Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Mời thầu kiểu ăn cướp!

Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của CNOOC

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua nóng lên trước những bước đi mới trắng trợn và ngạo mạn của phía TQ trong âm mưu xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Sau việc nhà cầm quyền TQ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa với Hoàng Sa làm trung tâm bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa của VN, ngày 23-6 lại để cho Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố cái gọi là "mời thầu quốc tế" đối với 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của VN, điểm gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý 55km. Đó là hành động kẻ cướp  xông vào nhà hàng xóm  đòi bán đất bán vườn....thật là lố bịch hết chỗ nói!

Ngày 26/6 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Ông Nghị yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC). Ngày 27-6 Bộ Ngoại giaoVN đã triệu đại diện Đại sứ TQ tại Hà Nội  để trao công hàm phản đối về vcụ việc này.
 
Chiều 27-6, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) cũng đã họp báo làm rõ về toàn bộ hành động sai trái của phía TQ. Đại diện PVN- ông Đỗ Văn  Hậu cho biết, qua kiểm tra tọa độ, PVN nhận thấy chín lô mà phía Trung Quốc mời thầu quốc tế, tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của VN, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí cùng đối tác của mình. Cụ thể, giới hạn phía tây của các lô mà Trung Quốc mời thầu cách khu vực bờ biển Quảng Ngãi chỉ 76 hải lý (hơn 140km), cách bờ biển phía bắc Nha Trang 60 hải lý (110km), điểm gần nhất cách Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý (105km) và điểm gần nhất cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý (55km). “Các vùng này đã được PVN và các đối tác tiến hành hoạt động dầu khí từ lâu” - ông Hậu nói.
“PVN khẳng định CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của VN và đây không phải là vùng có tranh chấp. Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển và đặc biệt không phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động dầu khí. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia của VN, làm phức tạp thêm và gây căng thẳng tình hình trên biển Đông” - ông Hậu khẳng định quan điểm chính thức của PVN, đồng thời cho biết PVN yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông (DOC).
Ông Hậu cho biết thực tế PVN và CNOOC đã ký và triển khai một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, trong đó hai bên đang thực hiện công tác thăm dò chung tại khu vực vùng cấu tạo bắc ngang vùng vịnh Bắc bộ, và PVN đã ký thỏa thuận hợp tác hai bên trong các hoạt động dầu khí giữa CNOOC và PVN. “PVN hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia hợp tác cùng PVN, đầu tư vào các hoạt động dầu khí trên thềm lục địa của VN như các công ty dầu khí khác, đương nhiên trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN” - ông Hậu nói. Ông cho biết PVN sẽ có thư chính thức gửi CNOOC để phản đối và yêu cầu hủy kế hoạch mời thầu này.
PVN tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Hậu đã trả lời câu hỏi của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
* Việc CNOOC thông báo chào thầu quốc tế chín lô này có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của PVN với các đối tác?
- Chín lô này nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vì vậy PVN cùng các đối tác của mình sẽ không bị ảnh hưởng mà tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng đã ký và luật pháp của VN. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí tại đây.
* PVN có những hợp đồng hợp tác với các đối tác nào trong khu vực mà CNOOC đang mời thầu?
- Có bốn hợp đồng dầu khí đang được triển khai giữa PVN và các đối tác. Thứ nhất là hợp đồng với Gazprom từ lô 129 đến 132, thứ hai là hợp đồng tại lô 128 với Công ty Dầu khí quốc gia của Ấn Độ, thứ ba là hợp đồng tại các lô 156-159 (mà phần phía bắc dính vào chín lô Trung Quốc đang mời thầu) với Exxon Mobil của Mỹ. Cuối cùng là lô 148-149 mà PVN đã ký hợp đồng với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí của VN. Hoạt động dầu khí tại các khu vực này đã được tiến hành từ nhiều năm nay và vẫn đang được tiếp tục.
* Các công ty nước ngoài hợp tác với PVN cần tuân thủ những điều kiện gì?
- Hiện có trên 60 tổ hợp các công ty quốc tế và quốc gia đã ký hợp đồng và hợp tác chặt chẽ với PVN. Để các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác với PVN, ngoài kinh nghiệm và nguồn lực, điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên biển, phù hợp với luật pháp VN, luật pháp quốc tế và thông lệ dầu khí quốc tế.
* Trong những lô dầu khí VN hiện nay mà PVN đang hợp tác với công ty nước ngoài, mức độ triển khai dự án như thế nào? PVN có kế hoạch thực hiện biện pháp gì để làm yên lòng các nhà đầu tư này?
- Các hoạt động dầu khí tại khu vực này với bốn hợp đồng đã nói ở trên thì chúng tôi đã và đang triển khai nhiều hoạt động dầu khí bình thường, nhiều hoạt động từ khoan đến khảo sát địa chấn hai chiều, ba chiều... Một số lần, các công ty dầu khí nước ngoài nhận được một vài ý kiến từ phía Trung Quốc, ví dụ như Công ty Dầu khí quốc gia của Ấn Độ tại lô 128, nhưng tôi khẳng định rằng các nhà thầu dầu khí khi đã ký hợp đồng với PVN đều khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nên các hoạt động sẽ tiến hành bình thường. Chúng tôi đã làm việc với các nhà thầu dầu khí để thống nhất chương trình công tác từ nay đến một vài năm tới.
* PVN dự kiến tổ chức hội thảo vào tháng 7 để mời nhà thầu Nhật Bản. Liệu PVN còn giữ kế hoạch đó?
- Không có kế hoạch nào trong các hoạt động của PVN bị ảnh hưởng bởi cái gọi là mời thầu này của Trung Quốc. Vì vậy mọi hội thảo, hội nghị... với các đối tác Nhật Bản và các đối tác khác vẫn diễn ra bình thường.
(Theo nguồn tin  TTXVN và báo Tuổi trẻ)

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Bài văn lạ (*)

(*)Bài văn của một nữ học sinh trung học phổ thông với đề bài phân tích truyện Thánh Gióng vừa được phát tán trên mạng như một“bài văn lạ” gây xôn xao cộng đồng. Xin đăng lại nguyên văn, kể cả một số từ tạm gọi là “lỗi từ vựng” của thế hệ 9X). Có thể không chắc chắn về độ "chính thống" của  bài văn, song dù sao nó cũng phản ánh một thực trạng tình hình đất nước hiện nay. Đó là cách nhìn ngây thơ có phần ngô nghê của lớp hoc sinh phổ thông thời @ về thực trạng đất nước; nó khác với cách nhìn của người lớn.


“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool - thần tượng của em!
Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ômai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!
Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán.Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì quá tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.
Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…
Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em  nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo... Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.
Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?
Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”.
Nhận xét của giáo viên: "Bài không những lạc đề mà tư tưởng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! 0 điểm”.

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Luật Biển của Việt Nam : Chậm nhưng chắc

Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của dân chài VN
Sau nhiều  năm bị đình hoãn vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau, hôm qua (21/6/2012) Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển với sự nhất trí hầu như tuyệt đối (495/496 phiếu). Đó là kết quả của một quá trình tranh đấu gay go phức tạp có nhân tố "thù trong giặc ngoài" và cuối cùng đã thắng lợi. Dù sao đó cũng là một tin vui đối với nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như  bạn bè quốc tế. 

Luật gồm 7chương, 55 điều sẽ có hiệu lực đầy đủ vào ngày 01/01/2013. Tuy nhiên, hiệu lực chính trị đối ngoại của nó đã có ngay từ bây giờ, biểu hiện trước tiên là sự giận dữ của ông bạn láng giềng phương Bắc. Chẳng hay Bắc Kinh có nhận ra rằng chính thái độ nóng lòng muốn độc chiếm biển Đông của người Trung Quốc đã thúc dục Việt Nam đi tới quyết định quang trọng này (?). Dù sao đây cũng là thời điểm tốt để các nhà lập pháp Việt Nam có thể "cập nhật" tình hình mới nhất trong bộ luật của mình. Đây cũng là thời điểm mà nhân dân Việt Nam đã vữngvàng  hơn về ý thức chính trị,  quốc phòng được tăng cường và đang tiếp tục tăng cường nhanh mạnh hơn nữa nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật. Bởi lẽ trong lĩnh vực luật biển, việc ban hành luật lệ của một quốc gia là một chuyện, nhưng năng lực thực thi pháp luật còn quan trọng hơn nhiều. Do đó, việc Quốc hội thông qua Luật Biển vào lúc này tuy có chậm nhưng vẫn còn kịp thời và có thể nói là “chậm chắc”. Với bộ luật này Việt Nam coi như  đã được vũ trang cả về quân sự và pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của mình. Đó là sự tái khẳng định chính thức nhất về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bất chấp sự chiếm đóng bằng vũ lực phi pháp của các lực lượng Trung Quốc.

Thế giới đều biết,  Bắc Kinh  đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 lúc đó đang thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa (miền nam Việt Nam), và do đó sự chiếm đóng trong mấy chục năm qua của Trung Quốc chỉ là tạm thời và hoàn toàn phi pháp theo luật pháp quốc tế. Thế giới cũng biết rằng Việt Nam với tư cách một quốc gia dù trong thời kỳ phong kiến, thuộc địa hoặc thời kỳ bị chia cắt hai miền đều đã thực thi quyền chiếm hữu hợp pháp liên tục đối với hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa. Theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982) Việt Nam cũng có đầy đủ điều kiện để tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này và toàn bộ vùng nước từ bờ biển đất liền như một thực thể lãnh thổ và biển đảo không tách rời. Thế giới cũng biết rằng cả Trung Quốc lục địa và Đài Loan đều cách rất xa về mặt địa lý và không có hoặc thiếu cơ sở lịch sử để đòi chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của hai quần đảo nói trên, lại càng không có quyền gì đối với lãnh hải và vùng đặc quyền  kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.     
Đồn trú TQ tại bãi Gạc Ma-nơi 60 công binh VN hy sinh năm 1988
Đó là lý do tại sao Trung Quốc giận dữ như ta thấy. Ngay sau khi Luật Biển được Quốc hội Việt Nam thông qua, Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu Đại Sứ Nguyễn Văn Thơ để phản đối cái mà họ gọi là “ luật biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại Tây Sa và Nam Sa là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc “ và “ Trung Quốc cực lực chống lại…”. Bắc Kinh cũng vội vã ban hành một số biện pháp hành chánh với  mưu đồ sắp đặt “sự đã rồi”, đó là  tuyên bố nâng cấp địa bàn gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ( mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) và đảo Macclesfield Bank của Philippines ( mà Trung Quốc gọi là Trung Sa ), thành “ Địa cấp Tam Sa thị “ ( lớn hơn cấp huyện, nhỏ hơn tỉnh).

Cho đến nay, ngoại trừ sự phản ứng thái quá của phía Trung Quốc, các bên liên quan khác đều tỏ ra thận trọng. Trong bối cảnh hiện nay, giữa lúc đang diễn ra cuộc tranh chấp Hoàng Nham-Scarborough giữa Trung Quốc với Philipine, chắc rằng sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển sẽ “làm nóng “ thêm  không khí của Hội nghị cấp cao về an ninh khu vực tại Phnom Penh sắp nhóm họp trong đầu tháng 7. Hồ sơ biển Đông sẽ được chồng chất thêm và thành phần tham gia tranh chấp cũng tăng lên theo hướng đa phương, chứ không “song phương” như Bắc Kinh mong muốn, nhất là trước những bước đi quyết đoán hơn của Mỹ và đồng minh trong việc chuyển hướng bố trí lực lượng tại khu vực.
Tuy nhiên, bàn cờ khu vực có lẽ vẫn còn tiếp tục chuyển động trong thế đấu giữa những người tí hon với tên khổng lồ. Nhưng điều quan trọng là những người tí hon có trong tay một cơ sở pháp lý và thế chính nghĩa trong khi tên khổng lồ chỉ có thân hình hộ pháp và sức mạnh. Đây là một nghịch lý. Thoạt nhìn ai cũng cho rằng tên khổng lồ đang thắng thế.  Nhưng rồi người ta nhận ra rằng đằng sau vẽ hung hãn và hiếu thắng của tên khổng lồ luôn che đậy một nỗi sợ hãi, đó là pháp lý và dư luận quốc tế. Cuộc đấu tranh nào cũng vậy, thắng lợi thực sự và cuối cùng bao giờ cũng thuộc về phía chính nghĩa. Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng qua lịch sử chống ngoại xâm của nhiều dân tộc , trong đó có dân tộc Việt Nam, một dân tộc vì  những điều kiện ngẫu nhiên  luôn phải đối kháng với những kẻ khổng lồ. Bất đắc dĩ mới phải chiến đấu, lại càng bất đắc dĩ để chiến đấu với tên khổng lồ. Nhưng chắc  rằng nhân dân Việt Nam biết mình phải làm gì và làm như thế nào để chiến thắng.       
Dưới đây xin đính  kèm môt tài liệu nói về Công ước UNCLO có liên quan như thế nào trong trường hợp của VN để bạn đọc tiện tham khảo:
Báo Tổ quốc: Công ước Luật Biển năm 1982 xác định quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Theo Công ước Luật Biển này, quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Công ước bao gồm 320 điều khoản, 9 phụ lục. Công ước cho phép các quốc gia mở rộng chủ quyền quốc gia ra biển, và biến một phần tài sản chung của nhân loại thuộc về quốc gia mình. Đây là điều có lợi cho một quốc gia ven biển. Lấy ví dụ Biển Đông, xét trường hợp Việt Nam, quốc gia ven biển kẻ một đường cơ sở về mặt kỹ thuật, dựa trên đường cơ sở để xác định các vùng biển bao gồm nội thủy nằm sát ở bờ biển bên trong đường cơ sở. Từ đường cơ sở, sẽ tính vùng lãnh hải bao gồm 12 hải lý, nếu kéo dài vùng lãnh hải thêm 12 hải lý nữa còn được gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Bắt đầu tính từ đường cơ sở sẽ kéo dài 200 hải lý để mở rộng ra tới vùng đặc quyền kinh tế. Tiếp giáp trực tiếp với vùng đặc quyền kinh tế sẽ là vùng biển quốc tế hay vùng biển cả đại dương. Dưới mực nước biển, tính từ bờ biển các quốc gia ven biển mặc nhiên được công nhận quyền chủ quyền quốc gia với việc mở rộng thềm lục địa 200 hải lý, trong trường hợp thềm lục địa kéo dài hơn thì có thể tới 370 hải lý.­­ Về nguyên tắc, nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa là ba vùng biển thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển. Còn lại vùng biển cả ngoài phạm vi ấy là biển tự do, không một quốc gia nào có quyền xác lập chủ quyền đối với bất cứ bộ phận nào của biển.
Nội thủy là tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở. Tại nội thủy, quốc gia  ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.
Nội thủytoàn bộ vùng biển tiếp giáp với bờ biển từ bên trong của đường cơ sở bao gồm các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh và các đảo bên trong đường cơ sở. Các quốc gia ven biển có chủ quyền không chỉ với vùng nước mà cả vùng trời, vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển, tức là quyền chủ quyền được mở rộng trên mọi hướng. Tại đây, quốc gia ven biển có chủ quyền tuyệt đối như là có chủ quyền trên đất liền.
Lãnh hải là vùng biển nằm bên ngoài đường cơ sở có chiều rộng tối đa 12 hải lý (trước năm 1958 thì lãnh hải chỉ có ba hải lý). Tại đây các quốc gia ven biển có chủ quyền của mình. Tuy nhiên, tính chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì trong lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại và cần xin phép. Các quốc gia ven biển có thẩm quyền trên biển về phòng thủ quốc gia, hoạt động cảnh sát trên biển, đánh thuế quan, đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua. Tại đây vẫn có thể dựa trên nguyên tắc lấy đất liền làm cơ sở để xác định lãnh hải.
Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó và đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Việc các quốc gia khác tới đây với mục đích khai thác kinh tế là không được phép, chỉ có quốc gia ven biển đó mới có quyền khai thác kinh tế ở đó.
Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định rõ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các quốc gia khác có một số quyền như quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không ở vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.
Trong vùng đặc quyền kinh tế còn có một vùng biển với chiều rộng 12 hải lý gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Trong vùng biển đặc thù này các quốc gia ven biển có quyền thực hiện sự kiểm soát cần thiết nhằm mục đích ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm xảy ra trong lãnh hải của quốc gia đó.
Thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển với chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý (kể cả khi chiều rộng thực tế của thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu chiều rộng thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 m. Tuy nhiên, để có thể mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý, quốc gia ven biển liên quan phải trình Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Thực hiện quyền này, vào tháng 5-2009, Việt Nam đã trình Liên hợp quốc hai báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa của ta ngoài 200 hải lý. Báo cáo phía bắc nước ta tự nộp, còn Báo cáo khu vực phía nam Biển Ðông ta phối hợp với Malaysia cùng xây dựng và cùng trình Liên hợp quốc.
Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Ðặc biệt, Công ước nêu rõ quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Như vậy, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 về phạm vi cũng như quy chế pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển rất rõ ràng và minh bạch. Phù hợp với Công ước các quốc gia ven biển có các quyền hợp pháp và chính đáng đối với mỗi vùng biển của mình. Khi thực hiện các quyền đó của mình, mỗi quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng các quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác. Ðó là yêu cầu khách quan của trật tự pháp lý trên biển mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng nên. Các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết quốc tế luôn luôn phải song hành. Không có gì có thể biện minh cho việc một quốc gia thành viên xâm phạm các quyền chính đáng của một quốc gia thành viên khác theo Công ước Luật Biển năm 1982.
Ðáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định đáy biển quốc tế là tài sản chung của nhân loại và không một quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó. Tức là về quy chế pháp lý, ở đáy biển quốc tế các quốc gia không có quyền tự do khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đối với vùng biển quốc tế. Căn cứ quy định của Công ước, các quốc gia thành viên đã thành lập Cơ quan Quyền lực quốc tế về Ðáy đại dương để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đáy biển quốc tế.
Chế độ pháp lý của đảo: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về đảo ở Điều 121, nhưng không có quy định riêng về quần đảo. Theo cách hiểu thông thường, đảo là một vùng đất có nước bao quanh. Theo định nghĩa đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc khi thủy triều lên vùng đất này vẫn nổi trên mặt nước. Khi thủy triều rút thì vùng đất đó nhô lên nhưng khi thủy triều dâng nếu vùng đất đó biến mất thì không thể coi đó là đảo. Nghĩa là đảo phải luôn nổi trên mặt nước (khoản 1 Điều 121 Công ước). Các đảo có thể nằm trong sông hồ, các đảo nằm ngoài biển được gọi là hải đảo, có thể là các đảo hoặc đảo đá, đảo san hô.
Điểm quan trọng trong Công ước là cho phép quy chế đảo ngang hàng với quy chế đất liền. Việt Nam ở vào vị trí một quốc gia có biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo và quần đảo. Nếu một vùng đất được hưởng quy chế đảo tương đương quy chế đất liền thì nó được hưởng đầy đủ các quyền như trên đất liền, tính từ bờ đảo được mở rộng thêm nội thủy, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa, với điều kiện vùng đất đó phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện do Công ước đặt ra theo khoản 2 Điều 121 Công ước.
Về quy chế các bãi đá, thông thường vẫn còn được gọi là đảo đá thì không được hưởng các quy chế của đảo, chỉ có thể có được vùng lãnh hải 12 hải lý. Theo khoản 3 Điều 121 Công ước ghi rằng những đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc có sinh hoạt kinh tế riêng chỉ có được vùng lãnh hải, không có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Vấn đề này gây tranh cãi lớn trên thế giới để xác định khi nào một bãi đá được coi là đảo. Sự tranh cãi ở hai điểm, thứ nhất là thế nào là không thích hợp cho con người đến ở và thứ hai là hiểu thế nào là đời sống kinh tế riêng. Trong những năm gần đây, các quốc gia đã tranh thủ thời gian để ra đảo bỏ ra nhiều tiền đổ đá, xây nhà ở, xây sân bay và tạo ra các đời sống kinh tế riêng, tạo điều kiện du lịch, để được coi là đảo.
Việt Nam đã ký kết và trở thành thành viên thứ 63 của Công ước Luật Biển. Theo luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các Tuyên bố, văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước Việt Nam được ban hành trong mấy chục năm gần đây, Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển và hải đảo của mình với các chế độ pháp lý khác nhau. Theo Công ước Luật Biển 1982, Việt nam được phép mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia tại Biển Đông, bao gồm các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa dưới biển tới 370 hải lý. Điều này có nghĩa là, với chiều dài bờ biển của Việt nam là 3260 km, Việt Nam được mở rộng lãnh hải quốc gia đến 1 triệu km2. Việt Nam trở thành một quốc gia biển./.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Vua xưa & Lãnh đạo nay

Lang thang trên mạng gặp lại lời Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) kêu gọi nhân dân cảnh giác với giặc Tàu , trong đó có đoạn:
" Các người chớ quên , chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ , trái đạo . Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo . Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu . Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải . Các việc trên , khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn . Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước . Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp . Không thôn tính được ta , thì gậm nhấm ta . Họ gậm nhấm đất đai của ta , lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích .
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn :
" Một tấc đất của Tiền nhân để lại , cũng không được để lọt vào tay kẻ khác " . Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu ".http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng (*)

Đọc lời người xưa soi vào ngày nay thấy có những điều thật thú vị! Chẳng lẽ ý chí quật cường của dân tộc mà đại diện là  vua chúa trước đây và giai tầng lãnh đạo ngày nay lại "xuống cấp" quá nhiều như vậy?

Những ai ít nhiều theo dõi thời cuộc đất nước đều có thể nhận thấy một tình trạng xói mòn nghiêm trọng về niềm tin của dân chúng đối với giới lãnh đạo đất nước trong thời  kỳ gần đây. Nhân dân từ chỗ một lòng tin tưởng và phục tùng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng  và Nhà nước trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thì nay đã chuyển sang trạng thái hoài nghị, thậm chí không tin vào sự lãnh đạo đó nữa. Sự thật này đã được ghi nhận trong một số văn kiện của Đảng, gần đây nhất là NQ TW 4 khóa XI.
 
Có rất nhiều biểu hiện của trạng thái nói trên. Đó là thái độ bất bình, bất tín , thậm chí bất tuân lệnh  đang ngày một lan rộng trong xã hội, không chỉ từ dân chúng mà cả giới trí thức và quan chức. Trong khi người dân bức xúc trước những diễn biến tiêu cực trong tình hình kinh tế-chính trị-xã hội và chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển, thì giới quan chức dường như tỏ ra thờ ơ, lãnh cảm, thậm chí thoái thác trách nhiệm. Đã bắt đầu có triệu chứng chính quyền ngăn chặn tự do thông tin và hạn chế dân chúng bàn luận chính trị, thậm chí truy chụp những người có ý kiến trái ngược dù với động cơ xây dựng. Tình hình có cái gì đó na ná với thời chính quyền Mỹ-ngụy cấm người dân "nói chính trị".... Trong nhiều trường hợp, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, nhân dân và báo chí, kể cả "lề trái" trở thành  người đi đầu phát hiện vấn đề và đề xướng giải pháp trong khi các cơ quan chính quyền lại tỏ ra thụ động, chậm vào cuộc hoặc bất lực. Trên mặt trận an ninh quốc phòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường và ngư dân...,  họ cũng là người đi đầu với những hình thức đấu tranh thiết thực và kịp thời khiến đối phương lo sợ,  trong khi giới chức lại tỏ ra dè dặt, thậm chí  tránh né với lý do "vấn đề nhậy cảm" hoặc " khôn khéo"....

Lẽ nào những người lãnh đạo đất nước bây giờ không biết rằng khí phách của một dân tộc trước hết phải được thể hiện bởi những người đứng đầu dân tộc đó; và kẻ thù  thường nhìn vào đó để đưa ra quyết sách của chúng (?). Kinh nghiệm cho thấy, dưới con mắt của bọn bành trướng. mọi cử chỉ do dự hoặc những tiểu xảo gọi là "khôn khéo" của người Việt chỉ là dấu hiệu của sợ hãi và khuất phục mà thôi. Điều quan trong hơn nữa là, nhân dân luôn đặt niềm tin vào những người lãnh đạo như những thủ lĩnh đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm báo khối đoàn kết dân tộc-nguồn sức mạnh vô địch của Việt Nam xưa nay. Nói cách khác, không nên vì bất cứ lý do gì để những người lãnh đạo xa rời nhân dân hoặc né tránh không thể hiện một cách công khai minh bạch ý nguyện của nhân dân.   

Câu hỏi đặt ra là, tại sao từ hàng ngàn năm trước các vua chúa nước Việt  đã từng thực hiện những điều mà ngày hôm nay giới lãnh đạo nói rất nhiều nhưng không làm được bao nhiêu? Tại sao xưa kia trong bối cảnh quan hệ quốc tế hạn hẹp với vị thế bất lợi trước kẻ thù, nhưng các vua chúa, trong đó có Vua Trần Nhân Tông, vẫn dám gọi đích danh "họa nước Tàu". Vua còn đích thân đứng ra cảnh báo dân chúng về  âm nưu "gặm nhấm.... để biến nước ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích"! Sự chỉ đạo của Vua như thế xem ra vừa rất cụ thể vừa tỏ rõ tầm nhìn xa trông rộng. Lãnh đạo ngày nay có mấy ai dám nói trước bàn dân thiên hạ những lời như thế? Bao giờ mới thay thế những từ "tàu lạ", "nước ngoài" chung chung... bằng đúng tên thật của chúng? Trộm nghĩ,  liệu Vua Trần Nhân Tông với những lời tuyên bố chẳng mấy khéo léo như thế mà còn sống đến ngày hôm nay thì có bị cấm đoán hay bị phạt tù không nhĩ?  Than ơi, nghĩ đến đây thấy sao mà nghịch lý đến não ruột! 
        
(*) Lời trích này lấy từ nguồn Wikipedia có thể không hoàn toàn chính xác. Song, nội dung này cũng thấy phổ biến trên nhiều tài liệu được lưu truyền ở VN lâu nay.  Bạn đọc có thể tự tìm hiểu để kiểm chứng thêm. 


Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012

Bổ nhiệm Người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao9:56 PM, 21/06/2012

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý  đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là  “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ  với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới./.


Nguồn: Trang web Ngoại giaoViệt Nam: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Tuyen-bo-cua-Nguoi-phat-ngon-Bo-Ngoai-giao-Viet-Nam-ngay-2162012/20126/141431.vgp


Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Vì sao Trung Quốc bị thế giới oán ghét?

Đây là một bài viết của một giao sư giáo sư Hoa kiều tại Anh quốc tên là  Diêu Thụ Khiết, hiện là Viện trưởng Viện Trung Quốc học đương đại, Đại học Nottingham (Anh quốc). Có lẽ yếu tố  "hải ngoại" của tác giả khiến nội dung bài viết trở nên khách quan  và "dễ lọt tai" đối với thế giới , nhất là đối với người Việt Nam (?). Nó có một giá trị đặc biệt đối với giới nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.    
Nguồn: báo Chiến lược Trung Quốc
Người dịch: Đinh Thị Thu và đăng tại http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/2648-vi-sao-trung-quoc-bi-the-gioi-oan-ghet

 
Trung Quốc đã là nước lớn nhưng luôn trong tình trạng bị bao vây kìm kẹp, thậm chí bị người khác “oán hận”. Nguyên nhân chính: Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí; Giới quan chức ngạo mạn, không biết cách học hỏi, luôn tự cho bản thân họ là đúng, khí phách thiên triều.

Trong nền kinh tế, Trung Quốc đã trở thành nước lớn, là cường quốc, không có gì phải thắc mắc. Trong lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc luôn tồn tại trong tình thái bị bao vây cùm kẹp, thậm chí bị người khác "hận". Lý do tại sao?
Trung Quốc rốt cuộc đã làm những gì, khiến cho nhân loại toàn thế giới ức hiếp, thậm chí thù hận như vậy?
Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí
Hãy nhìn vào nước Mỹ kia, qua vài năm nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ bị Trung Quốc vượt qua. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh ngoại giao của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát toàn bộ thế giới như tình hình hiện nay. Có những quốc gia cũng căm hận nước Mỹ, ví dụ như các quốc gia Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, thế nhưng lại càng tồn tại nhiều hơn các quốc gia khác tin tưởng vào nước Mỹ, yêu thích nước Mỹ, đồng thời hy vọng nhận được sự bảo hộ che chở trong đó bao gồm toàn bộ tất cả các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Không thể nói người khác "ăn trong bám ngoài" (chi li pa wai), vì sao Mexico không chạy đến để mời Trung Quốc làm chiếc ô bảo hộ cho đất nước của họ, hòng đối kháng lại nước Mỹ?
Đến Đài Loan của Trung Quốc, vài thập kỷ vừa qua cũng đều dựa dẫm vào nước Mỹ.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines đều mong muốn nhận được sự bảo hộ từ Mỹ hòng đối kháng lại Trung Quốc. Thậm chí đến Việt Nam, đất nước đã từng bị Mỹ xâm lược và là nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc, cũng đều tìm kiếm sự bảo hộ từ Mỹ.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhân loại trên toàn thế giới đều tôn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là G2. Trong nền chính trị và ngoại giao, đại đa số các quốc gia đều coi Trung Quốc là kẻ thù giả định (jia xiang di), nhận định Mỹ là chiếc ô bảo hộ để chống đối lại kẻ thù giả định này. Rốt cuộc là do Mỹ không đúng, hay do nền ngoại giao Trung Quốc thiếu mưu trí? Điều này không cần nói cũng đều hiểu được.
Sự khác biệt giữa hai nước Trung - Mỹ
Chúng ta ngày ngày đều tung hô bắt kịp được Mỹ, rốt cuộc đã bắt kịp được những gì, chỉ có riêng một nhân tố là tổng sản phẩm GDP. Còn bình quân GDP trên đầu người, mức thu nhập bình quân, bình quân chất lượng cuộc sống thực tế, năng lực sáng tạo của nhân dân, trong toàn bộ thế kỷ 21, Trung Quốc không thể nào vượt qua được Mỹ.
Về lĩnh vực quân sự và ngoại giao, Trung Quốc có lẽ sẽ vĩnh viễn không bao giờ sánh đạt được năng lực kiểm soát toàn cầu giống như Mỹ đã từng có.
Không cần nói đến vấn đề kiểm soát toàn cầu. Ngày mùng 8 tháng 05 năm 1999, đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư đã bị đánh bom, chúng ta chỉ có thể đứng tại Bắc Kinh mà mắng nhiếc, đến cả các phương pháp ngoại giao làm thế nào để phục hồi lại thể diện cũng không hề có. Là người Trung Quốc, thực tế mà nói, chỉ có duy nhất hai từ: Nuốt Giận.
Đối với nước Mỹ, chúng ta không có biện pháp nào. Đối với các quốc gia "Tiểu Biết Tam" (Xiao bie san: lưu manh, vô lại), chúng ta cũng bó tay không có sách lược. Vấn đề Đài Loan khu vực phía tây, sẽ trở thành mối vướng víu vĩnh viễn. Điều này không phải là vấn đề lớn, đồng bào của chúng ta, chỉ cần Đài Loan không tuyên bố độc lập, đại lục cũng sẽ luôn như vậy, phải cho qua thì cũng sẽ phải cho qua. Tuy nhiên, Mỹ lại luôn lấy vấn đề Đài Loan ra làm vật cản trở đại lục, khiến cho tình hình trở nên tương đối thụ động, thật là lực bất tòng tâm.
Trung Quốc thiếu bạn, chứ không hề thiếu kẻ thù.
Khu vực xung quanh Trung Quốc, chỉ thiếu bạn, không hề thiếu kẻ thù.
Vấn đề tồn tại hiện nay, người Ấn Độ đang gồng mình nỗ lực mở rộng các hoạt động quân sự chuẩn bị cho các cuộc chiến, rất đều đặn không hoang mang. Hàng không mẫu hạm, tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân. Những thứ Trung Quốc có, Ấn Độ về cơ bản đều có, những thứ Trung Quốc không có, người Ấn Độ cũng đều đã có.
Chúng ta luôn dừng lại trong niềm vui với "Lưỡng đạn nhất tinh" (hai pháo bom và một vệ tinh). Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ cũng đã sở hữu "Lưỡng đạn nhất tinh". Giải thích như thế nào? Sự thực chứng minh rằng, người Trung Quốc không phải là là những người thông minh nhất trên toàn thế giới, đến mức độ thông minh nhất khu vực Châu Á cũng chẳng thể đạt đến. Ngoài Trung Quốc thì còn có những người thông minh khác, thậm chí càng có những quốc gia với những dân tộc thông minh hơn hẳn. Chúng ta không nhìn nhận ra vấn đề này, luôn tự cho mình là đúng, mù quáng tôn vinh bản thân là lớn mạnh, luôn luôn chiêm ngưỡng một cách quá đáng chính bản thân, đây mới chính là căn nguyên tồn tại của các vấn đề.
Nền ngoại giao hiện nay mà Trung Quốc đang thực thi, ai nghe lời, ai nịnh bợ cần tiền thì Trung Quốc sẽ đối xử tốt với họ. Còn ai chỉ trích phê bình, ai chế giễu thì Trung Quốc sẽ căm hận chính họ. Cần biết rằng, những quốc gia không ngừng nịnh bợ cần tiền Trung Quốc đều là những quốc gia không có vị thế quốc tế. Chỉ có những quốc gia dám lên tiếng chỉ trích phê bình, thậm chí dám mắng nhiếc Trung Quốc, mới có năng lực ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đối với những quốc gia này mà nói, không cần phải cúi đầu, không có gì là sai lầm. Tuy nhiên nếu không tìm hiểu lẫn nhau một cách nghiêm túc, đạt được sự đồng cảm và đồng thuận, biến "địch" thành bạn, như vậy sẽ là thất bại lớn nhất trong nền ngoại giao.
Giới quan chức thiếu kiến thức phổ quát về lĩnh vực ngoại giao, tự tin và ngạo mạn quá mức.
Giới quan chức Trung Quốc luôn luôn tự cho bản thân họ là đúng, không lắng nghe nổi những quan điểm ngược chiều tiêu cực hay những lời chỉ trích. Kỳ thực, bất kỳ một quốc gia nào cũng đều ích kỷ, đều tồn tại những khiếm khuyết, giống như nước Mỹ và nước Anh, Trung Quốc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc không cần thiết phải luôn luôn tỏ ra bộ dạng tự cho bản thân là đúng, biết tiếp nhận phê bình thì Trung Quốc mới có thể tiến bộ được.
Trong lĩnh vực ngoại giao, báo chí và ngôn luận Trung Quốc luôn phản đối kịch liệt những lời phê bình của người khác đối với bản thân, không ngừng lặp lại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự trỗi dậy hòa bình. Có quỷ mới tin được, bất kỳ một nước lớn nào cũng đều không thể tự hài lòng với việc chỉ bảo hộ cho chính đất nước họ, luôn luôn tồn tại mong muốn có năng lực và ham muốn đi công kích các nước khác. Vấn đề cốt lõi chính là, liệu có phải là những cuộc công kích các nước khác phi mục đích hay không có đạo lý hay không.
Mỹ chính là một điển hình. Mỹ không ngừng tiến hành các cuộc công kích các nước khác, điều này là không tốt, thế nhưng cũng có vô số các nước khác ủng hộ cho hành xử như vậy của Mỹ. Trung Quốc chẳng phải cũng đã từng đem quân đi đánh Việt Nam đó sao? Tổ tiên của chúng ta Thành Cát Tư Hãn chẳng phải cũng đã cưỡi ngựa chiến giẫm đạp lên Moscow và St Petersburg hay sao? Thời điểm hiện nay, nếu Philippines không tử tế thì đánh nước này một trận có gì là không thể?
Có những lúc có năng lực đánh, hơn nữa lại đánh một cách chuẩn xác, đúng vị, thì không chỉ không mầm mống nên những kẻ địch, mà còn có thể giành được càng nhiều bạn bè hơn. Nước Mỹ chính là như vậy, tạo nên những kẻ địch rất nhiều nhưng bạn bè lại càng nhiều hơn. Vấn đề cốt lõi nằm tại chỗ, nước Mỹ có thể làm được đến việc ngoài trường hợp Osama bin Laden bí mật hành xử Mỹ thì không có bất cứ một quốc gia nào dám đối chọi lại với Mỹ, Trung Quốc liệu có thể được chăng?
Trung Quốc đương nhiên không cần học hỏi Mỹ, cũng không thể học nổi Mỹ. Tuy nhiên có hơi hướng của sự bá quyền Mỹ thì tại sao lại không thể? Sự thật là bản thân yếu kém bất năng lực, chứ không phải là sự nhân từ.
Giới quan chức không biết cách học hỏi nền ngoại giao của các nước khác như thế nào.
Thời gian gần đây, một vị hiệu trưởng trong nước đã nghỉ hưu, nhận được sự điều phái của một cơ quan quyền lực mềm quốc gia nào đó, chuẩn bị đến ba trường đại học hàng đầu của vương quốc Anh để tiến hành chiêu sinh các nghiên cứu sinh tiến sỹ đến Trung Quốc học tập. Đầu tiên, có ai bằng lòng đến Trung Quốc học tiến sỹ hay không thì vẫn chưa biết được, giới quan chức của chúng ta thì đã giả tưởng rằng đến để bố thí cho các trường đại học ở vương quốc Anh này.
Vì thế, vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu - khi người còn chưa đến nơi - đã ép buộc yêu cầu ba vị hiệu trưởng đương vị của ba trường đại học tại vương quốc Anh tiến hành cuộc gặp gỡ với họ vào thời gian cuối tuần. Thật không dễ dàng gì, có một vị hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của một trường đại học đã nhận lời đáp ứng cuộc gặp gỡ này, hơn nữa còn chuẩn bị bữa tiệc thiết đãi thịnh soạn. Đây chính là phép tắc lịch sự của vị hiệu trưởng của vương quốc Anh. Khi thời gian vừa mới được sắp xếp ổn thỏa, một cú điện thoại đột nhiên được gọi đến, nói rằng liệu có thể thay đổi sang thời gian một ngày khác được hay không.
Tâm lý người phụ trách liên lạc phía Anh đã bắt đầu rụt rè, nhưng để giữ lịch sự vẫn còn yêu cầu vị hiệu trưởng của trường đại học đó thay đổi lại thời gian, việc đó là do người phụ trách liên lạc và vị lãnh đạo này bình thường luôn duy trì mối quan hệ rất tốt đẹp. Người lãnh đạo mặc dù cũng đã đồng ý tiến hành thay đổi lại thời gian. Nhưng không ngờ được rằng, khi đưa tin tức tốt lành này nói cho bên phụ trách liên lạc của phía Trung Quốc, thì ông ta lại trả lời rằng, "thế thì mời ông mau chóng gửi bản sơ yếu lý lịch của vị hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường đại học phía Anh của các ông cho tôi".
Người phụ trách liên lạc phía Anh kỳ thực không thể kìm nén được nữa. Tuy nhiên vẫn lịch sự mà gửi sang một bức thư rằng, "mời ông gửi trước bản sơ yếu lí lịch của vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu của phía Trung Quốc chuẩn bị đến thăm đó được không? Các ông là những người khách đến thăm không gửi bản sơ yếu lí lịch sang, lại yêu cầu bản sơ yếu lí lịch của chính nhà lãnh đạo cao nhất của bên tiếp đãi, e rằng không được thỏa đáng"?
Đối phương đã gửi lại thư hồi âm, "vị hiệu trưởng của phía Trung Quốc chúng tôi hiện tại không có sẵn bản sơ yếu lí lịch, nếu ông cần, xem trên Google liệu có thể tìm thấy được hay không"?
Người phụ trách liên lạc của phía Anh nói rằng: "các sơ yếu lí lịch của tất cả các vị lãnh đạo cũng như các giảng viên trong trường đại học của chúng tôi đều công khai hiện trên các trang web trong trường đại học, ông hãy tự tìm đi".
Trung Quốc vẫn chưa phải là quốc gia lớn nhất, mạnh nhất thế giới, giới quan chức phổ thông đã tồn tại thói quen coi những người nước ngoài như là nô tài của bản thân, hơn nữa lại chính là những người nước Anh, thật sự là có khí phách của thiên triều. Giới quan chức phổ thông đã như vậy, giới quan chức cấp cao thì lại càng quá đáng hơn. Trong mỗi một cuộc họp mang tính chất quốc tế, không quan tâm người khác có nguyện vọng lắng nghe hay không, có ủng hộ hay không, nhất cử nhất động luôn đặt ra không ít những kiến nghị, những nguyên tắc yêu cầu áp đặt lên các tầng lớp lãnh đạo nước ngoài tương đương chức hàm. Xin hỏi rằng, người nước ngoài đặc biệt là những quốc gia nhỏ yếu liệu có thật sự trở thành bạn bè của Trung Quốc được không, có thể không sợ sệt, không "hận" Trung Quốc được chăng?



Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Viết lại tên Bách Việt


Đây là tên của một bài viết của tác giả  Nguyễn Đại Việt đăng tại Nguyễn Thái Học Foundation   http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/viet-lai-ten-Bach-Viet.htm 
Nhận thấy bài viết đề cập cùng chủ đề của blog Bách Việt và tập trung vào hai vấn đề lịch sử có nhiều khuất tất nhất và  dường như đang bị "quên lãng" bởi chính người Việt Nam, đó là a) nguồn gốc và mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và Bách Việt nói chung (?); b) người Việt có chữ viết riêng hay không và tiếng Việt vay mượn tiếng Hán hay ngược lại (?), chủ blog tôi xin giới thiệu để cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho bạn đọc. Hy vọng tài liệu này  sẽ góp phần trả lời một số thắc mắc đồng thời  thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc ta theo hướng khách quan và tôn trọng  sự thật lịch sử dựa vào không chỉ sử sách cũ mà tất cả các nguồn dữ liệu mới trên cơ sở khoa học khảo cỗ và nhân chủng học hiện đại. Sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về cội nguồn dân tộc sẽ giúp người Việt Nam thật sự thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp và lấy lại tâm thế đáng có của mình.      
   
Viết lại tên Bách Việt
                                                                                   Tác giả: Nguyễn Đại Việt(*)
                                                              
Sau khi hợp lực đánh đổ nhà Tần năm 206 trước Công Nguyên (TCN), Lưu Bang bất thần xé bỏ hòa ước Hồng Câu xua quân bao vây Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và diệt nước Sở năm 202 TCN. Cùng năm đó, ông lên ngôi hoàng đế sáng lập ra nhà Hán còn gọi là nhà Tiền Hán hay nhà Tây Hán. Về chữ viết, Hán triều tiếp tục chính sách của Tần Thủy Hoàng trong việc sửa đổi và tiêu chuẩn hóa một loại cổ ngữ thành một hệ thống chữ viết gọi là Hán ngữ.
Hình 1: Chữ "Việt" (bên trái) viết theo lối chữ Triện thời Tây Hán. Chữ "tẩu" (thứ hai từ trái sang phải) dùng để xác định ý nghĩa và chữ "người cầm qua" (bên phải) dùng xác định cách phát âm. Chữ cuối phát âm là "Việt" có hình tượng giống như một người cầm cái qua (戈). Trong Hán ngữ chữ "qua" (戈) có nghĩa là "cái mác" hoặc "chiến tranh".
Trong khoảng từ năm 109 đến năm 91 TCN, Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng đời Tây Hán, dùng Hán ngữ biên soạn bộ Sử Ký dài 130 tập, theo chú thích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông là người đầu tiên viết hai chữ Bách Việt trong tập Ngô Khởi Truyện của bộ Sử Ký nổi tiếng đó. "Bách Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại là 百 越.

Một bộ sử khác do Ban Bưu khởi xướng, bộ Hán Thư (漢書) gồm 100 tập, cũng được soạn thảo vào thời Tây Hán chép rằng:
“Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Hội Kế (Cối Kê), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.”

Bách Việt mà hai bộ Sử Ký và Hán Thư đề cập đến chính là chủ nhân của vùng đất rộng lớn, bao trùm toàn cõi Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam ngày nay; ngoại trừ Lạc Việt (Việt Nam) các thị tộc Bách Việt khác đều bị Hán tộc tiêu diệt, đồng hóa và chiếm đoạt hết lãnh thổ.

Theo Hán ngữ hiện đại, tên các thị tộc của Bách Việt được viết là 於 越 (Ư Việt), 揚 越 (Dương Việt), 閩 越 (Mân Việt), 南 越 (Nam Việt), 東 越 (Đông Việt), 山 越 (Sơn Việt), 雒 越 (Lạc Việt), 甌 越 (Âu Việt), v.v…tất cả các tên đều gắn liền với chữ 越, gọi là "chữ Việt bộ Tẩu". "Tẩu" có nghĩa là "chạy" nhưng không hiểu vì sao sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần khi biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) năm 1272 và sử gia Ngô Sĩ Liên, triều vua Lê Thánh Tông, khi viết quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (大越史記全) năm 1479, vẫn sử dụng chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán.

Bài viết này gồm 2 phần. Phần chính giới thiệu chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ đồng thời chứng minh "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán là một bản dịch sai của chữ "Việt" đó. Phần còn lại, phần phụ, trình bày một cái nhìn, một cảm nhận cá nhân về chữ "Việt" của một vị vua sống trong thế kỷ thứ 5 TCN.

CHỮ "VIỆT" CỦA BÁCH VIỆT

Tại sao chủng tộc Bách Việt lại tự nhận diện qua một cái tên không phản ảnh một chút sắc thái nào của mình? Nguyên do nào khiến tên của một chủng tộc từng làm chủ một lãnh thổ rộng lớn lại mang ý nghĩa bi quan như thế?

Ngày nay, khi tìm hiểu ý nghĩa chữ "Việt" giới nghiên cứu không tránh khỏi ngạc nhiên và băn khoăn bởi những câu hỏi tương tự trên đây. Mặc dù có những nổ lực bỏ ra nhằm khám phá những bí ẩn đàng sau chữ "Việt bộ Tẩu", nhưng đến nay tuyệt nhiên vẫn chưa có một giải thích thuyết phục nào được công nhận một cách rộng rãi. Sỡ dĩ có sự bế tắc đó là vì họ đã nghiên cứu một cái tên sai. Quả vậy, chữ 越 hay "Việt bộ tẩu" không phải là do người Việt cổ đặt ra, nó chỉ là một phiên bản được các sử gia và học giả của triều đình Tây Hán dùng Hán ngữ dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã xuất hiện trước đó ít nhất là 300 năm.

Từ văn tự cổ đến trống đồng và những cổ vật khai quật được đặc biệt là thanh gươm của vua Câu Tiễn, chúng ta sẽ tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi Việt là gì, nó sẽ giải tỏa nghi vấn kéo dài suốt hơn 2000 năm kể từ khi Tư Mã Thiên dùng Hán ngữ đặt bút viết chữ " Việt bộ Tẩu" (越) trong bộ Sử Ký của ông đến nay. Trong phần này các chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng sẽ được trình bày và phân tích. Kế đó, thành phần cấu tạo của chúng sẽ được so sánh với thành phần cấu tạo của chữ "Việt bộ Tẩu" và chữ "Việt bộ Kim".

1. Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ trong thời đại đồ đồng

Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm trên mai rùa hay xương động vật. Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn. Chữ viết khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là văn tự thời đồ đồng. Cả hai loại văn tự đều có từ đời nhà Thương và Giáp Cốt văn là loại văn tự cổ xưa nhất. Triều đại nhà Thương xuất hiện trong khoảng từ năm 1600 đến 1046 TCN, kinh đô đóng tại đất Ân thuộc tỉnh Hà Nam, Trung quốc ngày nay. Giặc Ân trong huyền sử Phù Đổng Thiên Vương của người Việt chính là nhà Thương này. Hiện nay có hơn 4.000 chữ thuộc văn tự thời đồ đồng được khai quật và trong đó một số chữ "Việt" được ghi nhận. Xin lưu ý là các văn tự đồ đồng và Giáp Cốt văn dùng trong tài liệu này đều được cung cấp từ chineseetomology.org, một website về cổ ngữ rất phong phú và hữu ích của ông Richard Sears.

Sau đây là 5 chữ "Việt" viết bằng loại "chữ chim", có nơi gọi là "chữ sâu bọ và chim", một loại cổ ngữ rất phổ biến và thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

a) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01747


Hình 2: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01747:

- Người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng. Từ đây về sau sẽ gọi là "Người Chim".

- Người Chim đứng với hai chân dang rộng, tay cầm một cây gậy dựng đứng trên mặt đất và trên thân gậy có 2 cái móc nhỏ.

- Chữ này chỉ có một thành phần là chính nó.

- Niên đại: không rõ.

b) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01748


Hình 3: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01748:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay Người Chim cầm một vật giống như cái qua (mác).

- Người Chim trong tư thế của một vũ điệu.

- Thành phần bên trái là ký tự gồm một hình tròn nằm trên chữ mang hình tượng có đầu tròn to với một cái đuôi.

- Niên đại: không rõ.

c) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01750


Hình 4: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01750:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn nằm trên ký tự có hình tượng giống thân rắn với 2 sừng.

- Niên đại: không rõ.

d) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01751


Hình 5: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01751:

- Thành phần bên phải là Người Chim trong tư thế nhảy múa.

- Người Chim không cầm qua hoặc binh khí.

- Thành phần bên trái là một hình tròn nằm trên một cái đầu có đuôi cong.

- Niên đại: không rõ.

e) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01749


Hình 6: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01749:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay phải của của Người Chim cầm một vật có hình dạng của một cái qua.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn có chấm bên trong và nằm ngay trên ký tự có hình tượng uốn lượn như thân rắn với một cái đầu to, miệng (hoặc 2 sừng) và mắt.

- Niên đại: 496 - 465 TCN. Đây là chữ "Việt" được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn nước Việt (khác với Việt Nam).

Kết luận: Khảo sát các chữ "Việt" trên đây chúng ta rút ra được 2 điểm quan trọng,

- Thứ nhất, chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại trong khoảng từ 496 đến 465 TCN, nghĩa là chúng xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán ít nhất 3 thế kỷ.

- Thứ hai, yếu tố chủ đạo của các chữ "Việt" là "Người Chim". "Qua" hay binh khí là yếu tố phụ.

2. Chữ "Nước" (Quốc gia) trong thời đại đồ đồng

Theo định nghĩa của chữ 邑 (ấp), một trong các ý nghĩa của nó là "nước" hay "quốc gia". Ví dụ như "nước Chu" (邾: Chu quốc) hay "nước Hàn" (邗: Hàn quốc) thời Xuân Thu và Chiến Quốc.




Hình 7: Chữ "ấp" trong thời đại đồ đồng. Chữ này có nghĩa là "nước", "quốc gia", "kinh đô, "thành thị" hoặc là vùng đất được vua ban cho.




Hình 8: "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và thời chữ Triện (phải).


Trong chữ "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" (hình 8), chữ "nước" được đặt sau chữ "Chu", khác với cách viết của người Việt là chữ "nước" được đặt trước như trong các chữ "Việt" của thời kỳ đồ đồng và cách viết hiện nay của người Việt Nam. Tương tự, chữ "nước" được dùng trong chữ "Hàn quốc" (nước Hàn) trong hình 9.


Hình 9: "Hàn quốc" nghĩa là "nước Hàn" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và theo lối chữ Triện (phải).


Hiện nay có tất cả 31 chữ "邑" (ấp) thuộc thời kỳ đồ đồng (hình 7) được ghi nhận.

3. Chữ "Tẩu" trong thời đại đồ đồng

Chữ 走 (Tẩu) là thành phần bên trái của chữ 越, chữ "Việt bộ Tẩu", viết theo Hán ngữ hiện đại.



Hình 10: Chữ "Tẩu" (Hán ngữ hiện đại: 走) trong thời kỳ đồ đồng.

So sánh chữ "nước" (hình 7) với chữ "tẩu" của thời kỳ đồ đồng (hình 10) thì hai chữ này hoàn toàn khác nhau từ hình thức đến nội dung. Hơn nữa "nước" là một danh từ còn "tẩu" là một động từ. Hiện có 17 chữ "Tẩu" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận (hình 10).

4. Chữ "Kim" thời đại đồ đồng

Trong hình 11 và phía trên là một số cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng. Ở dưới và bên phải là chữ "Gươm", chữ cuối trong 8 chữ được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Thành phần bên trái của chữ "Gươm" chính là chữ "Kim".




Hình 11: Các cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng (trên). Chữ "Kim" là phần trái của chữ "Gươm" (hình dưới, bên phải) và chữ "Nước" là phần trái của chữ "Việt" (hình dưới, bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn.


Cũng trong hình 11, ở dưới và bên trái, chữ "Việt" là chữ đầu tiên trong 8 chữ cổ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Phần bên trái của chữ "Việt" không thể là chữ "Kim" vì không bao giờ có 2 chữ "Kim" khác nhau được khắc trên cùng một thanh gươm, nhất là thanh gươm của một ông vua. Hơn nữa về hình thức thì 2 chữ 邑 (Ấp, hinh 7) và 金 (Kim, hình 11) hoàn toàn khác nhau. Hiện nay có tất cả 82 chữ "Kim" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận.

Kết luận: Thành phần bên trái của chữ "Việt" nguyên thủy chính là chữ "邑" (ấp) và được viết bằng "văn tự chim", một loại chữ cổ có trước Hán ngữ và rất thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

5. Chữ "Người Chim" trong chữ "Việt" nguyên thủy và chữ "người cầm qua" (戉) trong "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán

Chữ "Việt bộ Tẩu" của triều đình nhà Tây Hán viết theo Hán ngữ hiện đại gồm 2 thành phần. Phần bên trái là chữ "Tẩu" dùng để xác định ý nghĩa của toàn chữ và phần bên phải là chữ "Việt" dùng để phát âm (hinh 12).



Hình 12: "Việt bộ tẩu" viết theo Hán ngữ hiện đại.

Chữ bên phải của chữ "Việt bộ Tẩu" mang hình tượng một người cầm qua, chữ này có gốc từ chữ 戈 của Hán ngữ và có nghĩa là "Qua", 'Mác" hay "Chiến tranh". Chữ 戉 (người cầm qua) trong chữ "Việt bộ Tẩu" không phải là thành phần cấu tạo của chữ "Việt" nguyên thủy.


Hình 13: Một cách dịch chữ "Người Chim" của người Việt cổ sang Hán ngữ hiện đại. Lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


Thật vậy, từ chữ "Việt" trong thời kỳ đồ đồng đến hàng trăm trống đồng được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam, tất cả đều thể hiện một quan niệm đồng nhất của người Việt cổ khi dùng các yếu tố chủ đạo để tự nhận diện và yếu tố đó chính là "Người Chim" tay cầm qua hay binh khí (hình 13).



Hình 14: "Người Chim" trên trống đồng Ngọc Lũ. Nguồn: Wikipedia.


Cho đến nay số lượng chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng khai quật được tuy không nhiều nhưng quan trọng là tất cả đều thể hiện tính nhất quán cả về nội dung lẫn hinh thức. Vì vậy, có thể tiên đoán rằng đối với bất kỳ chữ "Việt" nào có trước thời Tiền Hán và được viết theo "văn tự chim" thì xác xuất để nó mang cùng nội dung và hình thức với 5 chữ "Việt" trình bày trên đây rất cao.



Hình 15: Một ví dụ của chữ "Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại từ chữ "Việt" nguyên thủy. Bên trái là chữ ấp (邑: nước), bên phải là chữ "Người Chim" tay cầm qua và phát âm là "Việt". Toàn chữ viết và đọc là "nước Việt". Trong Hán tự không có chữ này. Hán ngữ hiện đại dùng chữ 國 (quốc, nước, quốc gia) thay thế cho chữ 邑 (ấp, nước, quốc gia).


Kết luận: Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại từ 496 - 465 TCN, viết bằng "văn tự chim", xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" bằng Hán ngữ của nhà Tây Hán ít nhất 300 năm. Chữ "Việt" của Bách Việt được cấu tạo bởi hai thành phần duy nhất là chữ "Nước" (邑: ấp, quốc gia) ở bên trái và chữ "Người Chim" tay cầm qua ở bên phải. "Người Chim" là yếu tố chủ đạo, phát âm là "Việt", "qua" hay binh khí là yếu tố phụ (hình 15).


oOo


Từ các chứng cớ lịch sử vững chắc đã được công bố bao gồm văn tự của thời đại đồ đồng, hoa văn trên trống đồng, và cổ ngữ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, những phân tích trên đây chứng minh rằng dù được viết bằng Hán ngữ thời Tây Hán hoặc hiện đại thì nội dung và hinh thức của chữ 越, chữ Việt bộ tẩu và 2 thành phần của nó 走 và 戉, hoàn toàn không phải là chữ "Việt" của Bách Việt, nó chỉ là một phiên bản được dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã có trước khi nhà Tây Hán thành lập 3 thế kỷ. Hán sử không trung thực khi ghi chép về Việt tộc, đó là sự thật, và điều đáng tiếc là Tư Mã Thiên, dù với bất kỳ lý do nào, đã xem nhẹ kiến thức và uy tín của tác giả bộ Sử Ký nổi tiếng khi dịch sai tên một chủng tộc. Ông đã bị chính trị ảnh hưởng, hay nói một cách chính xác hơn, đó là một nhầm lẫn được suy tính chu đáo của triều đình nhà Tây Hán trong chính sách tiêu diệt và đồng hóa các thị tộc Bách Việt.

PHỤ LỤC: MỘT CÁCH DỊCH CHỮ "VIỆT" SANG HÁN NGỮ

Chúng ta bắt đầu phần này bằng một câu chuyện về nước Oa (Wa), một quốc gia nằm trong vùng biển phía đông của Hoa lục. " Oa" viết theo Hán ngữ là 倭, là tên do người Hán đặt cho dân tộc này và được họ dùng trong nhiều thế kỷ để tự nhận diện và khi giao tiếp với các triều đình Trung Hoa.

Mãi đến thế kỷ thứ 8, sau khi khám phá ra thâm ý phía sau tên Oa, học giả và trí thức người Oa lập tức dùng một tên khác để thay thế. Chữ Oa (倭) mang ý nghĩa châm biếm và xúc phạm như "phục tùng" hay "thằng lùn", còn tên mới 和 có nghĩa là "hài hòa, hòa bình, và quân bình. "Đại Hòa" (大 和) từng là tên của nước Oa sau thế kỷ thứ 8. Ngày nay người Oa dùng một tên khác mà người Việt thường ưu ái gọi họ là "con cháu Thái Dương Thần Nữ". Đó là đất nước và dân tộc Nhật Bản (日本).

Trong phần chính chữ "Việt" được phân tích theo phương pháp khoa học và căn cứ trên những chứng cớ cụ thể đã được công nhận. Trong phần này ý nghĩa của chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn được suy diễn đơn thuần dựa theo phong tục tập quán của người Việt và vì vậy cách dịch chữ "Việt" ở đây có thể không hoàn toàn khách quan.

1. Chính sử: Thanh gươm của vua Câu Tiễn

Câu Tiễn là một người Việt cổ, làm vua nước Việt từ năm 496 đến 465 TCN. Vương quốc của ông lúc bấy giờ bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô ngày nay và kinh đô đặt tại Hội Kế (Cối Kê) trong tỉnh Chiết Giang. Tỉnh Chiết Giang là nơi có con sông Tiền Đường, giòng sông nơi Thúy Kiều gieo mình tự vẫn nhưng được sư Giác Duyên cứu sống trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du.



Hình 16: Thanh gươm của vua Câu Tiễn được khai quật năm 1965 hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Hồ Bắc, Trung quốc. Nguồn: uncleicko.

Khoảng năm 333 TCN, dưới thời của vua Vô Cương là cháu đời thứ 6 của vua Câu Tiễn, nước Việt bị nước Sở thôn tính và thị tộc U Việt mất nước từ đây.

Tuy vậy, câu chuyện của vị vua người Việt cổ chưa chấm dứt ở đó. Vào năm 1965 người ta khai quật được thanh gươm của ông ở tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc và hiện được trưng bày tại viện bảo tàng của tỉnh này (hình 16).

2. Chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn: một cái nhìn khác

Cảm nhận đầu tiên là sự khác thường của chữ "nước" ( 邑) trong chữ Việt trên thanh gươm so với chữ "nước" ( 邑) của các chữ "Việt" khác trong thời đại đồ đồng. Chính sự khác thường đó là nguồn cảm hứng cho phần này, ngoài "Người Chim", trong chữ "Việt" còn có thêm 2 yếu tố khác.

Hình 17: Tám chữ cổ khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Tám chữ này được viết theo lối điểu ngữ (còn gọi là trùng ngữ). Theo thứ tự chúng được dịch là "Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Gươm" có nghĩa là "Thanh gươm của Vua Câu Tiễn nước Việt tự làm để dùng". Hán tự không có chữ "Gươm". Nhà nghiên cứu Đỗ Thành có phân tích về chữ "Gươm" và "Kiếm" trong bài "Chữ Kiếm trong thanh Gươm của Việt Vương Câu Tiễn". Nguồn: Wikipedia.

Trong hình 18, theo nhận xét thiên về mặt phong tục tập quán và huyền sử hơn là phương diện khoa học và ngữ văn thì chữ "Việt" trên thanh gươm gồm 3 thành phần thay vì 2 như đã trình bày. Ba thành phần đó là các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Người Chim".

Hình 18: Chữ "Việt" (bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn và 3 thành phần cấu tạo của nó.

Trong các phần kế tiếp, các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn sẽ được so sánh với cách viết các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt Văn và thời đại đồ đồng. Kế tiếp, hoa văn khắc trên trống đồng sẽ được dùng để thiết lập mối tương quan với các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Nguời Chim" trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Cuối cùng, huyền sử "Rồng Tiên" phát xuất từ đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ được dùng để góp phần nêu lên sắc thái chung mà người Việt cổ dùng để tự nhận diện và phân biệt họ với các chủng tộc khác.

3. Chữ "Mặt Trời" trong Giáp Cốt Văn và trong chữ"Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Theo Giáp Cốt Văn (hình 19) và cổ ngữ trong thời đại đồ đồng (hình 20), chữ "Mặt Trời" được viết như là một hình tròn hoặc là một hình có 4 cạnh với một cái chấm hay một gạch ngang nằm bên trong. Hình thức hay cách viết của chữ "Mặt Trời" trong các thời kỳ đó thì duy nhất, nghĩa là:

a. Không có bất kỳ chữ nào mang ý nghĩa khác được viết với hình thức đó.

b. Bất kỳ chữ nào được viết với hình thức như vậy đều có nghĩa là "Mặt Trời".

Vì vậy, một thành phần của chữ "Việt", chữ thứ hai tính từ trái sang phải trong hình 18, được xem là chữ "Mặt Trời".



Hình 19: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại Giáp Cốt Văn.




Hình 20: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại đồ đồng.


4. Chữ "Rồng" trong Giáp Cốt Văn và trong chừ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Trong Giáp Cốt Văn (hình 21), chữ "Rồng" là một hình thù cong như thân rắn với một cái đầu to có 2 sừng và đôi khi trên đầu đội vương miện.

     

Hình 21: Bên phải là một số cách viết chữ "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt văn. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của Giáp Cốt văn, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.


5. Chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng và trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Hình 22 trình bày là các chữ "Rồng" trong thời kỳ đồ đồng. Trong giai đoạn này chữ "rồng" được viết sắc sảo hơn với đầu to, miệng và răng, có hai sừng và đội vương miện.


       
Hình 22: Bên phải là các cách viết chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của thời đại đồ đồng, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.

So với chữ "Rồng" của các thời kỳ Giáp Cốt văn và đồ đồng thì một trong các thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, chữ thứ 3 tính từ trái sang phải trong hình 18 được cho là chữ "Rồng".

6. Trống đồng: Chính sử của Bách Việt

Khi toàn bộ Bách Việt ở vùng Hoa Nam bị tiêu diệt và đồng hóa, sử sách của họ cũng cùng chung số phận. Tuy Lạc Việt (Việt Nam) tránh được nạn diệt vong và mất nước nhưng sử sách cũng bị Hán tộc thiêu hủy. Quyển quốc sử cổ xưa nhất của Lạc Việt còn lưu lại là quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) của sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần, quyển này cũng chỉ mới được biên soạn vào năm1272.

May thay, để bổ sung phần nào vào thiếu sót đó là hàng trăm trống đồng cùng những di tích và cổ vật của người Việt cổ được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam trong các thế kỷ qua. Sau đây là sự thật đã được xác lập:

- Hán tộc không có trống đồng.

- Trống đồng do chính người Việt cổ thiết kế và chế tạo.

- Minh văn trên trống đồng phản ảnh sắc thái chủ đạo trong đời sống thực tế của người Việt cổ.

Vì vậy trống đồng là một quyển chính sử của chủng tộc Bách Việt.

7. "Mặt Trời" trong chính sử trống đồng

Về yếu tố "Mặt Trời" thì hiển nhiên không cần lời giải thích dài dòng vì tất cả những trống đồng khai quật được đều có chạm trổ mặt trời ở chính giữa tang trống. Do đó "Mặt Trời" đương nhiên là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của người Việt cổ.



Hình 23: Một ví dụ của chữ "Việt" nguyên thủy được dịch ra Hán ngữ hiện đại. Nó gồm chữ "Nhật" (Hán ngữ: 日 nghĩa là mặt trời - phần bên trái và nằm ở trên), chữ "Long" (Hán ngữ: 龍 nghĩa là "rồng" - phần bên trái, ở dưới), và bên phải là chữ "người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng, tay cầm cái qua" , lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


8. "Rồng" từ đời sống thực tế đến huyền sử

Huyền sử “Con rồng cháu tiên” là câu chuyện thần thoại không có thật nhưng nó phát xuất từ sự việc có thật trong đời sống hằng ngày của người Việt cổ. Chính sử Việt và Trung Hoa ghi nhận rằng dân Bách Việt có tục xâm mình, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau:

Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.

Từ nhận định trên người Việt cổ đã nghĩ ra phương pháp xâm mình để tự bảo vệ khi di chuyển và mưu sinh trên sông hồ. Xâm mình là để thuồng luồng hay giao long "tưởng" họ cùng đồng loại nên sẽ không bị chúng gia hại.

Thoạt tiên mục đích xâm mình đơn thuần chỉ là một biện pháp tự vệ đơn giản, nhưng dần dà, khái niệm tự nhận mình cùng đồng loại hay cho mình là con cháu của rồng được hình thành một cách tự nhiên trong tâm thức của những thế hệ sau. Đồng loại với rồng không phải là câu chuyện thần thoại dựa trên một việc hoang đường, trái lại nó bắt nguồn từ ngay trong đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ, nên "Rồng" được xem là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của dân Bách Việt.

9. "Người Chim" trong chính sử trống đồng

Tùy theo niên đại và thị tộc khác nhau, các trống đồng được khai quật có kích thước, phẩm chất và những minh văn khác nhau, nhưng đặc biệt hầu hết các trống đồng đều có chạm trổ những Người Chim, tay cầm qua hay binh khí và ở trong tư thế nhảy múa. Tương tự như sự hình thành khái niệm “con Rồng”, khái niệm “cháu Tiên” được bắt nguồn từ phong tục hóa trang thành Người Chim, một trong những tập quán nổi bật nhất của của người Việt cổ.

oOo

Tóm lại nếu có ai hỏi Việt là gì thì câu trả lời nên là: Việt là "Mặt Trời", là "Rồng", là "Người Chim" (Tiên). Đó là 3 yếu tố chủ đạo để nhận diện chủng tộc Bách Việt. Khái niệm Rồng của Bách Việt phát xuất từ đời sống thực tế qua phong tục xâm mình, còn khái niệm Rồng của Hán tộc thì bắt nguồn từ đâu? Thắc mắc này được dùng để kết thúc phần phụ lục.

KẾT LUẬN

Tại sao nhà Tiền Hán không sửa đổi tên các nước Chu, Tề, Hàn, Triệu, v.v... mà họ lại đặc biệt làm điều này đối với Bách Việt? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời và chúng có thể không giống nhau. "Việt" là tên gọi chung của các chủ nhân vùng đất phía nam Trường Giang, dùng "Việt" thì có khã năng hiệu triệu và thống nhất toàn thể Việt tộc, tạo nên một sức mạnh có khã năng đối đầu và thách thức quyền lực của Hán triều trên toàn vùng Lĩnh Nam và Giao Chỉ. Chẳng hạn như sự trỗi dậy và hùng cường của các vương quốc Việt tộc như Sở, Ngô, và Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc, hoặc chính nhờ sự hậu thuẫn của Bách Việt nên Triệu Đà mới dám xưng Nam Việt Vũ Đế tạo được thanh thế ngang ngửa với nhà Tây Hán, hay sự đồng loạt hưởng ứng của các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đối với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, v.v... Nói chung nếu không tiêu diệt và đồng hóa được Bách Việt thì Hán tộc sẽ không bao giờ chiếm và bình định được vùng đất phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh. Bắt đầu chính sách ấy với việc cấm dùng chữ "Việt" nguyên thủy và thay bằng một tên khác, chữ "Việt bộ Tẩu", người Hán đã thành công lấy được toàn cõi Hoa Nam; nhưng chưa dừng lại ở đó, họ vẫn đang tiếp tục tràn xuống và mục tiêu lần này là Biển Đông Nam Á và căn cứ cuối cùng của Việt tộc.

Lịch sử Bách Việt chứng tỏ không kém phần phong phú khi được hé lộ qua kỹ thuật đúc gươm, trống đồng, cùng những di tích và cổ vật khác được khai quật trong vài thế kỷ qua, đáng tiếc là nền văn minh và văn hóa ấy đã liên tục bị tiêu diệt trong suốt hơn 1000 năm, lãnh thổ thì mất cả chỉ còn lại một dãi nhỏ hẹp. Bị gián đoạn hơn 10 thế kỷ khiến sử Việt thiếu hẳn phần đầu, có chăng thì cũng mù mờ, đầy bí ẩn; phần sau của lịch sử cũng chỉ mới bắt đầu khi người anh hùng xứ Đường Lâm, Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, thành công bảo vệ thành trì cuối cùng của Bách Việt bằng một trận đánh đẫm máu trên sông Bạch Đằng năm 938.

Từ kỷ nguyên Internet đọc lại chính sử trên văn tự cổ, trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, trên trống đồng, và đời sống thực tế của người Việt cổ, hậu duệ của họ không những có trách nhiệm viết đúng lại tên Bách Việt để phản ảnh sự nhất quán của cổ nhân về tên chủng tộc, mà còn có bổn phận đào xới và minh bạch hóa lịch sử của chủng tộc vốn là chủ nhân của một lãnh thổ rộng lớn và trù phú. Vì vậy, viết lại tên Bách Việt là khởi đầu cho công cuộc làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử bị gián đoạn, đồng thời cũng là lời mở đầu cho một quyển sử mới với hy vọng trong đó có chép cuộc hành trình về lại vùng Lĩnh Nam của hậu duệ người Việt cổ.

Thung lũng Hoa vàng
Mồng Một Tết Nhâm Thìn tức ngày 23 tháng 1 năm 2012

(*)Tác giả Nguyễn Đại Việt là tiến sĩ trong ngành điện toán, chuyên nghiên cứu và phát triển Integrated Circuits và Microprocessor cho kỹ nghệ Semiconductor. Ông là thành viên trong Ban nghiên cứu Á Châu của Nguyễn Thái Học Foundation.




Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này