Các kênh thông tin không nói rõ hai tổ chức này thống kê từ nguồn nào để có kết quả trên, nhưng có thể họ chỉ chọn trong giới doanh nhân. Thật vui khi Việt Nam có thêm 15 người siêu giàu góp mặt với giới siêu giàu thế giới.

Nhưng người siêu giàu của Việt Nam e không chỉ có thế. Có những người giàu nhưng không cần phải đi kinh doanh, không cần mở doanh nghiệp, không cần sản xuất sản phẩm hàng hóa. 
Những người này nhìn các đại gia xếp hạng hằng năm ở trên sàn với con mắt bề trên. Với họ, những doanh nhân giàu có ồn ào bề nổi đó có chi đáng kể. Cho nên, Wealth - X và UBS thống kê số người siêu giàu ở đâu có thể được, ở Việt Nam e rằng trật lất.
Ở Việt Nam còn có giới siêu giàu bằng “kinh doanh” con dấu và chữ ký.
Những người giàu có nhờ bàn tay khối óc, nhờ giỏi kinh doanh thì đóng góp cho đất nước, giúp ích cho xã hội rất lớn. Họ tạo ra sản phẩm, tạo ra việc làm, đóng thuế cho nhà nước. Họ đi một chiếc xe đắt tiền, ở biệt thự sang trọng hoàn toàn xứng đáng. Các ông chủ lớn như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức sắm lâu đài hay tậu máy bay riêng cũng ngẩng mặt cao nhìn thiên hạ chứ không thèm lén lút.
Những người giàu có bằng “kinh doanh” con dấu và chữ ký không những không đóng góp gì cho đất nước mà là những kẻ phá hoại. Họ không đóng đồng bạc thuế nào cho nhà nước. Ngược lại, họ ăn vào đồng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp đóng góp. Sự khác biệt chính là chỗ này.
Và sự khác biệt còn ở chỗ khác, đó là người giàu nhờ “kinh doanh” con dấu và chữ ký đi xe xịn thì dân khinh, ở biệt thự to thì dân chửi, có nhiều tài sản thì dân biết chắc là do tham nhũng. Cho dù họ không bị pháp luật sờ gáy thì người dân cũng biết họ là những tội phạm.
Mới đây, Trung Quốc bắt những kẻ giàu có kiểu này. Tiền tham nhũng cất trong nhà cân được hàng tấn, vàng bạc chưa kể, nhà cửa đất đai chưa tính. Họ là những người siêu giàu nhưng làm giàu trên máu xương của dân chúng. Quốc gia nào có nhiều kẻ siêu giàu như vậy thì quốc gia đó sẽ bị suy yếu.
Nhưng quốc gia nào có tội phạm siêu giàu mà không phát hiện, trừng trị được còn lụn bại hơn.