm Thị Như Anh (Hội bảo trợ và truyền bá văn hóa truyền thống các nước ASEAN – Cửu Long), nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Tạ Duy Anh, Minh Chuyên, Phạm Xuân Nguyên, Y Ban, Lê Hoài Nam, Phùng Văn Khai, nhà thơ Trần Ninh Hồ, Đỗ Hàn, Đặng Vương Hưng, Lê Quang Sinh, Trần Quang Quý, Vũ Từ Trang, Bùi Hoàng Tám, Nguyễn Việt Chiến, Bành Thanh Bần, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Lê Bá Thự, Vũ Nho… và hàng trăm khách quý, độc giả yêu mến văn chương tham dự.
Tại buổi lễ, nhà thơ Vân Long cho rằng: Đây là một sự kiện văn hóa thứ hai, sau cuộc mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ra đời do bạn bè tự tổ chức tôn vinh. Giải thưởng cao nhất chính là giải thưởng của công chúng và ông khẳng định có lẽ chỉ với 1 đồng bạc mà sao thấy đồng tiền Việt Nam chưa bao giờ có giá trị như ngày hôm nay.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy thì đầy ca ngợi nhưng cũng đầy suy tư: Giải thưởng trannhuong.com đó là một sáng kiến, một sự đột phá để nó mở ra rất nhiều những tiềm năng khác trong lĩnh vực văn chương và văn học nghệ thuật, nó khích lệ những tấm lòng, những trách nhiệm công dân và những người còn đang do dự. Cách hành xử này, sự hiện diện của quý vị ở đây nói lên nhiều điều, đó là chúng ta phải tìm đến giá trị đích thực của cuộc sống… Chúng ta khởi xướng lên, rồi sung sướng với nhau. Theo quy luật của trời đất anh Trần Nhương cũng đã già, chúng tôi cũng đã già, cái tôi quan tâm rồi ai sẽ là người kế tiếp những công việc thầm lặng đó. Tôi lo lắm, nhưng nhìn những gương mặt trong ngày hôm nay, tôi lại thấy tin tưởng. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào tương lai bởi những tấm lòng như thế, những trái tim như thế?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải xúc động khi phát biểu: Cảm ơn mọi người, tôi cảm thấy sâu lắng và ngọt ngào vì tình bạn, tình văn son đỏ của đồng nghiệp khắp nơi. Thấy tấm lòng của độc giả và hạnh phúc dù giải thưởng mang tính biểu tượng chỉ là 1 đồng bạc kèm cúp Ngôi sao pha lê. Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ.
Có một giải thưởng Goncourt ở Việt Nam?
Qua trao đổi nhanh nhà văn Trần Nhương cho biết: Giải thưởng văn chương Trannhuong.com dựa trên tiêu chí hay và được bạn đọc đón nhận. Giải này không có Hội đồng, không có bỏ phiếu, chủ yếu là tác phẩm ấy có sức sống và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận đã tự bỏ phiếu giúp cho Trannhuongcom làm việc tôn vinh. Giải thưởng cũng không định kì 5 năm hay 3 năm mà thấy có tác phẩm hay và được bạn đọc đón nhận là trao giải. Giải không lấy tiền thưởng làm thước đo giá trị mà lấy sự yêu mến của người đọc là sự vinh quang của tác giả.
Cuối buổi trao giải, nhà văn Trần Nhương đã mời tất cả khách quý tham dự ra nhà hàng cơm chay 72, Nguyễn Du để thưởng thức với lời mời rất dễ thương “mời mọi người đi bộ 500 mét, xe cộ cứ để ở đây đã có người trông nom, chúng ta cùng ăn cơm kiểu nhà chùa nhưng không phải tiền chùa”. Tiếng cười và tiếng vỗ tay rào rào không dứt.
Chợt não thần thoáng lên, trong khi dư luận vẫn chưa hết “thôi xao” về giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, thậm chí gia đình nhà văn anh hùng lao động Sơn Tùng còn có đơn đề nghị xin rút khỏi giải thưởng vì những chuyện bên lề đến khó tin. Người thì hậm hực vì tuyển tập dày cỡ gang tay mà không vào giải, người thì kỳ công “đẽo mắt” (chữ Thuận Nghĩa) đọc hàng trăm tác phẩm để chứng minh một số tác giả và tác phẩm đận này y phục còn chưa xứng kỳ đức.
Lạ thay việc trao giải thưởng “1 đồng bạc và cúp Ngôi sao pha lê” lần thứ nhất của trannhuong.com cho bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn – “sử quan” Hoàng Quốc Hải và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường lại được hầu hết văn giới Hà thành ủng hộ, chia sẻ và tin tưởng chúc mừng. Có người còn ví như một giải thưởng Goncourt trong văn học rất uy tín và danh giá của Pháp, dù giải thưởng của nó chỉ mang tính biểu tượng. Thế giới văn chương quả là có “lối công bằng kỳ quặc” (Chế Lan Viên).
Tôi bâng khuâng ngắm tòa nhà Trung tâm Văn Hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội), có tiếng chim lích chích trong cây xanh bóng lá, có bụi tre um tùm như những kỷ niệm quá vãng, phía ngoài bờ tường hoa tigon vẫn tận tụy tượng hình nở hồng dáng tim những hy vọng.
Thời gian sẽ trôi đi, phù sa sẽ ở lại. Giải thưởng lớn nhất thuộc về nhân dân lựa chọn, độc giả lựa chọn và đó cũng là vinh quang lớn nhất, bừng sáng nhất. Nhà văn Trần Nhương với sáng kiến của mình đã trồng được một cột mốc giải thưởng độc đáo trong văn học sử. Hãy tin rằng ông đã cung tiến một giọt chuông thơm vào trong ngôi đền thiêng văn chương dân tộc.
Cơ mà người Việt mình dù ở đâu, lúc nào ai chẳng có những suy nghĩ, những việc làm vì lẽ phải - vì dân tộc, phải không? Đ.M.


Chi chú:
(*)Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 6 cuốn được nhà văn Hoàng Quốc Hải viết trong nhiều năm, đã tái bản hàng chục lần với số lượng phát hành cả chục vạn bản, và hiện là cuốn sách gối đầu giường của các tướng tá Việt Nam. Tinh thần của bộ tiểu thuyết này là nêu tinh thần yêu nước, bảo vệ biên cương lãnh thổ của quân dân Đại Việt trong thời Trần với 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông với chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp nổi tiếng. Đây là cuốn sách luôn được in một cách hợp pháp với số lượng lớn.
(**)Tiểu thuyết Thời của thánh thần, dày hơn 600 trang, được tác giả viết trong 4 năm, là một biên niên sử của dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ XX với những bão tố của thời cuộc mà tác giả đã phải cay đắng, nát lòng thốt lên: “ Đất Việt lưng còng, dáng Mẹ / Xót xa muôn kiếp Lạc Hồng”. Tác phẩm đã được độc giả trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Nhiều nơi còn thành lập Câu lạc bộ “Thời của thánh thần” để mạn đàm về cuốn sách; có người mua tới hơn 200 cuốn để tặng bạn bè. Sách in lần đầu 1.000 cuốn và không được phép tái bản trong hệ thống các nhà xuất bản do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cuốn sách đã và đang tiếp tục nối bản, in lậu với số lượng lớn.


--------------
*****

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Cần có đổi mới lần hai

Đó là nhận định của  TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong trả lời phỏng vấn của VnEconomy tại cuộc Hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM.

Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.

Phải nói thẳng

Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?
Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.
Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?
Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.
Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.
Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.
Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.
Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?
Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.
Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…
Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.
Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.
Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.

“Đổi mới lần hai”

Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?

Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.
Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.
Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?
Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.
Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.
Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý‎ dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.

Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn

Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?
Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.
Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.
Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.
Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.
Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.
Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra1 hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.
Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?
Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?
Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.
Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.
Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.
Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?
Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.

Nguồn: Vn Economy được Cà phê cuối tuần đưa lại ngày 01/10/2011)

Tran Kinh Nghi

Nhân đọc bài viết của ông Phạm Bình Minh cách đây một năm rưỡi

  

Mới đây, tôi được một người bạn tặng quyển sách "Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2020" (do Học viện Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 3 năm 2010 gồm nhiều bài viết của nhóm tác giả thuộc Bộ Ngoại giao),  trong đó có bài "Một số suy nghĩ về định hình chính sách đối ngoại mới" của tác giả Phạm Bình Minh (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nay là Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao).
Ấn tượng đầu tiên của tôi là, tuy bài viết cách đây một năm rưỡi nhưng vẫn mang tính thời sự nóng bỏng  của ngày hôm nay, và điều này khiến  tôi thấy rất tâm đắc. Dưới đây  xin có đôi lời bình luận mong được bạn đọc gần xa góp phần cùng suy ngẫm.
1. Bài viết dù khá ngắn gọn  nhưng mang tính chuyên nghiệp và tính khái quát cao với những nhận định đánh giá, phân tích và khuyến nghi xác đáng xuất phát từ quan điểm đổi mới toàn diện kết hợp với  thực tiễn đã và đang biến động một cách vô cùng sâu sắc và “khó lường” trên thế giới kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (trang 56 - sđd).

2.Người đọc dễ đồng tình với những nhận định và đánh giá cùa tác giả  khi điểm lại về thành tựu và mặt  hạn chế của quá trình đổi mới trên mặt trận đối ngoại, cụ thể là "Chưa tìm được giải pháp để giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trên biển Đông một cách cơ bản, lâu dài" (trang 53 - sđd); và "Chưa có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và hệ thống chính trị về một số vấn đề đối ngoại" (trang 53 - sđd).
Đúng vậy, có lẽ  do mặt hạn chế này nên ta chưa tạo được sự nhất trí và đồng thuận cao làm cơ sở để phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc trong thời gian qua.
3. Người độc cũng dễ nhất trí và thấy yên tâm khi thấy tác giả đưa ra nhận định "Toàn vẹn lãnh thổ bị de dọa sẽ tiếp tục là thách thức lớn trong nhiều thập kỷ tới" (trang 57 - sđd).
Đây là một dự báo tỉnh táo có tính chiến lược  đã và đang được thực tiễn chứng minh với  tình trạng tranh chấp biển đảo vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt trên Biển Đông cũng như trên mặt trận kinh tế-xã hội có nhân tố đối ngoại trong thời gian gần đây.
4. Trong phần bàn về nguyên tắc và phương châm xử lý đối ngoại, tác giả nhấn mạnh: "Phải lấy lợi ích dân tộc làm cơ sở hàng đầu cho mọi chính sách và hành động đối ngoại" (trang 62 - sđd)  đồng thời  cảnh báo: "Nếu không quán triệt điều này sẽ thiên về hành dộng theo ý thức hệ và bị cảm tính chi phối" (trang 62 - sđd).
Qủa thực, lời cảnh báo về vấn đề “ý thức hệ” không mới mẻ nhưng thật mạnh dạn và cũng thú vị  vì đó là vấn đề được coi là  rất“nhạy cảm”  trong một quan hệ truyền thống lâu đời với các nút đan xen chồng chéo ràng buộc, không dễ gì gỡ rối đối với một số người quen với tư duy "hai phe, ba giai đoạn…" của một thời đã qua. Có điều tiếc là tác giả có thể vì  lý do nào đó, chưa phân tích sâu hơn về điểm này.
5. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng  khi  tác giả cho rằng mọi hoạt động đối ngoại trên biển, đảo phải nhằm đạt cho được yêu cầu: "Làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền" (trang 63-sđd).Đây là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi sự  vận dụng một cách sáng tạo, vừa quyết liệt vừa khôn ngoan bài học "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", kết hợp chặt chẽ "giữa hợp tác và đấu tranh", bằng sức mạnh tổng hợp của khối Đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của thời đại mới.

Với tư cách một “anh bộ đội Cụ Hồ” đã nghĩ hưu   nhưng luôn cố gắng dõi theo diễn biến  của đất nước,  bản thân tôi  thấy rất cảm kích khi đọc bài viết  của đích thân ông Bộ trưởng  Ngoại giao trong thời buổi  đầy khó khăn phức tạp cả bên trong lẫn  bên ngoài của đất nước chúng ta. Đồng thời tôi cũng rất kỳ vọng với  cương vị và trọng trách mới, Ông Phạm Bình Minh sẽ  kiên trì cùng với tập thể lãnh đạo  đất nước   đưa những suy nghĩ mà ông đã viết trong bài viết nói trên   trong chỉ đạo công tác thực tiễn, góp phần giành thắng lợi lớn hơn nữa trên mặt trận đối ngoại./.
Phạm Xuân Phương
                                               

Ghi chú: Bài viết do tác giả gửi trực tiếp đến chủ blog. Bạn đọc có thể liên hệ với tác giả
theo địa chỉ: 
Phạm Xuân Phương -"Anh Bộ đội Cụ Hồ"    
312 - C7- Nghĩa Tân - Cầu Giấy - Hà Nội, ĐT: (04) 38361687 - 0988287349
  

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này